GDCD 10 Bài 8: Tồn tại xã hội và ý thức xã hội

Bài học dưới đây giúp các em làm quen với các khái niệm tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Qua đó chúng ta sẽ nâng cao nhận thức về các chính sách dân số và môi trường của Nhà nước; đồng thời không thụ động trước hoàn cảnh khách quan, tiếp thu quan điểm tiến bộ và phê phán các quan niệm lạc hậu.

GDCD 10 Bài 8: Tồn tại xã hội và ý thức xã hội

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tồn tại xã hội

Tồn tại xã hội là toàn bộ sinh hoạt vật chất và điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội.

a. Môi trường tự nhiên

- Bao gồm: Điều kiện địa lí, của cải tự nhiên và nguồn năng lượng

- Vai trò của môi trường tự nhiên:

  • Là điều kiện tất yếu và thường xuyên của sự tồn tại và phát triển xã hội
  • Con người tác động vào giới tự nhiên theo hai hướng: Tích cực và tiêu cực
  • Sự khai thác môi trường tự nhiên phụ thuộc vào ý thức của con người: Đúng quy luật tự nhiên hay trái với quy luật tự nhiên

b. Dân số

  • Là số dân trong một hoàn cảnh địa lí nhất định
  • Dân số là điều kiện tất yếu và thường xuyên của sự tồn tại xã hội
  • Tốc độ phát triển dân số nhanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển mọi mặt của đất nước.

c. Phương thức sản xuất

- Phương thức sản xuất là cách thức con người làm ra của cải vật chất trong những giai đoạn nhất định của lịch sử.

- Cấu trúc: Bao gồm 2 yếu tố lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

  • Lực lượng sản xuất là sự thống nhất giữa tư liệu sản xuất và người sử dụng tư liệu ấy để sản xuất ra của cải vật chất
  • Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất, bao gồm các quan hệ sở hữu, quản lí và phân phối

- Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

  • Trong quá trình phát triển của PTSX, LLSX là mặt luôn phát triển, QHSX thay đổi chậm hơn.
  • Mâu thuẫn xảy ra khi LLSX phát triển và QHSX cũ không còn phù hợp với nó.

⇒ Giải quyết mâu thuẫn là sự chấm dứt PTSX đã lỗi thời và thay thế bằng PTSX mới. PTSX mới ra đời khi QHSX phù hợp với tính chất, trình độ của LLSX.

Chú ý: Trong các yếu tố của lực lượng sản xuất, con người giữ vai trò quan trọng nhất; trong các yếu tố của tư liệu sản xuất, công cụ lao động giữ vai trò quan trọng nhất; trong các yếu tố của quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò quan trọng nhất.

1.2. Ý thức xã hội

a. Ý thức xã hội: Là sự phản ánh tồn tại xã hội bao gồm toàn bộ quan điểm, quan niệm của cá nhân trong xã hội từ các hiện tượng tình cảm, tâm lí đến các quan điểm và học thuyết chính trị, pháp luật, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật, khoa học, triết học.

b. Hai cấp độ của ý thức xã hội

Tâm lí xã hội: Toàn bộ những tâm trạng, thói quen, tình cảm của con người được hình thành một cách tự phát do ảnh hưởng trực tiếp của những điều kiện sinh sống hằng ngày, chủ yếu mang tính chất kinh nghiệm chưa được khái quát thành lý luận.

Hệ tư tưởng: Là toàn bộ những quan niệm, quan điểm đã được hệ thống hóa thành lý luận, thành học thuyết về chính trị, pháp quyền. Được hình thành một cách tự giác.

1.3. Mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội

a. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội: Tồn tại xã hội là cái có trước, quyết định ý thức xã hội. Khi tồn tại xã hội thay đổi cũng kéo theo sự thay đổi của ý thức xã hội

b. Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội: Những ý thức xã hội tiên tiến có thể phản ánh đúng đắn các quy luật khách quan, chỉ đạo con người trong những hoạt động thực tiễn đạt kết quả cao, thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện.

2. Luyện tập

Câu 1: Tồn tại xã hội bao gồm những yếu tố nào? Yếu tố nào giữ vai trò quyết định? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Tồn tại xã hội là toàn bộ sinh hoạt vật chất và những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, bao gồm môi trường tự nhiên, dân số và phương thức sản xuất.

Trong những yếu tố ấy, phương thức sản xuất là yếu tố quyết định, bởi vì trình độ của phương thức sản xuất như thế nào sẽ quyết định sự tác động của con người đến môi trường tự nhiên và quy mô phát triển dân số như thế ấy

Câu 2: Hãy phân tích tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội?

Gợi ý trả lời

Khi khẳng định vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, Triết học Mác – Lê-nin đồng thời thừa nhận tính độc lập tương đối của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội.

Một trong những biểu hiện của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội là sự tác động trở lại của nó đối với tồn tại xã hội. Những ý thức xã hội tiên tiến có thể phản ánh đúng đắn các quy luật khách quan, chỉ đạo con người trong hoạt động thực tiễn đạt kết quả cao, thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển và hoàn thiện hơn. Ngược lại, những ý thức xã hội lạc hậu có tác động kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội.

Câu 3: Hãy nêu ra một vài ví dụ nói rõ mối quan hệ giữa bối cảnh xã hội và nội dung tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Gợi ý trả lời

Các ví dụ cụ thể:

- Bối cảnh xã hội: Ở chế độ phong kiến thực dân ngày xưa có những điều sai trái bất cập của xã hội thời này xảy ra như vua quan không tốt, nạn cướp bóc, quan liêu, chiến tranh,...làm khổ người dân.

- Nội dung tác phẩm: Các tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời phản ánh sự thống khổ của người dân và sự xót thương của tác giả như “Đồng hào có ma”, “Chí phèo”, “Chị Dậu”,…

- Bài thơ "Đồng chí"

  • Bối cảnh xã hội: Tác giả Chính Hữu sáng tác năm 1948, sau khi ông đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc.
  • Nội dung tác phẩm: Bài thơ ca ngợi tình đồng chí đồng đội thiêng liêng cao cả của các anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp

- "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"

  • Bối cảnh xã hội: Tác giả Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969, trên con đường chiến lược Trường Sơn - khi chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.
  • Nội dung tác phẩm: Bài thơ ca ngợi những chiến sĩ lái xe Trường Sơn thời đánh Mĩ dũng cảm ngoan cường, lạc quan yêu đời, quyết chiến đấu hi sinh vì một lí tưởng cao cả là giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

- Truyện ngắn "Làng"

  • Bối cảnh xã hội: Tác giả Kim Lân sáng tác trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
  • Nội dung tác phẩm: Truyện nói về tình yêu Làng của ông Hai Thu khi phải xa làng đi tản cư, qua đó ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và nhiệt tình tham gia kháng chiến chống Pháp của người nông dân Việt Nam.

Câu 4: Khi bàn về quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, em tán thành ý kiến nào sau đây? Tại sao?

a) Đi-đờ-rô (1713 - 1784), nhà Triết học người Pháp cho rằng: Thượng đế chỉ là sự thần thánh hóa các điều kiện sống hiện thực của con người mà thôi. 

b) Phoi-ơ-bắc nói một cách hình ảnh: Người trong cung điện thì suy nghĩ khác người trong túp lều. 

c) Trong tất cả những chuyển biến lịch sử, sự chuyển biến về chính trị là quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của xã hội. 

d) Nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất trong lịch sử. 

đ) Mọi học thuyết về đạo đức có từ trước đến nay, xét đến cùng, đều là sản phẩm của tình hình kinh tế lúc bấy giờ

Gợi ý trả lời

Tán thành các ý kiến (b) và (đ). Vì: Ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định. 

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Tồn tại xã hội và ý thức xã hội GDCD 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Kết thúc bài học này, các em cần nắm các nội dung chính sau

  • Giúp học sinh hiểu được các yếu tố của môi trường tự nhiên, vai trò của môi trường tự nhiên và vai trò của dân số
  • Giúp học sinh hiểu được phương thức sản xuất và các yếu tố của phương thức sản xuất
Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM