Sinh học 12 Bài 43: Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái

Cùng eLib tìm hiểu các kiến thức như: trao đổi vật chất trong quần xã sinh vật (chuỗi thức ăn, lưới thức ăn, bậc dinh dưỡng), tháp sinh thái (định nghĩa, phân loại), mối quan hệ giữa các loài sinh vật thể hiện qua chuỗi và lưới thức ăn thông qua nội dung bài giảng Sinh học 12 Bài 43

Sinh học 12 Bài 43: Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Trao đổi vật chất trong quần xã sinh vật

a. Chuỗi thức ăn

- Là một dãy gồm nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau và mỗi loài là một mắc xích của chuỗi. Trong một chuỗi, một mắt xích vừa có nguồn thức ăn là mắt xích phía trước vừa là nguồn thức ăn của mắt xích phía sau

- Ví dụ:

Chuỗi thức ăn

- Có 2 loại chuỗi thức ăn:

+ Chuỗi thức ăn mở đầu bằng cây xanh → động vật ăn thực vật → động vật ăn động vật

  • Ví dụ: cây ngô → sâu ăn lá ngô → nhái → rắn hổ mang → diều hâu

+ Chuỗi thức ăn mở đầu bằng chất hữu cơ bị phân giải → sinh vật phân giải mùn, bã hữu cơ → động vật ăn sinh vật phân giải → các động vật ăn động vật khác

  • Ví dụ: lá, cành khô → mối → nhện → thằn lằn

b. Lưới thức ăn

  • Lưới thức ăn trong một quần xã gồm nhiều chuỗi thức ăn có nhiều mắt xích chung.
  • Quần xã sinh vật càng đa dạng về thành phần loài thì lưới thức ăn trong quần xã càng phức tạp
  • Ví dụ: Lưới thức ăn trong hệ sinh thái rừng

Lưới thức ăn trong hệ sinh thái rừng

c. Bậc dinh dưỡng

- Trong 1 lưới thức ăn, tập hợp các loài sinh vật có cùng mức dinh dưỡng hợp thành một bậc dinh dưỡng.

- Trong quần xã có nhiều bậc dinh dưỡng:

  • Bậc dinh dưỡng cấp 1 (sinh vật sản xuất): sinh vật tự dưỡng
  • Bậc dinh dưỡng cấp 2 (sinh vật tiêu thụ bậc 1): động vật ăn sinh vật sản xuất
  • Bậc dinh dưỡng câp 3 (sinh vật tiêu thụ bậc 2): động vật ăn sinh vật tiêu thụ bậc 1
  • Bậc dinh dưỡng cấp 4, cấp 5 (sinh vật tiêu thụ bậc 3, bậc 4)
  • Bậc dinh dưỡng cấp cao nhất: bậc cuối cùng trong chuỗi thức ăn.

- Ví dụ: Bậc dinh dưỡng của quần xã sinh vật

Bậc dinh dưỡng và lưới thức ăn

1.2. Tháp sinh thái

- Là độ lớn của các bậc dinh dưỡng được xác định bằng số lượng cá thể, sinh khối hay năng lượng ở mỗi bậc dinh dưỡng

- Có 3 loại tháp sinh thái:

Tháp số lượng: được xây dựng trên số lượng cá thể sinh vật ở mỗi bậc dinh dưỡng.

 

Tháp số lượng

Tháp sinh khối: được xây dựng dựa trên khối lượng tổng số của tất cả các sinh vật trên 1 đơn vị diện tích hay thể tích ở mỗi bậc dinh dưỡng.

Tháp năng lượng: là hoàn thiện nhất, được xây dựng trên số năng lượng được tích luỹ trên 1 đơn vị diện tích hay thể tích trong 1 đơn vị thời gian ở mỗi bậc dinh dưỡng.

2. Bài tập minh họa

Hãy giải thích vì sao chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái không thể kéo dài, thường không vượt quá 6 mắt xích?

Hướng dẫn giải

- Chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái không thể kéo dài, thường không vượt quá 6 mắt xích là do một phần năng lượng bị thất thoát dần qua nhiều cách ở mỗi bậc dinh dưỡng:

  • Năng lượng mất qua hô hấp, tạo nhiệt ở mỗi bậc dinh dưỡng.
  • Năng lượng mất qua chất thải (thải qua bài tiết, phân, thức ăn thừa...) hoặc năng lượng mất qua rơi rụng (như rụng lá ở thực vật, rụng lông, lột xác của động vật...) ở mỗi bậc dinh dưỡng.

- Chuỗi thức ăn (hoặc bậc dinh dưỡng) càng lên cao thì năng lượng tích luỹ càng ít dần và đến mức nào đó không còn đủ duy trì của một mắt xích (của một bậc dinh dưỡng). Khi một mắt xích (thực chất là một loài, hoặc nhóm cá thể của một loài) có số lượng cá thể quá ít (nhỏ hơn kích thước tối thiểu của quần thể) sẽ không thể tồn tại.

3. Luyện tập 

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hãy ghi chú tên các bậc dinh dưỡng thay cho các chữ a, b, c,…. Trong hình 43.2?

Câu 2: Những thông tin nào chúng ta có thể biết được qua quan sát một tháp sinh thái mà nếu quan sát chuỗi thức ăn thì không thể biết được và ngược lại, những thông tin nào chúng ta có thể biết được qua quan sát một chuỗi thức ăn mà nếu quan sát tháp sinh thái thì không biết được?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Lưới thức ăn

A. gồm nhiều chuỗi thức ăn

B. gồm nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau

C. gồm nhiều chuỗi thức ăn có các mắt xích chung

D. gồm nhiều loài sinh vật trong đó có sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải

Câu 2: Chuỗi và lưới thức ăn biểu thị mối quan hệ

A. giữa sinh vật sản xuất với sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải

B. dinh dưỡng

C. động vật ăn thịt và con mồi

D. giữa thực vật với động vật

Câu 3: Mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự hình thành chuỗi thức ăn và lưới thức ăn trong hệ sinh thái là

A. quan hệ cạnh tranh

B. quan hệ đối kháng

C. quan hệ vật ăn thịt – con mồi

D. quan hệ hợp tác

Câu 4: Sinh vật nào dưới đây được gọi là sinh vật sản xuất?

A. Con chuột

B. Vi khuẩn

C. Trùng giày

D. Cây lúa

Câu 5: Có những dạng tháp sinh thái nào?

A. Tháp số lượng và tháp sinh khối

B. Tháp sinh khối và tháp năng lượng

C. Tháp năng lượng và tháp số lượng

D. Tháp số lượng, tháp sinh khối và tháp năng lượng

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được mối quan hệ dinh dưỡng: chuỗi (xích) và lưới thức ăn, bậc dinh dưỡng
  • Nêu được các tháp sinh thái, hiệu suất sinh thái
  • Nâng cao ý thức bảo vệ MT thiên nhiên và đa dạng sinh học
Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM