Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 25: Phong trào Tây Sơn
Giải bài tập SGK Lịch sử lớp 7 bài 25: Phong trào Tây Sơn là tài liệu học tốt môn Lịch sử lớp 7 được eLib sưu tầm và đăng tải. Hi vọng sẽ giúp các bạn giải bài tập Lịch sử 7 nhanh chóng và chính xác. Chúc các bạn đạt kết quả cao trong học tập.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 122 SGK Lịch sử 7
Hãy nêu những nét chính về tình hình xã hội Đàng Trong ở nửa sau thế kỉ XVIII.
Phương pháp giải
Từ các kiến thức đã học và dựa vào mục 1 SGK Lịch sử 7 trang 119, 120 để trả lời.
- Chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong suy yếu dần.
- Cường hào đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ.
- Nông dân bị địa chủ, cường hào lấn chiếm ruộng đất.
- Nhân dân phải nộp nhiều thứ thuế...
Hướng dẫn giải
Tình hình xã hội ở Đàng Trong nửa sau thế kỉ XVIII:
- Từ giữa thế kỉ XVIII, chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong suy yếu dần.
- Việc mua quan, bán tước phổ biến, số quan lại ngày càng tăng. Quan lại, cường hào kết thành bè cánh, đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ và đua nhau ăn chơi xa xỉ. Trương Phúc Loan nắm hết quyền hành, tự xưng “quốc phó” và khét tiếng tham nhũng.
- Nông dân bị địa chủ, cường hào lấn chiếm ruộng đất. Nhân dân phải nộp nhiều thứ thuế.
- Thương nhân, thợ thủ công, đặc biệt là các dân tộc thiểu số miền núi cũng bất bình sâu sắc với chính quyền họ Nguyễn. Họ phải nộp lâm thổ sản như ngà voi, sừng tê, mật ong…
→ Cuộc sống của người dân ngày càng cơ cực, nên đứng dậy đấu tranh.
2. Giải bài 2 trang 122 SGK Lịch sử 7
Tại sao nhân dân hăng hái tham gia khởi nghĩa Tây Sơn ngay từ đầu?
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung chính mục 2 SGK Lịch sử 7 trang 121 để lí giải.
- Do mâu thuẫn xã hội.
- Huy động đông đảo lực lượng nhân dân tham gia.
- Do các hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn hợp lòng dân.
Hướng dẫn giải
- Do sự mục nát của chính quyền Đàng Trong làm cho đời sống của nông dân và các tầng lớp lao động nghèo khác trở nên cùng cực. Những mâu thuẫn xã hội ở Đàng Trong ngày càng dâng cao.
- Trước khởi nghĩa Tây Sơn đã có nhiều phong trào khởi nghĩa của nông dân đã diễn ra và huy động được đông đảo lực lượng nhân dân tham gia.
- Do các hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn như: xóa nợ cho nông dân, bãi bỏ nhiều thứ thuế và chủ trương "lấy của người giàu chia cho người nghèo" rất hợp lòng dân.
→ Vì vậy, nhân dân hăng hái tham gia khởi nghĩa Tây Sơn ngay từ đầu.
3. Giải bài 1 trang 125 SGK Lịch sử 7
Tại sao Nguyễn Huệ chọn khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến?
Phương pháp giải
Dựa vào các kiến thức đã học kết hợp với nội dung mục 2 SGK Lịch sử 7 trang 124 để suy luận trả lời.
Chủ yếu do địa hình hiểm yếu:
Hướng dẫn giải
Sở dĩ Nguyễn Huệ chọn khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến vì:
- Vị trí hiểm yếu: Đoạn Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 6km, rộng hơn 1km, có chỗ gần 2km.
- Có nhiều cồn, cù lao, hai bên bờ sông cây cối rậm rạp.
- Địa hình này thuận lợi để dấu quân phục kích dành thế chủ động, bất ngờ tấn công tiêu diệt quân giặc.
4. Giải bài 2 trang 125 SGK Lịch sử 7
Dựa vào lược đồ, em hãy trình bày diễn biến trận Rạch Gầm - Xoài Mút.
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung mục 2 SGK Lịch sử 7 trang 124, 125 để trả lời.
- Tháng 1-1785, Nguyễn Huệ được lệnh tiến quân vào Gia Định, chọn sông Tiền làm địa bàn mai phục
- Ngày 19-1-1785, Nguyễn Huệ dùng mưu nhử quân địch vào trận địa mai phục
- Binh lính Xiêm bị tiêu diệt gần hết, Nguyễn Ánh sang Xiêm lưu vong.
Hướng dẫn giải
Diễn biến trận Rạch Gầm - Xoài Mút:
- Tháng 1-1785, Nguyễn Huệ được lệnh tiến quân vào Gia Định, đóng đại bản doanh ở Mĩ Tho, chọn khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (Châu Thành - Tiền Giang) làm trận địa quyết chiến.
- Bố trí xong trận địa, mờ sáng ngày 19-1-1785, Nguyễn Huệ dùng mưu nhử quân địch vào trận địa mai phục. Thuỷ binh ta từ Rạch Gầm, Xoài Mút và cù lao Thới Sơn đồng loạt xông thẳng vào đội hình địch đang xuôi theo dòng nước.
- Bị tấn công bất ngờ và mãnh liệt, chiến thuyền quân Xiêm tan tác hoặc bị đốt cháy. Binh lính Xiêm bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn vài nghìn tên sống sót theo đường bộ chạy về nước. Nguyễn Ánh thoát chết, sang Xiêm lưu vong.
→ Kết quả: kết thúc thắng lợi.
5. Giải bài 3 trang 125 SGK Lịch sử 7
Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Phương pháp giải
Từ hiểu biết của bản thân và dựa vào nội dung mục 3 SGK Lịch sử 7 trang 117, 118 để trả lời.
- Trận thuỷ chiến lớn và lừng lẫy nhất trong lịch sử dân tộc.
- Đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới.
Hướng dẫn giải
* Ý nghĩa chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút:
- Là một trong những trận thuỷ chiến lớn và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
- Chiến thắng chống quân xâm lược Xiêm đã đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới. Từ đây, phong trào Tây Sơn trở thành phong trào quật khởi của cả dân tộc.
6. Giải bài 1 trang 126 SGK Lịch sử 7
Em hãy kể những hoạt động của Nguyễn Huệ ở Bắc Hà từ năm 1786 đến năm 1788.
Phương pháp giải
Từ những kiến thức đã học và dựa vào nội dung SGK Lịch sử 7 trang 125-127 để trả lời.
- Tháng 6-1786, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong.
- Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ đánh vào Thăng Long.
- Giữa năm 1788 Xây dựng chính quyền ở Bắc Hà.
Hướng dẫn giải
Những hoạt động của Nguyễn Huệ ở Bắc Hà từ năm 1786 đến năm 1788:
- Tháng 6-1786, quân Tây Sơn nhanh chóng tiêu diệt quân Trịnh ở thành Phú Xuân. Thừa thắng, Nguyễn Huệ đưa quân ra Nam sông Gianh, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong.
- Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ đánh vào Thăng Long, chúa Trịnh bị dân bắt và nộp cho quân Tây Sơn. Chính quyền chúa Trịnh tồn tại hơn 200 đến đây sụp đổ.
- Giữa năm 1788 Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng Long và xây dựng chính quyền ở Bắc Hà.
7. Giải bài 2 trang 126 SGK Lịch sử 7
Quân Tây Sơn đã lật đổ chính quyền phong kiến Nguyễn, Trịnh và Lê như thế nào?
Phương pháp giải
Dựa vào kiến thức cả bài để trả lời.
- Lật đổ chính quyền phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong.
- Lật đổ chính quyền phong kiến chúa Trịnh ở Đàng Ngoài
+ Tháng 6-1786, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong.
+ Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ đánh vào Thăng Long
- Sự sụp đổ của chính quyền vua Lê ở Đàng Ngoài
- Giữa năm 1788 Xây dựng chính quyền ở Bắc Hà.
Hướng dẫn giải
* Lật đổ chính quyền phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong:
- Biết quân Tây Sơn nổi dậy, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài phái quân vào chiếm kinh thành Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn chống lại không nổi, vượt biển vào Gia Định.
- Nghĩa quân Tây Sơn ở vào thế bất lợi: phía Bắc có quân Trịnh, phía Nam có quân Nguyễn.
- Nhận thấy thế lực quân Trịnh còn mạnh, Nguyễn Nhạc đã tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh để dồn sức đánh quân Nguyễn trước.
* Lật đổ chính quyền phong kiến chúa Trịnh ở Đàng Ngoài:
- Tháng 6-1786, quân Tây Sơn nhanh chóng tiêu diệt quân Trịnh ở thành Phú Xuân. Thừa thắng, Nguyễn Huệ đưa quân ra Nam sông Gianh, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong.
- Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ đánh vào Thăng Long, chúa Trịnh bị dân bắt và nộp cho quân Tây Sơn. Chính quyền chúa Trịnh tồn tại hơn 200 đến đây sụp đổ.
- Nguyễn Huệ vào Thăng Long, giao chính quyền ở Đàng Ngoài cho vua Lê.
* Sự sụp đổ của chính quyền vua Lê ở Đàng Ngoài:
- Trên đường trở về Nam, Nguyễn Huệ cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Nghệ An giúp trấn thủ Nguyễn Văn Duệ.
- Sau khi Tây Sơn rút, tình hình Bắc Hà lại trở nên rối loạn, vua Lê Chiêu Thống mời Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp dẹp loạn.
- Sau khi giúp vua Lê đánh tan các tàn dư của họ Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh lại lộng quyền. Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm tiến quân ra Bắc trị tội Chỉnh. Diệt được Chỉnh, Nhậm lại kiêu căng và có mưu đồ riêng.
- Giữa năm 1788, Nguyễn Huệ tiến công ra Thăng Long diệt Nhậm. Bấy giờ, bè lũ Lê Chiêu Thống đã trốn sang Kinh Bắc. Nguyễn Huệ cùng các sĩ phu đã dốc sức xây dựng chính quyền ở Bắc Hà.
8. Giải bài 3 trang 126 SGK Lịch sử 7
Yếu tố nào giúp quân Tây Sơn lật đổ được các chính quyền đó?
Phương pháp giải
Dựa vào kiến thức cả bài để phân tích, lí giải.
- Nghĩa quân Tây Sơn được lòng dân.
- Sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ.
- Đường lối đúng đắn.
Hướng dẫn giải
Quân Tây Sơn lật đổ được các chính quyền vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn do yếu tố
- Nghĩa quân Tây Sơn ngay từ những ngày đầu dấy binh khởi nghĩa đã được lòng dân, được quần chúng nhân dân ủng hộ.
- Nghĩa quân được đặt dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh khác như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp,...với đường lối đúng đắn, đưa ra khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh” để thu hút lực lượng dân dân tham gia.
Tham khảo thêm
- doc Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 22: Sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền (thế kỉ XVI - XVIII)
- doc Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 23: Kinh tế, văn hoá thế kỉ XVI - XVIII
- doc Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 24: Khởi nghĩa nông dân Đàng ngoài thế kỉ XVIII
- doc Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 26: Quang Trung xây dựng đất nước