Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 15: Sự phát triển kinh tế và văn hoá thời Trần

Mời các em học sinh cùng tham khảo nội dung hướng dẫn giải bài tập SGK bài 15 môn Lịch sử 7 được eLib biên soạn và tổng hợp dưới đây. Tài liệu này cung cấp cho các em đầy đủ nội dung của 4 bài tập có phương pháp và hướng dẫn giải cụ thể, chi tiết. Hy vọng đây sẽ là tài liệu bổ ích giúp các em học sinh lớp 7 học thật tốt!

Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 15: Sự phát triển kinh tế và văn hoá thời Trần

1. Giải bài 1 trang 70 SGK Lịch sử 7

Thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Trần sau chiến tranh có gì mới?

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào nội dung mục 1 SGK Lịch sử 7 trang 69, 70 để suy luận trả lời.

- Thủ công nghiệp: rất phát triển và được mở rộng nổi bật là nghề làm đồ gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy và khắc bản in, nghề mộc và xây dựng, khai khoáng,...

- Thương nghiệp: Buôn bán tấp nập, chợ búa mọc lên ở nhiều nơi, việc buôn bán với thương nhân nước ngoài được đẩy mạnh.

Hướng dẫn giải

Thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Trần sau chiến tranh đều rất phát triển:

* Thủ công nghiệp:

- Thủ công nghiệp nhà nước: rất phát triển và được mở rộng nhiều ngành nghề như: làm đồ gốm tráng men, dệt vải, chế tạo vũ khí, đóng thuyền đi biển,...

- Thủ công nghiệp nhân dân: rất phổ biến và phát triển, nổi bật là nghề làm đồ gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy và khắc bản in, nghề mộc và xây dựng, khai khoáng,...

- Một số thợ thủ công cùng nghề như làm đồ gốm, dệt vải lụa, nhuộm, làm giấy,… tụ họp lại, thành lập làng nghề, phường nghề.

- Các mặt hàng thủ công càng ngày càng tốt, càng đẹp hơn do trình độ kĩ thuật được nâng cao như thạp gốm hoa nâu, gạch đất nung chạm khắc nổi,… là những sản phẩm thủ công tiêu biểu thời Trần.

* Thương nghiệp:

- Nội thương:

+ Buôn bán tấp nập, chợ búa mọc lên ở nhiều nơi.

+ Xuất hiện một số thương nhân, thường tập trung ở các đô thị, thương cảng.

+ Thăng Long là trung tâm kinh tế khá sầm uất của cả nước, có nhiều phường thủ công, nhiều chợ lớn thu hút người buôn bán các nơi.

- Ngoại thương: việc buôn bán với thương nhân nước ngoài được đẩy mạnh qua cảng Vân Đồn.

2. Giải bài 2 trang 70 SGK Lịch sử 7

Em hãy trình bày vài nét về tình hình xã hội thời Trần

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung mục 1 SGK Lịch sử 7 trang 69, 70 để suy luận trả lời.

Xã hội thời Trần ngày càng có sự phân hóa:

- Tầng lớp vương hầu, quý tộc là tầng lớp có đặc quyền, đặc lợi.

- Địa chủ có nhiều ruộng đất tư 

- Nông dân là tầng lớp đông đảo nhất

- Tầng lớp thợ thủ công, thương nhân chiếm tỉ lệ nhỏ 

- Nông nô, nô tì là tầng lớp thấp kém nhất

Hướng dẫn giải

Sau kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, xã hội thời Trần ngày càng có sự phân hóa:

- Tầng lớp vương hầu, quý tộc: tích thêm nhiều ruộng đất, là tầng lớp có đặc quyền, đặc lợi.

- Địa chủ: có nhiều ruộng đất tư cho nông dân cày cấy để thu tô.

- Nông dân:  cày cấy ruộng công ở các làng xã là tầng lớp đông đảo nhất, nông dân lĩnh canh đông hơn trước.

- Tầng lớp thợ thủ công, thương nhân: chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng ngày càng đông.

- Nông nô, nô tì: là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, họ bị lệ thuộc vào quý tộc.

3. Giải bài 1 trang 73 SGK Lịch sử 7

Em có nhận xét gì về tình hình văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật thời Trần?

Phương pháp giải

Dựa vào các kiến thức đã học kết hợp với nội dung mục 1,2 SGK Lịch sử 7 trang 71, 72 để rút ra nhận xét.

- Về văn hóa: Đạo phật, nho giáo phát triển, các hình thức sinh hoạt văn hóa như ca hát, nhảy múa, chèo tuồng...rất phổ biến.

- Về giáo dục: các kì thi được tổ chức ngày càng nhiều, có quy củ và nề nếp.

- Về khoa học: khoa học lịch sử, quân sự, y học và thiên văn học đều đạt được những thành tựu

- Về nghệ thuật: có nhiều công trình kiến trúc mới

Hướng dẫn giải

- Về văn hóa:

+ Những tín ngưỡng cổ truyền vẫn phổ biến trong nhân dân và có phần phát triển hơn như tục thờ cúng tổ tiên, thờ các anh hung dân tộc,…

+ Đạo Phật phát triển, tuy nhiên không bằng thời Lý.

+ Nho giáo ngày càng phát triển, các nhà nho được bổ nhiệm giữ những chức vụ quan trọng.

+ Nhân dân ưa thích các hình thức sinh hoạt văn hóa như ca hát, nhảy múa, chèo tuồng, múa rối, đấu vật, cướp cầu, đua thuyền,… Các hoạt động này rất phổ biến và phát triển.

+ Các tập quán sống giản dị như đi chân đất, áo quần đơn giản rất phổ biến.

- Về giáo dục:

+ Quốc tử giám mở rộng việc đào tạo con em quý tộc, quan lại. Các lộ, phủ quanh kinh thành đều có trường công. Trong nhân dân, các làng xã có trường tư.

+ Các kì thi được tổ chức ngày càng nhiều, có quy củ và nề nếp.

- Về khoa học: Các ngành khoa học lịch sử, quân sự, y học và thiên văn học đều đạt được những thành tựu đáng kể: bộ "Đại Việt sử kí", tác phẩm "Binh thư yếu lược",…

- Về nghệ thuật:

+ Nhiều công trình kiến trúc mới, có giá trị ra đời như: tháp Phổ Minh (Nam Định), thành Tây Đô (Thanh Hóa),…

+ Phổ biến điêu khắc các hình, tượng hổ, sư tử, trâu, chó và các quan hầu bằng đá. Hình rồng khắc trên đá trau chuốt, có sừng uy nghiêm.

* Nhận xét:

- Tình hình văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật thời Trần phát triển mạnh mẽ hơn thời Lý.

- Đã đạt được nhiều thành tựu về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật.

- Có sự phát triển trên là do các chính sách quan tâm của nhà Trần trên tất cả các mặt, tạo điều kiện cho văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật phát triển.

→ Chứng tỏ Đại Việt dưới thời Trần là một quốc gia cường thịnh.

4. Giải bài 2 trang 73 SGK Lịch sử 7

Tại sao văn học, khoa học, giáo dục thời Trần phát triển? 

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính được trình bày ở SGK Lịch sử 7 trang 71, 72 để lí giải. 

- Do những chính sách của nhà nước.

- Nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định

- Lòng tự hào, tự cường dân tộc 

Hướng dẫn giải

- Văn hoá, khoa học, giáo dục thời Trần phát triển là do những chính sách quan tâm đúng đắn cùng với các biện pháp cụ thể của nhà nước.

- Nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định có điều kiện phát triển khoa học, giáo dục trong cả nước.

- Lòng tự hào, tự cường dân tộc được củng cố và nâng cao sau cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thắng lợi.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM