Giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 50: Hệ sinh thái

eLib giới thiệu đến các em tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 50: Hệ sinh thái được biên soạn và tổng hợp đầy đủ giúp các em củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài tập. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 50: Hệ sinh thái

1. Giải bài 9 trang 93 SBT Sinh học 9

Hệ sinh thái là gì?

Phương pháp giải

- Xem khái niệm hệ sinh thái.

Hướng dẫn giải

- Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và môi trường sống của quần xã (sinh cảnh).

- Hệ sinh thái là một hệ thống hoàn chỉnh và tương đối ổn định, trong đó các sinh vật luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các nhân tố vô sinh của môi trường.

- Ví dụ: Trong một khu rừng có nhiều cây to nhỏ khác nhau và nhiều động vật thuộc các loài khác nhau. Các sinh vật trong rừng phụ thuộc lẫn nhau và tác động qua lại với môi trường sống của chúng tạo thành một hệ sinh thái.

2. Giải bài 11 trang 94 SBT Sinh học 9

Trong tự nhiên có những nhóm hệ sinh thái chính nào?

Phương pháp giải

- Có 3 nhóm hệ sinh thái: Nhóm trên cạn, nước mặn, nước ngọt.

Hướng dẫn giải

- Trong tự nhiên có 3 nhóm hệ sinh thái chính sau đây:

+ Nhóm hệ sinh thái trên cạn (hệ sinh thái rừng nhiệt đới, sa mạc, thảo nguyên...).

+ Nhóm hệ sinh thái nước mặn (hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn...).

+ Nhóm hệ sinh thái nước ngọt (hệ sinh thái nước đứng, nước chảy...).

3. Giải bài 6 trang 95 SBT Sinh học 9

Mắt xích trong chuỗi thức ăn là gì? Cho ví dụ.

Phương pháp giải

- Mắt xích trong chuỗi thức ăn là vị trí của một loài sinh vật trong chuỗi thức ăn.

Hướng dẫn giải

- Mắt xích trong chuỗi thức ăn là vị trí của một loài sinh vật trong chuỗi thức ăn. Tại đó, loài sinh vật này dùng loài sinh vật đứng trước (mắt xích kế cận phía trước) làm thức ăn và đến lượt nó lại bị loài sinh vật đứng sau (mắt xích kế cận phía sau) dùng làm thức ăn.           

- Ví dụ chuỗi thức ăn: Cây lúa → Sâu đục thân → Chim → Cáo → Đại bàng.

4. Giải bài 7 trang 95 SBT Sinh học 9

Vai trò của thực vật trong chuỗi thức ăn "đồng cỏ" là gì?

Phương pháp giải

- Thực vật là sinh vật khởi đầu trong chuỗi thức ăn "đồng cỏ".

Hướng dẫn giải

- Trong tự nhiên có một số chuỗi thức ăn cơ bản như chuỗi thức ăn "đồng cỏ", chuỗi thức ăn mùn bã sinh vật...

- Trong chuỗi thức ăn "đồng cỏ", sinh vật khởi đầu là thực vật. Chuỗi thức ăn này rất phổ biến trong tự nhiên.

- Trong chuỗi thức ăn này, thực vật đóng vai trò là sinh vật cung cấp vì chúng có khả năng quang hợp dưới ánh sáng mặt trời để tổng hợp chất hữu cơ từ các chất vô cơ là CO2 và H2O nhờ chúng có sắc tố quang hợp.

5. Giải bài 8 trang 95 SBT Sinh học 9

Bậc dinh dưỡng là gì?

Phương pháp giải

- Xem khái niệm bậc dinh dưỡng.

Hướng dẫn giải

- Trong lưới thức ăn, những mắt xích thức ăn thuộc cùng một nhóm hợp thành một bậc dinh dưỡng.

- Có các bậc dinh dưỡng sau:

+ Bậc dinh dưỡng cấp 1: Gồm các sinh vật sản xuất.

+ Bậc dinh dưỡng cấp 2: Gồm các sinh vật tiêu thụ cấp 1 - động vật ăn thực vật.

+ Bậc dinh dưỡng cấp 3: Gồm các sinh vật tiêu thụ cấp 2 - động vật ăn động vật.

(tương tự có thể có bậc dinh dưỡng cấp 4) 

6. Giải bài 9 trang 95 SBT Sinh học 9

- Giả sử một quần xã có các sinh vật sau: Cỏ, thỏ, dê, chim ăn sâu, sâu hại thực vật, cáo, hổ, mèo rừng, vi sinh vật.

- Hãy vẽ sơ đồ các chuỗi thức ăn và lưới thức ăn có thể có trong quần xã đó.

Phương pháp giải

- Xác định sinh vật khởi đầu là cỏ, sinh vật tiêu thụ cấp 1, 2...

- Ví dụ:

+ Cỏ → Thỏ → Mèo rừng → Vi sinh vật.

+ Cỏ → Dê → Hổ → Vi sinh vật...

- Từ các chuỗi thức ăn lập ra lưới thức ăn với các mắc xích chung.

Hướng dẫn giải

- Các chuỗi thức ăn:

+ Cỏ → Thỏ → Mèo rừng → Vi sinh vật.

+ Cỏ → Thỏ → Hổ → Vi sinh vật.

+ Cỏ → Dê → Hổ → Vi sinh vật.

+ Cỏ → Sâu hại → Chim ăn sâu → Vi sinh vật.

7. Giải bài 10 trang 95 SBT Sinh học 9

Nêu ví dụ về một hệ sinh thái. Hãy cho biết, trong hệ sinh thái đó có những thành phần cơ bản nào.

Phương pháp giải

- Ví dụ: Hệ sinh thái đồng ruộng, ao hồ, rừng...

+ Các chất vô sinh.

+ Sinh vật sản xuất là thực vật.

+ Sinh vật tiêu thụ là động vật ăn thực vật.

+ Sinh vật phân giải.

Hướng dẫn giải

 Ví dụ: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái ao hồ, hệ sinh thái đồng ruộng...

- Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới có những thành phần cơ bản sau:

+ Các chất vô sinh như: Đất, nước, không khí, thảm mục...

+ Sinh vật sản xuất là thực vật: Cây gỗ các loại, cây bụi, dây leo, cây cỏ...

+ Sinh vật tiêu thụ là động vật ăn thực vật: Hươu, nai, trâu, bò, thỏ... Và động vật ăn động vật: Hổ, báo, sư tử, rắn, cáo...

+ Sinh vật phân giải: Vi khuẩn, nấm...

8. Giải bài 27 trang 101 SBT Sinh học 9

Một hệ sinh thái bao gồm thành phần nào sau đây ?

A. Thành phần vô sinh.

B. Thành phần hữu sinh.

C. Động vật, thực vật và vi sinh vật.

D. Cả A và B.

Phương pháp giải

- Một hệ sinh thái bao gồm thành phần:

+ Thành phần vô sinh.

+ Thành phần hữu sinh.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

9. Giải bài 28 trang 101 SBT Sinh học 9

Sinh vật nào sau đây là sinh vật sản xuất trong một chuỗi thức ăn?

A. Thực vật.

B. Động vật.

C. Vi sinh vật.

D. Cả A và B.

Phương pháp giải

- Thực vật là sinh vật sản xuất trong một chuỗi thức ăn.

Hướng dẫn giải

  • Chọn A.

10. Giải bài 29 trang 101 SBT Sinh học 9

Thành phần không sống của hệ sinh thái gồm

A. các chất vô cơ như nước, không khí...

B. các chất mùn bã.

C. các nhân tố khí hậu như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng.

D. cả A, B và C.

Phương pháp giải

- Thành phần không sống của hệ sinh thái: Các chất mùn, chất vô cơ như nước, không khí.. Các nhân tố khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

11. Giải bài 30 trang 101 SBT Sinh học 9

Thành phần sống của hệ sinh thái gồm

A. thực vật.

B. động vật.

C. vi sinh vật.

D. cả A, B và C.

Phương pháp giải

- Thành phần sống của hệ sinh thái gồm: Động vật, thực vật và vi sinh vật.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

12. Giải bài 31 trang 101 SBT Sinh học 9

Sinh vật nào sau đây là sinh vật tiêu thụ bậc 1?

A. Châu chấu.

B. Bò, trâu.

C. Hổ, báo.

D. Cả A và B.

Phương pháp giải

- Sinh vật tiêu thụ bậc 1 là động vật ăn thực vật.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

13. Giải bài 32 trang 101 SBT Sinh học 9

Sinh vật nào sau đây là sinh vật ăn thịt?

A. Cây nắp ấm.

B. Bò.

C. Cừu.

D. Thỏ.

Phương pháp giải

- Cây nắp ấm là sinh vật ăn thịt.

Hướng dẫn giải

  • Chọn A.

14. Giải bài 33 trang 102 SBT Sinh học 9

Sinh vật nào sau đây thường là mắt xích cuối cùng của chuỗi thức ăn?

A. Thực vật.

B. Động vật ăn thực vật.

C. Động vật ăn thịt.

D. Vi sinh vật phân giải.

Phương pháp giải

- Vi sinh vật phân giải thường là mắt xích cuối cùng của chuỗi thức ăn.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

15. Giải bài 34 trang 102 SBT Sinh học 9

Chuỗi và lưới thức ăn trong tự nhiên được hình thành trên cơ sở mối quan hệ nào sau đây?

A. Quan hệ cạnh tranh về chỗ ở giữa các loài sinh vật.

B. Quan hệ sinh sản giữa các cá thể cùng loài.

C. Quan hệ dinh dưỡng giữa các loài sinh vật.

D. Quan hệ hội sinh giữa các loài sinh vật.

Phương pháp giải

- Chuỗi và lưới thức ăn trong tự nhiên được hình thành trên cơ sở mối quan hệ dinh dưỡng giữa các loài sinh vật.

Hướng dẫn giải

  • Chọn C.
Ngày:23/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM