Chứng minh Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực
Mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu về tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập để chứng minh được đây là tác phẩm chính luận mẫu mực do eLib tổng hợp và biên soạn dưới đây. Qua bài văn, các em bổ sung thêm cho mình những kiến thức mới để viết văn, làm văn tốt hơn. Cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Chứng minh Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực
Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc ta ngàn đời tôn kính, biết ơn là một trong những nhà văn bậc thầy về thể chính luận. Trong những áng văn chương đồ sộ mà người để lại, “Tuyên ngôn độc lập” hiện lên như một áng văn chính luận mẫu mực nhất, là kết tinh của giá trị lịch sử, giá trị thời đại và nó trường tồn bất diệt. Toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập không quá dài mà rất súc tích, cô đọng, hàm ý sâu sa. Bản tuyên ngôn độc lập được ra đời vào ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, người soạn thảo bản Tuyên ngôn và sau đó, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Hồ Chí Minh dùng những lí lẽ đanh thép, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng không thể chối cãi được để viết nên áng văn chính luận mẫu mực. Không chỉ vậy, văn kiện này còn là tấm lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, sự khao khát độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam ở Người.
Mở đầu bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo đưa cơ sở lí lẽ về nhân quyền và dân quyền. Trước hết Người khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây là quyền lợi đáng được hưởng từ khi mỗi người sinh ra, là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hồ Chí Minh đã khéo léo trích dẫn thuyết phục hai bản tuyên ngôn của thực dân Pháp và của đế quốc Mĩ: “Tất cả mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ); “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp). Tại sao Người lại chọn Pháp và Mỹ mà không phải các nước khác? Ta thấy được rằng, hai nước này mang tư tưởng tiến bộ bấy giờ. Nếu thế giới công nhận các quyền cơ bản của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ thì họ cũng sẽ công nhận các quyền ấy với đất nước Việt Nam. Một cú gậy ông đập lưng ông hoàn hảo. Bản tuyên ngôn của ta đặt ngang hàng với bản tuyên ngôn của hai nước lớn càng tạo sự thuyết phục mạnh mẽ trong cộng đồng thế giới. Người đã chặn đứng âm mưu xâm lược của chúng bằng cách: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và Người khẳng định chắc nịch: “Đó là lí lẽ không ai có thể chối cãi được”. Vậy có nghĩa là nền độc lập của dân tộc ta là có căn cứ chính đáng, sâu sắc. Thực dân Pháp và đế quốc Mĩ không thể đi trái với tổ tiên của họ.
Để làm nổi bật hơn cho lí lẽ thêm sắc bén và thuyết phục, Người đã vạch trần bộ mặt thối tha của thực dân Pháp với những tội ác khó có thể dung tha cả về 3 mặt: chính trị, kinh tế, xã hội.
Đầu tiên, về mặt chính trị, “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”. Chúng thi hành pháp luật dã man, chúng lập ba chế độ khác nhau, chúng lập nhà tù nhiều hơn trường học, chúng chém giết người yêu nước, chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân, chúng còn dùng thuốc phiện, rượu cồn làm cho giống nòi ta suy nhược. Một loạt tội ác của Pháp được liệt kê một cách chân thực dưới ngòi bút sắc bén của Hồ Chí Minh với những lập luận xác đáng, thuyết phục. Hành động của chúng vô cùng độc ác, vô nhân đạo, cay nghiệt đáng lên án.
Tiếp đến, về mặt kinh tế, chúng bóc lột sức lao động của người dân, chúng cướp ruộng đất, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí nhằm bào mòn cả thể chất, sức cùng lực kiệt của dân Việt. Người đã phơi bày bản chất dã man, tàn bạo của thực dân Pháp ra ánh sáng, mang bộ mặt giả đội lốt người “khai hóa, bảo hộ” đến nhân dân thế giới, khơi dậy lòng căm thù giặc, tinh thần chiến đấu xả thân cứu nước của nhân dân ta.
Giọng văn ở phần này thay đổi linh họạt được Người vận dụng một cách triệt để. Nếu như ở phần liệt kê tội ác, việc làm xấu xa của thực dân Pháp, Người dùng giọng đanh thép, mỉa mai, căm thù quân địch thì khi tới miêu tả hậu quả mà dân ta phải chịu, phải gồng mình lên gánh chống đỡ thì giọng văn lại chuyển sang nhẹ nhàng, đau xót, thương cảm. Đọc đoạn kết tội ấy, ta lại nhớ tới Nguyễn Trãi, ông cũng từng viết:
“Độc ác thay trúc Lam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa hết mùi”
Hồ Chí Minh không luận tội mà kết tội trực tiếp những việc làm kinh khủng mà thực dân Pháp đã tạo ra. Dường như, Người như một vị quan tòa anh minh đang lột tả tội ác của kẻ cầm đầu phơi bày bộ mặt ra cho thế giới chiêm ngưỡng, ném gạch.
Người đã lột lớp mặt nạ đểu cáng của thực dân Pháp xuống. Điệp từ “sự thật là..” lặp lại để thể hiện chiến thắng của quân ta. Ta giành lại nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Để rồi kết: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” ngắn gọn và súc tích, nghe như một lời reo vui. Tự do mà ta giành được thật đáng trân trọng. Bản tuyên ngôn gần như chỉ xoáy sâu vào 2 trọng điểm lớn: một là, phủ nhận hoàn toàn quyền liên quan đến thực dân Pháp, hai là khẳng định quyền độc lập và ý thức bảo vệ mãnh liệt quyền độc lập đã giành được ấy: “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Từ những lí lẽ trên, Người như muốn tuyên bố cho cả thế giới biết rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” Để đánh đổi được nền độc lập ấy, biết bao nhiêu con người đã phải hi sinh, họ nằm xuống nơi đất khách quê người, họ bỏ tuổi trẻ còn dở dang, họ bỏ cuộc sống êm đềm bên người thân, gia đình, bạn bè, theo tiếng gọi của tổ quốc để chiến đấu, bảo vệ, giữ gìn những cái mà chúng ta đã giành được. Người đã khẳng định: “Sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” thật tuyệt vời biết bao. Trong phần tuyên này, Hồ Chí Minh cũng hết sức thuyết phục khi lồng ghép lập luận, lí lẽ sắc bén, ngòi bút chính luận thâm thúy với những từ ngữ hào hùng, khí thế của thể văn chính luận.
Có thể thấy rằng, Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bằng lí lẽ, lập luận sắc bén, giọng văn thay đổi luân chuyển nhịp nhàng, Người vừa vạch ra hàng lọat tội ác tày đình của thực dân Pháp, vừa bày tỏ lòng biết ơn sự hi sinh, tình yêu quê hương sâu sắc của dân tộc Việt Nam đã đúc kết thành một làn sóng mạnh mẽ. Tuyên ngôn độc lập như mở ra một trang sử mới cho lịch sử nước nhà, mở đầu cho kỉ nguyên độc lập tự do, là bàn đạp cho Việt Nam hòa mình vào với thế giới.
2. Chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc Việt Nam, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, suốt cả một đời Người đã dành trọn vẹn vì hạnh phúc của nhân dân, hòa bình độc lập của dân tộc. Người dân Việt Nam sẽ không bao giờ có thể quên được ngày 2 tháng 9 năm 1945, vào thời khắc ấy tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" trước toàn thể đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam. Có thể nói bản tuyên ngôn là một tác phẩm có giá trị lớn về văn học, lịch sử đặc biệt là tính chính luận mẫu mực trong bản tuyên ngôn.
"Tuyên ngôn độc lập" là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh, các tác phẩm văn chính luận của Người thường có lối lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng xác đáng và luôn đề cao tính luận chiến. Có thể khẳng định tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập" là một văn bản chính luận mẫu mực bởi tác phẩm có kết cấu rõ ràng, lập luận chặt chẽ và ngôn từ mang tính chính trị cao. Về kết cấu của bản tuyên ngôn rất rõ ràng, được chia làm ba phần mạch lạc và liên kết chặt chẽ với nhau. Ở phần một hay chính là lời mở đầu bản tuyên ngôn tác giả đã đưa ra những cơ sở pháp lý vững chắc, trích nguyên văn những lời tuyên bố của người Pháp và người Mỹ khẳng định quyền tự do, bình đẳng của con người là quyền sống. Tác giả đã đặt cuộc cách mạng của ta ngang hàng với những cuộc cách mạng lớn trên thế giới, đặt bản tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam ngang hàng với những bản tuyên ngôn bất hủ trên thế giới, đặt tư thế của Việt Nam ngang hàng với các cường quốc trên thế giới. Tiếp đến phần thứ hai, tác giả lại đưa ra những cơ sở thực tiễn, hay chính là lời tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với người dân Việt Nam. Nếu Pháp đưa ra luận điệu có công khai hóa Đông Dương thì bản tuyên ngôn chỉ rõ Pháp không có công mà chỉ có tội. Cụ thể về chính trị Pháp đã tước đoạt quyền tự do dân chủ, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, khủng bố giết chóc rồi thi hành chính sách ngu dân, đầu độc giống nòi. Về kinh tế Pháp đã bóc lột, cướp đoạt và phong tỏa nền kinh tế của ta, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, khiến dân ta đói khổ, nghèo nàn. Nếu Pháp nói có công bảo hộ Đông Dương thì bản tuyên ngôn cũng chỉ rõ trong 5 năm Pháp đã bàn nước ta hai lần cho Nhật. Những lời tố cáo đã chỉ rõ Pháp là tên xâm lược bạo tàn và tên thực dân hèn nhát. Bên cạnh lời tố cáo tác giả còn nên lên những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như truyền thống khoan hồng, nhân đạo, truyền thống anh hùng, những truyền thống ấy khẳng định Việt Nam đủ tư cách để hưởng quyền độc lập. Phần cuối cùng là lời tuyên bố, đúc kết lại từ những cơ sở pháp lí và cơ sở thực tiễn, thứ nhất là phủ nhận hoàn toàn vai trò của Pháp trên đất nước ta, thứ hai là tranh thủ dư luận thế giới bằng cách nêu cao tinh thần độc lập dân chủ và kết lại bằng lời tuyên bố, tuyên thệ, tuyên bố về nền độc lập của Việt Nam và thề hi sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập ấy.
Sự mẫu mực của văn bản chính luận còn nằm ở cách lập luận chặt chẽ, đanh thép của Hồ Chí Minh. Trong phần mở đầu thể hiện lối lập luận vừa khéo léo vừa kiên quyết, Người dùng chính lời của người Pháp và Mĩ là đối tượng có âm mưu xâm lược Việt Nam để nhắc họ rằng họ đang tự giẫm đạp lên chính nghĩa, lẽ phải tổ tiên của mình xác lập. Ở phần tố cáo, tác giả lại dùng lối lập luận gián tiếp để khẳng định quyền độc lập, lời khẳng định được thể hiện qua lời tố cáo và mượn lời tố cáo để khẳng định. Bên cạnh đó việc lấy dẫn chứng xác đáng bao gồm những dẫn chứng từ sự thật lịch sử không thể chối cãi đã giúp bản tuyên ngôn có sức thuyết phục cao. Những sự thật lịch sử như việc người Pháp cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, năm 1940 Nhật xâm lăng Pháp mở cửa nước ta đón nhật khiến ta phải chịu hai tầng xiềng xích, làm cho "từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói". Đó toàn là những sự thật hiển nhiên, người thật việc thật không có gì có thể chối cãi được. Việc sử dụng ngôn từ của Hồ Chí Minh trong bản tuyên ngôn có ý nghĩa rất lớn quyết định tính chính luận mẫu mực của văn bản. Ngôn từ mang màu sắc chính trị thể hiện rõ lập trường tư tưởng và tầm nhìn đầy chiến lược của vị lãnh tụ vĩ đại, đồng thời những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm như đại từ "chúng", những hình ảnh ẩn dụ "bóc lột...xương tủy", "tắm trong bể máu" đã thể hiện được lòng yêu nước, yêu dân sâu sắc của Hồ Chí Minh, văn bản là sự kết hợp giữa lí trí và tình cảm khiến cho sức thuyết phục càng cao.
Như vậy qua việc làm sáng tỏ kết cấu, cách lập luận và ngôn từ của bản "Tuyên ngôn độc lập" chúng ta có thể khẳng định rằng "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh là một áng văn chính luận mẫu mực, có giá trị ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn với cả những dân tộc đang bị áp bức trên thế giới.
3. Phong cách nghệ thuật trong văn chính luận của Hồ Chí Minh qua bản Tuyên ngôn độc lập
Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, Người không chỉ là một nhà chính trị quân sự xuất sắc mà còn là thi sĩ, nhà văn với những tác phẩm để lại dấu ấn cực kì đậm nét. Sự nghiệp sáng tác của Người khá đồ sộ, không chỉ các tác phẩm truyện, kí mà còn là thơ văn và các bài chính luận rất đặc sắc. Các tác phẩm của Người đều ghi lại một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh. Với thơ ca, Người chau chuốt trong từng lời thơ, vừa đẹp lại vừa giản dị, với truyện, Người viết một cách hài hước, nhưng đầy sự châm biếm, mỉa mai, còn với các áng văn chính luận, Người lại có một phong cách rất khác biệt ngắn gọn, súc tích nhưng đầy thuyết phục. Và điều đó được thể hiện thật rõ qua tác phẩm Tuyên ngôn độc lập mà Người đã đọc vào ngày 2/9/1945.
Trong lịch sử của dân tộc ta, có tới ba áng văn thơ được công nhân là những bản Tuyên ngôn độc lập của đất nước, đó là Nam Quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Thế nhưng, nếu như hai tác phẩm trên được viết bằng thể loại thơ thì Hồ Chí Minh lại viết tác phẩm của mình bằng lối văn chính luận.
Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh được viết ngay sau khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Ngày 2/9/1945, Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập ấy trước toàn thể người dân Việt Nam tại quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Tuyên ngôn độc lập là lời tuyên bố của nhân dân Việt Nam với thế giới sự ra đời của một nhà nước non trẻ nhưng có độc lập, có chủ quyền, dân tộc Việt Nam đã được tự do sau tám mươi năm Pháp thuộc. Nó còn là lời tố cáo đanh thép tội ác của kẻ thù xâm lược với đất nước và nhân dân Việt Nam và khẳng định sự đoàn kết, lòng yêu nước và tình thần quyết chiến của dân tộc ta với bất cứ kẻ thù xâm lược nào!
Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn độc lập bằng ngòi bút chính luận cực kì xuất sắc của mình, khẳng định phong cách nghệ thuật văn chính luận rất riêng của Người. Đó là lối viết ngắn gọn, súc tích nhưng đơn giản và dễ hiểu, được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc, giọng điệu mạnh mẽ, đanh thép. Đồng thời, Người cũng đưa ra những lập luận cực kì sắc bén, cực kì chặt chẽ và thuyết phục đối với người nghe. Và hơn thế, phong cách viết của Người còn được xen kẽ với đa dạng các loại bút pháp thể hiện.
Hồ Chí Minh luôn tâm niệm rằng, ngòi bút của mình là viết cho nhân dân, cho quần chúng, "viết cho đại đa số nhân dân đọc", "viết để phục vụ nhân dân", vậy nên mỗi tác phẩm của Người đều được chọn lựa kĩ càng câu chữ cũng như lối viết sao cho ngắn gọn nhất. Như bản Tuyên ngôn độc lập, một áng văn mà khai sinh ra một đất nước cũng chỉ dài có 1010 chữ và chỉ gồm 49 câu chữ ngắn ngủi, ấy vậy mà nó đã hàm chứa những nội dung cực kì sâu sắc. Không chỉ là sự đúc kết một cách cô đọng nhất nội dung của cuộc Cách mạng tháng Tám mà còn là một lời tuyên bố mà người dân Việt Nam ta đã mong đợi gần ngót một thế kỷ nay.
Nội dung của Tuyên ngôn độc lập được cô đọng trong từng câu từng chữ, không hề có một chữ thừa nào trong văn bản này. Trước tiên, khi lấy cơ sở để khẳng định quyền độc lập của đất nước ta, Bác đưa ra cơ sở pháp lý quốc tế đó là hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Pháp. Chỉ với 186 chữ, Người đã dùng hai bản Tuyên ngôn kia làm tiền đề khẳng định quyền được độc lập, được tự do, được hạnh phúc của người dân Việt Nam.
Không chỉ thế, Người còn tiếp tục đưa ra những lời lẽ để tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã làm với nước ta trong suốt hơn tám mươi năm qua. Những tội ác ấy được thể hiện ở tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Ở mỗi phần ấy, Người chỉ dùng một câu nêu luận điểm rồi diễn giải bằng bốn hoặc năm câu nhưng đã tóm gọn được hết những ý chính tội ác của thực dân Pháp. Người còn đặt rõ ràng từng phần để người nghe hiểu rõ hơn về những điểm chính ấy. Từng tội ác của bè lũ thực dân xâm lược đều hiện lên một cách rõ ràng, cực kì đanh thép, ngắn gọn nhưng rõ ràng.
Và cũng chỉ bằng 58 chữ, Người đã dùng để xóa bỏ hoàn toàn những ràng buộc, những hiệp định mà thực dân Pháp đã áp lên nước ta ngót một thế kỉ "Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam". Ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục, súc tích và vô cùng rõ ràng, Việt Nam đã chính thức thoát khỏi ách đô hộ mà thực dân Pháp đã cất công xây dựng lên đất nước ta bao lâu nay
Không chỉ vô cùng ngắn gọn, Hồ Chí Minh còn sử dụng trong bản Tuyên ngôn ngôn ngữ vô cùng dễ hiểu, bởi Người nói "viết để phục vụ quần chúng nhân dân". Đặt vào hoàn cảnh khi ấy, đất nước ta vừa mới đi qua chiến tranh, với hơn hai triệu đồng bào chết đói, còn nghèo đói, lạc hậu, vậy nên không phải ai cũng có điều kiện được học hành, chính vì thế, Người đã diễn giải bằng ngôn ngữ mộc mạc nhất, dễ hiểu nhất và đọc đến tận tai, để cho tất cả mọi người dân Việt Nam đều có thể hiểu được ý nghĩa của bản Tuyên ngôn này. Còn đối với kẻ thù, mỗi câu mỗi chữ mà Người viết là một mũi tên, một loại vũ khí mạnh mẽ và sắc bén đánh lên bè lũ cướp nước và bán nước.
Mỗi từ ngữ đều được Hồ Chí Minh chọn lựa cực kì kĩ lưỡng để nó mang một tầng ý nghĩa lớn, ví như từ "tắm". Đây là một trong những từ ngữ đắt giá nhất tác phẩm, "chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của chúng ta trong bể máu"! Một từ thôi nhưng đã nêu bật lên được sự tàn ác của kẻ thù xâm lược đối với nhân dân ta, sự đàn áp dã man của chúng lên những cuộc nổi dậy. Vậy nên mới nói, mỗi lời, mỗi câu , mỗi chữ trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đều khiến người ta phải khâm phục và tự hào.
Không chỉ là sự ngắn gọn, súc tích với ngôn từ ý nghĩa, dễ hiểu, văn chính luận của Hồ Chí Minh nói chung và tác phẩm Tuyên ngôn độc lập nói riêng còn khiến người ta phải trầm trồ khi có những lập luận sắc bén, thuyết phục, đặc biệt ở đoạn nêu lên tội ác của thực dân Pháp.
Bác vạch trần bộ mặt của thực dân Pháp với những tội ác dã man chúng gây nên cho dân tộc Việt Nam qua những khía cạnh khác nhau từ chính trị, kinh tế đến xã hội. Bác đưa ra những luận điểm rõ ràng rồi diễn giải chúng bằng những dẫn chứng thuyết phục.
Bác ví trên phương diện chính trị, thực dân Pháp đã "tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào". Để chứng minh cho luận điểm này, Người đưa ra những bằng chứng như sự thi hành luật pháp dã man ở ba miền, "chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học", "chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu", ...
Còn về phương diện kinh tế, Người cũng đưa ra một luận điểm đó là "chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thống, nước ta xơ xác, tiêu điều". Sau đó, bằng phương pháp liệt kê, Người đưa ra một loạt những chứng cứ xác thực để chứng minh cho luận điểm của mình như "chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu", "chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý", ...
Có thể nói, mỗi lập luận của Người đều vô cùng sắc sảo, những bằng chứng và lý lẽ thấu tình đạt lý. Người đã minh chứng cho sự tàn ác của thực dân Pháp - một đất nước tự nhận là đưa văn minh đến thuộc địa của mình, tự nhận mình là "nước Mẹ" mà lại đối xử dã man với "đứa con" của mình. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn khẳng định sự phản bội của "nước Mẹ" với đứa con Việt Nam khi Người đưa ra bằng chứng hai lần Pháp đã dâng Việt Nam cho Phát xít Nhật "trái lại, trong vòng năm năm, chúng dã man bán nước ta hai lần cho NHật" khiến cho nhân dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích và khiến chúng ta phải chịu một tổn thất vô cùng nặng nề "hai triệu đồng bào ta bị chết đói'.
Có thế nói bằng ngòi bút chính luận xuất sắc của mình, Hồ Chí Minh đã dùng những lập luận sắc sảo, lý lẽ đanh thép mà buộc tội kẻ thù xâm lược, khiến chúng không còn một lời nào có thể biện hộ nữa. Không chỉ thế, Người còn đi tới một kết luận, một lời khẳng định chỉ với chín chữ ngắn ngủi nhưng chứa đựng toàn bộ kết tinh sự chiến đấu của dân tộc ta trong cuộc Cách mạng tháng Tám vừa qua "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị" - bức tranh về toàn bộ kẻ thù được dựng lên và hình ảnh một đất nước mới được ra đời.
Những lập luận của Người còn thể hiện ở những dòng cuối trong bản Tuyên ngôn ấy, chỉ với năm câu, Người khẳng định một cách mạnh mẽ, đanh thép rằng "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Đó là ý chí, là niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Có thể nói, chỉ với 49 câu, với những lập luận sắc sảo, ngôn từ chặt chẽ, Hồ Chí Minh đã tuyên bố với cả thế giới sự khai sinh của một Nhà nước non trẻ nhưng có đầy đủ quyền độc lập và tự do. Người sử dụng những cơ sở pháp lý quốc tế để chứng minh cho sự tự do ấy.
Ngoài ra, phong cách nghệ thuật văn chính luận Hồ Chí Minh còn được chú ý bởi bút pháp cực kì đa dạng. Người sử dụng bút pháp cổ điển pha lẫn với hiện đại để chứng minh cho những luận điểm nêu ra trong bản tuyên ngôn. Ví như câu đầu tiên "Hỡi đồng bào cả nước", đó như một lời hiệu triệu mang âm hưởng của Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Văn chính luận của Hồ Chí Minh - bản Tuyên ngôn độc lập, đã để lại trong lòng chúng ta những dấu ấn về phong cách vô cùng đậm nét. Đó là dấu ấn về một văn bản ngắn gọn, nhưng vô cùng đầy đủ nội dung, ngôn ngữ giản dị nhưng vô cùng đanh thép khi tố cáo tội ác của kẻ thù, dấu ấn về cách lập luận cực kì sắc sảo với những lý lẽ không thể chối cãi và về bút pháp được kết hợp vô cùng đa dạng.
Bác Hồ - Người không chỉ mang đến cho dân tộc ta con đường đi tươi sáng, mà con ghi lại dấu ấn trong lòng người yêu văn thơ một phong cách nghệ thuật khác biệt, cái chất riêng của Người. Có thể nói, Người chính là tấm gương để mỗi thế hệ chúng ta noi theo khi viết bất kì một văn bản nào đó, viết cho nhân dân, viết để phục vụ nhân dân, dễ hiểu, dễ nghe, ngắn gọn nhưng cũng thật đầy đủ.
Tham khảo thêm
- docx Phân tích nghệ thuật lập luận trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
- docx Phân tích tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
- docx Phân tích đoạn mở đầu tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
- doc Phân tích giá trị lịch sử và giá trị văn chương trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
- doc Phân tích cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh