Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được một cách đầy đủ về những hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế xuất hiện trong tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng viết một bài văn nghị luận văn học thật tốt. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý cảm nhận về thiên nhiên và con người xứ Huế
a. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Hàn Mặc Tử và tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ.
- Khái quát về nội dung tác phẩm và dẫn dắt vào phân tích thiên nhiên, con người xứ Huế.
b. Thân bài:
- Xuất xứ: Đây thôn Vĩ Dạ được rút ra từ tập Thơ điên. Khi hai người cùng ở Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử đã từng yêu thầm Hoàng Thị Kim Cúc. Khi về Huế, Hoàng Cúc nghe tin Hàn Mặc Tử bệnh bèn gởi vào tặng Hàn Mặc Tử tấm bưu ảnh phong cảnh và lời chúc sớm lành bệnh. Từ đó, đã gợi cho ông những kỉ niệm một thời từng sống ở Huế và sáng tác bài thơ này.
- Chủ đề: Từ những kỉ niệm về Huế, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh tuyệt về cảnh vật, con người xứ Huế. Đồng thời, mượn câu chuyện tình đơn phương của mình để kín đáo gởi gắm tình yêu quê hương xứ sở.
- Phân tích:
+ Khổ 1: Bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, con người xứ Huế:
- Cảnh vật hiện lên qua vài nét phác họa nhẹ nhàng, duyên dáng, đầy ấn tượng của màu xanh như ngọc của ánh sáng tinh khôi buổi ban mai.
- Cuối cùng là nét chấm phá độc đáo tương phản giữa cái vuông vức của khuôn mặt chữ điền với chiếc lá trúc che ngang, gợi lên nét tinh nghịch mà dịu dàng, dễ thương vốn dĩ ở thôn quê.
+ Khổ 2: Cảnh buồn qua cái nhìn đầy nội tâm:
- Cảnh đẹp và thơ mộng, nhưng lay lắt buồn bã trong cảm giác chia lìa bằng hình thức thơ độc đáo: Gió theo lối gió / mây đường mây. Dòng sông như tấm gương ghi nhận hình ảnh chia lìa đó, nên buồn thiu, hoa bắp cúng lay lắt buồ thiu, chia sẻ với tâm trạng nhà thơ.
- Trăng chiếm một dung lượng khá lớn trong thơ Hàn Mặc Tử và ánh trăng thật kì lạ, khác thường.
- Câu phiếm định: "thuyền ai?", rồi lại "bến sông trăng". Quả thật, đúng như Hoài Thanh viết về Hàn Mặc Tử, trong "Thi nhân Việt Nam": "Vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh".
+ Khổ cuối: Cảnh vật,con người đều chìm sâu vào mộng ảo:
- Cõi lòng nhà thơ dường như chìm vào mộng tưởng (mơ khách đường xa). Bệnh tật cũng đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái buồn đau ảo giác (nhìn không ra, mờ nhân ảnh). Bởi vậy, con người cảnh vật tất cả đều nhòa mờ trong cô đơn, ngậm ngùi.
- Trong cô đơn, ngậm ngùi, trong mộng ảo đau thương, nhưng lòng nhà tha vẫn cứ âm thầm muôn gởi đến con người, cuộc đời một thông điệp, nó như lời trần tình tội nghiệp.
- Ta chưa thể quyết rằng cậu thơ ấy thể hiện tình yêu nước của Hàn Mặc Tử đến mức nào. Thế nhưng, chắc chắn rằng Hàn Mặc Tử rất yêu cuộc đời, rất yêu quê hương xứ sở. Ta cũng không ngờ trong tập Thơ Điên lại có những vần thơ đậm đà, chan chứa tình quê đến thế.
c. Kết bài:
- Khái quát lại vấn đề.
2. Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế
Căn cứ vào bản thân văn bản thơ, ta thấy nổi lên hàng đầu là hình ảnh Huế đẹp và thơ. Bài thơ gồm 3 khổ, 12 câu thất ngôn. Mỗi khổ thơ dường như được dành để nói về một phương diện của Huế.
Câu hỏi đầu tiên làm sống dậy kỉ niệm về thôn Vĩ, nói rộng hơn về xứ Huế, trong tâm hồn đằm thắm và thơ mộng của Hàn Mặc Tử.
Cảnh buổi sớm nơi thôn Vĩ: Nắng mới lên, chiếu sáng, lấp loáng những hàng cau. Vĩ Dạ có những hàng cau thẳng tắp thân cao vượt lên trên các mái nhà và những tán cây. Những tàu cau còn bóng loáng sương đêm như hút lấy ánh sáng lúc ban mai.
Cảnh thơ thứ nhất hiện ra khá rõ nét, đẹp với vẻ đẹp cổ điển. Ánh nắng mặt trời và hàng cau hóa thân làm một bởi phép tỉnh lược động từ: nắng hàng cau. Trời đất giao hòa, vườn thôn Vĩ như cô gái dậy thì, mướt, xanh như ngọc hứng lấy từng giọt ánh sáng long lanh. Giữa lá trúc và mặt chữ điền là một sự phối hợp mang tính chất biểu trưng: vừa quý phái sang trọng, vừa dân dã bình dị tạo nên cốt cách văn hóa của con người xứ Huế. Sự tinh khôi của đất trời và trong trẻo của lòng người trong cảnh thơ ấy có lẽ là dư âm kỷ niệm của một thời Gái quê với mối tình đầu hồn nhiên trong trắng.
Ở câu thơ thứ ba, tác giả dùng đại từ phiếm chỉ “vườn ai” như để hỏi người nhưng cũng là tự hỏi mình. “Vườn ai” vừa bộc lộ sự kín đáo, e dè, vừa thê hiện sự tinh tế và sâu sắc của nhà thơ. “Vườn ai” thì chính trong trái tin của nhân vật trữ tình đã hiểu quá rõ, quá sâu sắc rồi. Màu xanh của khu vườn là một màu xanh rất đặc biệt và lạ kì. “Xanh như ngọc” chính là màu xanh vừa trong lành vừa tinh khôi. Từ “mướt” như làm sang bừng lên cả câu thơ, tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho khu vườn buổi sang mai.
Cảnh thơ thứ ba toàn màu trắng, cái trắng của một giấc mơ sau hàng loạt những xung động bất thường. Ai đó vừa là khách vừa là em xuất hiện trên con đường đầy sương khói. Điệp ngữ khách đường xa làm cho con đường như dài thêm ra và mở toang thành không gian vô bờ bến. Người chỉ còn là cái bóng. Sương trắng, áo trắng, hai thứ màu trắng hòa vào nhau. Cái nhân ảnh của kỷ niệm đang vỡ tan ra cùng sương khói. Cái màu trắng của ảo giác rất hư vô này đã đẩy thơ Hàn Mặc Tử đến bến bờ siêu thực: trắng như tinh, trắng rợn mình... Với Hàn Mặc Tử, đấy phải chăng là cái Thượng thanh khí của một tình yêu đang sắp được thăng hoa vào một cõi xa xôi nào đó.
Đây thôn Vĩ Dạ kết tụ bao nhiêu biến động của cuộc đời trần thế để rồi tan ra trong không gian vĩnh cửu, vô thường.
3. Ý nghĩa của thiên nhiên và con người xứ Huế
Huế luôn là mảnh đất gợi nhớ, gợi thương đối với những ai đã từng đặt chân qua đây. Bởi nó có một nét đẹp vừa tươi mới, vừa cổ kính, vừa gần gũi. Thiên nhiên trong bài thơ chính là chất liệu để làm tôn thêm hình ảnh con người nơi xứ Huế.
Khổ thơ được cất lên bằng tiếng trách hờ của cô gái đối với nhân vật trữ tình. Một câu trách nhẹ nhàng, nhưng tình cảm và đầy sự tinh tế. Dù có trách thì người khác cũng không nỡ lòng nào để giận để hờn. Và đằng sau câu trách ấy là một bức tranh thiên nhiên thơ mộng được vẽ ra. Có thể nói tác giả đã không còn đơn thuần dùng chất liệu ngôn ngữ để vẽ tranh nữa mà đã dùng cả sự rung động trong trái tim để vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp đó.
Thiên nhiên cứ thế sang rực lên, tươi tắn và khỏe khắn. Cách dùng từ “nắng mới lên” gợi cho người đọc liên tưởng đến nắng đầu ngày, nắng bình minh khoan thai, dễ chịu và nhẹ nhàng. Nắng mới lên đậu trên hàng cau xanh vút khiến người đọc mường tượng đến một khung cảnh thanh mát và trong lành.
Hình ảnh thôn Vĩ bắt đầu hiện lên. Một vẻ đẹp trong buổi sớm mai rất bình dị với hàng cau, với vườn cây xanh vẫn còn đọng những hạt sương trên lá như ngọc long lanh trong nắng sớm. Một vẻ đẹp tinh khôi, tất cả như đang bừng sáng trong ánh nắng. Thôn Vĩ Dạ như đang khoác trên mình một chiếc áo mới, của một ngày mới rất lung linh và diệu kỳ.
“Nắng hàng cau” là cái nắng dịu nhẹ của bình minh, màu xanh “mướt” như “ngọc” là một màu xanh trong trẻo lung linh khắp cả khu vườn. Tình yêu thiên nhiên, yêu cái thôn “Vĩ”, yêu quê hương của Hàn Mặc Tử đã được bộc lộ một cách sâu sắc.
Chỉ có thể với một người yêu vẻ đẹp quê hương mình đến thế, với tâm hồn thi sĩ vốn có mới có thể thốt nên những câu thơ hay, đẹp và trong sáng đến như vậy. Một vẻ đẹp rất bình dị của một làng quê xứ Huế.
Cái tinh tế ở đây là làn gió thổi rất nhẹ, không đủ cho mây bay, không đủ cho nước gợn, nhưng gió vẫn run lên nhè nhẹ cho hoa bắp lay. Tất nhiên, đây phải là cảnh sông Hương chảy qua Vĩ Dạ lững lờ trôi về phía cửa Thuật. Đúng là nhịp điệu của Huế rồi.
Khổ thơ không chỉ minh họa cho mối tình cụ thể giữa nhà thơ và người bạn gái. Đặt trong dòng kỉ niệm về Huế, ta thấy hiện lên trong sương khói của đất kinh đô hình ảnh rất đặc trưng của các cô gái Huế. Những cô gái Huế thường e lệ quá, kín đáo quá nên xa vời, hư ảo quá. Những cô gái ấy khi yêu, liệu tình yêu có đậm đà chăng? Đây không phải là sự đánh giá hay trách móc ai. Tình yêu càng thiết tha, càng hay đặt ra những nghi vấn như vậy.
Tình trong thơ bao giờ cũng là tình riêng. Nhưng tình riêng chỉ có ý nghĩa khi nói được tình của mọi người. Phép biện chứng của tình cảm nghệ sĩ là như vậy. Đối với sự tiếp nhận của người đọc, nổi lên trước hết trong khổ thơ này, cũng như trong toàn bộ bài thơ vẫn là hình ảnh thơ mộng và đáng yêu của cảnh và người xứ Huế.
Tham khảo thêm
- docx Phân tích và cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
- docx Cảm nhận về khổ thơ đầu tiên trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
- docx Phân tích khổ thơ cuối bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
- docx Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
- docx Top 10 mở bài về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử hay và sáng tạo nhất