GDCD 10 Bài 5: Cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng
Bài học dưới đây giúp các em tìm hiểu về chất và lượng cũng như cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng. Trong học tập và tu dưỡng hằng ngày, chúng ta cần rèn luyện tính kiên trì, không coi thường việc nhỏ, tránh nôn nóng "đốt cháy giai đoạn".
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chất
Khái niệm chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật và hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó, phân biệt nó với các sự vật và hiện tượng khác.
Ví dụ Muối và đường.
- Điểm giống: Màu trắng, dễ hòa tan trong nước, dạng hạt, dùng để nấu ăn.
- Điểm khác:
- Muối: Vị mặn, được làm từ nước biển
- Đường: Vị ngọt, được làm từ mía
- Thuộc tính cơ bản: Quy định sự tồn tại, phát triển của sự vật, hiện tượng (Chỉ ra điểm khác biệt của sự vật, hiện tượng; giúp ta phân biệt được sự vật này với sự vật khác).⇒ Những điểm giống và khác nhau được gọi là thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Thuộc tính là đặc tính vốn có của một sự vật, nhờ đó sự vật tồn tại và qua đó con người nhận thức được sự vật, phân biệt được sự vật này với sự vật khác.
- Thuộc tính không cơ bản: Không quy định sự tồn tại, phát triển của sự vật, hiện tượng (Chỉ ra điểm chung có ở tất cả sự vật, hiện tượng; không giúp ta phân biệt được sự vật này với sự vật khác).
⇒ Trong 2 thuộc tính nêu trên: Thuộc tính cơ bản sẽ tạo nên chất của sự vật, hiện tượng. Xét trong ví dụ trên: Chất của muối là vị mặn, được làm từ nước biển; chất của đường là vị ngọt, được làm từ mía. Như vậy, có rất nhiều thuộc tính, nhưng thuộc tính cơ bản mới tạo nên chất của sự vệt, hiện tượng và mới giúp chúng ta phân biệt được sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác.
Ví dụ Người và động vật
⇒ Ta xét trong mối quan hệ giữa con người và động vật, ta thấy: Động vật và con người có những điểm chung như: Có lông mao bao phủ, thân nhiệt ổn định; có hiện tượng thai sinh và nuôi con bằng sữa mẹ; khoang ngực và khoang bụng ngăn cách nhau bởi cơ hoành; bộ răng có 2 lứa là răng sữa và răng trưởng thành phân hóa thành răng cửa, răng nanh và răng hàm... Những điểm chung này chính là những thuộc tính không cơ bản (không giúp chúng ta phân biệt giữa động vật và con người). Để phân biệt giữa con người với động vật thì các thuộc tính: có lao động, ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói, có chứng minh thư, có số điện thoại, có dấu vân tay (điểm khác nhau)… là thuộc tính cơ bản (giúp chúng ta phân biệt giữa động vật và con người).
Nhưng nếu ta xét các thuộc tính: có lao động, ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói, có chứng minh thư, có số điện thoại trong mối quan hệ để phân biệt giữa người A và người B thì các thuộc tính trên không phải tất cả đều là thuộc tính cơ bản mà chỉ có 1 vài các thuộc tính: có chứng minh thư, có số điện thoại, có dấu vân tay mới là thuộc tính cơ bản (giúp chúng ta phân biệt người A với người B vì mỗi người đều có số chứng minh thư, số điện thoại, dấu vân tay khác nhau để nhận ra). Khi đó các thuộc tính còn lại: có lao động, ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói sẽ trở thành thuộc tính không cơ bản (không giúp chúng ta phân biệt người A với người B). Chính những thuộc tính cơ bản nêu trên được tổng hợp lại tạo thành chất của người A khác với chất của người B.
⇒ Như vậy, khi đánh giá chất của một sự vật hiện tượng thì ta đặt chúng trong mối quan hệ cụ thể để xác định chất.
1.2. Lượng
Khái niệm lượng dùng để chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật và hiện tượng biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ vận động (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều)... của sự vật và hiện tượng.
- Các loại lượng
- Lương đếm được: Biểu thị bằng con số với các đơn vị đo lường cụ thể. Ví dụ: lít, cm, dm…
- Lượng không đếm được: Tượng trưng cho tình cảm, ý chí (ý thức nói chung). Ví dụ: Lòng yêu nước, tình yêu nam nữ…
1.3. Quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất
a. Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất
Độ là giới hạn mà trong đó sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất của sự vật, hiện tượng. Để các em lên được cấp 3 thì chúng ta trải qua các giai đoạn học tập từ thấp đến cao, đó là:
Mầm non → Tiểu học → THCS → THPT
Ở mỗi giai đoạn thì chúng ta cần phải tiến hành làm các bài thi, bài kiểm tra để chuyển cấp. Chuyển từ Mầm non → Tiểu học → THCS → THPT.
⇒ Trong các giai đoạn đó, có các khoảng thời gian học tập là khác nhau:
- Mầm non: 3 năm
- Tiểu học: 5 năm
- THCS: 4 năm
- THPT: 3 năm
Các khoảng thời gian: 3 năm của mầm non và THPT, 5 năm của Tiểu học, 4 năm của THPT được gọi là Độ. Các khoảng thời gian này mặc dù có sự thay đổi về lượng (thời gian học tập) nhưng chưa làm thay đổi chất của quá trình học tập bởi vì có những người bằng tuổi học cùng lớp nhưng lại ra trường muộn hơn. Chính sự thay đổi về lượng mà chưa làm thay đổi chất được gọi là Độ
Điểm nút là điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của sự vật và hiện tượng.
Trong giới hạn của một độ nhất định, lượng thường xuyên biến đổi còn chất tương đối ổn định. Sự thay đổi về lượng của sự vật có thể làm chất thay đổi ngay lập tức nhưng cũng có thể làm thay đổi dần dần chất cũ. Lượng đổi đến một giới hạn nhất định - điểm nút, nếu có điều kiện sẽ diễn ra bước nhảy làm thay đổi chất của sự vật.
b. Chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới tương ứng
Chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới để tạo ra sự thống nhất mới giữa chất và lượng.
Muốn chuyển từ chất cũ sang chất mới phải thông qua bước nhảy. Theo đó, Bước nhảy là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự chuyển hóa về chất của sự vật do những sự thay đổi về lượng trước đó gây nên. Bước nhảy kết thúc một giai đoạn biến đổi về lượng và mở đầu cho một giai phát triển mới. Đó là gián đoạn trong quá trình vận động liên tục của sự vật đồng thời là một tiền đề cho một quá trình tích lũy liên tục về lượng tiếp theo.
Chất mới ra đời, nó tác động trở lại lượng mới, làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ nhịp điệu của sự vận động phát triển của sự vật. Ví dụ: Từ 3 đường thẳng ta ghép lại thành hình tam giác, khi thêm 1 đường thẳng vào ta có các hình khác: hình tứ giác, hình bình hành, hình chữ nhật, hình vuông…
⇒ Như vậy, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng là sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt chất và lượng. Sự thay đổi về lượng tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy. Chất mới ra đời sẽ tác động trở lại sự thay đổi của lượng mới. Quá trình đó liên tục diễn ra, tạo thành phương thức phổ biến của các quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, tư duy.
2. Luyện tập
Câu 1: Thế nào là chất và lượng của sự vật và hiện tượng? Cho ví dụ.
Gợi ý trả lời
- Khái niệm chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật và hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó, phân biệt nó với các sự vật và hiện tượng khác.
Ví dụ
- Nguyên tố đồng có nguyên tử lượng là 63,54đvC, nhiệt độ nóng chảy là 1083, nhiệt độ sôi là 2880oC,... Những thuộc tính (tính chất) này nói lên chất riêng của đồng, phân biệt nó với các kim loại khác.
- Thuộc tính của đường là ngọt
- Thuộc tính của muối là mặn
- Khái niệm lượng dùng để chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật và hiện tượng, biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ vận động (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều).... của sự vật và hiện tượng.
Ví dụ
- Đối với mỗi phân tử nước, lượng là số nguyên tử tạo thành nó, tức là 2 nguyên tử Hidro và 1 nguyên tử Oxi.
- Tòa nhà có 70 tầng, cao 80m
- Diện tích tòa nhà: 8000m2.
Câu 2: Sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất khác nhau như thế nào? Cho ví dụ.
Gợi ý trả lời
- Sự khác nhau giữa biến đổi về lượng và biến đổi về chất:
- Sự biến đổi về chất của các sự vật và hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi về lượng. Quá trình biến đổi ấy đều có ảnh hưởng đến trạng thái chất của sự vật và hiện tượng, nhưng chất của sự vật và hiện tượng chưa biến đổi ngay vì chất mang tính ổn định tương đối. Khi sự biến đổi về lượng đạt đến một giới hạn nhất định, phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng thì chất mới ra đời thay thế chất cũ, sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ.
- Sự biến đổi về lượng diễn ra dần dần, liên tục, đến một giới hạn nhất định sẽ phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng, khiến chất biến đổi, tạo thành chất mới. Mỗi sự vật hiện tượng đều có chất đặc trưng và lượng đặc trưng phù hợp với nó. Vì vậy, khi một chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới để tạo thành sự thống nhất mới giữa chất và lượng.
Ví dụ
- Trong điều kiện bình thường, đồng ở trạng thái rắn. Nếu ta tăng dần nhiệt độ đến 1083oC, đồng sẽ nóng chảy, chuyển sang trạng thái lỏng. Nhiệt độ tăng từ 0oC đến 1083oC chính là sự thay đổi về lượng nhưng chất vẫn chưa đổi. Đến điểm nút 1083oC, chất thay đổi, chuyển từ dạng rắn sang dạng lỏng và quy định một lượng mới tương ứng với chất mới.
- Nước sôi ở 100oC, nhiệt độ tăng dần trong quá trình đun làm các phân tử nước chuyển động nhanh hơn; khi chưa đạt 100oC, nước vẫn ở thể lỏng. Khi nước đạt 100oC, chuyển sang thể khí, lúc này nước có sự bốc hơi nhanh và mạnh hơn, phần tử nước chuyển động nhanh hơn, có sự dãn nở.
Câu 3: Trong những câu dưới đây, câu nào thể hiện mối quan hệ lượng đổi dẫn đến chất đổi? Tại sao?
Chín quá hóa nẫu
Có công mài sắt có ngày nên kim
Kiến tha lâu cũng đầy tổ
Đánh bùn sang ao
Gợi ý trả lời
- Những câu thể hiện mối quan hệ lượng đổi dẫn đến chất đổi là:
- Chín quá hóa nẫu: Lượng đã quá nhiều dẫn đến sự thay đổi về chất.
- Có công mài sắt có ngày nên kim: Sự chăm chỉ cần cù sẽ dẫn đến thành công.
- Kiến tha lâu cũng đầy tổ: Sự cần cù chăm chỉ, kiên nhẫn sẽ dẫn đến kết quả tốt.
- Câu không thể hiện mối quan hệ lượng đổi dẫn đến chất đổi là:
- Đánh bùn sang ao: Làm việc vô ích.
Câu 4: Trong đoạn văn sau đây, ý nào nói về lượng, ý nào nói về chất của phong trào cách mạng nước ta: Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã dẫn đến việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Đây là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô – viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1945, mặc dù cách mạng có những lúc bị dìm trong máu lửa. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xóa bỏ, một kỉ nguyên mới mở ra, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Gợi ý trả lời
Ý nói về chất của phong trào cách mạng: Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã dẫn đến việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Ý nói về lượng: Đây là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô – viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1945, mặc dù cách mạng có những lúc bị dìm trong máu lửa. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xóa bỏ, một kỉ nguyên mới mở ra, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Câu 5: Em hãy nêu một vài ví dụ nói lên sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất trong quá trình học tập và rèn luyện của bản thân.
Gợi ý trả lời
Từ một học sinh yếu kém trong học tập, sau khi nhận được sự động viên từ bạn bè, gia đình, thầy cô em đã cố gắng học tập chăm chỉ. Tối nào, em cũng học bài ít nhất 2h, hoàn thành xong bài tập, ôn bài cũ và đọc trước bài của ngày hôm sau. Những ngày nghỉ, em tranh thủ làm thêm các bài tập trong sách bài tập và sách nâng cao.
Hết học kì 1 em đã đạt học sinh khá. Hết năm, em đã trở thành học sinh giỏi. Đây cố gắng thay đổi về lượng (kiến thức, kĩ năng làm bài,...) dẫn đến sự tiến bộ của bản thân em, giúp em trở nên tốt hơn.
3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng GDCD 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
Kết thúc bài học này, các em cần nắm các nội dung chính sau
- Nêu được khái niệm chất và lượng của sự vật, hiện tượng
- Biết được mối quan hệ biện chứng giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất của sự vật, hiện tượng
Tham khảo thêm
- doc GDCD 10 Bài 1: Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng
- doc GDCD 10 Bài 2: Thế giới vật chất tồn tại khách quan
- doc GDCD 10 Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất
- doc GDCD 10 Bài 4: Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng
- doc GDCD 10 Bài 6: Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng
- doc GDCD 10 Bài 7: Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức
- doc GDCD 10 Bài 8: Tồn tại xã hội và ý thức xã hội
- doc GDCD 10 Bài 9: Con người là chủ thể của lịch sử, là mục tiêu phát triển của xã hội