Chính tả Nghe - viết: Anh bộ đội cụ Hồ gốc Bỉ Tiếng Việt 5

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em có kĩ năng phân tích được mô hình cấu tạo vần. Đồng thời, nội dung bài học này còn giúp các em nâng cao kĩ năng viết đúng chính tả khi nghe - viết. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Chính tả Nghe - viết: Anh bộ đội cụ Hồ gốc Bỉ Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Nghe - viết đúng chính tả, viết hoa tên người.

- Mô hình cấu tạo vần có âm đệm, âm chính và âm cuối.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 38 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Nghe - viết:

Anh bộ đội Cụ Hồ gốc Bỉ

Phrăng Đơ Bô - en là một người lính Bỉ trong quân đội Pháp xâm lược Việt Nam. Nhận rõ tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược, năm 1949, ông chạy sang hàng ngũ quân đội ta, lấy tên Việt là Phan Lăng. Năm 1986, Phan Lăng cùng con trai đi thăm Việt Nam, về lại nơi ông đã từng chiến đấu về chính nghĩa.

b. Hướng dẫn giải:

- Khi nghe - viết cần chú ý những cụm từ khó, dễ mắc lỗi chính tả như sau: Xâm lược, chính nghĩa.

- Viết hoa tên người, tên địa danh: Phrăng Đơ Bô - en, Bỉ, Pháp, Việt Nam, Phan Lăng.

2.2. Giải câu 2 trang 38 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Chép vần của các tiếng in đậm trong câu sau về mô hình cấu tạo vần. Cho biết các tiếng ấy có gì giống nhau và khác nhau về cấu tạo:

"Nhận rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, năm 1949, ông chạy sang hàng ngũ quân đội ta, lấy tên Việt là Phan Lăng".

b. Hướng dẫn giải:

- Mô hình cấu tạo vần:

+ Tiếng "nghĩa" không có âm đệm và âm cuối, chỉ có âm chính là "ia".

+ Tiếng "chiến" không có âm đệm, nhưng có âm chính và âm cuối:

  • Âm chính là "iê".
  • Âm cuối là "n".

- So sánh hai tiếng "chiến" và "nghĩa" như sau:

+ Giống nhau: Hai tiếng đều có âm chính gồm hai chữ cái.

+ Khác nhau:

  • Tiếng “chiến” có âm cuối, tiếng “nghĩa” không có âm cuối.
  • Tiếng “chiến” dấu thanh đặt ở chữ cái thứ hai của âm chính (nguyên âm đôi), tiếng “nghĩa” dấu thanh đặt ở chữ cái đầu của âm chính.

2.3. Giải câu 3 trang 38 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Nêu quy tắc ghi dấu thanh của các tiếng trên.

b. Hướng dẫn giải:

- Các tiếng “nghĩa, chiến” trong bài tập 2 đều có nguyên âm đôi là ia và iê. Do đó, quy tắc ghi dấu thanh của các tiếng có thanh ghi như sau:

+ Đối với tiếng có âm cuối, dấu thanh đặt ở chữ các thứ hai của âm chính (nguyên âm đôi). Ví dụ: chiến.

+ Đối với tiếng không có âm cuối, đặt dấu thanh ở chữ cái thứ nhất của âm chính (nguyên âm đôi). Ví dụ: nghĩa.

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Có ý thức viết đúng chính tả.

- Nắm và phân tích được mô hình cấu tạo vần.

Ngày:04/11/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM