Sinh học 11 Bài 47: Điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người
Trong bài học này, các em được tìm hiểu kiến thức về: Các biện pháp làm thay đổi số con, biện pháp điều khiển giới tính và sinh đẻ kế hoạch ở người. Các em biết được thêm các kiến thức liên quan về sức khoẻ và sinh sản để áp dụng vào thực tiẽn cuộc sống.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Điều khiển sinh sản ở động vật
a. Một số biện pháp làm thay đổi số con
- Sử dụng hocmon hoặc chất kích thích tổng hợp
+ Ví dụ: Cá mè, cá trắm cỏ không đẻ trong ao nuôi. Tiêm dịch chiết từ tuyến dưới não của các loài cá khác làm cho trứng chín hàng loạt, sau đó nặn trứng ra và cho thụ tinh nhân tạo bên ngoài cơ thể rồi đem ấp nở ra cá con.
+ Ví dụ: Tiêm huyết thanh ngựa chửa cho trâu bò làm cho trứng chín và rụng nhiều cùng nột lúc, thụ tinh nhân tạo với tinh trùng chuẩn bị sẵn.
- Thay đổi các yếu tố môi trường
+ Ví dụ: thay đổi thời gian chiếu sáng đối với gà nuôi làm cho gà có thể đẻ 2 trứng/ngày.
- Nuôi cấy phôi
+ Mục đích: làm tăng nhanh số lượng cá thể của một loài nào đó
+ Quy trình: Kích thích rụng trứng → thụ tinh nhân tạo → thu nhận phôi → cấy các phôi vào tử cung con cái
+ Ví dụ: tiêm hoocmôn kích thích trứng chín và rụng nhiều trứng cùng một lúc, lấy ra ngoài đem thụ tinh trong ống nghiệm và nuôi dưỡng đến một giai đoạn nhất định sau đó đem cấy vào tử cung của con cái.
+ Ví dụ: tiêm hoocmôn kích thích sự chín và rụng của trứng, lấy các trứng đó ra ngoài đem thụ tinh nhân tạo tạo thành hợp tử, khi hợp tử ở giai đoạn phân chia (khoảng vài tế bào) tách những tế bào đó ra, nuôi dưỡng tiếp tục để cho mỗi tế bào phát triển thành hợp tử sau đó cấy vào tử cung của con cái.
- Thụ tinh nhân tạo: Có tác dụng làm tăng hiệu quả thụ tinh, có thể thực hiện biên trong hoặc biên ngoài cơ thể.
- Tùy theo nhu cầu mà người ta có thể điều khiển giới tính của động vật theo hướng đực hay cái.
+ Ví dụ:
- Muốn tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm cần tăng nhiều con cái, vì một con đực có thể thụ tinh cho nhiều con cái.
- Muốn có nhiều trứng và sữa cần tạo ra nhiều con cái
- Muốn nhiều thịt cần tạo ra nhiều con đực vì con đực thường to và lớn nhanh hơn
Điều khiển giới tính bằng cách sử dụng hoocmôn, tách tinh trùng,....
1.2. Sinh trưởng có kế hoạch ở người
a. Sinh đẻ có kế hoạch là gì?
Sinh đẻ có kế hoạch là điều chỉnh về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách sinh con sao cho phù hợp với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
b. Các biện pháp tránh thai
- Để có thể chủ động sinh con theo kế hoạch cần phải có hiểu biết về các biện pháp tránh thai và sử dụng chúng.
- Các biện pháp tránh thai hiện nay đang được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả tránh thai cao. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn những biện pháp tránh thai phù hợp với mỗi người.
- Tính ngày trứng rụng
- Sử dụng bao cao su tránh thai
- Thuốc viên tránh thai
- Sử dụng dụng cụ tử cung chống lại sự làm tổ của hợp tử ở tử cung
- Triệt sản nữ, cắt và thắt hai đầu của ống dẫn trừng
- Triệt sản nam, cắt và thắt hai đầu ống dẫn tinh
2. Bài tập minh họa
Bài 1: Tại sao nạo hút thai không được xem là biện pháp sinh đẻ có kế hoạch mà chỉ là biện pháp tránh đẻ bất đắc dĩ?
Hướng dẫn giải:
Nạo hút thai không được xem là biện pháp tránh thai mà chỉ là biện pháp tránh đẻ bất đắc dĩ vì nạo hút thai có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người phụ nữ như viêm nhiễm đường sinh dục, vô sinh,... thậm chí tử vong.
Bài 2: Tại sao nữ dưới 19 tuổi không nên sử dụng thuốc tránh thai có chứa nhiều hoocmôn sinh dục nữ hoặc biện pháp triệt sản mà nên chọn sử dụng các biện pháp tránh thai khác?
Hướng dẫn giải:
Vì đây là độ tuổi vị thành niên cơ thể đang ở giai đoạn phát triển hoàn thiện cấu tạo và chức năng của các cơ quan vì vậy sự can thiệp hoocmon sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện cơ quan. Còn dùng biện pháp triệt sản thì việc nối ống dẫn tinh hoặc ống dẫn trứng nếu muốn để trở lại như ban đầu khó khăn và rất khó có con.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Để tăng sinh ở động vật cần phải có những biện pháp nào?
Câu 2: Vì sao có thể điều khiển được giới tính đàn con của vật nuôi? Việc điều khiển giới tính của đàn con có ý nghĩa như thế nào trong chăn nuôi?
Câu 3: Nuôi cấy phôi có vai trò gì trong chăn nuôi và trong sinh đẻ ở người?
Câu 4: Nêu các biện pháp tránh thai và cơ sở khoa học của các biện pháp đó? Nêu hậu quả của việc phá thai ở tuổi vị thành niên?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Thụ tinh nhân tạo được thực hiện theo biện pháp nào?
A. Sử dụng hoocmôn hoặc chất kích thích tổng hợp.
B. Thay đổi yếu tố môi trường.
C. Nuôi cấy phôi.
D. Thụ tinh nhân tạo.
Câu 2: Biện pháp nào có tính phổ biến và hiệu quả trong việc điều khiển tỷ lệ đực cái?
A. Phân lập các loại giao tử mang nhiễm sắc thể X và nhiễm sắc thể Y rồi sau đó mới cho thụ tinh.
B. Dùng các nhân tố môi trường ngoài tác động.
C. Dùng các nhân tố môi trường trong tác động.
D. Thay đổi cặp nhiễm sắc thể gới tính ở hợp tử.
Câu 3: Tại sao cấm xác định giới tính ở thai nhi người?
A. Vì sợ ảnh hưởng đến tâm lí của người mẹ.
B. Vì tâm lí của người thân muốn biết trước con trai hay con gái.
C. Vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
D. Vì định kiến trọng nam khinh nữ, dẫn đến hành vi làm thay đổi tỷ lệ trai và gái.
Câu 4: Cơ sở khoa học của uống thuốc tránh thai là:
A. Làm tăng nồng độ Prôgestêrôn và ơstrôgen trong máu gây ức chế ngược lên tuyến yên và vùng dưới đồi làm giảm tiết GnRH, FSH và LH nên trứng không chín và không rụng.
B. Làm tăng nồng độ Prôgestêrôn và ostrôgen trong máu gây ức chế ngược lên tuyến yên và vùng dưới đồi làm giảm tiết GnRH, FSH và LH nên trứng không chín và không rụng.
C. Làm giảm nồng độ Prôgestêrôn và ơstrôgen trong máu gây ức chế ngược lên tuyến yên và vùng dưới đồi làm tăng tiết GnRH, FSH và LH nên trứng không chín và không rụng.
D. Làm giảm nồng độ Prôgestêrôn và ơstrôgen trong máu gây ức chế ngược lên tuyến yên và vùng dưới đồi làm giảm tiết GnRH, FSH và LH nên trứng không chín và không rụng.
Câu 5: Thụ tinh nhân tạo được sử dụng trong các biện pháp nào?
A. Nuôi cấy phôi, thay đổi các yếu tố môi trường.
B. Thụ tinh nhân tạo, nuôi cấy phôi, sử dụng hoocmôn hoặc chất kích thích tổng hợp.
C. Sử dụng hoocmôn hoặc chất kích tổng hợp, thay đổi các yếu tố môi trường.
D. Thay đổi các yếu tố môi trường, nuôi cấy phôi, thụ tinh nhân tạo.
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài các em cần:
- Trình bày được một số biện pháp điều khiển sinh sản ở động vật
- Nêu được sinh để có kế hoạch là gì và giải thích được tại sao phải sinh đẻ có kế hoạch.
- Kể tên được một số biện pháp tránh thai chủ yếu và trình bày được các cơ chế tác dụng của chúng.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 11 Bài 41: Sinh sản vô tính ở thực vật
- doc Sinh học 11 Bài 42: Sinh sản hữu tính ở thực vật
- doc Sinh học 11 Bài 43: Thực hành: Nhân giống vô tính ở thực vật bằng giâm, chiết, ghép
- doc Sinh học 11 Bài 44: Sinh sản vô tính ở động vật
- doc Sinh học 11 Bài 45: Sinh sản hữu tính ở động vật
- doc Sinh học 11 Bài 46: Cơ chế điều hòa sinh sản
- doc Sinh học 11 Bài 48: Ôn tập chương II, III, IV