Địa lí 12 Bài 40: TH: Phân tích tình hình phát triển công nghiệp ở Đông Nam Bộ

Ở bài 39, chúng ta đã được tìm hiểu về sự phát triển của công nghiệp vùng Đông Nam Bộ. Hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu rõ hơn về vùng đất này thông qua bài thực hành phân tích tình hình phát triển công nghiệp ở Đông Nam Bộ Địa lí 12.

Địa lí 12 Bài 40: TH: Phân tích tình hình phát triển công nghiệp ở Đông Nam Bộ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mục tiêu

- Rèn luyện kĩ năng phân tích, xử lí số liệu để rút ra các nhận xét theo yêu cầu cho trước.

- Rèn luyện kĩ năng viết báo cáo ngắn.

- Củng cố kiến thức học về vùng Đông Nam Bộ.

1.2. Dụng cụ

- Số biểu đồ, thông tin cập nhật về vùng công nghiệo của Đông Nam Bộ.

2. Nội dung tiến hành

2.1. Hoạt động 1: Viết báo cáo ngắn

Cho bảng số liệu (bảng 40.1 trang 183 sgk Địa lí 12).

Dựa vào bảng số liệu và các tài liệu báo cáo do học sinh sưu tầm và giáo viên cung cấp, hãy viết một bài báo cáo ngắn về sự phát triển công nghiệp dầu khí ở Đông Nam Bộ theo dàn ý:

- Tiềm năng dầu khí của vùng.

- Sự phát triển công nghiệp khai thác dầu khí.

- Tác động của công nghiệp khai thác dầu khí đến sự phát triển kinh tế ở Đông Nam Bộ.

Gợi ý làm bài

* Tiềm năng dầu khí của vùng:

-  Dầu khí nước ta có trữ lượng dự báo khoảng 10 tỉ tấn dầu, tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa.

+ Bể trầm tích sông Hồng.

+ Bể trầm tích Trung Bộ.

+ Bể trầm tích cửu Long.

+ Bể trầm tích Nam Côn Sơn.

+ Bể trầm tích Thể Chu - Mã Lai.

- Trong các bể trầm tích trên thì bể trầm tích Cửu Long và bể trầm tích Nam Côn Sơn ở Đông Nam Bộ được coi là có trữ lượng lớn nhất và có ưu thế về dầu khí.

- Bồn trũng Cửu Long hiện có một số mỏ dầu khí đang được khai thác: Hồng Ngọc (Ruby), Rạng Đông (Dawn), Bạch Hổ (White Tiger), Rồng (Dragon), Sư Tử Đen - Sư Tử vàng và hàng loạt mỏ dầu khí khác ở các vùng lân cận....

-  Bồn trũng Nam Côn Sơn hiện có các mỏ đang được khai thác là Đại Hùng (Big Bear), Lan Đỏ. Các mỏ khác như Hải Thạch, Mộc Tinh, Rồng Đôi, Cá Chò đang chuẩn bị khai thác.

* Hiện trạng phát triển :

-  Đông Nam Bộ phát triển hoạt động khai thác và dịch vụ dầu khí, hiện nay công nghiệp lọc, hóa dầu đã được đầu tư phát triển góp phần náng cao giá trị sản phẩm dầu khí, đem lại nguồn thu lớn.

- Mỏ dầu đầu tiên được khai thác từ năm 1986, những năm sau sản lượng khai thác tăng lên nhanh chóng. Năm 2005 sản lượng dầu mỏ khai thác đạt 18,5 triệu tấn. Các mỏ dầu lớn gồm Hồng Ngọc, Rạng Đông, Đại Hùng, Bạch Hổ và các mỏ khí lớn như Lan Tây, Lan Đỏ.

* Tác động :

- Việc phát triển công nghiệp dầu khí của vùng đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội :

+ Khí thiên nhiên được dùng làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện tuốc bin khí Phú Mỹ I, II, III và sản xuất phân đạm.

+ Dầu thô trước mắt là hàng xuất khẩu có giá trị, góp phần thu ngoại tệ, tích lũy vốn cho phát triển kinh tế.

+ Việc phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành dịch vụ dầu khí trong tương lai sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, sự phân hóa lãnh thổ và nâng cao vị thế của vùng trong nền kinh tế đất nước.

2.2. Hoạt động 2: Vẽ biểu đồ

Cho bảng số liệu (bảng 40.2 trang 184 sgk Địa lí 12):

Vẽ biểu đồ thể hiện giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế của Đông Nam Bộ qua các năm trên. Nêu nhận xét.

Gợi ý làm bài

  • Nhận dạng biểu đồ cột chồng (giá trị tuyệt đối)

 + Yêu cầu đề: thể hiện giá trị sản xuất phân theo thành phần (giá trị tuyệt đối)

 + Bảng số liệu: thể hiện tổng.

⟹ Lựa chọn biểu đồ cột chồng để thể hiện giá trị tuyệt đối của đối tượng.

  • Vẽ biểu đồ

Biểu đồ thể hiện giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế của Đông Nam Bộ năm 1995 và 2005.

  • Nhận xét:

-  Giá trị sản xuất công nghiệp  giữa các thành phần kinh tế có sự chênh lệch: cao nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tiếp theo là khu vực Nhà nước và thấp nhất là khu vực  ngoài  Nhà nước.

-   So với năm 1995, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ năm 2005 tăng gấp 3,95 lần (từ 50.508 tỉ đồng năm 1995 lên 199.622 tỉ đồng năm 2005).

+ Khu vực Nhà nước tăng gấp 2,45 lần (từ 19.607  tỉ đồng năm 1995 lên 48.58  tỉ đồng năm 2005 ), thấp hơn mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng.

+ Khu vực ngoài Nhà nước tăng gấp 4,7 lần (từ 9.942 tỉ đồng năm 1995 lên 46.738 tỉ đồng năm 2005), cao hơn mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng (3,95 lần).

+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh nhất gấp 5,0 lần (từ 20.959 tỉ đồng năm 1995 lên 104.826 tỉ đồng năm 2005), cao hơn mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng.

3. Kết luận 

Sau khi học xong bài này các em cần nắm các nội dung sau:

- Kĩ năng phân tích, xử lí số liệu để rút ra các nhận xét theo yêu cầu cho trước.

- Kĩ năng viết báo cáo ngắn.

- Kiến thức học về vùng Đông Nam Bộ.

Ngày:09/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM