Sinh học 11 Bài 44: Sinh sản vô tính ở động vật

Giống như thực vật, động vật có hai hình thức sinh sản: sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính. Sinh sản vô tính gặp ở nhiều loài động vật có tổ chức thấp. Trong bài học này, các em được tìm hiểu các kiến thức về sinh sản vô tính ở động vật như: khái niệm sinh sản vô tính ở động vật, các hình thức sinh sản vô tính và ứng dụng của các hình thức sinh sản vô tính ở động vật. Giúp các em mở rộng kiến thức về các hình thức sinh sản ở động vật trong thực tế.

Sinh học 11 Bài 44: Sinh sản vô tính ở động vật

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Sinh sản vô tính là gì?

- Sinh sản vô tính là kiểu sinh sản mà một cá thể sinh ra một hoặc nhiều cá thể mới giống hệt mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và tế bào trứng.

- Cơ sở tế bào học : Sinh sản vô tính dựa trên phân bào nguyên nhiễm (nguyên phân) các tế bào phân chia và phân hóa để tạo ra các cá thể mới.

1.2. Các hình thức sinh sản vô tính

a. Phân đôi

- Cơ thể mẹ tự co thắt tạo thành 2 phần giống nhau, mỗi phần sẽ phát triển thành một cá thể.
- Sự phân đôi có thể theo chiều dọc, ngang hoặc nhiều chiều.
- Đại diện: Động vật nguyên sinh, giun dẹp.
+ Ví dụ: Phân đôi ở trùng biến hình

Phân đôi ở động vật nguyên sinh

b. Nảy chồi

- Một phần của cơ thể mẹ nguyên phân nhiều hơn các vùng lân cận và phát triển tạo thành cơ thể mới.
- Cơ thể con có thể sống bám trên cơ thể mẹ hoặc sống tách độc lập.
+ Đại diện: Ruột khoang, bọt biển.

c. Phân mảnh

- Sinh sản bằng phân mảnh có ở bọt biển, giun dẹp.

+ Ví dụ những mảnh nhỏ tách ra từ bọt biển phát triển thành bọt biển mới.

Phân mảnh ở giun dẹp

d. Trinh sinh

- Trinh sinh (trinh sản) là hình thức sinh sản, trong đó, tế bào trứng không thụ tinh phát triển thành cá thể mới có bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n).

- Trinh sinh thường gặp ở các loài chân đốt như ong, kiến, rệp. Một vài loài cá, lưỡng cư, bò sát cũng có trinh sinh.

1.3. Ưu nhược điểm của sinh sản vô tính

a. Ưu điểm của sinh sản vô tính

- Cá thể sống độc lập, đơn lẻ vẫn có thể tạo ra con cháu. Vì vậy, có lợi trong trường hợp mật độ quần thế thấp

- Tạo ra các cá thể thích nghi tốt với môi trường sống ổn định, ít biến động, nhờ vậy quần thể phát triển nhanh.

- Tạo ra số lượng lớn con cháu giống nhau trong một thời gian ngắn

b. Nhược điểm của sinh sản vô tính

- Tạo ra các cá thể mới giống nhau và giống cá thể mẹ về mặt di truyền. Vì vậy, khi điều kiện sống thay đổi có thể dẫn đến hàng loạt cá thể bị chết, thậm chí toàn bộ quần thể bị tiêu diệt.

1.4. Ứng dụng

a. Nuôi mô sống

Tách mô từ cơ thể động vật để nuôi cấy trong môi trường có đủ chất dinh dưỡng vô trùng và nhiệt độ thích hợp, giúp cho mô đó tồn tại và phát triển.

Người ta đã nuôi cấy da người để chữa cho các bệnh nhân bị bỏng da. Tuy nhiên, người ta chưa tạo được cơ thể mới từ nuôi cấy mô sống của động vật có tổ chức cao.

b. Nhân bản vô tính

- Nhân bản vô tính là chuyển nhân của một số tế bào xôma (2n) vào một tế bào trứng đã lấy mất nhân, rồi kích thích tế bào trứng đó phát triển thành một phôi. Phôi này tiếp tục phát triển thành một cơ thể mới.

- Năm 1996, cừu Đôly là động vật đầu tiên được sinh ra theo phương pháp nhân bản vô tính. Đến nay, người ta đã thành công trong nhân bản vô tính nhiều loài động vật khác nhau như chuột, lợn, bò, chó,… Người ta hi vọng sẽ áp dụng được kĩ thuật nhân bản vô tính để tạo ra các mô, các cơ quan mong muốn, từ đó thay thế các mô, cơ quan bị bệnh, bị hỏng ở người bệnh.

2. Bài tập minh họa

Nhân bản vô tính là gì? Ý nghĩa của nhân bản vô tính?

Hướng dẫn giải:

- Nhân bản vô tính là chuyển nhân của 1 tế bào xoma vào 1 tế bào trứng đã lấy nhân, kích thích tế bào trứng phát triển thành phôi → phát triển thành cá thể mới.
- Ý nghĩa của nhân bản vô tính:

  • Tạo ra các cá thể mới có đặc điểm sinh học giống cá thể ban đầu (có bộ gen của cá thể gốc)
  • Dùng thay thế các cá thể ban đầu, tạo ra các cơ quan mới thay thế các cơ quan bị hư ở người.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Sinh sản vô tính là gì? Vì sao các cá thể con trong sinh sản vô tính giống hệt cơ thể mẹ?

Câu 2: Có những hình thức sinh sản vô tính nào? Sinh sản vô tính ở động vật đa bào bậc thấp có gì giống và khác với sinh sản vô tính ở động vật đa bào bậc cao?

Câu 3: Vì sao trinh sinh là một hình thức sinh sản đặc biệt nhưng có thể coi đó là hình thức sinh sản vô tính?

Câu 4: Vì sao trong ghép mô, dạng dị ghép lại không thể thành công?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Hình thức sinh sản bằng nảy chồi gặp ở nhóm động vật

A. ruột khoang, giun đẹp.

B. nguyên sinh.

C. bọt biển, ruột khoang.

D bọt biển, giun dẹp.

Câu 2: Giun dẹp có các hình thức sinh sản

A. phân mảnh, phân đôi.

B. nảy chồi, phân đôi.

C. phân đôi, trinh sản.

D. nảy chồi, phân mảnh.

Câu 3: Điều không đúng khi nhận xét thụ tinh ngoài kém tiến hoá hơn thụ tinh trong là

A. số lượng trứng sau mỗi lần đẻ rất lớn nên số lượng con sinh ra nhiều.

B. tỉ lệ trứng được thụ tinh thấp.

C. trứng thụ tinh không được bảo vệ, do đó tỉ lệ sống sót thấp.

D. từ khi trứng sinh ra, thụ tinh cho đến lúc phát triển thành cá thể con hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường nước.

Câu 4: Trinh sản là hình thức sinh sản

A. sinh ra con cái không có khả năng sinh sản

B. xảy ra ở động vật bậc thấp.

C. chỉ sinh ra những cá thể mang giới tính cái.

D. không cần có sự tham gia của giao tử đực.

Câu 5: Hình thức trinh sản có ở

A. ong.

B. chân khớp.

C. giun đất.

D. sâu bọ.

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sinh sản vô tính ở động vật Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài các em cần:

  • Nêu được định nghĩa sinh sản vô tính ở động vật.
  • Phân biệt được các hình thức sinh sản vô tính.
  • Nêu được bản chất của sinh sản vô tính, phân biệt sinh sản vô tính và tái sinh ở động vật.
  • Nêu được ưu điểm và nhược điểm của sinh sản vô tính.
Ngày:13/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM