Sinh học 11 Bài 31: Tập tính của động vật
Qua nội dung bài Tập tình động vật học sinh được tìm hiểu nội dung kiến thức về tập tính: Khái niệm tập tính, phân loại tập tính, cơ sở thần kinh của tập tính, từ đó có thể xác định, phân loại được các loại tập tính của các loài động vật.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Tập tính là gì?
Tập tính là một chuỗi những phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường (bên trong hoặc bên ngoài cơ thể), nhờ đó động vật thích nghi với môi trường sống và tồn tại
1.2. Phân loại tập tính
a. Tập tính bẩm sinh
- Là loại tập tính sinh ra đã có, được di truyền từ bố mẹ và đặc trưng cho loài
- Ví dụ: ve sầu kêu vào mùa hè, ếch đực kêu vào mùa sinh sản, nhện giăng lưới
b. Tập tính học được
- Là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua học tập và rút kinh nghiệm
- Ví dụ: chuột nghe tiếng mèo thì bỏ chạy, người đi đường thấy đèn đỏ thì dừng lại
- Có một số tập tính vừa là học được vừa có nguồn gốc bẩm sinh.
- Ví dụ: khả năng bắt chuột của mèo vừa là bẩm sinh vừa là học được.
1.3. Cơ sở thần kinh của tập tính
- Cơ sở thần kinh của tập tính là các phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện.
Kích thích ngoài hoặc trong → Cơ quan thụ cảm → Hệ thần kinh → Cơ quan thực → Hành động
- Tập tính bẩm sinh là chuỗi phản xạ không điều kiện mà trình tự của chúng trong hệ thần kinh đã được gen qui định sẵn từ khi sinh ra. Tập tính bẩm sinh thường bền vững và không thay đổi
- Tập tính học được là chuỗi phản xạ có điều kiện. Quá trình hình thành tập tính là sự hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron. Tập tính học được có thể thay đổi.
- Sự hình thành tập tính học được ở động vật phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của hệ thần kinh và tuổi thọ.
- Tập tính sinh sản, ngủ đông là kết quả phối hợp hoạt động của hệ thần kinh và hệ nội tiết.
2. Bài tập minh họa
Nêu rõ nguyên nhân dẫn tới tập tính di cư của một số loài chim.
Hướng dẫn giải:
Nguyên nhân chính của hiện tượng này do: mùa đông ở phương bắc giá lạnh, thiếu thức ăn, chim không sống nổi nên phải di cư.
Bài 2: Hãy nêu một số tập tính liên quan đến sinh sản ở động vật.
Hướng dẫn giải:
Tập tính liên quan đến sinh sản ở động vật.
- Tập tính quyến rũ con cái bằng màu sắc lông rực rỡ của công đực.
- Tập tính bảo vệ con non của chim đại bàng.
- Tập tính bảo vệ và ấp trứng ở chim cánh cụt đực.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Tìm và phân tích một số ví dụ về tập tính sinh sản của động vật?
Câu 2: Tập tính bảo vệ lãnh thổ có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống động vật?
Câu 3: Tại sao chim và cá di cư ? Khi di cư, chúng định hướng bằng cách nào?
Câu 4: Tại sao người và động vật có vú lại có thể hình thành nên rất nhiều tập tính học được?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Hiện tượng xếp chồng các hộp để đứng lên cao với thức ăn của tinh tinh phản ánh hình thức học tập nào ?
A. In vết
B. Điều kiện hoá
C. Học khôn
D. Học ngầm
Câu 2: Tập tính nào dưới đây không bắt gặp ở mọi loài thú ?
A. Tất cả các phương án còn lại
B. Tập tính kiếm ăn
C. Tập tính sinh sản
D. Tập tính xã hội
Câu 3: Tập tính bẩm sinh có đặc điểm nào dưới đây ?
A. Tất cả các phương án còn lại
B. Sinh ra đã có
C. Đặc trưng cho loài
D. Bền vững theo thời gian
Câu 4: Loài chim nào dưới đây có tập tính đẻ trứng vào tổ của các loài chim khác và nhờ ấp hộ ?
A. Chim ưng
B. Chim tu hú
C. Chim cánh cụt
D. Chim bồ câu
Câu 5: In vết là hình thức học tập dễ nhận thấy nhất ở nhóm động vật nào ?
A. Bò sát
B. Lưỡng cư
C. Chim
D. Cá
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Tập tính của động vật Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được các nội dung sau:
- Nêu được định nghĩa tập tính.
- Phân biệt được tập tính bẩm sinh với tập tính học được.
- Nêu được cơ sở thần kinh của tập tính.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 11 Bài 23: Hướng động
- doc Sinh học 11 Bài 24: Ứng động
- doc Sinh học 11 Bài 25: Thực hành: Hướng động
- doc Sinh học 11 Bài 26: Cảm ứng ở động vật
- doc Sinh học 11 Bài 27: Cảm ứng ở động vật (tiếp theo)
- doc Sinh học 11 Bài 28: Điện thế nghỉ
- doc Sinh học 11 Bài 29: Điện thế hoạt động và sự lan truyền xung thần kinh
- doc Sinh học 11 Bài 30: Truyền tin qua Xináp
- doc Sinh học 11 Bài 32: Tập tính của động vật (Tiếp theo)
- doc Sinh học 11 Bài 33: Thực hành: Xem phim về tập tính của động vật