Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh. Từ đó, các em sẽ biết cách xây dựng được kết cấu cho văn bản phù hợp với đối tượng thuyết minh. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh Ngữ văn 10

1. Vài nét về văn bản thuyết minh

- Khái niệm: Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản nhằm giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị,... của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề thuộc tự nhiên, xã hội và con người.

- Phân loại: Có nhiều loại văn bản thuyết minh:

+ Có loại chủ yếu trình bày, giới thiệu như thuyết trình một tác phẩm, một di tích lịch sử, một phương pháp.

+ Có loại thiên về miêu tả sự vật, hiện tượng với những hình ảnh sinh động, giàu tính hình tượng. Nhưng thường thấy loại văn bản thuyết minh thiên về trình bày, giới thiệu.

2. Kết cấu của văn bản thuyết minh

- Kết cấu văn bản thuyết minh: là sự tổ chức, sắp xếp các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa. Người viết có thể chọn hình thức kết cấu khác nhau nhưng dù cách nào cũng phải phù hợp với mối lên hệ bên trong của các đối tượng, quan hệ giữa đối tượng với môi trường xung quanh và quá trình nhận thức của con người.

- Kết cấu phụ thuộc vào đối tượng, mục đích và người tiếp nhận văn bản.

- Khi viết bài văn thuyết minh có thể lựa chọn nhiều hình thức kết cấu khác nhau:

+ Theo trình tự thời gian: trình bày sự vật theo quá trình hình thành, vận động và phát triển.

+ Theo trình tự không gian: trình bày sự vật theo tổ chức vốn có của nó (bên trên - bên dưới, bên trong - bên ngoài hoặc theo trình tự quan sát).

+ Theo trình tự lô - gíc: trình bày sự vật theo các mối quan hệ khác nhau (nguyên nhân - kết quả; chung - riêng; liệt kê các mặt, các phương diện,...).

+ Theo trình tự hỗn hợp: trình bày sự vật với kết hợp nhiều trình tự khác nhau.

3. Luyện tập

Câu 1: Nếu được giao đề tài thuyết minh về nhà thơ Ba-sô em sẽ chọn hình thức kết cấu như thế nào? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

- Nếu được giao đề tài thuyết minh về nhà thơ Ba-sô em sẽ chọn hình thức kết cấu theo trình tự hỗn hợp, bởi vì khi thuyết minh về nhà thơ cần phải kết hợp nhiều trình tự khác nhau mới có thể trình bày đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp, phong cách sáng tác của nhà thơ. Chẳng hạn như khi nói đến những bài thơ của Ba-sô, chúng ta thấy những bài thơ có sự thay đổi trong phong cách sáng tác theo thời gian thì chúng ta sẽ sử dụng hình thức kết cấu theo trình tự thời gian.

Câu 2: Nếu thuyết minh một trang phục truyền thống của Việt Nam, em sẽ giới thiệu những nội dung gì? Chọn hình thức kết cấu nào?

Gợi ý trả lời:

- Sắp xếp những nội dung phù hợp về đối tượng thuyết minh, chọn hình thức kết cấu theo trình tự thời gian, nhằm trình bày quá trình hình thành, phát triền của chiếc áo dài Việt Nam:

+ Nêu lên đối tượng: Chiếc áo dài Việt Nam.

+ Nguồn gốc, xuất xứ: Bắt nguồn từ áo tứ thân Trung Quốc.

+ Đã được tổ chức Unesco công nhận là một di sản Văn hóa phi vật thể, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.

+ Hình dáng.

+ Cấu tạo.

+ Áo dài trong mắt người dân Việt Nam và bạn bè Quốc tế.

+ Tương lai của tà áo dài

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Văn thuyết minh, các loại văn bản thuyết minh.

- Yêu cầu xây dựng văn bản thuyết minh.

- Một số hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh.

- Nhận diện và phân tích sự hợp lí về hình thức kết cấu trong một số văn bản thuyết minh.

- Xác định hình thức kết cấu của một số vấn đề thuyết minh.

Ngày:18/10/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM