Tiếng Việt lớp 5 bài 34C: Nhân vật em yêu thích

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách hỏi - đáp về nhân vật em yêu thích. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 34C: Nhân vật em yêu thích

1. Hoạt động thực hành

Câu 1: Hỏi - đáp về nhân vật em yêu thích, hâm mộ, khâm phục.

Hướng dẫn giải:

Hỏi: - Trong những truyện đã được học ở tiểu học, nhân vật nào để lại cho bạn nhiều cảm xúc nhất?

Đáp: - Mình thương An-đrây-ca trong truyện “Nỗi dằn vặt của A-đrây-ca”, hình ảnh An-đrây-ca ngồi dưới gốc cây táo nhớ về ông dằn vặt về những việc làm của bạn ấy khiến mình không sao quên được.

Hỏi: - Trong các nhân vật nam đã được học, bạn thích nhất nhân vật nào?

Đáp: - Mình thích Ma-ri-ô trong truyện “Một vụ đắm tàu”, một chàng trai giàu tình yêu thương, lòng vị tha và sự hi sinh.

Hỏi: - Nhân vật nào khiến bạn cảm thấy khâm phục nhất?

Đáp: - Nguyễn Ngọc Ký trong truyện “Bàn chân kỳ diệu”, không phải ai cũng có được được sự nỗ lực và kiên trì tuyệt vời như vậy.

Câu 2: Nêu tác dụng của dấu gạch ngang trong mỗi câu dưới đây:

a. Chú hề vội tiếp lời:  

- (1) Tất nhiên rồi. Khi một con hươu mất sừng, cái sừng mới sẽ mọc ra. Sau khi đêm thay thế cho ngày, ngày lại thế chỗ của đêm.  

- (2) Mặt trăng cũng như vậy, mọi thứ đều như vậy...  - (3) Giọng công chúa nhỏ dần, nhỏ dần. Nàng đã ngủ. 

Chú hề đắp chăn cho công chúa rồi rón rén ra khỏi phòng.

Theo Phơ-bơ 

b. Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương - (1) con gái vua Hùng Vương thứ 18 - (2) theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao.

Theo Đoàn Minh Tuấn

c. Thiếu nhi tham gia công tác xã hội:

- (1) Tham gia tuyên truyền, cổ động cho các phong trào.

- (2) Tham gia Tết trồng cây, làm vệ sinh trường lớp, xóm làng.

- Chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ; giúp đỡ người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn.

Hướng dẫn giải:

- Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại: 1a, 2a.

- Đánh dấu phần chú thích trong câu: 3a, 1b, 2b.

- Đánh dấu các ý trong đoạn liệt kê: 1c, 2c.

Câu 3: Đọc mẩu chuyện dưới đây và ghi lại tác dụng của dấu gạch ngang được sử dụng trong từng trường hợp:

Cái bếp lò

Sáng tháng chạp. Trời rét căm căm. Hai bên đường đi, cánh đồng phủ kín tuyết trắng. Tôi đi ngược gió, mũ sụp xuống mắt, cổ áo da che kín mũi. Chợp tôi thấy bên đường, trước mặt tôi, một em bé trai quãng mười tuổi. Em đi đầu trần, mặt mũi đỏ ửng lên vì rét. Hai tay thủ trong túi, em đi rất nhanh.

- (1) Chào bác - (2) Em bé nói với tôi.

- (3) Cháu đi đâu vậy? - (4) Tôi hỏi em.

- (5) Thưa bác, cháu đi học.

- (6) Sáng nay rét lắm. Thế mà cháu vẫn đi à?

- (7)Thưa bác, vâng. Rét lắm, mà nhà cháu lại không đốt lò sưởi. Chúng cháu rét cóng cả người.

- (8) Nhà cháu không có than ủ ư?

- (9) Thưa bác, than đắt lắm.

- (10) Cháu thích đi học lắm phải không? Cháu yêu trường chứ? Cháu yêu thầy chứ?

Đôi mắt xanh đẹp đẽ của em bé sáng long lanh khi em đáp lời tôi:

- (11) Thưa bác, vâng.... Cháu yêu thầy giáo lắm... Thầy có cả một cái bếp lò....

Theo A. Đô-Đê

Hướng dẫn giải:

- Dấu gạch ngang ở vị trí (1), (2), (3) và (4) trong mỗi cặp câu sau đây dùng để: Đánh dấu phần chú thích.

- Các dấu gạch ngang còn lại (1), (3), (5), (6), (7), (8), (9), (10) và (11) trong mẩu chuyện trên dùng để: Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong một đoạn đối thoại.

Câu 4: Nghe thầy cô nhận xét chung và hướng dẫn sửa bài trong giờ trả bài văn tả người:

Hướng dẫn giải:

- Tham gia sửa những lỗi chung của lớp dưới sự hướng dẫn của thầy cô.

- Nghe đọc một số đoạn hoặc bài làm tốt của các bạn. Thảo luận để tìm ra cái hay của đoạn văn, bài văn được giới thiệu.

Câu 5: Tự đánh giá bài làm của em và sửa lỗi trong bài.

Hướng dẫn giải:

- Chú ý yêu cầu về nội dung miêu tả.

- Chú ý về cách diễn đạt: Ngoài yêu cầu dùng từ, đặt câu, viết đúng chính tả, cần biết vận dụng các phép so sánh, nhân hoá làm cho câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Tự sửa lỗi trong bài văn của em. Sau đó đổi bài với bạn để kiểm tra lại.

2. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Trao đổi với người thân: về nhân vật yêu thích trong các truyện em đã học.

Hướng dẫn giải:

- Bài văn tham khảo số 1:

Ông Tiên trong Truyện cổ tích

Thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của trẻ em Việt Nam là một thế giới đầy màu sắc. Ở nơi thiên đường đó có cô Tấm dịu hiền, có anh Khoai chăm chỉ, cần cù và chàng Thạch Sanh khỏe mạnh, dũng cảm. Tuy nhiên, người mà những đứa trẻ chúng tôi thích nhất lại là ông Tiên – cụ già tốt bụng, luôn mang đến những điều ước màu nhiệm.

Trong trí tưởng tượng của tôi, ông tiên chắc cũng chẳng khác gì ông nội là mấy. Ông cũng có mái tóc trắng, búi củ tôi như các cụ ngày xưa. Ông có đôi mắt to, tròn nhìn hết cả thế gian xem ai khó khăn, đau khổ thì giúp đỡ. Đôi mắt ấy rất hiền hậu, nhân từ như chính con người ông.

Ông tôi ngày xưa có chùm râu dài đến rốn, bạc trắng nên tôi nghĩ bụt cũng vậy thôi. Da dẻ ông hồng hào, trắng trẻo vì ăn nhiều đào tiên trên thiên đình. Ông Tiên hay đi giúp đỡ người khác. Mỗi lần ông xuất hiện là lại có những đám khói trắng xóa ở đâu hiện ra mà chúng tôi thường gọi là "cân đẩu vân" của ông. Xung quanh ông Tiên, những luồng ánh sáng có thể soi sáng cả thế gian.

Ông thường mặc bộ quần áo màu vàng, đôi guốc mộc trông giản dị và gần gũi như ông mình. Giọng nói của ông ấm áp và ôn tồn xoa dịu hết mọi nỗi đau. Nhưng điều làm tôi yêu ông nhất chính là tấm lòng của ông. "Ông Tiên tốt bụng", "cụ già mang đến nhiều điều ước" là những cái tên mà tôi đặt cho ông. Ông Tiên giúp đỡ chị Tấm gặp được nhà vua. Khi chị Tấm không có quần áo đi dự hội, ông đã hóa phép biến đống xương cá ở bốn chân giường thành bộ quần áo đẹp, thành đôi hài đỏ dễ thương và thành con ngựa hồng để chị Tấm đi dự hội.

Ông Tiên đã dạy cho anh Khoai hai câu thần chú để trị tội tên địa chủ và cưới được con gái hắn. Trong câu chuyện cổ tích “Bông cúc trắng” ông tiên đã chỉ đường cho cô bé hái được hoa cúc mang về chữa bệnh cho mẹ. Ông còn đến tận nhà khám bệnh, chữa trị cho mẹ cô bé hiếu thảo kia…

Vậy đấy! Với cây phất trần trong tay ông đã đi khắp mọi nơi, gặp đủ hạng người, tốt có, xấu có. Nhưng chỉ những người tốt, những đứa bé ngoan ngoãn, học giỏi và hiếu thảo mới gặp được ông tiên, được ông giúp đỡ và cho điều ước. Còn những đứa trẻ hư, những người xấu sẽ phải chịu hình phạt thích đáng.

Tôi yêu ông Tiên lắm. Tôi coi ông như ông ruột của mình ấy. Từ hồi còn nằm nôi, tôi đã được các bà các mẹ kể về ông Tiên. Đến trong mơ, tôi cũng nhìn thấy những việc mà ông đã làm để giúp đỡ bà con nghèo, người gặp hoạn nạn. Tôi không phải là một đứa trẻ ngoan. Đôi lúc tôi còn lười biếng và cãi lại mẹ nhưng tôi sẽ sửa chữa, tôi sẽ cố gắng chăm học hơn, ngoan ngoãn hơn để một lần được nhìn thấy ông tiên – cụ già tốt bụng và nhân hậu của tôi.

Sưu tầm

- Bài văn tham khảo số 2:

Chàng trai Thạch Sanh - Truyện "Thạch Sanh"

Có lẽ ai đã đọc truyện "Thạch Sanh" đều nhớ đến cây đàn và niêu cơm đất thần kì. Nó đã trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh Thạch Sanh. Mỗi lần đọc xong truyện, gấp sách lại, em có cảm giác như nhân vật đang bước ra từ câu chuyện, gần gũi và chân thật.

Thạch Sanh cao lớn, vạm vỡ với những bắp tay cuồn cuộn. Thân hình cân đối, cường tráng càng làm tăng thêm vẻ đẹp. Thạch Sanh đóng một cái khố, trên đầu quấn một chiếc khăn nâu, vai đeo cung tên đi từ trong rừng ra với những bó củi to trông như lực sĩ của rừng xanh.

Thạch Sanh mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Anh ấy không phải là con người bình thường mà là thái tử, con Ngọc Hoàng xuống đầu thai làm con của một đôi vợ chồng già ở Cao Bình. Nguồn gốc cao quý và khác thường ấy như điềm báo cho ta biết cuộc đời Thạch Sanh sẽ không phẳng lặng mà gặp nhiều thử thách, chông gai.

Thạch Sanh là một chàng trai tốt bụng, chăm chỉ và tài giỏi. Vì thật thà lắm nên bao lần anh bị Lí Thông lừa mà không hề hay biết. Ở cạnh Lí Thông gian xảo, anh đã sống chân thật hết mình, giúp hắn biết bao việc. Không chỉ có vậy, lúc nào chàng trai ấy cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn, chẳng từ gian nguy.

Thạch Sanh đã giết được chằn tinh không chỉ cứu được mẹ con Lí Thông mà còn giúp được dân làng thoát khỏi nanh vuốt độc ác của đại bàng khổng lồ. Và hơn cả, Thạch Sanh đã đánh thắng được quân mười tám nước chư hầu bằng trí thông minh của mình mà không tốn một hòn tên mũi đạn. Những chiến công oai hùng đó của Thạch Sanh thật đáng ngưỡng mộ.

Trải qua nhiều khó khăn, Thạch Sanh càng thể hiện được bản lĩnh, tài năng của mình. Chấp nhận đi canh miếu thờ, rồi gặp chằn tinh, anh đều sẵn sàng chiến đấu mà không hề run sợ. Thấy đại bàng bắt công chúa, Thạch Sanh dũng cảm lần theo dấu vết rồi xin xuống hang đánh đại bàng giải cứu.

Khi bị vu oan tội ăn cắp của cải nhà vua và bị bắt vào ngục tối, Thạch Sanh mang cây đàn ra đánh, tiếng đàn đã đến được với công chúa, anh tự giải cứu được chính mình. Thử thách mười tám nước chư hầu đã thể hiện rõ nhất tài năng cũng như tấm lòng nhân ái của chàng dũng sĩ. Niêu cơm thần kì đã giúp Thạch Sanh làm cho các binh lính tâm phục khẩu phục mà rút về.

Trong niềm vui hân hoan chiến thắng ta càng thấy Thạch Sanh đẹp hơn bao giờ hết, vẻ đẹp hài hòa giữa ngoại hình với tâm hồn và tài năng. Thạch Sanh mãi là người dùng sĩ của các bạn nhỏ các thế hệ từ xưa cho đến mãi về sau. Dù đọc bao câu chuyện cổ tích khác nhưng hình ảnh Thạch Sanh vẫn mãi đọng lại trong tâm trí em.

Sưu tầm

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được tác dụng của dấu gạch ngang trong một văn bản cụ thể.

- Biết cách hỏi - đáp về nhân vật em yêu thích.

- Trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú.

Ngày:26/11/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM