GDCD 8 Bài 8: Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác

Bài học giúp học sinh hiểu thế nào là tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác, ý nghĩa và cách rèn luyện để có được sự tôn trọng các dân tộc khác. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 8. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 8 Bài 8: Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

a. Câu chuyện 1

Bác đã 30 năm bôn ba học hỏi, tìm đường cứu nước, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.

b. Câu chuyện 2

Các di sản văn hóa của nước ta được công nhận là di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn…

c. Câu chuyện 3

Thành tựu Trung Quốc đạt được nhờ: mở rộng quan hệ, học tập kinh nghiệm các nước khác, phát triển các ngành công nghiệp mới…

=> Bài học của trung Quốc không những giúp Trung Quốc thành công trong công cuộc đổi mới kinh tế mà còn là bài học cho các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam có những nét chung về văn hóa, có mối quan hệ từ lâu đời nên việc học hỏi kinh nghiệm có nhiều thuận lợi.

=> Phải biết tôn trọng các dân tộc khác, học hỏi những giá trị văn hóa của dân tộc khác và thế giới để góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác là tôn trọng chủ quyền, lợi ích và nền văn hóa của các dân tộc. Luôn tìm hiểu, tiếp thu những điều tốt đẹp trong nền kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc; đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc chính đáng của mình.

b. Ý nghĩa

Tôn trọng học hỏi các dân tộc khác tạo điều kiện để nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh và phát triển bản sắc dân tộc.

c. Cách rèn luyện

- Tích cực học tập tìm hiểu đời sống và các nền văn hóa thế giới.

- Tiếp thu một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh truyền thống con người Việt Nam.

2. Luyện tập

Câu 1: Chúng ta nên học tập, tiếp thu những gì ở các dân tộc khác trên thế giới ? Hãy nêu ví dụ.

Gợi ý trả lời

- Chúng ta nên học tập các dân tộc khác:

+ Những thành tựu về khoa học - kĩ thuật trên tất cả các lĩnh vực.

+ Học tập trình độ quản lý.

+ Văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.

- Ví dụ:

+ Sản xuất máy móc hiện đại.

+ Máy vi tính.

+ Ti vi màu...

+ Lĩnh vực giao thông: đường, cầu cống, hầm...

+ Xây dựng, kiến trúc: quy hoạch đô thị, kiến trúc hiện đại.

+ Cải cách quản lý, hành chính trong các cơ quan nhà nước.

+ Giáo dục: cải cách chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học...

Câu 2: Toàn và Hoà đang trạnh luận với nhau. Toàn nói :" Ở những nước đang phát triển không có gì đáng học tập vì họ lạc hậu lắm, chỉ ở những nước phát triển có kinh tế, khoa học - kĩ thuật tiên tiến mới có nhiều thành tựu đáng cho ta học tập". Trái lại, Hoà bảo : "Ngay cả ở những nước đang phát triển cũng có nhiều mặt mà ta cần học tập"

Em đồng ý với ý kiến của bạn nào ? Vì sao ?

Gợi ý trả lời

Em đồng ý với ý kiến của bạn Hòa

Những nước đang phát triển tuy có thể nghèo nàn lạc hậu hơn những nước phát triển nhưng họ cũng có những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc, mang tính truyền thống mà chúng ta cần học tập, ví như Việt Nam của chúng ta là nước đang phát triển nhưng chúng ta cũng có những di sản văn hóa đóng góp cho nền văn hóa nhân loại, chúng ta có truyền thống yêu nước, có kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm, nhân dân Việt Nam cần cù chịu thương chịu khó, người Việt Nam nhân hậu mến khách, ta có phong tục tập quán làm nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, những cái chúng ta có được đáng để các nước học tập, nhất là trong điều kiện giao lưu hội nhập hiện nay.

Câu 3: Em đồng ý hoặc không đồng ý với những việc làm nào dưới đây ? Vì sao ?

a) Bắt chước kiểu quần áo của các ngôi sao điện ảnh ;

b) Tìm hiểu phong tục, tập quán của các nước trên thế giới ;

c) Chỉ xem phim, truyện của nước ngoài; không xem phim, truyện của Việt Nam ;

d) Học hỏi công nghệ sản xuất hiện đại để ứng dụng ở Việt Nam ;

đ) Chỉ dùng hàng ngoại, chê hàng của Việt Npm ;

e) Không xem nghệ thuật dân tộc của Việt Nam ;

g) Không xem nghệ thuật dân tộc của các nước khác ;

h) Dùng tiếng Việt xen lẫn tiếng nước ngoài.

Gợi ý trả lời

- Em đồng ý với các ý kiến (b), (d), (h).

Bởi vì, trong quá trình giao lưu hội nhập như ngày nay việc tìm hiểu phong tục tập quán của các nước khác là một điều nên làm và không thể thiếu; việc học hỏi công nghệ sản xuất hiện đại để ứng dụng ở Việt Nam là rất cần thiết trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đất nước bước vào thời kì hội nhập và phát triển ngoài việc học tập trau dồi vốn tiếng Việt, chúng ta không thể không học tiếng nước ngoài, nếu không học, không biết thì không thể học hỏi, giao lưu phát triển được.

- Em không đồng ý với ý kiến (a), (c), (đ), (e), (g)

Bởi vì, những ý kiến đó chứng tỏ không tôn trọng, học hỏi các dân tộc khác; các ý kiến (g), không có lòng tự tin dân tộc, các ý kiến (c), (đ), (e) và học hỏi không có chọn lọc ý kiến (a).

3. Kết luận

Qua bài học, các em cần ghi nhớ các kiến thức sau:

- Hiểu nội dung , ý nghĩa và những yêu cầu của việc tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác.

- Phân biệt hành vi đúng hoặc sai trong việc học hỏi các dân tộc khác; tiếp thu một cách có chọn lọc ; tích cực học tập nâng cao hiểu biết và tham gia các hoạt động xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc.

- Có lòng tự hào dân tộc và tôn trọng các dân tộc khác ,có nhu cầu tìm hiều và học tập những điều tốt đẹp trong nền văn hoá của các dân tộc.

Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM