Sinh học 12 Bài 33: Sự phát triển của sinh giới qua các đại địa chất

Các kiến thức như: hóa thạch là gì, vai trò của các hóa thạch trong nghiên cứu lịch sử phát triển của sinh giới, hiện tượng trôi dạt lục địa, sinh vật trong các đại địa chất được eLib tổng hợp thông qua nội dung của bài giảng inh học 12 Bài 33. Nội dung chi tiết tham khảo tại đây!

Sinh học 12 Bài 33: Sự phát triển của sinh giới qua các đại địa chất

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hoá thạch và vai trò của các hoá thạch trong nghiên cứu lịch sử phát triển của sinh giới

a. Hoá thạch là gì?

  • Hoá thạch là di tích của các sinh vật để lại trong các lớp đất đá của vỏ trái đất. Di tích của sinh vật để lại có thể dưới dạng các bộ xương, những dấu vết của sinh vật để lại trên đá (vết chân, hình dáng…), xác các sinh vật được bảo quản gần như nguyên vẹn trong các lớp hổ phách hoặc trong các lớp băng,...

Hóa thạch

  • Có 3 loại hoá thạch: hoá thạch là những xác nguyên vẹn, hoá thạch bằng đá (khuôn trong), hoá thạch dưới dạng dấu vết (khuôn ngoài).

b. Vai trò của hoá thạch trong nghiên cứu lịch sử phát triển của sinh giới

- Ý nghĩa của hoá thạch:

  • Hoá thạch là bằng chứng trực tiếp để biết được lịch sử phát sinh, phát triển của sự sống
  • Là dẫn liệu quý để nghiên cứu lịch sử vỏ trái đất.

- Phương pháp xác định tuổi của hoá thạch:

+ Phương pháp dùng Uran phóng xạ (Ur235):

  • Dựa vào chu kì bán rã của Ur235 là 4,5 tỉ năm.
  • Kết quả: Xác dịnh tuổi của các lớp đất đá và hoá thạch tới hàng triệu năm.

+ Phương pháp dùng Cacbon phóng xạ (C14):

  • Dựa vào chu kì bán rã của C14 là 5730 năm
  • Kết quả: Xác định được tuổi của các lớp đất đá và hoá thạch lên tới 75000 năm.

1.2. Lịch sử phát triển của sinh giới qua các đại địa chất

a. Hiện tượng trôi dạt lục địa

Hiện tượng trôi dạt lục địa

  • Hiện tượng trôi dạt lục địa là hiện tượng các phiến kiến tạo trên lớp vỏ trái đất liên tục di chuyển do lớp dung nham nóng chảy bên dưới chuyển động.
  • Những biến đổi về kiến tạo của vỏ trái đất như quá trình tạo núi, trôi dạt lục địa dẫn đến thay đổi rất mạnh điều kiện khí hậu của trái đất, do vậy có thể dẫn đến những đợt đại tuyệt chủng hàng loạt các loài và sau đó là thời điểm bùng nổ sự phát sinh các loài mới.

b. Sinh vật trong các đại địa chất

  • Dựa vào quá trình biến đổi của trái đất, và các hoá thạch điển hình các nhà địa chất học chia lịch sử phát triển của trái đất thành các giai đoạn chính được gọi là các đại địa chất. Bao gồm: đại Thái cổ, đại Nguyên sinh, đại Cổ sinh, đại Trung sinh, đại Tân sinh. Các đại lại được chia nhỏ thành các kỉ. Ranh giới giữa các đại hoặc các kỉ thường là các giai đoạn có những biến đổi của trái đất làm cho sinh vật bị tuyệt chủng hàng loạt và sau đó là bắt đầu một giai đoạn tiến hoá mới của các sinh vật sống sót. Các sinh vật sống sót tiến hoá và bước vào giai đoạn bùng nổ, phát sinh các loài mới và chiếm lĩnh các ổ sinh thái còn trống.
  • Mỗi đại, mỗi kỉ thường có các đặc điểm về địa chất và khí hậu riêng biệt nên cũng kéo theo sự phát triển của nhóm sinh vật điển hình. Ví dụ: đại Trung sinh còn được gọi là kỷ nguyên của bò sát
  • Các đại địa chất và sinh vật tương ứng

2. Bài tập minh họa

Nhận xét về sự phát triển của sinh giới?

Hướng dẫn giải

  • Lịch sử phát triển của sinh vật gắn liền với lịch sử phát triển của vỏ quả đất. Sự thay đổi điều kiện địa chất, khí hậu đã thúc đẩy sự phát triển của sinh giới.
  • Sự thay đổi điều kiện địa chất, khí hậu thường dẫn tới sự biến đổi trước hết ở thực vật và qua đó ảnh hưởng tới động vật và có tính dây chuyền trong quần xã. Sự tác động giữa các sinh vật với nhau lại gây ra những biến đổi tiếp theo. Vì vậy, sự phát triển của sinh giới đã diễn ra nhanh hơn sự thay đổi chậm chạp của điều kiện địa chất, khí hậu.
  • Sinh giới đã phát triển theo hướng ngày càng đa dạng, tổ chức ngày càng cao, thích nghi ngày càng hoàn thiện. Càng về sau nhịp độ tiến hóa diễn ra với tốc độ càng nhanh do sinh vật đã đạt được những trình độ thích nghi hoàn thiện hơn, bớt lệ thuộc vào môi trường. Đặc biệt sự chuyển từ đời sống dưới nước lên cạn đã đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình tiến hóa.

3. Luyện tập 

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hiện tượng trôi dạt lục địa là gì? Hiện tượng này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của sinh giới?

Câu 2: Hoá thạch là gì ? Tóm tắt sự hình thành các hoá thạch.

Câu 3: Nêu ý nghĩa của việc nghiên cứu các hoá thạch?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trong lịch sử phát triển của thế giới sinh vật, ở kỉ nào sau đây dương xỉ phát triển mạnh, thực vật có hạt xuất hiện, lưỡng cư ngự trị, phát sinh bò sát?

A. Kỉ Cacbon

B. Kỉ Pecmi

C. Kỉ Đêvôn

D. Kỉ Triat

Câu 2: Trong lịch sử phát triển sự sống trên Trái Đất, thú và chim xuất hiện đầu tiên ở:

A. kỉ Tam điệp thuộc đại Trung sinh

B. kỉ Phấn trắng thuộc đại Trung sinh

C. kỉ Jura thuộc đại Trung sinh

D. kỉ Thứ ba thuộc đại Tân sinh

Câu 3: Đại Tân sinh là đại phồn thịnh của

A. thực vật hạt kín, sâu bọ, chim và thú

B. thực vật hạt trần, chim và thú

C. thực vật hạt kín, chim và thú

D. thực vật hạt kín và thú

Câu 4: Nhân tố chính chi phối quá trình phát sinh loài người ở giai đoạn vượn người hóa thạch là:

A. sự thay đổi điều kiện địa chất ở kỉ Đệ tam

B. quá trình biến dị, giao phối, CLTN

C. việc chế tạo, sử dụng công cụ lao động có mục đích

D. nhân tố xã hội

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sự phát triển của sinh giới qua các đại địa chất Sinh học 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Phân tích được mối quan hệ giữa điều kiện địa chất, khí hậu và các sinh vật điển hình qua các đại địa chất : đại tiền Cambri, đại Cổ sinh, đại Trung sinh và đại Tân sinh.
  • Hiểu được thế nào là hoá thạch và vai trò của bằng chứng hoá thạch trong nghiên cứu sự tiến hoá của sinh giới.
  • Giải thích được những biến đổi về địa chất luôn gắn chặt với sự phát sinh và phát triển của sinh giới trên Trái đất như thế nào?
  • Trình bày được đặc điểm địa lí, khí hậu của trái đất qua các kỉ địa chất và những đặc điểm của các loài sinh vật điển hình của các kỉ và đại địa chất... 
Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM