Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca - trích) Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em hiểu hơn về Nguyễn Trãi - một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Đồng thời, các em sẽ cảm nhận được bức tranh Côn Sơn có sự giao hòa trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên. Chúc các em học thật tốt!

Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca - trích) Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442). Hiệu: ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh.

- Quê gốc: Chi Ngại - Chí Linh - Hải Dương, sau dời đến làng: Nhị Khê - Thường Tín - Hà Tây.

- Ông là người toàn đức, toàn tài, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

- Là người Việt Nam đầu tiên được công nhận: Danh nhân văn hoá thế giới (1980).

- Cuộc đời: Gặp nhiều thăng trầm, oan ức.

- Năm 1442 ông đã bị giết hại một cách rất oan khốc và thảm thương. Đến năm 1464 mới được vua Lê Thánh Tông rửa oan.

- Là nhà văn lớn của dân tộc.

- Các tác phẩm tiêu biểu: Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, ức Trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập...

=> Nguyễn Trãi là nhà thơ lỗi lạc, nhân tài hiếm có trong lịch sử dân tộc.

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Côn Sơn ca có nhiều khả năng được sáng tác trong thời gian ông bị chèn ép, đành phải cáo quan về sống ở Côn Sơn.

- Thể thơ lục bát.

- Bố cục có thể chia thành hai phần:

+ Cảnh trí Côn Sơn.

+ Cuộc sống và tâm hồn nhà thơ ở Côn Sơn.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Cảnh vật Côn Sơn

- Suối chảy rì rầm như tiếng đàn cầm.

- Đá rêu phơi êm ái như ngồi trên chiếu.

- Thông mọc như nêm: thông mọc rậm và dày.

- Trúc rậm, râm mát, dày tạo nên bóng râm khi trời nắng.

- Biện pháp nghệ thuật:

+ Cảnh vật được miêu tả bằng thủ pháp so sánh giàu sức gợi.

+ Bức tranh có sự kết hợp giữa âm thanh và màu sắc.

+ Hình ảnh được lựa chọn miêu tả: thông, trúc – loài cây tượng trưng cho Côn Sơn, biểu trưng của sự thanh cao

+ Nghệ thuật lấy động để tả tĩnh: Tiếng suối rì rầm -> sự tĩnh lặng, thanh bình.

⇒ Gợi vẻ đẹp ngàn xưa, thanh cao, khóang đạt, yên tĩnh và nên thơ: Có âm thanh sống động hồn người, có sắc xanh bất tận bao la hùng vĩ của cây rừng Côn Sơn. Thiên nhiên như một người bạn tri âm, tri kỉ của nhà thơ.

2.2. Cảnh sống và tâm hồn Nguyễn Trãi ở Côn Sơn

- Đại từ “ta”: Có mặt 5 lần -> Chỉ Nguyễn Trãi đang sống những ngày nhàn tả, ẩn dật ở Côn Sơn.

+ Ta nghe tiếng suối.

+ Ta ngồi trên đá.

+ Ta lên.

+ Ta nằm.

+ Ta ngâm thơ nhàn.

=> Thời gian rỗi rãi một cách bất đắc dĩ. Với tâm hồn thi sĩ đây là dịp để thảnh thơi, thả hồn vào suối, vào thông, vào trúc nơi rừng cao bóng cả.

- Chữ “nhàn”: tâm trạng của Nguyễn Trãi thực tế chỉ nhàn một nửa, thực chất ông vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm muốn đem sức mình phò vua, giúp nước.

- Chữ “nhàn” mang tính tích cực, không hề bất lực, không buông xuôi mà vẫn tha thiết với đời.

-> Hiện lên hình ảnh Nguyễn Trãi đang sống trong ung dung, nhàn tả, thả hồn mình vào cảnh trí Côn Sơn, ông giao hoà tuyệt đối với thiên nhiên.

- Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên:

+ Gắn bó, giao hoà nhưng con người không bị tan biến trước thiên nhiên khoáng đạt.

+ Nhân vật trữ tình tha thiết muốn hoà vào cảnh vật một cách chân tình, trọn vẹn.

+ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

+ Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

+ Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

+ Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

⇒ Thể hiện sức sống thanh cao, sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp, trong lành đồng thời ca ngợi sức sống thanh cao, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Nhân cách thanh cao, tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Trãi.

- Về nghệ thuật:

+ Thể thơ lục bát, giọng điệu nhẹ nhàng.

+ So sánh, liên tưởng, lấy động gợi tĩnh.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về đoạn thơ mở đầu trong bài "Bài ca Côn Sơn".

Gợi ý trả lời:

Bài ca Côn Sơn có đoạn thơ thơ mở đầu rất ấn tượng, nó đem đến cho người đọc bao cảm nhận mới mẻ về tâm hồn thi sĩ của Ức Trai. Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện ra thật thơ mộng và lãng mạn: có tiếng suối chảy rì rầm, có đá rêu phơi êm ái, có rừng thông mọc rậm, dày, có rừng trúc xanh mát, vừa có cái hoang dã của thiên nhiên, vừa có hơi ấm của cuộc sống đầy ắp tình người. Hơn nữa, trong con mắt thi nhân, thiên nhiên không chỉ là cảnh, mà đã trở thành nhà. Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Thật là tuyệt thú! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa.

Câu 2: Em có nhận xét gì về Nguyễn Trãi qua hai câu thơ sau:

"Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm"

Gợi ý trả lời:

Sau khi đã thả hồn mình vào những câu thơ trên một cách thi sĩ, nhẹ nhàng và lan tỏa, thi nhân lặng đến ngồi bên những phiến đá mà thời gian đã rêu phong bao phủ. Ông ngồi chơi ngắm cảnh, hay ngồi đánh cờ một mình? Có lẽ là cả hai. Trên nhân gian này, không ít người đã từng ngồi trên đá, nhưng làm sao họ cảm nhận được như thi nhân?

"Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm"

Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp một hình ảnh so sánh liên tưởng đầy thú vị khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn không phải là để ẩn dật theo đúng nghĩa của cách sống ẩn dật, mà ông trở về Côn Sơn với nỗi hân hoan đầy tự do của một con người trở về nhà mình. Và trong ngôi nhà ấy, ông không những được tha hồ nghe nhạc rừng, ngồi trên đá đánh cờ, mà còn được nằm dưới bóng thông râm mát, được ngâm thơ nhàn dưới bóng trúc xanh. Một cuộc sống mà người và cảnh gắn bó với nhau, hoà nhập vào nhau. Lòng Ức Trai thanh thản đến lạ kì.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được sự hoà nhập thanh cao của Nguyễn Trãi với cảnh trí Côn Sơn qua đoạn trích “Bài ca Côn Sơn”.

- Rèn luyện kĩ năng đọc, nhận diện thể thơ lục bát, phân tích được thể thơ này.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM