Bố cục trong văn bản Ngữ văn 7

Bài học dưới đây giúp các em hiểu được như thế nào là bố cục văn bản, vai trò của bố cục văn bản, yêu cầu của bố cục văn bản. Mời các em cùng tham khảo bài học của eLib.

Bố cục trong văn bản Ngữ văn 7

1. Bố cục của văn bản

1.1. Bố cục là gì?

  • Việc triển khai nội dung của văn bản trước hết thể hiện ở bố cục.

  • Văn bản không thể được viết một cách tuỳ tiện mà phải có bố cục rõ ràng.

→ Bố cục là sự bố trí, sắp xếp các phần, các đoạn theo một trình tự, 1 hệ thống rành mạch và hợp lý

1.2. Vai trò của bố cục trong văn bản?

  • Hệ thống các phần của văn bản cho thấy mạch phát triển của vấn đề, thể hiện sự rành mạch trong suy nghĩ của người viết

→ Góp phần tạo nên sức thuyết phục của văn bản.

2. Những yêu cầu về bố cục trong văn bản

Điều kiện để bố cục được rành mạch, hợp lý:

  • Nội dung các phần, các đoạn trong văn bản phải thống nhất chặt chẽ với nhau, đồng thời giữa chúng phải có sự phân biệt rạch ròi.

  • Trình tự xếp đặt các phần, các đoạn phải giúp người viết dễ dàng đạt được mục đích giao tiếp đã đặt ra

3. Các phần của bố cục

- Một văn bản rõ ràng, mạch lạc thường gồm 3 phần. Mỗi phần có nhiệm vụ rõ ràng.

  • Mở bài: Giới thiệu nội dung sẽ triển khai, dẫn dắt người đọc nhập cuộc

  • Thân bài: Triển khai nội dung đã giới thiệu ở mở bài, giải quyết nhiệm vụ đã đặt ra

  • Kết bài: Khẳng định và nâng cao vấn đề đã trình bày ở phần nội dung

- Văn bản sẽ rành mạch, hợp lí nếu mỗi phần có sự rành mạch, hợp lí và đều hướng đến một ý chung của toàn văn bản.

- Bố cục của 2 loại văn bản thường gặp

+ Văn bản tự sự

  • Mở bài: Giới thiệu chung về nhân vật và sự việc

  • Thân bài: Diễn biến và phát triển của sự việc, câu chuyện

  • Kết bài: Kết thúc câu chuyện

+ Văn bản miêu tả

  • Mở bài: Tả khái quát

  • Thân bài: Tả chi tiết

  • Kết bài: Tóm tắt về đối tượng miêu tả và phát biểu cảm nghĩ.

4. Luyện tập

Câu 1: Tìm bố cục của bài thơ ngụ ngôn Lão nông và các con (văn bản in ở trang 33, SGK).

Gợi ý trả lời:

Cần chú ý làm tốt cả hai công việc chính :

a) Chia đoạn : Hãy xét xem, trong bài thơ Lão nông và các con, 2 câu đầu và 4 câu cuối khác với những câu còn lại và khác với nhau ở chỗ nào ? Từ đó, có thể cho rằng tác phẩm cũng được viết ra theo cách bố cục quen thuộc, với 3 phần mở, thân và kết bài được hay không ?

b) Đánh giá : Hãy xét xem, những câu nêu lên tư tưởng chung của toàn bài có đòi hỏi một sự minh hoạ cụ thể, rõ ràng ở phần kế tiếp không ? Rồi sau đó, có cần phải có một phần kết thúc để chứng tỏ câu chuyện ở phần thứ hai là hoàn toàn phù hợp với chân lí được nêu ở phần thứ nhất hay không ? Và từ đó, có thể cho rằng bài thơ đã có một bố cục thực sự hợp lí và chặt chẽ hay không ?

Câu 2: Đọc văn bản sau và cho biết:

a. Văn bản được chia thành mấy phần, nội dung của từng phần là gì?

b. Nhận xét về nhiệm vụ của từng phần trong văn bản trên và cho biết chúng có quan hệ với nhau như thế nào?

NGƯỜI THẦY ĐẠO CAO ĐỨC TRỌNG

Ông Chu Văn An đời Trần nổi tiếng là một thầy giáo giỏi, tính tình cứng cỏi, không màng danh lợi. Học trò theo ông rất đông. Nhiều người đỗ cao và sau này giữ những trọng trách trong triều đình như các ông Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát; vì thế vua Trần Minh Tông vời ông ra dạy thái tử học. Đến đời Dụ Tông, vua thích vui chơi, không coi sóc tới việc triều đình, lại tin dùng bọn nịnh thần. Ông nhiều lần can ngăn nhưng vua không nghe. Cuối cùng ông trả lại mũ áo cho triều đình, từ quan về làng. Học trò của ông, từ người làm quan to tới những người bình thường, khi có dịp thăm thầy cũ, ai cũng giữ lễ. Nếu họ có điều gì không phải, ông trách mắng ngay, có khi không cho vào thăm. Khi ông mất, mọi người đều thương tiếc. Ông được thờ tại Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long.

(Theo Phan Huy Chú)

Gợi ý trả lời:

a. Văn bản trên có 3 phần

  • Mở bài: Từ đầu đến “danh lợi”: Giới thiệu khái quát về nhân vật Chu Văn An

  • Thân bài: Từ “Học trò theo ông” đến “không cho vào thăm”: Những biểu hiện chứng tỏ “đạo cao đức trọng” của thầy Chu Văn An.

  • Kết bài: Từ “Khi ông mất” đến hết: Tình cảm của người đời dành cho Chu Văn An khi ông mất

b. Ba phần mở bài, thân bài, kết bài có nhiệm vụ khác nhau trong việc triển khai nội dung của văn bản.

  • Mở bài: Giới thiệu nhân vật, nêu chủ đề của văn bản.

  • Thân bài: Cụ thể hoá, làm rõ nội dung đã nêu ở mở bài.

  • Kết bài: Thâu tóm, nhấn mạnh nội dung đã biểu đạt trong thân bài.

 ⇒ Như vậy, dù mỗi phần của văn bản có nhiệm vụ khác nhau nhưng giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc với nhau.

5. Kết luận

  • Nội dung các phần, các đoạn trong văn bản phải thống nhất chặt chẽ với nhau, đồng thời giữa chúng phải có sự phân biệt rạch ròi.

  • Trình tự xếp đặt các phần, các đoạn phải giúp người viết dễ dàng đạt được mục đích giao tiếp đã đặt ra.

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM