Lý 7 Bài 9: Tổng kết chương 1: Quang học
Với bài tổng kết chương Quang học thuộc chương trình Vật lý lớp 7 SGK dưới đây của eLib sẽ giúp bạn nắm trắc kiến thức lí thuyết phần Quang. Ngoài ra các bài tập ôn tập, eLib cũng có lời giải chi tiết, hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Nhận biết ánh sáng- Nguồn sáng và vật sáng
-
Ta nhận biết được ánh sáng khi có ánh sáng truyền vào mắt ta.
-
Ta nhìn thấy một vật khi có ánh sáng truyền từ vật vào mắt ta.
-
Nguồn sáng là vật tự nó phát ra ánh sáng. Vật sáng gồm nguồn sáng và những vật hắt lại ánh sáng chiếu vào nó.
Chú ý: Vật đen là vật không tự phát ra ánh sáng và cũng không hắt lại ánh sáng chiếu vào nó.
1.2. Sự truyền ánh sáng
- Định luật truyền thẳng của ánh sáng: Trong môi trường trong suốt và đồng tính, ánh sáng truyền đi theo đường thẳng.
- Đường truyền của ánh sáng được biểu diễn bằng một đường thẳng có mũi tên chỉ hướng gọi là tia sáng.
- Có 3 loại chùm sáng:
-
Chùm sáng giao nhau ⇒ chùm sáng hội tụ
-
Chùm sáng không giao nhau ⇒ chùm sáng song song
-
Chùm sáng loe rộng ra ⇒ chùm sáng phân kì
1.3. Định luật phản xạ ánh sáng
- Hình của một vật quan sát được trong gương gọi là ảnh của vật tạo bởi gương.
- Hiện tượng phản xạ ánh sáng là hiện tượng ánh sáng bị hắt trở lại khi gặp một bề mặt nhẵn bóng.
- Định luật phản xạ ánh sáng:
-
Tia phản xạ nằm trong mặt phẳng chứa tia tới và pháp tuyến của gương tại điểm tới.
-
Góc phản xạ bằng góc tới.
1.4. Các loại gương
a) Gương phẳng
- Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng không hứng được trên màn chắn gọi là ảnh ảo.
- Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng lớn bằng vật.
- Khoảng cách từ một điểm của vật đến gương bằng khoảng cách từ ảnh của điểm đó đến gương.
- Chú ý:
-
Ảnh của vật là tập hợp ảnh của tất cả các điểm trên vật.
-
Các tia sáng từ điểm sáng S tới gương phẳng cho tia phản xạ có đường kéo dài đi qua ảnh ảo S’.
b) Gương cầu lồi
-
Gương cầu lồi là một phần mặt cầu, phản xạ tốt ánh sáng, có mặt phản xạ nằm phía ngoài mặt cầu.
-
Ảnh tạo bởi gương cầu lồi là ảnh ảo, nhỏ hơn vật.
-
Vùng nhìn thấy của gương cầu lồi rộng hơn vùng nhìn thấy của gương phẳng có cùng kích thước.
c) Gương cầu lõm
- Gương cầu lõm là một phần mặt cầu, phản xạ tốt ánh sáng, có mặt phản xạ nằm phía trong mặt cầu.
- Tác dụng của gương cầu lõm:
-
Gương cầu lõm có tác dụng biến đổi một chùm tia tới song song thành một chùm tia phản xạ hội tụ tại một điểm.
-
Gương cầu lõm có tác dụng biến đổi một chùm tia tới phân kì thích hợp thành một chùm tia phản xạ song song.
- Ảnh tạo bởi gương cầu lõm có thể là ảnh thật hoặc ảnh ảo tùy theo vị trí của vật đối với gương.
-
Ảnh ảo ⇒ Cùng chiều với vật
-
Ảnh thật ⇒ Ngược chiều với vật
2. Bài tập minh họa
2.1. Dạng 1: Xác định đặc điểm của tia phản xạ và góc phản xạ
Điền vào chỗ trống: Tia sáng khi gặp gương phẳng thì bị phản xạ lại theo định luật phản xạ ánh sáng.
a) Tia phản xạ nằm trong cùng mặt phẳng với... và đường...
b) Góc phản xạ bằng ...
Hướng dẫn giải
a) Tia phản xạ nằm trong cùng mặt phẳng với tia tới và đường pháp tuyến.
b) Góc phản xạ bằng góc tới.
2.2. Dạng 2: Giải thích về hiện tượng nguyệt thực
Đứng trên trái Đất, trường hợp nào dưới đây ta thấy có nguyệt thực?
Hướng dẫn giải
Nguyệt thực là hiện tượng Trái Đất che khuất ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng. Do đó, khi đứng trên Trái Đất vào ban đêm mới có thể thấy được nguyệt thực.
3. Luyện tập
3.1 Bài tập tự luận
Câu 1: Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng là ảnh gì? Độ lớn của ảnh và khoảng cách từ ảnh đến gương thế nào so với độ lớn của vật và khoảng cách từ vật đến gương?
Câu 2: Ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi có những tính chất gì giống và khác với ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng?
Câu 3: Khi vật ở khoảng nào thì gương cầu lõm cho ảnh ảo? Ảnh này lớn hơn hay nhỏ hơn vật?
Câu 4: Nêu định luật phản xạ ánh sáng.
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Chọn câu trả lời đúng cho câu hỏi:
"Khi nào ta nhìn thấy một vật?"
A. Khi vật được chiếu sang
B. Khi vật phát ra ánh sáng
C. Khi có ánh sáng từ vật truyền vào mắt ta
D. Khi có ánh sáng từ mắt ta chiếu sáng vật
Câu 2: Chọn câu phát biểu đúng trong các câu dưới đây nói về ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng:
A. Ảnh ảo bé hơn vật và ở gần gương hơn vật
B. Ảnh ảo bằng vật và cách gương một khoảng bằng khoảng cách từ vật đến gương.
C. Ảnh hứng được trên màn và lớn bằng vật
D. Ảnh không hứng được trên màn và bé hơn vật
Câu 3: Chọn từ thích hợp điền vào chổ trống : Khi trái đất ở giữa mặt trời và mặt trăng thì mặt trăng đi vào ... của trái đất nên không được mặt trời chiếu sáng.
A. trong suốt
B. vùng bóng tối
C. đồng tính
D. vùng bóng nửa tối
Câu 4: Một tia sáng chiếu tới gương phẳng và hợp với mặt gương một góc 300. góc phản xạ bằng:
A. 150
B. 300
C. 450
D. 600
4. Kết luận
Qua bài giảng Tổng kết chương I - Quang Học này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:
-
Củng cố và nắm chắc các kiến thức cơ bản của chương 1.
-
Vận dụng được một cách tổng hợp các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề ( Trả lời câu hỏi, giải bài tập, giải thích các hiện tượng ...) có liên quan.
Tham khảo thêm
- doc Lý 7 bài 1: Nhận biết ánh sáng- Nguồn sáng và vật sáng
- doc Lý 7 Bài 2: Sự truyền ánh sáng
- doc Lý 7 Bài 3 : Ứng dụng định luật truyền thẳng của ánh sáng
- doc Lý 7 Bài 4: Định luật phản xạ ánh sáng
- doc Lý 7 Bài 5: Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
- doc Lý 7 Bài 6: Thực hành: Quan sát và vẽ ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
- doc Lý 7 Bài 7: Gương cầu lồi
- doc Lý 7 Bài 8 : Gương cầu lõm