Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 37: Thực hành lên men lactic

Nội dung hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 37: Thực hành lên men lactic. giúp các em củng cố kiến thức và bám sát nội dung bài tập SGK, đồng thời rèn luyện kĩ năng làm bài tập về ứng dụng kiến thức lên men lactic trong thực tiễn đời sống. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 37: Thực hành lên men lactic

1. Giải bài 1 trang 126 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Vì sao sữa chuyển từ trạng thái lỏng sang trạng thái đặc sệt (đông tụ) và có vị chua khi làm sữa chua? Viết phương trình phản ứng và giải thích.

Phương pháp giải

- Prôtêin trong sữa có đặc tính kết tủa khi pH thấp. Viết phương trình phản ứng và giải thích.

Hướng dẫn giải

- Sữa chuyển từ trạng thái lỏng sang trạng thái đặc sệt và có vị chua vì vi khuẩn lactic đã biến đường trong sữa thành axit lactic, đồng thời các prôtêin phức tạp đã chuyển thành các prôtêin đơn giản dễ tiêu, sản phẩm axit làm pH giảm và lượng nhiệt được sinh ra là nguyên nhân làm sữa đông tụ.

→ Vì thế sữa chua có vị ngọt của sữa giảm hơn so với nguyên liệu sữa ban đầu, vị chua tăng lên và ở dạng đông tụ.

2. Giải bài 2 trang 126 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Người ta nói sữa chua là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng có đúng không? Vì sao?

Phương pháp giải

- Quá trình lên men lactic đã tạo ra nhiều sản phẩm trong sữa chua.

Hướng dẫn giải

- Người ta nói sữa chua là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng là đúng vì: Trong sữa chua có nhiều prôtêin dễ tiêu, có nhiều vitamin được hình thành trong quá trình lên men lactic.

3. Giải bài 3 trang 126 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Khi muối dưa người ta thường cho thêm một ít nước dưa cũ, 1 - 2 thìa đường để làm gì? Tại sao khi muối dưa, người ta phải đổ ngập nước và nén chặt rau, quả?

Phương pháp giải

- Muối dưa cần dựa vào quá trình lên men lactic của vi khuẩn.

Hướng dẫn giải

- Khi muối dưa người ta thường cho thêm một ít nước dưa cũ để cung cấp các vi khuẩn lactic và làm giảm độ pH của môi trường tạo điều kiện cho vi khuẩn lactic phát triển.

- Thêm 1 - 2 thìa đường để cung cấp thức ăn ban đầu cho vi khuẩn lactic, nhất là với loại rau, quả dùng để muối dưa có hàm lượng đường thấp dưới 5%.

- Khi muối dưa người ta thường đổ ngập nước và nén chặt rau, quả để tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn lactic phát triển đồng thời hạn chế sự phát triển của vi khuẩn lên men thối

4. Giải bài 4 trang 126 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Khi muối dưa người ta có thể phơi dưa ở chỗ nắng nhẹ hoặc chỗ râm cho se mặt để làm gì?

Phương pháp giải

- Ánh nắng mặt trời mang nhiệt độ cao và có tia UV.

Hướng dẫn giải

- Trước khi muối dưa người ta phơi rau, quả ở chỗ nắng nhẹ hoặc chỗ râm cho se mặt để giảm hàm lượng nước trong rau, quả.

5. Giải bài 5 trang 126 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Rau, quả muốn làm dưa chua phải có điều kiện gì? Nếu không đạt được điều kiện ấy phải làm như thế nào?

Phương pháp giải

- Làm dưa chua là dựa vào quá trình lên men lactic.

Hướng dẫn giải

- Rau, quả muốn làm dưa chua phải có hàm lượng đường trong rau, quả trên 5 - 6%. Nếu thấp hơn thì phải bổ sung thêm đường.

6. Giải bài 6 trang 126 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Nếu dưa để lâu sẽ bị khú. Vì sao?

Phương pháp giải

- Dưa để lâu chính là môi trường nuôi cấy không liên tục, không được bổ sung dinh dưỡng, không lấy bớt các sản phẩm.

Hướng dẫn giải

- Dưa chua để lâu sẽ bị khú vì: Trong quá trình muối dưa - tạo điều kiện cho vi khuẩn lactic hoạt động, hàm lượng axit lactic tăng dần đến một mức độ nào đó sẽ ức chế sự phát triển của vi khuẩn lactic lúc đó một loại nấm men có thể phát triển được trong môi trường có độ pH thấp làm giảm hàm lượng axit lactic. Khi hàm lượng axit lactic giảm đến mức độ nhất định thì vi khuẩn lên men thối sẽ phát triển được làm khú dưa.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM