Lý 7 Bài 7: Gương cầu lồi

Gương cầu lồi là gương như thế nào? Liệu ảnh của gương cầu lồi có giống ảnh của gương phẳng hay không? Để trả lời vấn đề đó, eLib xin chia sẻ với các em về bài Gương cầu lồi thuộc chương trình SGK lớp 7. Với kiến thức trọng tâm và bài tập áp dụng có lời giải chi tiết, hi vọng đây sẽ là tài liệu giúp các em học tập tốt hơn!

Lý 7 Bài 7: Gương cầu lồi

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi

- Nhận biết: 

  • Gương cầu lồi là gương có mặt phản xạ là mặt ngoài của một phần mặt cầu.

  • Thí nghiệm 1: Ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi

Ảnh của vật tạo bởi gương cầu lồi

- Nhận xét về tính chất của ảnh và độ lớn của ảnh so với vật

  • Ảnh ảo

  • Ảnh nhỏ hơn vật

  • Thí nghiệm 2: So sánh ảnh của hai vật giống nhau trước gương phẳng và gương cầu lồi.

Ảnh của vật trước gương phẳng và gương cầu lồi

- Kết luận: Ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi có những tính chất sau đây:

  • Là ảnh ảo không hứng được trên màn chắn

  • Ảnh nhỏ hơn vật

1.2. Vùng nhìn thấy của gương cầu lồi

  • Khi đặt mắt trước một gương cầu lồi, mắt chỉ có thể nhìn thấy ảnh của những vật nằm trong một vùng nào đó trước gương. Vùng này được gọi là vùng nhìn thấy của gương cầu lồi.

  • Vùng quan sát được trong gương cầu lồi rộng hay hẹp tùy thuộc vào kích thước của gương và vị trí đặt mắt trước gương.

  • Với gương cầu lồi và gương phẳng cùng kích thước (cùng độ rộng) và cùng vị trí đặt mắt như nhau thì vùng quan sát được trong gương cầu lồi lớn hơn vùng quan sát được trong gương phẳng.

1.3. Ứng dụng

  • Làm gương chiếu hậu xe ô tô, xe máy.

  • Làm gương đặt ở bên đường tại những nơi đường gấp khúc có vật cản che khuất tầm nhìn của lái xe, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Gương chiếu hậu xe ô tô và xe máy

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: So sánh vật và ảnh của vật qua gương cầu lồi

Đặt một vật có kích thước lớn (như một cái bút chì) trước một gương cầu lồi. Hãy quan sát kĩ ảnh của vật đó, có gì giống và khác so với vật đó?

Hướng dẫn giải

Ảnh của vật có hình dạng giống vật, cùng chiều với vật.

Ảnh ảo của vật có kích thước nhỏ hơn vật, khoảng cách từ ảnh đến gương nhỏ hơn khoảng cách từ vật đến gương.

Ở những chỗ đường gấp khúc có vật cản che khuất, người ta thường đặt một gương cầu lồi lớn. Gương đó giúp ích gì cho người lái xe?

2.2. Dạng 2: Giải thích ứng dụng của gương cầu lồi

Trên xe ô tô, người ta gắn gương cầu lồi để cho người lái xe quan sát được các vật ở phía sau có lợi gì hơn là dùng gương phẳng?

Hướng dẫn giải

Vùng nhìn thấy của gương cầu lồi lớn hơn vùng nhìn thấy của gương phẳng có cùng kích thước.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Lần lượt đặt một gương phẳng và một gương cầu lồi có kích thước bằng nhau ở trước mặt, cách mặt một khoảng bằng nhau để quan sát ảnh của chính mình tạo bởi hai gương. Hỏi hai ảnh đó có gì giống nhau và khác nhau?

Câu 2: Trên xe ô tô, người ta gắn gương cầu lồi để cho người lái xe quan sát được các vật ở phía sau có lợi gì hơn là dùng gương phẳng?

Câu 3: Hãy tìm các đồ dùng ở nhà một vật có dạng giống một gương cầu lồi.

Câu 4: Tại sao người ta không đặt gương phẳng mà lại đặt gương cầu lồi ở các khúc ngoặt trên đường?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Gương cầu lồi có cấu tạo là:

A. mặt cầu phản xạ tốt ánh sáng, mặt phản xạ là mặt lồi.

B. mặt cầu phản xạ tốt ánh sáng, mặt phản xạ là mặt lõm.

C. mặt cầu lồi trong suốt.

D. mặt cầu lồi hấp thụ tốt ánh sáng.

Câu 2: Chiếu một chùm sáng song song lên một gương cầu lồi, ta thu được một chùm sáng phản xạ có tính chất:

A. Song song         B. Hội tụ

C. Phân kì         D. Không truyền theo đường thẳng.

Câu 3: Vật sáng AB đặt trước gương cầu lồi cho ảnh A’B’ có đặc điểm như thế nào?

A. Không hứng được trên màn chắn, bằng vật

B. Không hứng được trên màn chắn, nhỏ hơn vật

C. Hứng được trên màn chắn, bằng vật

D. Hứng được trên màn chắn, nhỏ hơn vật

Câu 4: Hai viên phấn giống hệt nhau, viên thứ nhất đặt thẳng đứng trước gương phẳng, viên thứ hai đặt thẳng đứng trước gương cầu lồi, thu được hai ảnh. Quan sát hai ảnh và tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống: Ảnh tạo bởi gương cầu lồi……………..ảnh tạo bởi gương phẳng.

A. nhỏ hơn         B. bằng

C. lớn hơn         D. có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn

4. Kết luận

Qua bài giảng Gương cầu lồi này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nêu được tính chất ảnh của vật tạo bởi gương cầu lồi. Giải thích được các ứng dụng của gương cầu lồi.

  • Nhận biết được vùng nhìn thấy của gương cầu lồi rộng hơn vùng nhìn thấy của gương phẳng có cùng kích thước.

Ngày:23/07/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM