Sinh học 9 Bài 55: Ô nhiễm môi trường (tiếp theo)
Qua nội dung Bài 55: Ô nhiễm môi trường (tiếp theo) các em tiếp tục tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiểu được nguyên nhân gây ô nhiễm và hậu quả của việc môi trường sống bị đe dọa từ đó nắm được các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, rèn luyện ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường. Vai trò của việc bảo vệ môi trường đối với tương lai.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
- Có nhiều biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường khác nhau.
- Mỗi người cần có ý thức trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái.
1.1. Hạn chế ô nhiễm không khí
+ Nguyên nhân: do các chất thải từ 1 số hoạt động như: giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, cháy rừng, đun nấu trong gia đình …
+ Biện phán hạn chế: trồng nhiều cây xanh, không chặt phá rừng, sử dụng năng lượng sạch ví dụ: gió, mặt trời …
1.2. Hạn chế ô nhiễm nguồn nước
+ Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước: Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy.
+ Biện pháp hạn chế: xây dựng hệ thống xử lí nước thải từ các khu công nghiệp và khu dân cư thông qua các hệ thống xử lí nước cơ học, hóa học và sinh học
1.3. Hạn chế ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật
+ Nguyên nhân: do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động nông nghiệp.
+ Biện pháp hạn chế:
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hạn chế, đúng liều lượng.
- Sản xuất lượng thực và thực phẩm an toàn
- Sử dụng thiên địch để loại trừ sâu hại và cây trồng
1.4. Hạn chế ô nhiễm do chất thải rắn
+ Nguyên nhân: Từ các hoạt động sinh hoạt gia đình, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, khai thác khoáng sản …
+ Biện pháp:
- Xây dựng các nhà máy xử lí chất thải và tái chế chất thải thành các nguyên liệu, đồ dùng.
- Phân loại rác thải.
- Đốt hoặc chôn lấp rác một cách khoa học. Kết hợp ủ phân động vật trước khi sử dụng để sản xuất khí sinh học.
2. Bài tập minh họa
Bài 1: Tại địa phương em có những tác nhân nào gây ô nhiễm môi trường? Nêu tác hại của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của con người. Theo em phải khắc phục ô nhiễm môi trường bằng cách nào?
Hướng dẫn giải:
- Tại địa phương có tác nhân gây ô nhiễm môi trường:
- Nước bẩn thải từ nhà máy, khu dân cư.
- Phun thuốc bảo vệ thực vật.
- Tác hại đến sức khỏe con người: Ảnh hưởng tới đường hô hấp vì ô nhiễm không khí, có khả năng bị nhiễm độc nước,... ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.
- Biện pháp khắc phục:
+ Có nhiều biện pháp chống ô nhiễm như các biện pháp xử lí chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt, cải tiến công nghệ để có thể sản xuất ít gây ô nhiễm, sử dụng nhiều loại năng lượng không gây ô nhiễm như nãng lượng gió, năng lượng mặt trời… xây dựng nhiều công viên, trồng cây xanh để hạn chê bụi và diều hòa khí hậu… cần tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục để nâng cao hiểu biết và ý thức của mọi người về phòng chông ô nhiễm…
Bài 2: Tại sao con người cần phải bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên? Các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường là gì?
Hướng dẫn giải:
- Con người phải bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên vì đó là môi trường sống của con người. Môi trường bị ô nhiễm đã và đang làm suy giảm các hệ sinh thái, môi trường sống của con người và sinh vật, làm giảm chất lượng cuộc sống của con người.
- Các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường:
+ Hạn chế ô nhiễm không khí: trồng cây gây rừng, tạo nhiều công viên cây xanh trong các khu vực dân cư nhất là trong các thành phố và thị xã để cản bụi, điều hoà khí hậu; tăng cường sử dụng năng lượng sạch không gây ô nhiễm như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng và thuỷ triều, sử dụng các thiết bị thu lọc bụi và khí độc trước khi thải ra không khí...
+ Hạn chế ô nhiễm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: hạn chế sử dụng và sử dụng hợp lí các loại phân hoá học, thuốc trừ sâu; tăng cường trồng rau sạch, sử dụng biện pháp thiên địch để loại trừ sâu hại cây trồng; sử dụng giống cây trồng sạch bệnh...
+ Hạn chế ô nhiễm do chất thải rắn: thu gom và xử lí hợp lí các chất thải rắn, trong đó chú ý đến việc tái sử dụng chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất, việc chôn lấp không gây ô nhiễm...
+ Hạn chế ô nhiễm môi trường nước: xây dựng hệ thống xử lí nước thải từ các khu công nghiệp và các khu dân cư để xử lí nước thải trước khi hoà vào dòng nước chung trong các kênh, mương, sông, suối... Việc xử lí nước thải được thực hiện thông qua hệ thống xử lí cơ học, hoá học và sinh học. Bên cạnh đó, cần cải tiến công nghệ sản xuất để hạn chế tới mức thấp nhất chất thải độc hại ra môi trường...
→ Như vậy, để hạn chế ô nhiễm môi trường, con người đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhưng quan trọng hơn cả là việc giáo dục ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường: bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người ở mọi lúc và mọi nơi.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Nêu các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường.
Câu 2: Con người có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên?
Câu 3: Trồng cây, gây rừng có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường?
Câu 4: Vì sao con người phải có trách nhiệm bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Để hạn chế ô nhiễm không khí cần phải
A. trồng cây gây rừng, bảo tồn và duy trì các rừng đặc chủng, rừng đầu nguồn, các khu sinh thái...
B. lắp đặt các thiết bị lọc khí thải từ các nhà máy, thu gom và xử lí rác đúng quy cách.
C. tăng cường sử dụng năng lượng sạch: mặt trời, gió, sóng biển...
D. cả A, B và C.
Câu 2: Câu nào sai trong các câu sau?
A. Con người đã và đang nỗ lực bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên để phát triển bền vững.
B. Trồng cây, gây rừng là một trong những biên pháp hữu hiệu để phục hồi thảm thực vật.
C. Hiện nay, việc săn bắt động vật không có ảnh hưởng gì đến đa dạng sinh học.
D. Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của mình.
Câu 3: Để hạn chế ô nhiễm môi trường nước cần phải
A. xây dựng các khu xử lí nước thải công nghiệp và sinh hoạt.
B. thu gom, chôn lấp và xử lí rác thải các loại đúng cách.
C. giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người.
D. cả A, B và C.
Câu 4: Điền từ, cụm từ phù hợp vào chỗ trống (...) trong các câu sau.
Các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, diệt nấm dùng không đúng cách và dùng quá liều lượng sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới toàn bộ ................... và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
Câu 5: Điền từ, cụm từ phù hợp vào chỗ trống (...) trong các câu sau.
Quá trình đốt cháy các nhiên liệu trong công nghiệp, trong giao thông vận tải cũng như trong đun nấu hằng ngày đã thải vào không khí nhiều loại khí .................... đối với con người và các sinh vật khác.
4. Kết luận
Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được những yêu cầu sau:
- Hiểu được nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường sống và hiệu quả của việc phát triển môi trường bền vững, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hs.
- Rèn cho được kĩ năng quan sát hình, hoạt động nhóm, khái quát kiến thức.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 9 Bài 53: Tác động của con người đối với môi trường
- doc Sinh học 9 Bài 54: Ô nhiễm môi trường
- doc Sinh học 9 Bài 56-57: Thực hành: Tìm hiểu tình hình môi trường ở địa phương