Chính tả Nghe - viết: Một chuyên gia máy xúc Tiếng Việt 5
Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện kĩ năng viết chính tả. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm những vốn từ ngữ phong phú. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
Mục lục nội dung
1. Nội dung bài học
- Nghe - viết chính tả "Một chuyên gia máy xúc".
- Tìm các tiếng, các từ phù hợp.
- Giải thích được cách ghi dấu thanh.
2. Câu hỏi và hướng dẫn giải
2.1. Giải câu 1 trang 46 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Nghe viết: Một chuyên gia máy xúc (từ Qua khung cửa kính… đến những nét giản dị, thân mật):
Qua khung cửa kính buồng máy, tôi nhìn thấy một người ngoại quốc cao lớn, mái tóc vàng óng ửng lên như một mảng nắng. Tôi đã từng gặp nhiều người ngoại quốc tới tham quan công trường. Nhưng người ngoại quốc này có một vẻ gì nổi bật lên khác hẳn các khách tham quan khác. Bộ quần áo xanh màu công nhân, thân hình chắc và khỏe, khuôn mặt to chất phác… tất cả gợi lên ngay từ phút ban đầu những nét giản dị, thân mật.
b. Hướng dẫn giải: Khi nghe - viết "Một chuyên gia máy xúc" các em cần chú ý những yêu cầu sau:
- Viết đúng chính tả, viết hoa tên người.
- Dùng dấu câu thích hợp.
- Chú ý các từ ngữ dễ viết sai chính tả: khung cửa, buồng máy, tham quan, chất phác.
2.2. Giải câu 2 trang 46 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Tìm các tiếng có chứa uô, ua trong bài văn dưới đây. Giải thích quy tắc ghi dấu thanh trong mỗi tiếng em vừa tìm được?
Anh hùng Núp tại Cu-ba
Năm 1964, Anh hùng Núp tới thăm đất nước Cu-ba theo lời mời của Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô. Người Anh hùng Tây Nguyên được đón tiếp trong tình anh em vô cùng thân mật. Anh Núp thấy người Cu-ba giống người Tây Nguyên mình quá, cũng mạnh mẽ, sôi nổi, bụng dạ hào phóng như cánh cửa bỏ ngỏ, thích nói to và đặc biệt là thích nhảy múa. Tới chỗ đông người nào, sau một lúc chuyện trò, tất cả lại cùng nhảy múa. Bị cuốn vào những cuộc vui ấy, anh Núp thấy như đang sống giữa buôn làng Tây Nguyên muôn vàn yêu dấu của mình.
Theo NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
b. Hướng dẫn giải:
- Các tiếng có chứa uô, ua trong bài văn gồm có: múa, cuốn, buôn, muôn, của.
- Quy tắc ghi dấu thanh trong mỗi tiếng em vừa tìm được:
+ Trong các tiếng có âm "ua" (không có âm cuối) dấu thanh đặt ở chữ cái đầu của âm chính – chữ "u". Ví dụ: múa, của.
+ Trong các tiếng có âm "uô" (có âm cuối) dấu thanh đặt ở chữ cái thứ hai của âm chính – chữ "ô". Ví dụ: cuốn, buôn, muôn.
2.3. Giải câu 3 trang 47 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Tìm tiếng có chưa uô hoặc ua thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ dưới đây:
(1) … người như một.
(2) Chậm như …
(3) Ngang như …
(4) Cày sâu … bẫm.
b. Hướng dẫn giải:
(1) Muôn người như một.
(2) Chậm như rùa.
(3) Ngang như cua.
(4) Cày sâu cuốc bẫm.
3. Tổng kết
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
- Rèn luyện kĩ năng viết đúng chính tả.
- Trau dồi thêm nhiều vốn từ phong phú qua việc tìm từ điền vào chỗ trống.
Tham khảo thêm
- doc Tập đọc: Một chuyên gia máy xúc Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Hòa bình Tiếng Việt 5
- doc Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc (tuần 5) Tiếng Việt 5
- doc Tập đọc: Ê-mi-li, con (Trích) Tiếng Việt 5
- doc Tập làm văn: Luyện tập làm báo cáo thống kê (tuần 5) Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Từ đồng âm Tiếng Việt 5