Tin học 10 Bài 8: Những ứng dụng của tin học

Mục tiêu của bài học bài Những ứng dụng của tin học nhằm giúp các em biết được ứng dụng chủ yếu của tin học trong các lĩnh vực đời sống xã hội, biết rằng có thể sử dụng một số chương trình ứng dụng để nâng cao hiệu quả học tập, làm việc và giải trí,... Để biết rõ hơn về nội dung chi tiết, mời các em cùng theo dõi nội dung bài học dưới đây.

Tin học 10 Bài 8: Những ứng dụng của tin học

1. Tóm tắt lý thuyết

Ứng dụng của tin học: Tin học có vai trò rất quan trọng trong mọi công việc của con người. Trong đó không thể không kể đến hiệu quả to lớn của tin học trong việc giải các bài toán khoa học kĩ thuật.

1.1. Giải các bài toán khoa học kĩ thuật

  • Các bài toán phát sinh từ các lĩnh vực thiết kế kĩ thuật, xử lí các số liệu thực nghiệm... Thường dẫn đến những những khối lượng rất lớn các tính toán

  • Nếu không dùng máy tính ta không thể thực hiện được các tính toán đó đó trong thời gian cho phép

  • Ý nghĩa:  Nhờ máy tính, nhà thiết kế không những có thể tính được nhiều phương án mà còn thể hiện được các phương án đó một cách trực qua trên màn hình hoặc in ra giấy. Vì thế, quá trình thiết kế trở nên nhanh hơn, hoàn thiện hơn và chi phí thấp hơn

1.2. Hỗ trợ việc quản lý

  • Hoạt động có tổ chức nào của con người cũng cần được quản lý

  • Các hoạt động quản lý thường phải xử lý một lượng lớn thông tin và thông tin đó thường rất đa dạng

  • Vì thế, cần đến các phần mềm hỗ trợ quản lí

  • Trong quản lí thường dùng các phần mềm: bảng tính như (Microsoft Excel, Quattro,...), các hệ quản trị dữ liệu (Foxpro, Microsoft Access, Oracle, SQL Server,...)

  • Con người sẽ ra quyết định dựa trên các thông tin nhận được sau khi các phần mềm này đã xử lí

Quy trình ứng dụng Tin học để quản lý thường gồm các bước:

  • Tổ chức lưu trữ các hồ sơ, chứng từ trên máy, bao gồm cả việc sắp xếp chúng một cách hợp lý để tiện dùng

  • Xây dựng các chương trình tiện dụng làm các việc như cập nhật (bổ sung, sửa chữa, loại bỏ,...) các hồ sơ

  • Khai thác thông tin theo các yêu cầu khác nhau: tìm kiếm, thống kê, in các biểu bảng,...

Ví dụ 2: Quản lí bán vé tại các sân bay, quản lí ở bệnh viện, quản lí tại thư viện, quản lí doanh nghiệp,...

1.3. Tự động hóa và điều khiển

Với máy tính trợ giúp, con người có những quy trình công nghệ tự động hóa linh hoạt, chuẩn xác, chi phí thấp, hiệu quả và đa dạng

Ví dụ : Con người không thể phóng được các vệ tinh nhân tạo hay bay lên vũ trụ nếu không có sự trợ giúp của các hệ thống máy tính

1.4. Truyền thông

  • Tin học đã góp phần không nhỏ để đổi mới các dịch vụ kĩ thuật truyền thông

  • Giải pháp tin học cùng với công nghệ truyền thông hiện đại đã tạo ra được mạng Internet

  • Cơ sở trên đã phát triển được nhiều dịch vụ tiện lợi đa dạng như: thương mại điện tử, đào tạo điện tử, chính phủ điện tử,...

  • Tạo khả năng dễ dàng truy cập kho tài nguyên tri thức của nhân loại

Ví dụ:

  • Sự liên kết giữa mạng truyền thông và mạng máy tính

Hình 3. Sự liên kết giữa mạng truyền thông và mạng máy tính

  • Mô hình chính phủ điện tử (e-government)

Hình 4. Mô hình chính phủ điện tử (e-government)

  • Hòm thư điện tử (e-mail)

Hình 5. Hòm thư điện tử (e-mail)

  • Đào tạo điện tử (e-learning)

Hình 6. Đào tạo điện tử (e-learning)

1.5. Soạn thảo, in ấn, văn phòng

  • Với sự trợ giúp của các chương trình soạn thảo và xử lí văn bản, xử lí ảnh, các phương tiện in gắn với máy tính, tin học đã tạo cho việc biên soạn các văn bản hành chính, lập kế hoạch công tác, luân chuyển văn thư,… một bộ mặt hoàn toàn mới

  • Các khái niệm mới như văn phòng điện tử, xuất bản điện tử, … ngày càng trở nên quen thuộc

1.6. Trí tuệ nhân tạo

  • Đây là một lĩnh vực đầy triển vọng của tin học. Mục tiêu của hướng nghiên cứu này là thiết kế các máy có thể đảm đương một số hoạt động thuộc lĩnh vực trí tuệ của con người hoặc những hoạt động đặc thù của con người (như hiểu ngôn ngữ tự nhiên dưới dạng chứ viết tay, nghe và hiểu tiếng nói,…). Các thành tựu đạt được dù còn rất khiêm tốn nhưng cũng đá gây những ấn tượng rất mạnh.

  • Máy tính có thể giúp con người tính đến các yếu tố, tình huống liên quan đến một công việc nào đó, cần quyết định nên tiến hành như thế nào, bằng cách xem xét các khả năng và đưa ra một số phương án có thể lựa chọn tương đối tốt với những lí giải kèm theo.

  • Tuy nhiên cần chú ý: máy tính không thể quyết định thay cho con người. Máy chỉ đưa ra những phương án có thể có và con người sẽ quyết định sự lựa chọn phương án thích hợp

Ví dụ:

Hình 7. Một số máy dùng thử nghiệm

Hình 8. Một số loại rô-bốt

1.7. Giáo Dục

  • Bằng cách áp dụng các thành tựu của tin học, ta có thể thiết kế được nhiều thiết bị hỗ trợ cho việc học tập, làm cho việc dạy và học sinh động hơn,gây hứng thú cho người đọc.

  • Một số phần mềm được thiết kế nhằm giúp cho phương pháp giảng dạy của giáo viên và việc học hành của học sinh được thuận tiện

  • Mạng máy tính được phổ biến trên quy mô toàn cầu nhằm giúp chúng ta có thể học qua mạng Internet

1.8. Giải trí

- Có thể sử dụng phần mếm máy tính để:

  • Chơi trò chơi

  • Xem phim ảnh

  • Nghe nhạc

  • Học nhạc

  • Học vẽ

  • ...

- Các phần mềm này cùng với các phần mềm xử lí hình ảnh, âm thanh tạo cho con người nhiều phương tiện giải trí mới, phong phú

2. Bài tập minh họa

Nêu 2 ví dụ về giải các bài toán khoa học kĩ thuật.

Ví dụ 1: Trong thiết kế nhà:

Nhà là một trong những kiến trúc cần độ chính xác rất cao. Nếu như trước đây con người cần phải phác thảo ra giấy và tính toán nhiều lần thì ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của tin học đã giúp con người thiết kế nhà một cách khoa học, trong thời gian ngắn và đảm bảo độ chính xác cao.

Hình 1. Ứng dụng của tin học trong thiết kế nhà

Ví dụ 2: Trong thiết kế ô tô

Công việc thiết kế ô tô đã trở nên dễ dàng hơn nhờ có tin học

Hình 2. Ứng dụng của tin học trong thiết kế ô tô

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hãy kể một số ứng dụng của tin học.

Câu 2: Hãy cho biết một số ứng dụng tin học của trường em

Câu 3: Hãy kể một số phần mềm giải trí mà em biết. Vì sao?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Máy tính là một công cụ dùng để:

A. Xử lý thông tin

B. Chơi trò chơi

C. Học tập

D. Cả A, B, C đều đúng

Câu 2: E-commerce, E-learning, E-government,... là ứng dụng của Tin học trong:

A. Truyền thông

B. Tự động hóa

C. Văn phòng

D. Giải trí

Câu 3: Học qua mạng Internet, học bằng giáo án điện tử là ứng dụng của Tin học trong:

A. Giải trí

B. Giáo dục

C. Trí tuệ nhân tạo

D. Truyền thông

Câu 4: Việc thiết kế ôtô hay dự báo thời tiết là ứng dụng của Tin học trong:

A. Trí tuệ nhân tạo

B. Giải các bài toán khoa học kỹ thuật

C. Văn phòng

D. Giải trí

Câu 5: Phần mềm trò chơi, xem phim, nghe nhạc,... là ứng dụng của Tin học trong:

A. Giải trí

B. Tự động hóa và điều khiển

C. Văn phòng

D. Hỗ trợ việc quản lý

Câu 6: Việc phóng các vệ tinh nhân tạo hay bay lên vũ trụ là ứng dụng của Tin học trong:

A. Giải trí

B. Hỗ trợ việc quản lý

C. Giáo dục

D. Tự động hóa và điều khiển

Câu 7: Việc chế tạo rô bốt được chế tạo nhằm hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu khoa học là ứng dụng của Tin học trong….

A. Văn phòng

B. Trí tuệ nhân tạo

C. Giải trí

D. Giải các bài toán khoa học kỹ thuật

Câu 8: Các việc nào dưới đây cần phê phán?

A. Tham gia một lớp học trên mạng về ngoại ngữ

B. Đặt mật khẩu cho máy tính của mình

C. Tự ý thay đổi cấu hình máy tính không được sự cho phép của người phụ trách phòng máy.

D. Cả A, C và D đều cần phê phán

Câu 9: Việc nào dưới đây được khuyến khích thực hiện:

A. Tham gia một lớp học trên mạng về ngoại ngữ

B. Tự ý đặt mật khẩu trên máy tính dùng chung

C. Quá ham mê các trò chơi điện tử

D. Cố ý làm nhiễm virus vào máy tính của trường

Câu 10: Một vài ứng dụng chính của Tin học là:

A. Trí tuệ nhân tạo

B. Tự động hóa và điều khiển

C.  Giải trí

D. Cả  ba câu  A, B, C đều đúng

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Những ứng dụng của tin học Tin học 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau khi học xong Bài 8: Những ứng dụng của tin học, các em cần nắm được những ứng dụng chủ yếu của tin học, cụ thể là trong các lĩnh vực: Giải các bài toán khoa học kĩ thuật; hỗ trợ việc quản lý; tự động hóa và điều khiển; truyền thông; soạn thảo, in ấn, văn phòng; trí tuệ nhân tạo; giáo dục; giải trí.

Ngày:23/07/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM