Hoá học 8 Bài 31: Tính chất - Ứng dụng của hiđro

Nội dung bải giảng Tính chất - Ứng dụng của hiđro tìm hiểu về tính chất vật lí hiđrô là chất khí, nhẹ nhất trong các chất khí. Giúp học sinh biết và hiểu khí hiđrô tác dụng được với oxi ở dạng đơn chất, phản ứng này toả nhiệt; biết hỗn hợp khí hiđrô và oxi là hỗn hợp nổ; Cách đốt cháy hiđrô trong không khí, biết cách thử hiđrô nguyên chất và qui tắc an toàn khi đốt cháy hiđrô, biết viết phương trình hóa học của hiđrô với oxi.

Hoá học 8 Bài 31: Tính chất - Ứng dụng của hiđro

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tính chất vật lí

H2 là chất khí không màu, không mùi và không vị.

Tan rất ít trong H2O và nhẹ nhất trong các chất khí.

1 lít H2O ở 150C hòa tan được 20 ml khí H2. Vậy H2 là chất tan ít trong nước.

1.2. Tính chất hóa học

a. Tác dụng với oxi

Khí H2 cháy mãnh liệt trong oxi với ngọn lửa xanh mờ. Trên thành lọ xuất hiện những giọt H2O nhỏ. Chứng tỏ có phản ứng hóa học xảy ra.

Phương trình hóa học: 2H2 + O2 → 2H2O

Hỗn hợp khí H2 và O2 là hỗn hợp nổ. Hỗn hợp sẽ gây nổ mạnh nhất khi trộn 2VHvới 1VO2

b. Tác dụng với CuO

Các em chú ý quan sát thao tác tiến hành thí nghiệm cũng như hiện tượng của phản ứng ở đoạn phim sau:

Video 1: Phản ứng giữa bột Đồng (II) hidroxit CuO và khí Hidro H2

Hiện tượng: Đun nóng ống nghiệm đựng bột CuO dưới ngọn lửa đèn cồn, sau đó dẫn khí H2 đi qua, ta thấy xuất hiện chất rắn màu đỏ gạch và có nước đọng trên thành ống nghiệm.

Giải thích: Ở nhiệt độ cao H2 dễ dàng tác dụng với CuO tạo thành kim loại Cu và nước.

Phương trình hóa học: H2   +   CuO (màu đen)  → Cu    +   H2O

Kết luận: Khí H2 có tính khử, ở nhiệt độ thích hợp, H2 không những kết hợp được với đơn chất O2  mà còn có thể kết hợp  với nguyên tố oxi trong 1 số oxit kim loại. Các phản ứng này đều toả nhiều nhiệt.

1.3. Ứng dụng

- Bơm kinh khí cầu

- Sản xuất nhiên liệu.

- Hàn cắt kim loại.

- Sản xuất amoniac, phân đạm....

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Tính chất cơ bản của Hidro

Cho các cụm từ: Tính khử, tính oxi hóa, chiếm oxi, nhường oxi, nhẹ nhất

Chọn cụm từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống cho các câu sau: 

Trong các chất khí, hiđro là khí  …………………………. Khí hiđro có………………………

Trong phản ứng giữa H2 và CuO, H2 có………………………………vì ………………………..của chất khác; CuO có tính………………………..

vì…………………cho chất khác.

Hướng dẫn giải

Trong các chất khí, hiđro là khí nhẹ nhất. Khí hiđro có tính khử.

Trong phản ứng giữa H2 và CuO, H2 có tính khử vì chiếm Oxi của chất khác; CuO có tính oxi hóa vì nhường oxi cho chất khác.

2.2. Dạng 2: Bài tập tính toán

Đốt cháy 2,8 lít H2 (đktc) sinh ra H2O.

a. Tính thể tích (đktc) và khối lượng của oxi cần dùng.

b. Tính khối lượng H2O thu được.

Hướng dẫn giải

a) Số mol khí Hidro là: \({n_{{H_2}}} = \frac{{{V_{{H_2}}}}}{{22,4}} = \frac{{2,8}}{{22,4}} = 0,125(mol)\)

Phương trình hóa học: 

2H2            +    O2 →      2H2O

2 mol               1 mol        2 mol

0,125 mol →      ? mol        ? mol

Số mol Oxi phản ứng là: \({n_{{O_2}}} = \frac{{0,125}}{2} = 0,0625(mol)\)

Thể tích khí Oxi là: \({V_{{O_2}}} = 22,4.n = 22,4.0,0625 = 1,4(lit)\)

Khối lượng khí Oxi cần dùng: \({m_{{O_2}}} = n.M = 0,0625.(16 \times 2) = 2(gam)\)

b) Số mol nước thu được là: 0,125 mol

Khối lượng nước tạo thành là: \({m_{{H_2}O}} = {n_{{H_2}O}}.M = 0,125.(2 + 16) = 2,25(gam)\)

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cho 8g CuO tác dụng với H2 ở nhiệt độ cao. Sau phản ứng thấy có m (g) chất rắn. Tính m, chất rắn đó là chất nào?

Câu 2: Người ta điều chế được 24 g đồng bằng cách dùng hiđro để khử đồng (II) oxit. Khối lượng đồng (II) oxit bị khử là?

Câu 3: Cho 13 g kẽm tác dụng với 0,3 mol axit HCl thì thu được khối lượng ZnCl2 là?

Câu 4: Để khử hoàn toàn 68 g hỗn hợp oxit kim loại gồm CuO và Fe2O3 thì phải dùng 25,76 lít H2 (đktc). Tính thành phần % về khối lượng của mỗi oxit trong hỗn hợp?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Tính chất nào sau đây không có ở Hidro

A. Nặng hơn không khí

B. Nhẹ nhất trong các chất khí

C. Không màu

D. Tan rất ít trong nước

Câu 2: Ứng dụng của Hidro

A. Oxi hóa kim loại

B. Làm nguyên liệu sản xuất NH3, HCl, chất hữu cơ

C. Tạo hiệu ứng nhà kinh

D. Tạo mưa axit

Câu 3: Khí nhẹ nhất trong các khí sau:

A. H2

B. H2O

C. O2

D. CO2

Câu 4: Công thức hóa học của hidro:

A. H2O

B. H

C. H2

D. H3

Câu 5: Trong những oxit sau: CuO, MgO, Fe2O3, CaO, Na2O. oxit nào không bị Hidro khử:

A. CuO, MgO

B. Fe2O3, Na2O

C. Fe2O3, CaO

D. CaO, Na2O, MgO

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Khí hiđrô tác dụng được với oxi ở dạng đơn chất, phản ứng này toả nhiệt; biết hỗn hợp khí hiđrô và oxi là hỗn hợp nổ
  • Cách đốt cháy hiđrô trong không khí, biết cách thử hiđrô nguyên chất và qui tắc an toàn khi đốt cháy hiđrô, biết viết phương trình hóa học của hiđrô với oxi.
Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM