Cảm nhận về tác phẩm Ý nghĩa văn chương của Hoài Thanh

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em nắm được đặc điểm và công dụng của văn chương trong cuộc sống của chúng ta. Hy vọng rằng những bài văn mẫu này sẽ giúp các em học tốt hơn. Cùng eLib tham khảo nhé!

Cảm nhận về tác phẩm Ý nghĩa văn chương của Hoài Thanh

1. Dàn ý phân tích văn bản Ý nghĩa văn chương

a. Mở bài:

- Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Hoài Thanh.

- Khái quát về nội dung chính trong văn bản Ý nghĩa văn chương.

b. Thân bài:

- Nguồn gốc của văn chương:

+ Nguồn gốc chủ yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là lòng thương cả muôn vật, muôn loài.

+ Đây là quan niệm đúng đắn, có lí song không phải là quan niệm duy nhất.

- Nhiệm vụ của văn chương:

+ Văn chương là sự hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng.

+ Văn chương phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống.

+ Văn chương sáng tạo ra sự sống.

+ Văn chương đưa ra, dựng lên hình ảnh, ý tưởng, một thế giới mơ ước mà con người luôn khát khao đạt đến.

- Công dụng của văn chương:

+ Khơi dậy những trạng thái cảm xúc khác nhau của con người, “gợi tình cảm và lòng vị tha”.

+ Văn chương có sức cảm hóa lạ lùng.

+ Gây cho ta những tình cảm không có, luyện cho ta những tình cảm sẵn có.

+ Cho ta biết cảm nhận cái đẹp, cái hay của cảnh vật, của thiên nhiên.

+ Lưu giữ lại dấu vết, lịch sử văn hóa của loài người.

c. Kết bài:

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

+ Nội dung: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có.

+ Nghệ thuật: lập luận chặt chẽ, vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, hình ảnh…

- Vai trò, công dụng của văn chương đối với bản thân: trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết, thế giới tinh thần trở nên phong phú hơn…

2. Bình giảng tác phẩm Ý nghĩa văn chương

Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên (1909 - 1982), quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là một nhà phê bình văn học xuất sắc. Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa - nghệ thuật. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn Thi nhân Việt Nam, in năm 1942. Bài Ý nghĩa của văn chương sau này in lại đã đổi tự đề thành Ý nghĩa và công dụng của văn chương.

Với một lối văn nghị luận kết hợp hài hòa giữa lí lẽ sắc bén với cảm xúc tinh tế, trong văn bản này, Hoài Thanh khẳng định: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là tấm gương phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng. Hơn thế, văn chương còn góp phần sáng tạo ra sự sống, gây dựng cho con người những tình cảm không có và luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn, tẻ nhạt. Quan niệm đúng đắn đó thể hiện trình độ hiểu biết sâu sắc cùng thái độ yêu quý, trân trọng của tác giả dành cho văn chương.

Tác giả vào đề bằng một câu chuyện đời xưa kể chuyện một thi sĩ Ấn Độ đã khóc nức nở khi nhìn thấy một con chim bị thương... tác giả chỉ ra rằng: “Tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca”. Hoài Thanh vào đề một cách có duyên, nhẹ nhàng, hấp dẫn. Cách mở bài ấy được gọi là “dụ khởi” (lối mở bằng ví dụ, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng có cách mở bài như thế). Từ câu chuyện hoang đường ấy, tác giả nêu rõ nguồn gốc của văn chương là gì. Đó là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài. Nói một cách khác, hiểu một cách khác, cảm hứng thơ văn là tình thương.

Ý nghĩa văn chương là “hình dung sự sống, hoặc sáng tạo ra sự sống”. Nguồn gốc của văn chương “cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha”. Hoài Thanh đã có một cách nói riêng, chỉ ra hai chức năng của văn chương là nhận thức và giáo dục. Văn học phản ánh hiện thực, nâng cao nhận thức hiện thực, giúp người đọc “hình dung sự sống muôn hình vạn trạng”; văn học còn “sáng tạo ra sự sống”, đó là điều kì diệu của thơ văn. Ví dụ, khi đọc những bài thơ như Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)..., ta hình dung được, hiểu được cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trải qua muôn vàn khó khăn ác liệt, tuổi trẻ Việt Nam rất anh hùng.

Thực tế cho thấy sự sáng tạo văn chương bắt nguồn từ cảm xúc yêu thương chân thành của nhà văn, nhà thơ. Thông qua văn chương, các tác giả giúp người đọc nhận thức được nhiều điều bổ ích về cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại. Đọc ca dao, tục ngữ hay thần thoại, cổ tích, chúng ta hình dung được tổ tiên xưa kia sinh sống ra sao trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên; những bài học về đạo lý và kinh nghiệm sống ở đời được gần gũi qua các loại hình văn học cư thấm dần vào máu thịt, tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho mỗi con người.

Văn chương hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ của cuộc đời. Vì vậy nó là món ăn tinh thần không thể thiếu, giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích hơn đối với gia đình và xã hội.

Cách đây hàng trăm năm, ông cha ta đã có câu tục ngữ: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nguồn gốc của câu tục ngữ trên cũng xuất phát từ lòng nhân ái, từ mục đích muốn con người có cách ăn nói sao cho đúng, cho hay; có cách ứng xử với nhau tốt đẹp hơn.

Nhận định về tác dụng to lớn của văn chương, Hoài Thanh viết: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần.

Đây chính là chức năng giáo dục của văn chương. Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm con người. Mục đích của văn chương là giúp con người tự khám phá, hiểu biết, nâng cao niềm tin vào bản thân và có khát vọng hướng tới chân lý, hướng tới cái đẹp của cuộc đời.

Đặc điểm của văn chương là nâng con người vượt lên trên những lợi ích vật chất tầm thường. Đi vào thế giới của văn chương, người đọc sẽ sống cùng, cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ với nhân vật. Những giờ phút đến với văn chương, tâm hồn ra thanh thản biết bao! Có thể nói văn chương đã đem đến cho con người niềm vui lớn lao và một đời sống tinh thần phong phú.

Văn chương làm cho cuộc đời thêm đẹp, cuộc sống thêm sắc màu ý vị, phong phú hơn, đẹp đẽ hơn. Đúng như tác giả đã viết: “Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”.

Cuộc đời không thể thiếu văn chương. Văn chương sáng tạo ra cái đẹp, làm cho ta thấy cuộc đời đẹp hơn, đáng yêu hơn. Hoài Thanh đã dùng hình ảnh gợi cảm để diễn tả ý đó: “từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay”.

3. Bài văn cảm nhận về văn bản Ý nghĩa văn chương

Hoài Thanh là một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Những đánh giá, bình luận của ông về văn học có giá trị lớn lao. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Hoài Thanh là "Thi nhân Việt Nam" được in năm 1942. Tác phẩm "Ý nghĩa văn chương" đã cho người đọc thấy được nguồn gốc, tác dụng và ý nghĩa của văn chương đối với đời sống con người.

Tác giả Phan Kế Bính đã định nghĩa văn chương rằng: "văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng. Lời của người ta rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng cho nên gọi là văn chương". Khái niệm văn chương mà Hoài Thanh sử dụng trong tác phẩm này giống với định nghĩa của Phan Kế Bính, tức là tính nghệ thuật, vẻ đẹp của câu văn, lời văn.

Thứ nhất, tác giả đề cập về nguồn gốc của văn chương. Bằng việc dẫn ra một câu chuyện Ấn Độ, nhà nghiên cứu nhận định đó là nguồn gốc của văn chương. Theo đó, nguồn gốc văn chương xuất hiện khi con người có cảm xúc mãnh liệt trước một hiện tượng đời sống nào đó. Văn chương là niềm xót thương của con người trước những điều đáng thương. Có thể nói nguồn gốc văn chương chính là lòng yêu thương. Vậy văn chương bắt nguồn từ đâu?. Theo Hoài Thanh văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động hàng ngày từ những bài ca dao về “Trâu ơi ta bảo trâu này…” cho đến những tác phẩm lớn. Không những thế văn chương còn bắt nguồn từ cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và chống giặc ngoại xâm. Hơn nữa, văn chương còn bắt nguồn bởi những văn hóa, lễ hội truyền thống. Tóm lại văn chương có nguồn gốc từ tình yêu thương của con người đối với cuộc sống. Hoài Thanh đã thật khéo léo khi biến bài nghị luận trở thành một bài văn giàu sức thuyết phục mà vô cùng hấp dẫn. Cách dẫn vào vấn đề của tác giả vô cùng tự nhiên.

Thứ hai, tác giả đề cập đến công dụng và nhiệm vụ của văn chương đối với đời sống con người. Về nhiệm vụ của văn chương Hoài Thanh chỉ ra rằng, văn chương phản ánh hiện thực và sáng tạo hiện thực. Từ hình ảnh chú bé Lượm trong bài thơ cùng tên của Tố Hữu cho đến cánh cò trong ca dao đều phản ánh hiện thực đời sống. Từ truyện Thạch Sanh cho đến truyện Cây bút thần đều phản ánh ước mơ công lý, cải tạo hiện thực đời sống cho người lao động. Về công dụng của văn chương, Hoài Thanh chỉ ra rằng văn chương giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha; văn chương gây cho ta những tình cảm không có và luyện cho ta những tình cảm sẵn có. Để chứng minh cho điều này, tác giả dẫn ra hai câu chuyện Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài và Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài. Nhà phê bình thật đúng khi nhận định rằng “Một người hàng ngày chỉ lo cặm cụi vì mình, thế mà khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, mừng, buồn, giận cùng với những người ở đâu đâu… hay sao”.

Văn chương sinh ra trên đời không chỉ bởi nhu cầu bộc lộ tình cảm của con người mà nó còn có những tác dụng to lớn đối với cuộc sống. Hoài Thanh đã chỉ ra rằng “Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng... Văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Hai câu văn đã khẳng định được nhiệm vụ của văn chương là “hình dung ra sự sống” và “sáng tạo ra sự sống”. Điều này có nghĩa là mỗi nhà văn với con mắt nhìn cuộc đời khác nhau đã cho ta những hình ảnh về các góc nhìn của cuộc sống. Đều viết về Hà Nội nhưng Vũ Bằng lại có cái nhìn khác Thạch Lam, mỗi người khai thác một phương diện. Những hình ảnh của cuộc sống được hình dung qua văn chương cũng muôn màu muôn vẻ. Nguyễn Trãi ví tiếng suối như tiếng đàn cầm còn Hồ Chí Minh lại nghe như tiếng hát xa. Cách hình dung, tái hiện cuộc sống vào văn chương vô cùng phong phú. Thế giới này dường như không đủ rộng trong con mắt của những nhà văn. Hoài Thanh viết: "Vũ trụ này tầm thường, chật hẹp, không đủ thỏa mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn. Nhà văn sẽ sáng tạo ra những thế giới khác". Đúng vậy, nhà văn bằng khối óc và trái tim đã sáng tạo nên những thế giới mới, thế giới có cả cái tôi nhà văn và cái ta cộng đồng nhân loại.

Văn chương còn dạy cho ta bao điều hay lẽ phải trong cuộc đời, giúp ta ngày một hoàn thiện hơn về nhân phẩm, đạo đức. Văn chương giúp ta nâng cao kiến thức, mở rộng tâm hồn. Vì vậy, văn chương vừa là người bạn thân thiết vừa là người thầy uyên bác, tận tình luôn bên cạnh chúng ta trên đường đời. Văn chương như một phép màu kì diệu làm cho những thứ bình thường trong cuộc sống bỗng trở nên đẹp đẽ lạ thường.

  • Tham khảo thêm

Ngày:21/01/2021 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM