Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 6: Đất nước nhiều đồi núi

Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong sách SGK Địa lí 12 Bài 6: Đất nước nhiều đồi núi được eLib biên soạn và tổng hợp dưới đây, mời các bạn tham khảo!

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 6: Đất nước nhiều đồi núi

1. Giải bài 1 trang 32 SGK Địa lí 12

Nêu các đặc điểm chung của địa hình Việt Nam.

Phương pháp giải

Để phân tích đặc điểm chung của địa hình Việt Nam cần nắm các đặc điểm sau: 

- Đồi núi chiếm phần lớn diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp.

- Cấu trúc địa hình khá đa dạng.

- Địa hình chịu tác động mạnh mẽ của con người.

Gợi ý trả lời

Đặc điểm chung của địa hình Việt Nam:

- Đồi núi chiếm phần lớn diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp:

+ Đồi núi chiếm tới ¾ diện tích lãnh thổ, đồng bằng chỉ chiếm ¼ diện tích.

+ Trên phạm vi cả nước, địa hình đồng bằng và đồi núi thấp (dưới 1000m) chiếm tới 85%, địa hình cao (trên 2000m) chỉ chiếm 1%.

- Cấu trúc địa hình khá đa dạng:

+ Địa hình nước ta có cấu trúc cổ được vận động Tân kiến tạo làm trẻ hóa, tạo nên sự phân bậc rõ rệt theo độ cao, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và phân hóa đa dạng.

+ Cấu trúc địa hình gồm 2 hướng chính:

  • Hướng Tây Bắc – Đông Nam thể hiện rõ rệt từ hưu ngạn sông Hồng đến dãy Bạch Mã.
  • Hướng vòng cung thể hiện ở vùng núi Đông Bắc và khu vực Trường Sơn Nam,

- Địa hình của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa:

+ Xâm thực mạnh ở miền đồi núi.

+ Bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu sông.

- Địa hình chịu tác động mạnh mẽ của con người:

+ Con người nổ mìn khai thác đá, phá núi làm đường (hầm đèo Hải Vân)

+ Đắp đê ngăn lũ, đồng bằng sông Hồng với hệ thống đê điều dày đặc, làm phân chia thành địa hình trong và ngoài đê.

+ Phá rừng đầu nguồn, gây nên hiện tượng đất trượt đá lở; xây dựng nhà máy thủy điện…

2. Giải bài 2 trang 32 SGK Địa lí 12

Hãy nêu những điểm khác nhau về địa hình giữa 2 vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc.

Phương pháp giải

Phân tích, tổng hợp và so sánh để tìm ra điểm khác nhau cơ bản giữa 2 vùng núi về giới hạn, hướng núi, độ cao và các bộ phận địa hình.

Gợi ý trả lời

- Vùng Đông Bắc:

+ Giới hạn: nằm ở phía đông của thung lũng sông hồng.

+ Hướng: vòng cung, gồm 4 cánh cung lớn: Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều, chụm lại ở Tam Đảo và mở rộng về phía Bắc và Đông Bắc.

+ Địa hình thấp dần theo hướng tây bắc – đông nam.

+ Các đỉnh núi cao trên 2000m nằm ở thượng nguồn sông Chảy, các sơn nguyên đá vôi ở Cao Bằng, Hà Giang và vùng trung tâm chủ yếu là đồi núi thấp.

+ Các sông lớn cũng có hướng vòng cung: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam,...

- Vùng Tây Bắc:

+ Giới hạn: giữa sông Hồng và sông Cả.

+ Đây là khu vực địa hình cao nhất cả nước và có hướng tây bắc – đông nam.

+ Khu vực chia thành 3 vùng địa hình: phía đông là dãy Hoàng Liên Sơn cao đồ sộ, phía tây là các dãy núi trung bình chạy dọc biên giới Việt – Lào, còn ở giữa là các cao nguyên, sơn nguyên đá vôi từ Phong Thổ đến Mộc Châu.

+ Các sông có hướng Tây Bắc Đông Nam: sông Đà, sông Mã, sông Chu,...

3.  Giải bài 3 trang 32 SGK Địa lí 12

Địa hình vùng núi Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam khác nhau như thế nào?

Phương pháp giải

Phân tích tổng, hợp, so sánh các tiêu chí về vị trí địa lí giới hạn, độ cao, hướng núi, cấu trúc địa hình và hình thái để chỉ ra sự khác nhau về địa hình vùng núi Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.

Gợi ý trả lời

- Trường Sơn Bắc:

+ Giới hạn: từ sông Cả đến dãy Bạch Mã

+ Hướng tây bắc đông nam.

+ Địa hình hẹp ngang, gồm các dãy núi chạy song song so le nhau, nâng cao ở hai đầu và thấp trũng ở giữa.

+ Các sông ngắn và dốc có hướng tây đông.

- Trường Sơn Nam:

+ Giới hạn: từ dãy Bạch Mã trở vào.

+ Hướng: vòng cung.

+ Địa hình bất đối xứng giữa sường đông và sườn tây, các khối núi cao đồ sộ, với các đỉnh cao trên 2000m nghiêng về phía đông lan ra sát biển. Phía tây là các cao nguyên badan cao trung bình 500-1000m và các đồi trung du.

Ngày:26/08/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM