Giải bài tập SBT Sinh học 10 Bài 32: Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch
eLib giới thiệu đến các em tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh học 10 Bài 32: Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch được biên soạn và tổng hợp với các phương pháp giải, gợi ý, hướng dẫn làm bài dễ hiểu, chi tiết giúp các em củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài tập. Mời các em cùng theo dõ.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 19 trang 174 SBT Sinh học 10
2. Giải bài 28 trang 176 SBT Sinh học 10
3. Giải bài 29 trang 177 SBT Sinh học 10
4. Giải bài 30 trang 177 SBT Sinh học 10
5. Giải bài 31 trang 177 SBT Sinh học 10
6. Giải bài 32 trang 177 SBT Sinh học 10
7. Giải bài 33 trang 178 SBT Sinh học 10
8. Giải bài 34 trang 178 SBT Sinh học 10
9. Giải bài 35 trang 178 SBT Sinh học 10
10. Giải bài 36 trang 179 SBT Sinh học 10
11. Giải bài 37 trang 179 SBT Sinh học 10
12. Giải bài 38 trang 179 SBT Sinh học 10
13. Giải bài 26 trang 186 SBT Sinh học 10
14. Giải bài 27 trang 186 SBT Sinh học 10
15. Giải bài 40 trang 189 SBT Sinh học 10
16. Giải bài 41 trang 189 SBT Sinh học 10
17. Giải bài 42 trang 189 SBT Sinh học 10
18. Giải bài 43 trang 189 SBT Sinh học 10
19. Giải bài 44 trang 189 SBT Sinh học 10
20. Giải bài 45 trang 190 SBT Sinh học 10
21. Giải bài 46 trang 190 SBT Sinh học 10
22. Giải bài 47 trang 190 SBT Sinh học 10
1. Giải bài 19 trang 174 SBT Sinh học 10
Tại sao trong các vụ dịch virut. Ví dụ: H5N1, lở mồm long móng..., người ta phải giết hết cả đàn gia súc và gia cầm trong vùng dịch.
Phương pháp giải
- Trong đàn đã có cá thể nhiễm bệnh (vật chủ), tiêu diệt vật chủ ví rut không còn nơi tồn tại.
Hướng dẫn giải
- Virut là kí sinh nội bào bắt buộc. Chúng không thể tồn tại nếu không có vật chủ. Do vậy phải tiêu diệt hết vật chủ trong phạm vi vùng dịch.
2. Giải bài 28 trang 176 SBT Sinh học 10
Thế nào là bệnh truyền nhiễm?
Phương pháp giải
- Xem khái niệm bệnh truyền nhiễm.
Hướng dẫn giải
- Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây từ người này sang neười khác. Tuỳ tác nhân mà có thể lây theo các con đường khác nhau:
+ Qua tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương, sử dụng chung đồ vật đã bị nhiễm, quan hệ tình dục không an toàn...).
+ Do hít phải các giọt tiết của người bệnh bắn ra khi ho hoặc hắt hơi.
+ Do sử dụng đồ ăn, thức uống đã nhiễm tác nhân gây bệnh.
+ Do mẹ truyền sang con qua nhau thai, khi sinh nở hoặc qua sữa mẹ.
3. Giải bài 29 trang 177 SBT Sinh học 10
Miễn dịch là gì? Miễn dịch được chia làm mấy loại?
Phương pháp giải
- Xem khái niệm miễn dịch.
- Có hai loại miễn dịch.
Hướng dẫn giải
- Miễn dịch là khả năng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh (các vi sinh vật và độc tố của chúng, virut và các phân tử lạ). Có 2 loại miễn dịch: Miễn dịch tự nhiên và miễn dịch đặc hiệu.
4. Giải bài 30 trang 177 SBT Sinh học 10
Thế nào là miễn dịch tự nhiên?
Phương pháp giải
- Xem khái niệm miễn dịch tự nhiên.
Hướng dẫn giải
- Miễn dịch tự nhiên là miễn dịch mang tính bẩm sinh, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với kháng nguyên và không phụ thuộc vào bản chất của kháng nguyên.
+ Ví dụ: Da, niêm mạc ngăn không cho vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể. Các phản xạ ho, hắt xì hơi đẩy các vi sinh vật ra khỏi cơ thể, đại thực bào, bạch cầu trung tính diệt các tế bào theo cơ chế thực bào...
5. Giải bài 31 trang 177 SBT Sinh học 10
Khi dẫm phải cái đinh bẩn, chỗ vết thương bị viêm. Đó có phải là miễn dịch tự nhiên không?
Phương pháp giải
- Đó là miễn dịch tự nhiên.
Hướng dẫn giải
- Miễn dịch không đặc hiệu là miễn dịch tự nhiên mang tính bẩm sinh. Khi dẫm phải cái đinh bẩn, chỗ vết thương bị viêm. Đó chính là miễn dịch tự nhiên.
- Đặc điểm của viêm là đỏ, đau, sưng, nóng. Mạch máu tại vùng viêm bị dãn, máu dồn tới, bạch cầu trung tính, đại thực bào tiến hành thực bào, diệt vi khuẩn và các tế bào chết, tạo mủ đồng thời bắt đầu tiến trình làm lành vết thương.
6. Giải bài 32 trang 177 SBT Sinh học 10
Đôi khi trâu, bò liếm vết thương làm cho nó chóng lành, có thể coi là một hình thức của miễn dịch tự nhiên không?
Phương pháp giải
- Lizôzim trong nước bọt ức chế vi sinh vật trong vết thương nên làm cho vết thương chóng lành. Đây là miễn dịch tự nhiên.
Hướng dẫn giải
- Khi trâu, bò liếm vết thương làm cho nó chóng lành, có thể coi là một hình thức của miễn dịch tự nhiên. Vì khi liếm vết thương, lizôzim trong nước bọt ức chế vi sinh vật trong vết thương nên làm cho vết thương chóng lành.
- Cơ thể chúng ta được ví như một kho hóa chất có tác dụng ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.
+ Ví dụ: pH thấp trong dịch dạ dày và âm đạo, lactoferin trong sữa, interfêron trong máu và dịch bạch huyết, lizôzim trong nước bọt, nước mắt..., được coi là hàng rào hóa học, có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt vi sinh vật và là một hình thức của miễn dịch không đặc hiệu.
7. Giải bài 33 trang 178 SBT Sinh học 10
Thực vật và côn trùng có khả năng miễn dịch không?
Phương pháp giải
- Tất cả mọi sinh vật đều có khả năng miễn dịch, tuy ở các mức độ khác nhau.
Hướng dẫn giải
- Tất cả mọi sinh vật đều có khả năng miễn dịch, tuy ở các mức độ khác nhau.
+ Cây có khả năng tiết auxin kháng sinh thực vật (phytoncid). Ví dụ, tỏi chứa alixin, nghệ chứa curcumin... Đó là miễn dịch tự nhiên.
+ Côn trùng, ngoài miễn dịch tự nhiên còn có miễn dịch đặc hiệu. Đó là miễn dịch tế bào. Chỉ có động vật có xương sống mới có khả năng tạo thành kháng thể (miễn dịch thể dịch).
8. Giải bài 34 trang 178 SBT Sinh học 10
Trong cơ thể của chúng ta chứa rất nhiều các vi sinh vật, chúng có lợi ích gì? Đó có phải là một hình thức của miễn dịch tự nhiên không?
Phương pháp giải
- Vi sinh vật trong cơ thể giúp cạnh tranh thức ăn, nơi ở với vi sinh vật có hại, ức chế vi sinh vật có hại...
Hướng dẫn giải
- Cơ thể của chúng ta từ khi mới chào đời cho đến hết cuộc đời, hình thành một khu hệ vi sinh vật bình thường, bao gồm cả loại có lợi và có hại. Các vi sinh vật có lợi có vai trò:
- Cạnh tranh thức ăn với vi sinh vật có hại.
- Chiếm trước các vị trí không cho các vi sinh vật có hại tiến sát vào mô để gây bệnh.
- Tiết các chất kháng khuẩn ức chế vi sinh vật có hại.
- Tiết vitamin (ví dụ, vitamin K) cung cấp cho cơ thể.
- Do vậy, chính chúng là hàng rào vi sinh vật của miễn dịch tự nhiên. Nếu sự cân bằng bị phá vỡ, vi sinh vật có hại vượt trội vi sinh vật có lợi, lúc đó chúng ta sẽ rơi vào bệnh tật.
9. Giải bài 35 trang 178 SBT Sinh học 10
Đại thực bào và bạch cầu trung tính tiêu diệt vi sinh vật như thế nào?
Phương pháp giải
- Thực hiện ôxi hóa các chất của vi sinh vật...
Hướng dẫn giải
- Đại thực bào và bạch cầu trung tính tạo các gốc tự do như O2-, H2O2, OH-. Đây là các chất ôxi hoá mạnh có thể ôxi hoá các chất thành phần của vi sinh vật làm cho chúng chết. Ngoài ra chúng còn có khả năng tiết axit nitơ (HNO2), hipoclorit (HCIO) và cloramin ỉà các chất độc làm cho các vi sinh vật chết nhanh hơn.
10. Giải bài 36 trang 179 SBT Sinh học 10
Thế nào là miễn dịch đặc hiệu? Miễn dịch đặc hiệu được chia làm mấy loại?
Phương pháp giải
- Xem khái niệm miễn dịch đặc hiệu. Có 2 loại miễn dịch đặc hiệu.
Hướng dẫn giải
- Miễn dịch đặc hiệu là miễn dịch đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với kháng nguyên và phụ thuộc vào bản chất của kháng nguyên. Mỗi loại kháng nguyên chỉ kích thích cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch đặc hiệu chống lại chính kháng nguyên đó. Có 2 loại miễn dịch đặc hiệu là miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch.
11. Giải bài 37 trang 179 SBT Sinh học 10
Hãy nêu sự khác nhau giữa miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch.
Phương pháp giải
- Xem miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào, dấu hiệu xâm nhập, tế bào thực hiện.
Hướng dẫn giải
- Miễn dịch tế bào là miễn dịch chủ yếu do các tế bào T độc tiếp cận các tế bào lạ (ví dụ, tế bào ung thư hoặc tế bào nhiễm virut), rồi tiết ra chất độc để phá hủy chúng.
- Miễn dịch thể dịch là miễn dịch do tế bào B sản xuất ra kháng thể đáp lại sự xâm nhập của kháng nguyên. Sở dĩ gọi là miễn dịch thể dịch vì kháng thể ở dạng hòa tan, có trong thể dịch của cơ thể (máu, dịch bạch huyết, sữa).
12. Giải bài 38 trang 179 SBT Sinh học 10
Chức năng chính của miễn dịch đặc hiệu là gì?
Phương pháp giải
- Chức năng chính: Nhận diện, ghi nhớ và đáp ứng.
Hướng dẫn giải
- Miễn dịch đặc hiệu có ba chức năng chính:
+ Nhận diện: Nhận diện kháng nguyên lạ (không phải của mình) vì cơ thể không phát động đáp ứng miễn dịch chống lại kháng nguyên của mình.
+ Ghi nhớ: Khi kháng nguyên tái xâm nhập, cơ thể sẽ nhớ lại để chống lại nhanh và mạnh hơn (gọi là miễn dịch nhớ).
+ Đáp ứng: Phát động chiến dịch đánh trả để loại bỏ kháng nguyên ra khỏi cơ thể
13. Giải bài 26 trang 186 SBT Sinh học 10
Một chất lạ khi đưa vào cơ thể nhằm tạo đáp ứng miễn dịch được gọi là
A. Paratop.
B. Chất sinh miễn dịch (kháng nguyên).
C. Kháng thể.
D. Hapten.
Phương pháp giải
- Một chất lạ khi đưa vào cơ thể nhằm tạo đáp ứng miễn dịch được gọi là Chất sinh miễn dịch (kháng nguyên).
Hướng dẫn giải
- Chọn B.
14. Giải bài 27 trang 186 SBT Sinh học 10
Phần nằm trên kháng nguyên gắn đặc hiệu với kháng thể được gọi là
A. êpitôp.
B. Paratop.
C. Hapten.
D. Vị trí kết hợp với kháng nguyên.
Phương pháp giải
- Phần nằm trên kháng nguyên gắn đặc hiệu với kháng thể được gọi là êpitôp.
Hướng dẫn giải
- Chọn A.
15. Giải bài 40 trang 189 SBT Sinh học 10
HIV chủ yếu phá huỷ tế bào nào dưới đây?
A. Tế bào T8.
B. Tế bào T4.
C. Tế bào B.
D. Bạch cầu trung tính.
Phương pháp giải
- HIV chủ yếu phá huỷ tế bào T4.
Hướng dẫn giải
- Chọn B.
16. Giải bài 41 trang 189 SBT Sinh học 10
Khả năng cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh gọi là:
A. Sự đề kháng.
B. Sự chống đỡ.
C. Miễn dịch.
D. Sự kiểm soát.
Phương pháp giải
- Khả năng cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh gọi là miễn dịch.
Hướng dẫn giải
- Chọn C.
17. Giải bài 42 trang 189 SBT Sinh học 10
Điều nào sau đây không đúng khi nói về miễn dịch tự nhiên (không đặc hiệu)?
A. Là miễn dịch mang tính bẩm sinh.
B. Không cần tiếp xúc trước với kháng nguyên để hình thành miễn dịch.
C. Bao gồm nhiều hàng rào ngăn chặn tác nhân gây bệnh vào cơ thể.
D. Phụ thuộc vào bản chất của kháng nguyên.
Phương pháp giải
- Miễn dịch tự nhiên không phụ thuộc vào bản chất của kháng nguyên.
Hướng dẫn giải
- Chọn D.
18. Giải bài 43 trang 189 SBT Sinh học 10
Điều nào sau đây không đúng khi nói về miễn dịch đặc hiệu?
A. Là miễn dịch tiếp thu được khi tiếp xúc với kháng nguyên.
B. Bao gồm miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch.
C. Cơ chế miễn dịch chỉ được hình thành sau khi tiếp xúc với kháng nguyên.
D. Không phụ thuộc vào bản chất của kháng nguyên.
Phương pháp giải
- Miễn dịch đặc hiệu phụ thuộc vào bản chất của kháng nguyên.
Hướng dẫn giải
- Chọn D.
19. Giải bài 44 trang 189 SBT Sinh học 10
Điều nào sau đây không đúng khi nói về miễn dịch tế bào?
A. Là miễn dịch, trong đó tế bào T độc đóng vai trò chủ chốt.
B. Tế bào T độc tiếp cận các tế bào có kháng nguyên lạ (tế bào ung thư, tế bào nhiễm virut), tiết ra prôtêin độc để tiêu diệt.
C. Virut kí sinh nội bào nên dễ thoát khỏi sự tấn công của kháng thể, vì vậy ở bệnh do virut, miễn dịch tế bào đóng vai trò quan trọng.
D. Miễn dịch tế bào có ở tất cả mọi sinh vật, kể cả thực vật.
Phương pháp giải
- Ý sai là: Miễn dịch tế bào có ở tất cả mọi sinh vật, kể cả thực vật.
Hướng dẫn giải
- Chọn D.
20. Giải bài 45 trang 190 SBT Sinh học 10
Điều nào sau đây không đúng khi nói về miễn dịch thể dịch?
A. Kháng thể được hình thành để đáp ứng lại sự xâm nhập của kháng nguyên.
B. Mỗi loại kháng nguyên chỉ kích thích cơ thể tạo ra một loại kháng thể cho riêng nó.
C. Có bao nhiêu loại kháng nguyên xâm nhập thì sẽ có bấy nhiêu loại kháng thể được hình thành.
D. Một kháng thể được hình thành có thể chống lại nhiều loại kháng nguyên xâm nhập.
Phương pháp giải
- Ý sai là: Một kháng thể được hình thành có thể chống lại nhiều loại kháng nguyên xâm nhập.
Hướng dẫn giải
- Chọn D.
21. Giải bài 46 trang 190 SBT Sinh học 10
Loại sinh vật nào sau đây không có miễn dịch thể dịch?
A. Linh trưởng.
B. Chim.
C. Côn trùng.
D. Cá.
Phương pháp giải
- Côn trùng không có miễn dịch thể dịch.
Hướng dẫn giải
- Chọn C.
22. Giải bài 47 trang 190 SBT Sinh học 10
Loại sinh vật nào sau đây không có miễn dịch đặc hiệu?
A. Khỉ.
B. Chim.
C. Ếch.
D. Thực vật.
Phương pháp giải
- Thực vật không có miễn dịch đặc hiệu.
Hướng dẫn giải
- Chọn D.
23. Giải bài 48 trang 190 SBT Sinh học 10
Loại sinh vật nào sau đây có miễn dịch tự nhiên?
A. Cá, Ếch.
B. Côn trùng.
C. Thực vật
D. Cả A, B và C.
Phương pháp giải
- Tất cả mọi sinh vật đều có khả năng miễn dịch, tuy ở các mức độ khác nhau.
Hướng dẫn giải
- Chọn D.
24. Giải bài 49 trang 191 SBT Sinh học 10
Loại sinh vật nào sau đây vừa có miễn dịch tự nhiên, vừa có miễn dịch đặc hiệu?
A. Linh trưởng.
B. Chim.
C. Cá, ếch.
D. Cả A, B và C.
Phương pháp giải
- Cả A, B và C vừa có miễn dịch tự nhiên, vừa có miễn dịch đặc hiệu.
Hướng dẫn giải
- Chọn D.
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch Sinh học 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
Tham khảo thêm
- doc Giải bài tập SBT Sinh học 10 Bài 29: Cấu trúc các loại virut
- doc Giải bài tập SBT Sinh học 10 Bài 30: Sự nhân lên của virut trong tế bào chủ
- doc Giải bài tập SBT Sinh học 10 Bài 31: Virut gây bệnh, ứng dụng của virut trong thực tiễn
- doc Giải bài tập SBT Sinh học 10 Bài 33: Ôn tập phần Sinh học vi sinh vật