Lý 6 Bài 5: Khối lượng- Đo khối lượng

Muốn xác định được khối lượng một vật ta cần phải biết đơn vị đo, cách đo, dụng cụ đo. Để tìm hiểu rõ hơn, eLib xin chia sẻ với các bạn bài học về khối lượng và đo khối lượng thuộc chương trình Vật lý 6.

Lý 6 Bài 5: Khối lượng- Đo khối lượng

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khối lượng. Đơn vị khối lượng

a) Khối lượng

- Định nghĩa: Khối lượng chỉ lượng chất chứa tạo thành vật đó.

- Ví dụ:

  • Khối lượng tịnh 397 g ghi trên hộp sữa chỉ  lượng sữa chứa trong hộp là 397 g

  • Số 500 g ghi trên túi bột giặt chỉ lượng bột giặt trong túi

b) Đơn vị khối lượng

- Đơn vị đo khối lượng hợp pháp của nước Việt Nam là kílôgam (kí hiệu: kg)

  • Kílôgam là khối lượng của một quả cân mẫu đặt ở Viện đo lường Quốc Tế ở Pháp.

- Ngoài ra còn dùng các đơn vị khác:

+ Lớn hơn ki lô gam (kg) là: tấn, tạ, yến.

  • 1 tấn = 1000 kg; 1 tạ = 100 kg; 1 yến = 10 kg

+ Đơn vị nhỏ hơn ki lô gam (kg) là: lạng (hg), gam (g), miligam (mg)…

  • 1 hg = 100 g; 1 kg = 1000 g = 1000000 mg

1.2. Dụng cụ đo khối lượng

- Để đo khối lượng người ta dùng cân. Một số cân thường dùng là: Cân đòn (cân treo), cân tạ, cân đồng hồ, cân tiểu li, cân y tế, cân Rô-béc-van…

Các loại cân

- Trên mỗi cân đều ghi giới hạn đo (GHĐ) và độ chia nhỏ nhất (ĐCNN).

  • Giới hạn đo là số ghi lớn nhất trên cân.

  • Độ chia nhỏ nhất là hiệu hai số ghi trên hai vạch chia liên tiếp.

a) Tìm hiểu cân Rô-béc-van

- Cấu tạo gồm các bộ phận sau:

Cân Rô- béc- van

(1) Đòn cân                (2) Đĩa cân

(3) Kim cân                 (4) Hộp quả cân

(5) Ốc điều chỉnh      (6) Con mã

- Cách dùng cân Rô-béc-van để cân một vật:

  • Điều chỉnh sao cho khi chưa cân đòn cân nằm thăng bằng, kim cân chỉ đúng vạch giữa. Đó là việc điều chỉnh số 0.

  • Đặt vật đem cân lên đĩa cân bên trái, đặt lên đĩa cân bên kia một số quả cân có khối lượng phù hợp sao cho đòn cân nằm thăng bằng, kim cân nằm đúng giữa bảng chia độ.

  • Tổng khối lượng của các quả cân trên đĩa cân cộng với số chỉ của con mã sẽ bằng khối lượng của vật đem cân.

- Lưu ý: Cân Rô-béc-van cũng có loại không có thanh chia độ thì GHĐ của cân là tổng số giá trị ghi trên các quả cân có trong hộp quả cân và ĐCNN của cân là giá trị ghi trên quả cân nhỏ nhất ở trong hộp.

1.3. Cách đo khối lượng

- Muốn đo khối lượng của một vật cho chính xác ta cần:

  • Ước lượng khối lượng cần đo để chọn cân có GHĐ và ĐCNN cho thích hợp.

  • Điều chỉnh kim chỉ vạch số 0 trước khi cân.

  • Đặt cân và đặt mắt nhìn đúng cách.

  • Đọc và ghi kết quả đo đúng quy định.

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Giải thích giá trị khối lượng trên vật dụng

Trên một hộp mứt Tết có ghi 250 g. Số đó chỉ:

A. sức nặng của hộp mứt

B. thể tích của hộp mứt

C. khối lượng của hộp mứt

D. độ dài của hộp mứt

Hướng dẫn giải

Chọn C

Trên một hộp mứt Tết có ghi 250g. Số đó chỉ khối lượng của hộp mứt.

2.2. Dạng 2: Xác định đơn vị khối lượng của vật

Trên một viên thuốc cảm có ghi “Para 500…”. Em hãy tìm hiểu thực tế để xem ở chỗ để trống phải ghi đơn vị nào dưới đây?

A. mg

B. cg

C. g

D. kg

Hướng dẫn giải

Chọn A

Vì viên thuốc cảm có khối lượng rất nhỏ nên chỉ đo được bằng đơn vị mg. Vậy đáp án đúng là đáp án A.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Trên vỏ một gói miến có ghi 85 g. Số 85 g có ý nghĩa gì?

Câu 2: Điền từ:

a) Mọi vật đều có ……..

b) Khối lượng của một vật chỉ …….. tạo thành vật đó.

c) Trên thực tế để đo …….. người ta dùng ……..

Câu 3: Sắp xếp theo thứ tự giảm dần: 1150 g ; 1,7 kg ; 1580 mg ; 1,25 kg ; 1750 g ; 1900 mg.

Câu 4: Khi đi mua-bán một ít trái cây (như cam,quýt…) người ta dùng đơn vị nào sau đây: g , kg , mg , tấn. Dùng cân gì để thực hiện phép cân?

3.2. Vài tập trắc nghiệm

Câu 1: Để cân khối lượng một túi cam (khoảng 7 trái), ta có thể dùng loại cân nào?

A. GHĐ 5 kg, ĐCNN 20 g.

B. GHĐ 50 kg, ĐCNN 50 g.

C. GHĐ 20 kg, ĐCNN 20 g.

D. GHĐ 40 kg, ĐCNN 20 g.

Câu 2: Trong các số liệu dưới đây, số liệu nào chỉ khối lượng của hàng hóa?

A. Trên nhãn của chai nước khoáng có ghi: 330 ml

B. Trên vỏ hộp Vitamin B1 có ghi: 1000 viên nén

C. Ở một số cửa hàng vàng bạc có ghi: vàng 99,99

D. Trên bao bì túi xà phòng có ghi: 1 kg

Câu 3: Khi đo khối lượng của một vật bằng một cái cân có ĐCNN là 10g. Kết quả nào sau đây là đúng?

A. 298 g      B. 302 g      C. 3000 g      D. 305 g

Câu 4: Cân một túi hoa quả, kết quả là 1553g. ĐCNN của cân đã dùng là:

A. 5 g          B. 100 g      C. 10 g           D. 1 g

4. Kết luận

Qua bài giảng Khối lượng- Đo khối lượng​ này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nhận biết được ý nghĩa Vật lý khối lượng của một vật. Kể tên 1 số dụng cụ đo khối lượng thường dùng.

  • Biết cách đo khối lượng vật bằng cân Rô béc van và trình bày cách sử dụng.

Ngày:23/07/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM