Địa lí 12 Bài 35: Vấn đề phát triển kinh tế- xã hội ở Bắc Trung Bộ

Đất nước VN cong cong hình chữ S, kéo dài theo chiều B-N và hẹp ngang, Bắc Trung Bộ là cầu nối giữa Miền Bắc và phía Nam của Đất nước là vùng tương đối giàu tài nguyên và có nhiều thuận lợi để phát triển tổng hợp các ngành kinh tế,...Bài học hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu bài “Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Trung Bộ”.

Địa lí 12 Bài 35: Vấn đề phát triển kinh tế- xã hội ở Bắc Trung Bộ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái quát chung

Lược đồ kinh tế Bắc Trung Bộ

a. Vị trí địa lí và lãnh thổ

- Bắc Trung Bộ là vùng lãnh thổ kéo dài và hẹp ngang nhất nước

  • Diện tích: 51,5 nghìn km2 (16,5% cả nước).
  • Dân số: 10,6 triệu người (12,7% cả nước).

- Tiếp giáp: Đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi Bắc Bộ, Lào và Biển Đông

- Bao gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

=> Thuận lợi giao lưu văn hóa – kinh tế – xã hội của vùng với các vùng khác cả bằng đường bộ và đường biển.

b. Các thế mạnh và hạn chế chủ yếu của vùng

- Thế mạnh:

  • Khí hậu nhiệt đới gió mùa, phân hoá đa dạng, có mùa đông lạnh vừa
  • Dải đồng bằng ven biển, đất đai đa dạng (phù sa, feralit…)
  • Sông ngòi dày đặc.
  • Khoáng sản tương đối phong phú.
  • Rừng có diện tích tương đối lớn.
  • Dân cư giàu truyền thống lịch sử, chung sống với thiên nhiên khắc nghiệt, cần cù, chịu khó.
  • Nhiều tài nguyên du lịch.

- Hạn chế:

  • Nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán, triều cường, gió Lào...
  • Tài nguyên phân bố phân tán.
  • Sông ngắn dốc => lũ lên nhanh.
  • Mức sống thấp,hậu quả của chiến tranh.
  • Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật còn yếu kém.

1.2. Hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp

a. Khai thác thế mạnh về lâm nghiệp

- Thuận lợi:

  • Diện tích rừng: 2,46 triệu ha (20%).
  • Nhiều gỗ, chim thú có giá trị.

- Khó khăn:

  • Cháy rừng, thiếu vốn, cơ sở vật chất kĩ thuật, thiếu lực lượng quản lí…

=> Khai thác đi đôi với tu bổ và bảo vệ.

b. Khai thác tổng hợp các thế mạnh về nông nghiệp của trung du, đồng bằng và ven biển

- Thuận lợi:

  • Vùng đồi trước núi: chăn nuôi gia súc
  • Khí hậu nhiệt đới, có sự phân hoá
  • Đất đa dạng (phù sa, feralit…)

=> Phát triển chăn nuôi gia súc, vùng chuyên canh cây công nghiệp và vùng thâm canh lúa.

- Khó khăn: Đất kém màu mỡ, nhiều thiên tai…

=> Giải quyết lương thực thực phẩm và mở rộng thi trường.

c. Ngư nghiệp

  • Đường bờ biển dài, khúc khuỷu, nhiều hải sản quý
  • Nhiều sông lớn (sông Cả, Sông Mã…)

=> Phát triển cả đánh bắt, nuôi trồng ở cả 3 môi trường nước: ngọt, lợ, mặn.

1.3. Hình thành cơ cấu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng giai thông vận tải

a. Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và các trung tâm công nghiệp chuyên môn hóa

  • Là vùng có nhiều nguyên liệu cho sự phát triển công nghiệp: khoáng sản, nguyên liệu nông – lâm – ngư nghiệp.
  • Trong vùng đã hình thành một số vùng công nhiệp trọng điểm: sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, chế
    biến nông – lâm – thủy sản và có thể lọc hóa dầu.
  • Các trung tâm công nghiệp phân bố chủ yếu ở dải ven biển, phía đông bao gồm Thanh Hóa, Vinh, Huế.

b. Xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là giao thông vận tải

  • Xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
  • Các tuyến giao thông quan trọng của vùng: quốc lộ 7, 8, 9, 1A, đường Hồ Chí Minh.

2. Luyện tập

Câu 1: Hãy xác định trên bản đồ hành chính Việt Nam vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ?

Gợi ý làm bài

- Bắc Trung Bộ tiếp giáp: 

  • Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc
  • Biển Đông ở phía Đông
  • Lào ở phía Tây
  • Duyên hải Nam Trung Bộ ở phía Nam

- Bắc Trung Bộ gồm có 6 tỉnh kéo dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

- Diện tích: 51,5 nghìn km2

Câu 2: Tại sao có thể nói sự hình thành cơ cấu nông – lâm-ngư nghiệp của vùng góp phần tạo thế liên hoàn trong phát triển cơ cấu kinh tế theo không gian?

Gợi ý làm bài

Bắc Trung Bộ có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông. Theo đó, là từ vùng núi cao ở phía Tây đến các các vùng đôi thấp đến đồng bằng hẹp ven biển.

Tương ứng với các dạng địa hình như vậy, người dân ở đây đã hình thành những cơ cấu cây trồng vật nuôi khác nhau.

  • Ở vùng núi cao chủ yếu là cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi gia súc lớn
  • Ở vùng đối núi thấp trồng cây hàng năm, chăn nuôi lợn gà..
  • Ở vùng ven biển chăn nuôi thủy sản

Như vậy theo lát cắt ngang của lãnh thổ, có thể chứng kiến những thay đổi của mô hình kết hợp nông - ngư nghiệp hay nông - lâm - ngư nghiệp từ vùng ven biển, đồng bằng tới mô hình kết hợp nông - lâm nghiệp ở vùng trung du, miền núi.

Câu 3: Tại sao nói việc phát triển cơ cấu nông –lâm-ngư nghiệp góp phần phát triển bền vững ở Bắc Trung Bộ?

Gợi ý làm bài

Việc phát triển cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp góp phần phát triển bền vững ở BTB là do khai thác được tối đa các lợi thế về nguồn tài nguyên theo hướng liên hoàn của vùng, mang lại hiệu quả KT cao. Cụ thể :

  • Cấu trúc lãnh thổ hẹp ngang theo chiều đông – tây, nhưng lại kéo dài theo chiều bắc – nam.
  • Phía Tây là vùng đồi núi, giữa là vùng đồng bằng, phía Đông là vùng biển rộng lớn.
  • Có nguồn tài nguyên (lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản) khá đa dạng, nhưng về cơ bản vẫn ở dạng tiềm năng chưa khai thác hiệu quả.
  • Có sự phân hóa khá rõ của các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, dân cư, dân tộc, lịch sử…cho phép phát triển nhiều ngành KT để khai thác lãnh thổ hợp lý và hiệu quả nhất.
  • Việc hình thành cơ cấu KT N-L-NN góp phần hình thành cơ cấu KT chung của vùng, tạo thế liên hoàn trong phát triển KT theo không gian và giữ cân bằng sinh thái.
  • Trong khi cơ cấu KT công nghiệp còn nhỏ bé thì việc hình thành cơ cấu KT N-L-NN góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH của vùng.

=> Việc hình thành cơ cấu nông – lâm –ngư nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với việc hình thành cơ cấu KT chung của vùng, góp phần tạo ra cơ cấu ngành và tạo ra thế liên hoàn trong phát triển cơ cấu KT theo không gian.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Vấn đề phát triển kinh tế- xã hội ở Bắc Trung Bộ Địa lý 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

  • Hiểu được Bắc Trung Bộ là vùng lãnh thổ tương đối giàu tài nguyên thiên nhiên, có thể phát triển nền kinh tế nhiều ngành, nhưng đây là vùng gặp nhiều khó khăn do thiên tai và hậu quả nặng nề do chiến tranh.
  • Biết được thực trạngvà triển vọng phát triển cơ cấu kinh tế Nông-Lâm-Ngư nghiệp, sự phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng của vùng.
  • Hiểu được trong những năm tới, với sự phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng, với sự khai thác tốt hơn kinh tế biển, hình thành nền kinh tế mở, kinh tế của Bắc Trung Bộ sẽ có bước phát triển đột phá.
Ngày:09/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM