Sinh học 7 Bài 8: Thủy tức
Các em có thể tìm hiểu về đặc điểm cấu tạo ngoài, hình thức di chuyển, cấu tạo trong, dinh dưỡng và sinh sản để chứng minh được thuỷ tức tiến hoá hoàn toàn hơn so với các động vật ngành nguyên sinh thông qua nội dung bài giảng dưới đây!
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hình dạng ngoài và di chuyển
a. Hình dạng ngoài
Toàn thân thủy tức có hình trụ dài, phần dưới thân có đế để bám vào giá thể, phần trên là lỗ miệng, xung quanh có 8 tua miệng tỏa ra rất dài gấp nhiều lần chiều dài cơ thể và có khả năng co ngắn lại, có chức năng bắt mồi, di chuyển và cảm giác. Cơ thể đối xứng tỏa tròn, dài và nhỏ.
b. Di chuyển
- Kiểu sâu đo
- Kiểu lộn đầu
1.2. Cấu tạo trong
- Thành cơ thể có 2 lớp:
- Lớp ngoài: gồm tế bào gai, tế bào thần kinh, tế bào mô bì cơ
- Lớp trong: tế bào mô cơ - tiêu hoá
- Giữa 2 lớp là tầng keo mỏng
- Lỗ miệng thông với khoang tiêu hoá ở giữa (gọi là ruột túi)
1.3. Dinh dưỡng
- Thuỷ tức bắt mồi bằng tua miệng. Quá trình tiêu hóa thực hiện ở khoang tiêu hoá nhờ dịch từ tế bào tuyến.
1.4. Sinh sản
Thủy tức có các hình thức sinh sản:
- Mọc chồi: Khi đầy đủ thức ăn, thủy tức thường sinh sản vô tính bằng cách mọc chồi. Chồi con khi tự kiếm được thức ăn, tách khỏi cơ thể mẹ để sống độc lập.
- Sinh sản hữu tính: Tế bào trứng được tinh trùng của thủy tức khác đến thụ tinh. Sau khi thụ tinh, trứng phân cắt nhiều lần, cuối cùng tạo thành thủy tức con. Sinh sản hữu tính thường xảy ra ở mùa lạnh, ít thức ăn.
- Tái sinh: Thủy tức có khả năng tái sinh lại cơ thể toàn vẹn chỉ từ một phần cơ thể cắt ra.
2. Bài tập minh họa
Câu 1: Quan sát hình 8.2, mô tả bằng lời 2 cách di chuyển của thủy tức?
Hướng dẫn giải
- Di chuyển kiểu sâu đo: Di chuyển từ trái, đầu tiên cắm đầu xuống làm trụ sau đó co, duỗi, trườn cơ thể để di chuyển
- Di chuyển kiểu lộn đầu: Di chuyển từ trái sang, đế làm trụ cong thân → đầu cắm xuống → lấy đầu làm trụ cong thân → đế cắm xuống → di chuyển → lại tiếp tục như vậy.
Câu 2: Thủy tức đưa mồi vào miệng bằng cách nào?
Hướng dẫn giải
Thủy tức đưa mồi vào miệng bằng cách đưa tua miệng quờ quạng xung quanh, khi chạm mồi → tế bào gai ở tua miệng phóng ra làm tê liệt con mồi.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Nhờ loại tế bào nào của cơ thủy tức mà mồi tiêu hóa?
Câu 2: Thủy tức có ruột hình túi (ruột túi) nghĩa là chỉ có một lỗ miệng duy nhất thông với ngoài, vậy chúng thải bã bằng cách nào?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Hình dạng của thuỷ tức là
A. dạng trụ dài
B. hình cầu
C. hình đĩa
D. hình nấm
Câu 2: Thuỷ tức có di chuyển bằng cách nào?
A. Di chuyển kiểu lộn đầu
B. Di chuyển kiểu sâu đo
C. Di chuyển bằng cách hút và nhả nước
D. Cả A và B đều đúng
Câu 3: Ở thuỷ tức, các tế bào mô bì – cơ có chức năng gì?
A. Tiêu hoá thức ăn
B. Thu nhận, xử lí và trả lời kích thích từ môi trường ngoài
C. Bảo vệ cơ thể, liên kết nhau giúp cơ thể co duỗi theo chiều dọc
D. Cả A và B đều đúng
Câu 4: Loại tế bào nào chiếm phần lớn lớp ngoài của thành cơ thể?
A. Tế bào mô bì – cơ
B. Tế bào mô cơ – tiêu hoá
C. Tế bào sinh sản
D. Tế bào cảm giác
Câu 5: Hình thức sinh sản vô tính của thuỷ tức là gì?
A. Phân đôi
B. Mọc chồi
C. Tạo thành bào tử
D. Cả A và B đều đúng
4. Kết luận
Sau khi học xong bài này các em cần:
- Nêu được đặc điểm hình dạng, cấu tạo, dinh dưỡng và cách sinh sản của thuỷ tức
- Chứng minh được thuỷ tức là đại diện cho ngành động vật đa bào đầu tiên.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 7 Bài 9: Đa dạng của ngành Ruột khoang
- doc Sinh học 7 Bài 10: Đặc điểm chung và vai trò của ngành Ruột khoang