Tiếng Việt lớp 5 bài 35C: Ôn tập 3

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn tả người. Đồng thời, bài học này còn giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 35C: Ôn tập 3

1. Hoạt động thực hành

Câu 1: Đọc thầm bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Cây gạo ngoài bến sông

Ngoài bãi bồi có một cây gạo già xòa tán lá xuống mặt sông. Thương và lũ bạn lớn lên đã thấy những mùa hoa gạp đỏ ngút trời và từng đàn chim lũ lượt bay về. Cứ mỗi năm, cây gạo lại xòe thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh. Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo, vậy mà lá thì xanh mởn, non tươi, dập dờn đùa trong gió. Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy. Bến sông bừng lên đẹp lạ kì.

Chiều nay, đi học về. Thương cùng các bạn ùa ra cây gạo. Nhưng kìa, cả một vạt đất quanh gốc gạo phía mặt sông lở thành  hố sâu hoắm, những cái rễ gầy nhẳng nhơ ra, cây gạo chỉ còn biết tì lưng vào bãi ngô. Những người buôn cát đã cho thuyền vào xúc cát ngay ở khúc sông dưới gốc gạo. Cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê.

Thương thấy chập chờn như có tiếng cây gạo đang khóc, những giọt nước mắt quánh lại đỏ đặc như máu nhỏ xuống dòng sông… Thương bèn rủ các bạn lội xuống bãi bồi, lấy phù sa nhão đắp che kín những cái rễ cây bị trơ ra. Chẳng mấy chốc, ụ đất cạo dần, trông cây gạo bớt chênh vênh hơn.

Thương và các bạn hồi hôp chờ sáng mai thế nào cây gạo cũng tươi tỉnh lại, những cái lá xòe ra vẫy vẫy và chim chóc sẽ bay về hàng đàn… Tháng ba sắp tới, bến sông lại rực lên sắc lửa cây gạo, Thương tin chắc là như thế.

1. Những chi tiết nào cho biết cây gạo ngoài bến sông đã có từ lâu?

a. Cây gạo già; thân cây xù xì, gai góc, mốc meo; Thương và lũ bạn lớn lên đã thấy cây gạo nở hoa.

b. Hoa gạo đỏ ngút trời, tán lá tròn vươn cao lên trời xanh.

c. Cứ mỗi năm, cây gạo lại xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh.

-> Chọn đáp án a. Cây gạo già; thân cây xù xì, gai góc, mốc meo; Thương và lũ bạn lớn lên đã thấy cây gạo nở hoa.

2. Dấu hiệu nào giúp Thương và các bạn biết cây gạo lớn thêm một tuổi?

a. Cây gạo nở thêm một mùa hoa.

b. Cây gạo xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời.

c. Thân cây xù xì, gai góc, mốc meo hơn.

-> Chọn đáp án b. Cây gạo xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời.

3. Trong chuỗi câu Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy. Bến sông bừng lên đẹp lạ kì", từ bừng nói lên điều gì?

a. Mọi vật bên sông vừa thức dậy sau giấc ngủ.

b. Mặt trời mọc làm bến sông sáng bừng lên.

c. Hoa gạo làm bến sông sáng bừng lên.

-> Chọn đáp án c. Hoa gạo làm bến sông sáng bừng lên.

4. Vì sao cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê?

a. Vì sông cạn nước, thuyền bè không có.

b. Vì đã hết mùa hoa, chim chóc không tới.

c. Vì có kẻ đào cát dưới gốc gạo, làm rễ cây trơ ra.

-> Chọn đáp án c. Vì có kẻ đào cát dưới gốc gạo, làm rễ cây trơ ra.

5. Thương và các bạn nhỏ đã làm gì để cứu cây gạo?

a. Lấy cát đổ đầy gốc cây gạo.

b. Lấy đất phù sa lấp kín những cái rễ cây bị trơ ra.

c. Báo cho Ủy ban xã biết về hành động lấy cát bừa bãi của kẻ xấu.

-> Chọn đáp án b. Lấy đất phù sa lấp kín những cái rễ cây bị trơ ra.

6. Việc làm của Thương và các bạn nhỏ thể hiện điều gì?

a. Thể hiện tinh thần đoàn kết.

b. Thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

c. Thể hiện thái độ dũng cảm đấu tranh với kẻ xấu.

-> Chọn đáp án b. Thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

7. Câu nào dưới đây là câu ghép?

a. Chiều nay, đi học về, Thương cùng các bạn ùa ra cây gạo.

b. Cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê.

c. Cứ mỗi năm, cây gạo lại xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh.

-> Chọn đáp án b. Cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê.

8. Các vế câu trong câu ghép "Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo, vậy mà lá thì xanh mởn, non tươi, dập dờn đùa với gió" được nối với nhau bằng cách nào?

a. Nối bằng từ "vậy mà".

b. Nối bằng từ "thì".

c. Nối trực tiếp (không dùng từ nối).

-> Chọn đáp án a. Nối bằng từ "vậy mà".

9. Trong chuỗi câu "Chiều nay, đi học về, Thương cùng các bạn ùa ra cây gạo. Nhưng kìa, cả một vạt đất quanh gốc gạo phía mặt sông lở thành hố sâu hoắm...", câu in nghiêng liên kết với câu đứng trước nó bằng cách nào?

a. Dùng từ ngữ nối và lặp từ ngữ.

b. Dùng từ ngữ nối và thay thế từ ngữ.

c. Lặp từ ngữ và thay thế từ ngữ. 

-> Chọn đáp án a. Dùng từ ngữ nối và lặp từ ngữ.

10. Dấu phẩy trong câu "Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo" có tác dụng gì?

a. Ngăn cách các vế câu.

b. Ngăn cách trạng ngữ vói chủ ngữ và vị ngữ.

c. Ngăn cách các từ cùng làm vị ngữ.

-> Chọn đáp án c. Ngăn cách các từ cùng làm vị ngữ.

Câu 2: Em hãy tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em trong một giờ học mà em nhớ nhất.

Hướng dẫn giải:

- Bài văn tham khảo số 1:

Cô giáo chủ nhiệm lớp con là giáo viên giỏi của trường. Cô của con dạy tiết nào cũng đều rất hay. Nhưng con cá ấn tượng nhất khi cô dạy tiết kể chuyện Người đi săn và con nai. Cho đến bây giờ con vẫn như thấy hình ảnh cô đang giảng bài trước mắt con.

Hôm đó, cô giáo con mặc bộ quần áo dài màu xanh nước biển. Tóc cô cột cao sau gáy. Mỗi bước cô đi, tóc cô lại đưa đưa theo nhịp bước. Cả lớp ngước mắt nhìn theo mỗi bước cô đi. Cô bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm trầm: “Có một người thợ săn…” Khi kể đến đoạn dòng suối khuyên người đi săn không nên bắn nai vì nai hay đến soi gương xuống mặt suối, giọng cô nhỏ nhẹ, nhưng có sức thuyết phục. Kể đến đoạn cây trám hỏi người thợ săn đi đâu và người thợ săn trả lời đi săn nai vì thịt nai ngon lắm, giọng cô lúc đó thể hiện sự tức giận. Đặc biệt khi kể đoạn người thợ săn say sưa ngắm vẻ đẹp của chú nai dưới ánh trăng, cô giáo nhìn xa, mơ màng như cỗ đang ngắm chú nai thật dưới ánh trăng trong rừng. Giọng cô nhẹ nhàng, ấm áp làm cả lớp dỏng tai lên nghe còn mắt thì chăm chú nhìn về phía mắt cô nhìn. Giọng cô thoải mái, hả hê khi kể đến đoạn con nai chạy biến vào rừng còn người đi săn trở về không. Khi đó, nét mặt, ánh mắt, động tác của cô làm cho cả lớp cũng thấy thoải mái, vui vẻ hơn khi con nai thoát nạn. Cuối tiết học, cô ân cần nhắc nhở chúng con hãy yêu quý và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các loài vật quý. Đừng phá huỷ vẻ đẹp của thiên nhiên.

Giọng nói, ánh mắt, nét mặt của cô đã để lại ẩn tượng sâu sắc trong con. Con không bao giờ quên được tiết học, quên được dáng vẻ của cô, quên được bài học bổ ích mà cô đã dạy con trong tiết kể chuyện hôm ấy.

Sưu tầm

- Bài văn tham khảo số 2:

Những năm em học ở bậc Tiểu học có rất nhiều giờ học đáng nhớ nhưng em không bao giờ quên giờ học cách đây một tháng. Giờ học ấy cô giáo đã để lại trong lòng em tình cảm khó quên.

Hôm ấy, cô giáo em mặc chiếc áo dài màu vàng rất đẹp. Mái tóc đen dài được buộc gọn trên đỉnh đầu, nhìn cô rất tươi tắn. Cô chào cả lớp bằng một nụ cười rạng rỡ. Giờ học bắt đầu. Bải giảng của cô hôm ấy diễn ra rất sôi nổi. Giọng nói cô ngọt ngào, truyền cảm. Đôi mắt cô lúc nào cũng nhìn thẳng xuống lớp. Đôi mắt ấy luôn thể hiện sự cổ vũ, động viên chúng em. Cô giảng bài say sưa đến nỗi trên khuôn mặt hiền từ đã lấm tấm mồ hôi mà cô vẫn không để ý. Cô giảng bài rất dễ hiểu. Qua lời giảng ấy, em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của mỗi bài thơ, bài văn. Những lời cô giảng em khắc sâu vào tâm trí không bao giờ quên.

Thỉnh thoảng, cô đi lại xuống cuối lớp, xem học sinh thảo luận nhóm, xem chúng em ghi bài. Cô đến bên những bạn học yếu để gợi ý, giúp đỡ. Cô luôn đặt ra những câu hỏi từ dễ đến khó để kích thích sự chủ động sáng tạo của chúng em. Cô lúc nào cũng gần gũi với học sinh, lắng nghe ý kiến của các bạn. Giữa giờ học căng thẳng, cô kể cho chúng em nghe những mẩu chuyện rất bổ ích. Cô kể chuyện rất hấp dẫn. Bạn Hưng nghe cô kể cứ há miệng ra nghe mà không hề hay biết. Nhìn bạn, cả lớp cười ồ lên thật là vui. Một hồi trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi. Tiết học kết thúc, nét mặt của các bạn trong lớp và cô giáo rạng rỡ niềm vui.

Em rất yêu quý và kính trọng cô giáo của mình. Em thầm hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành người có ích cho đất nước như cô đã từng dạy chúng em.

Sưu tầm

2. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Chia sẻ với người thân: Em đã làm được việc gì để bảo vệ môi trường.

Hướng dẫn giải:

- Không vứt rác bừa bãi, để rác đúng nơi quy định.

- Trồng và chăm sóc cây xanh.

- Vệ sinh đường phố sạch sẽ.

- Tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường.

Câu 2: Cùng người thân tìm hiểu những tấm gương bảo vệ môi trường, những người tích cực tham gia phong trào xanh, sạch, đẹp ở địa phương.

Hướng dẫn giải:

Khi tìm hiểu các em cần chú ý ghi lại tên, cơ quan tổ chức đã thực hiện và tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường.

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú.

- Rèn luyện kĩ năng viết bài văn tả người.

Ngày:26/11/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM