Chiếu dời đô Ngữ văn 8

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được ý nghĩa trọng đại của sự kiện dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long. Đồng thời, bài học này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng đọc - hiểu một văn bản viết theo thể chiếu. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Chiếu dời đô Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Lí Công Uẩn (947 - 1028) tức Lí Thái Tổ.

- Quê: Châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang. Nay là Từ sơn - Bắc Ninh.

- Ông là vị vua khai sáng triều Lí, là vị vua anh minh, có chí lớn và lập nhiều chiến công.

1.2. Tác phẩm

- Năm 1010, Lí Công Uẩn viết bài chiếu bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay).

- Thể chiếu: Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh, chiếu có thể viết bằng văn vần, văn xuôi hoặc văn biền ngẫu, chiếu được công bố và đón nhận một cách trang trọng.

- Bố cục bài chiếu gồm 2 ý:

+ Luận điểm 1: Lí do dời đô (Từ đầu đến không dời đổi).

+ Luận điểm 2: Những cở sở chứng minh thành Đại La là nơi để định đô (đoạn còn lại).

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Lí do dời đô

- Việc dời đô của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc đã trở thành những sự kiện lớn, nhằm mưu toan việc lớn, xây dựng vương triều phồn thịnh, tính kế lâu dài cho thế hệ sau. việc dời đô vừa thuận theo ý trời vừa thuận lòng dân.

- Hoa Lư có địa thế núi non hiểm trở chật hẹp chỉ thích hợp với vị trí phòng ngự lợi hại về quân sự.

- Những triều đại trước đây không dám mạnh mẽ dời đô bởi vì còn có những mặt hạn chế, chưa đủ mạnh nên chưa thực hiện dời đô. Hai triều Đinh - Lê theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời không dời đô cho nên triều đại không bền, ngắn ngủi nhân dân thì khổ sở, vạn vật không được thích nghi, không thể phát triển thịnh vượng.

=> Thời Lí trong đà phát triển đi lên của đất nước kinh đô cũ không còn phù hợp, cần thiết phải dời đô để thuận lợi cho khát vọng xây dựng đất nước lâu bền và hùng mạnh.

2.2. Những cở sở chứng minh thành Đại La là nơi để định đô

- Về vị trí địa lí: Đó là nơi trung tâm trời đất, mở ra bốn hướng Nam - Bắc - Đông -Tây; có núi, có sông; đất rộng mà bằng, cao mà thoáng, tránh được nạn lụt lội.

- Về vị thế chính trị - văn hoá: là đầu mối giao lưu chốn tụ hội của bốn phương; là mảnh đất hưng thịnh, muôn vật phong phú tốt tươi.

- Về tất cả các mặt, thành Đại La có đủ mọi điều kiện để trở thành kinh đô của đất nước muôn đời.

- Nhà vua đưa ra ý định dời đô nhằm hướng đến sự phát triển thịnh vượng của đất nước, nhà vua cũng khẳng định rằng việc dời đô chính là xây dựng vương triều phồn thịnh, tính kế lâu dài cho quốc gia, dân tộc. Việc dời đô trên thì thuận theo mệnh trời (tức phù hợp với quy luật khách quan), dưới thì thuận theo ý dân (phù hợp với nguyện vọng của nhân dân) nôn kết quả là đều đem đến sự phát triển thịnh vượng cho quốc gia dân tộc.

=> Qua việc đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng ấy, tác giả khẳng định việc thay đổi kinh đô đối với triều đại nhà Lí là một tất yếu khách quan. Ý định dời đô của Lí Công Uẩn bắt nguồn từ thực tế lịch sử đồng thời thể hiện ý chí mãnh liệt của nhà vua cũng như của dân tộc ta hồi đó. Nhà vua muốn xây dựng và phát triển Đại Việt thành một quốc gia hùng mạnh trong tương lai.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Chiếu dời đô của Lí Công uẩn là văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn. Chính văn bản này đã góp phần khai sinh ra kinh đô của nước ta trong quá khứ và hiện nay.

- Về nghệ thuật:

+ Đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.

+ Cách ban bố mệnh lệnh vừa tình cảm, gần gũi, vừa thể hiện tính khách quan.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu ý nghĩa của văn bản "Chiếu dời đô".

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn là văn bản có ý nghĩa chính trị sâu sắc, văn bản hướng đến việc đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước, đó không chỉ là khát vọng cao đẹp, lớn lao của dân tộc mà còn là một minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển hùng cường của dân tộc. Hai triều đại trước vốn không dời đô vì thế và tiềm lực còn yếu, nên phải dựa vào rừng núi hiểm trở để tồn tại. Còn nay, khi Lý Công Uẩn quyết dời đồ ra nơi đồng bằng, rộng rãi, bằng phẳng là kinh thế và lực của ta đã lớn mạnh, sẵn sàng đương đầu với những ý định lăm le của kẻ thù. Đồng thời dời đô đến nơi mới cũng tạo điều kiện cho ta không ngừng phát triển kinh tế, quân sự, củng cố và làm vững mạnh hơn nữa tiềm lực quốc gia, dân tộc. Chiếu dời đô vẫn luôn giữ vững giá trị của mình cho đến thời điểm hiện tại. Tác phẩm không chỉ cho thấy sự anh minh, sáng suốt trong nhìn nhận, phân tích vấn đề của Lý Công Uẩn mà còn cho thấy tài năng lập luận phong phú, sắc sảo của vị vua anh minh, sáng suốt này.

Câu 2: Tác giả đã chỉ ra những thuận lợi gì khi dời đô?

Gợi ý trả lời:

- Tác giả đã chỉ ra được những điểm thuận lợi của kinh đô mới so với kinh đô cũ. Đại La không có gì xa lạ đối với mỗi người dân Việt lúc đó, nó được Cao Biền đời nhà Đường xây dựng vào thế kỉ thứ IX.

- Kinh đô mới mang rất nhiều mặt thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của đất nước, Lí Công Uẩn đã chỉ ra rất rõ những thuận lợi ấy trong bài chiếu của mình. Vị trí của nó ở vào nơi trung tâm của trời đất... đã đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây. Địa thế của Đại La rất đẹp, rất hùng vĩ, là thế rồng cuộn hổ ngồi, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi, địa thế rộng mà bằng phẳng; đất đai cao mà thoáng.

-> Rõ ràng đây là một vùng đất lí tưởng thích hợp cho việc đóng đô và quần tụ cư dân. Nó không bị ngập lụt mà muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được chiếu là thể văn chính luận trung đại, chức năng ban bố mệnh lệnh của nhà vua.

- Sự phát triển của quốc gia Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.

- Ý nghĩa trọng đại của sự kiện dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long và sức thuyết phục mạnh mẽ của lời tuyên bố quyết dịnh dời đô.

-  Rèn luyện kĩ năng đọc - hiểu một văn bản viết theo thể chiếu.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM