Giải bài tập SGK Lịch Sử 9 Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp
Bài này sẽ giúp các em nắm vững được lý thuyết cũng như cách giải các bài tập của bài Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp với cách làm đầy đủ, chi tiết và rõ ràng. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 109 SGK Lịch sử 9
Tại sao cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của nhân dân ta bùng nổ ngày 19-12-1946?
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung chính về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (19-12-1946) được trình bày trong SGK Lịch sử 9 trang 108, 109 để lí giải.
Gợi ý trả lời
- Sau Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946), ta đã thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung kí kết, nhưng với âm mưu xâm lược lâu dài đất nước ta, Pháp đã bội ước và tăng cường các hành động khiêu khích:
+ Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp tấn công các cơ sở cách mạng, vùng tự do, căn cứ địa của ta.
+ Ở Bắc Bộ, ngày 20-11-1946, Pháp đánh chiếm một số vị trí quan trọng ở thành phố Hải Phòng, nổ súng vào quân ta ở thị xã Lạng Sơn.
+ Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12-1946, thực dân Pháp liên tiếp gây ra những cuộc xung đột vũ trang.
+ Đặc biệt là ngày 18-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Pháp tuyên bố: nếu ta không chấp nhận thì ngày 20-12-1946, chúng sẽ hành động.
→ Trước những hành động xâm lược của thực dân pháp, nhân dân ta chỉ có con đường kháng chiến bảo vệ độc lập tự do.
- Ngày 18, 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
- Ngay trong đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
→ Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bùng nổ.
2. Giải bài 2 trang 109 SGK Lịch sử 9
Đường lối kháng chiến tàn dân, toàn vẹn, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của Đảng được cụ thể hóa ra sao?
Phương pháp giải
Từ các kiến thức đã học và nội dung chính được trình bày ở SGK Lịch sử 9 trang 108, 109 về đường lối kháng chiến của Đảng để trả lời.
Gợi ý trả lời
Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của Đảng được nêu ra trong:
+ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh.
+ Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
+ Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổn bí thư Trường Chinh.
* Thứ nhất, kháng chiến toàn dân:
- Xuất phát từ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, từ tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Trong đó lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt.
- Để phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân tộc, Đảng tổ chức, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái,... cùng tham gia một mặt trận dân tộc thống nhất (Mặt trận Việt Minh).
- Có lực lượng toàn dân tham gia mới thực hiện được kháng chiến toàn diện và tự lực cánh sinh.
* Thứ hai, kháng chiến toàn diện:
- Do địch đánh ta toàn diện nên ta phải chống lại toàn diện.
- Cuộc kháng chiến của ta bao gồm cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục ngoại giao,... nhằm phát huy khả năng của mỗi người trên từng lĩnh vực, tạo ra sức mạnh tổng hợp.
+ Về quân sự: thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích.
+ Về chính trị: Năm 1948, tại Nam Bộ, bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã đến cấp tỉnh; Ở nhiều nơi, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp được củng cố và kiện toàn.
+ Về kinh tế: ta chủ trương phá hoại kinh tế của địch, xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc.
+ Về văn hoá, giáo dục: tháng 7-1950, Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông.
+ Về ngoại giao: Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau đó, Trung Quốc, Liên Xô, lần lượt các nước dân chủ nhân dân khác công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.
- Đồng thời ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tức là xây dựng chế độ mới nên phải kháng chiến toàn diện.
* Thứ ba, kháng chiến trường kì:
- So sánh lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chênh lệch, địch mạnh hơn ta nhiều về mọi mặt, ta chỉ hơn địch về tinh thần và chính nghĩa. Do đó ta phải có thời gian để chuyển hóa lực lượng làm cho địch yếu dần, phát triển lực lượng của ta, tiến lên đánh bại kẻ thù.
- Thông qua cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 và Chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947 thấy rõ chủ trương đánh bại kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh”, buộc thực dân Pháp phải chuyển qua đánh lâu dài của Đảng ta.
* Thứ tư, kháng chiến tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế:
- Mặc dù rất coi trọng thuận lợi và sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng vận mệnh của dân tộc ta phải do nhân dân ta quyết định, phải dựa vào sức mạnh của ta, sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là điều kiện hỗ trợ.
- Đảng và nhân dân nhận thức được rằng: xây dựng nền chính trị, kinh tế, giáo dục,… vững mạnh chính là tiềm lực để thực hiện kháng chiến tự lực cánh sinh.
- Mặc dù vậy, Đảng ta luôn tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
3. Giải bài 3 trang 109 SGK Lịch sử 9
Phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu thắng lợi ở đô thị và chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung SGK Lịch sử 9 trang 105, 108 về chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 để phân tích, đánh giá.
Gợi ý trả lời
* Ý nghĩa của cuộc chiến đấu thắng lợi ở các đô thị:
- Làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố, tạo điều kiện cho cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta chuyển lên Việt Bắc an toàn.
- Tạo ra thế trận cho chiến tranh nhân dân, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, toàn dân, toàn diện.
- Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp bước đầu bị phá sản.,
* Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947:
- Đây là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của ta giành được thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp.
- Căn cứ Việt Bắc vẫn được giữ vững, bộ đội chủ lực ngày càng trưởng thành.
- Chiến thắng này đã chứng minh sự đúng đắn về đường lối kháng chiến lâu dài của Đảng.
- Làm thất bại âm mưu “Đánh nhanh thắng nhanh” buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.
- Sau chiến thắng Việt Bắc, ta có thêm điều kiện để xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến toàn quốc, toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh.
- Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Tham khảo thêm
- doc Giải bài tập SGK Lịch Sử 9 Bài 26: Bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Pháp
- doc Giải bài tập SGK Lịch Sử 9 Bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp kết thúc