Hoá học 9 Bài 49: Thực hành: Tính chất của rượu và axit

Bài giảng củng cố lại những kiến thức đã học về rượu etylic và axit axetic đồng thời rèn luyện các kĩ năng thí nghiệm như quan sát, mô tả hiện tượng và giải thích.

Hoá học 9 Bài 49: Thực hành: Tính chất của rượu và axit

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mục đích thí nghiệm

a. Kiến thức

Bằng thực nghiệm, kiểm chứng và khắc sâu kiến thức về tính chất hóa học của rượu etylic và axit axetic.

b. Kỹ năng

- Rèn luyện kỹ năng về thực hành hóa học, giải bài tập thực hành hóa học, kỹ năng làm thí nghiệm với lượng nhỏ hóa chất.

- Rèn luyện kỹ năng quan sát, mô tả, giải thích hiện tượng và viết được các phương trình hóa học của thí nghiệm.

1.2. Kỹ năng thí nghiệm

  • Lấy hóa chất lỏng bằng ống nhỏ giọt, không được để ống nhỏ giọt của lọ hóa chất này sang lọ hóa chất khác.
  • H2SO4 đặc là axit rất nguy hiểm nên cần cẩn thận khi sử dụng.
  • Khi đun ống nghiệm cần đun xung quanh cho nóng rồi mới đun tập trung tránh vỡ ống nghiệm.
  • Mỗi thí nghiệm cần lấy đúng, đủ số lượng, loại hóa chất.
  • Khi nhỏ dung dịch vào ống nghiệm cần thao tác một cách từ từ, để quan sát hiện tượng được rõ ràng.
  • Thu hồi hóa chất, rửa ống nghiệm, vệ sinh phòng thí nghiệm sau khi kết thúc buổi thực hành.

1.3. Cơ sở lý thuyết

- Tính axit của axit axetic:

  • Làm hóa hồng quỳ tím.
  • Tác dụng với kim loại giải phóng khí H2.
  • Tác dụng với bazơ tạo muối và nước..
  • Tác dụng với oxit bazơ tạo muối và nước
  • Tác dụng với muối của axit yếu hơn tạo muối, khí và nước.

- Phản ứng của rượu etylic và axit axetic:

C2H5OH + CH3COOH  CH3COOC2H5 + H2O

2. Tiến hành thí nghiệm

2.1. Thí nghiệm 1: Tính axit của axit axetic

a. Dụng cụ, hóa chất

- Dụng cụ:  Ống nghiệm, pipet, kẹp gỗ.

- Hóa chất: quỳ tím, mảnh kẽm, đá vôi, CuO, axit axetic.

b. Các bước tiến hành

- Cho lần lượt vào 4 ống nghiệm: mẫu giấy quỳ tím, mảnh kẽm, mẫu đá vôi nhỏ và 1 ít bột đồng(II) oxit.

- Cho tiếp 2ml axit axetic vào từng ống nghiệm.

- Quan sát hiện tượng.

c. Hiện tượng

  • Quỳ tím chuyển thành màu hồng.
  • Ống nghiệm chứa Zn có sủi bọt khí không màu.
  • Ống nghiệm chứa bột CuO (đen) thì dung dịch có màu xanh lam.
  • Ống nghiệm chứa đá vôi thì có sủi bọt khí không màu.

d. Giải thích

  • Axit axetic có tính axit nên làm hóa hồng quỳ tím.
  • Tác dụng với kim loại: 2CH3COOH + Zn → (CH3COO)2Zn + H2\(\uparrow\) (có sủi bọt khí không màu)
  • Tác dụng với oxit bazơ: 2CH3COOH + CuO (bột, màu đen) → (CH3COO)2Cu + H2O (dung dịch Cu2+ màu xanh lam)
  • Tác dụng với muối: 2CH3COOH + CaCO3 → (CH3COO)2Ca  + CO2\(\uparrow\) + H2O (có sủi bọt khí không màu)

2.2. Thí nghiệm 2: Phản ứng của rượu etylic và axit axetic

a. Dụng cụ, hóa chất

- Dụng cụ:  Ống nghiệm, pipet, kẹp gỗ, đèn cồn.

- Hóa chất: Dung dịch axit axetic, axit sunfuric đặc, rượu etylic, NaCl bão hòa .

b. Các bước tiến hành

- Cho  vào ống nghiệm A 2ml rượu etylic khan, 2ml axit axetic, nhỏ thêm từ từ 1ml axit sunfuric đặc, lắc đều.

- Lắp dụng cụ như hình 5.5 trang 141, đun nhẹ cho chất lỏng bay hơi từ từ sang ống nghiệm B, đến khi chất lỏng trong ống A chỉ còn 1/3 thể tích ban đầu thì ngừng đun.

- Lấy ống B ra, cho thêm 2ml dung dịch muối ăn bão hòa, lắc rồi để yên. 

- Quan sát hiện tượng, nhận xét mùi của lớp chất lỏng nổi trên mặt nước.

c. Hiện tượng

Trong ống nghiệm có chất lỏng không màu, mùi thơm, không tan trong nước, nổi trên mặt nước.

d. Giải thích

Rượu etylic tác dụng với axit axetic tạo etyl axetat theo phản ứng

C2H5OH + CH3COOH  CH3COOC2H5 + H2O

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Kĩ năng tiến hành thí nghiệm, quan sát hiện tượng phản ứng, giải thích và rút ra kết luận về những tính chất hóa học của rượu etylic và axit axetic.
  • Khẳng định tính đúng đắn về lý thuyết đã học.
  • Vận dụng vào giải thích các hiện tượng có liên quan.
  • Nâng cao kỹ năng thực hành thí nghiệm, rút kinh nghiệm cho lần sau.
Ngày:21/07/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM