Tiếng Việt lớp 5 bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về chiếc áo dài Việt Nam. Đồng thời, bài học này còn giúp các em biết thêm về những nữ anh hùng đã dũng cảm hi sinh vì đất nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 127 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Gọi đúng tên những trang phục của phụ nữ Việt Nam trong các bức ảnh sau:

Hướng dẫn giải:

- Tranh 1: Bộ quần áo bà ba.

- Tranh 2: Bộ trang phục tứ thân.

- Tranh 3: Áo dài.

1.2. Văn bản "Tà áo dài Việt Nam"

Tà áo dài Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam xưa hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo cánh lồng vào nhau. Tuy nhiên, với phong cách tế nhị, kín đáo, người phụ nữ Việt thường mặc chiếc áo dài thẫm màu bên ngoài, lấp ló bên trong mới là các lớp áo cánh nhiều màu (vàng mỡ gà, vàng chanh, hồng cánh sen, hồng đào, xanh hồ thủy,…)

Từ đầu thế kỉ XIX đến sau năm 1945, ở một số vùng, người ta mặc áo dài kể cả khi lao động nặng nhọc. Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng. Đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.

Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Theo TRẦN NGỌC THÊM

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Tà áo dài Việt Nam" giới thiệu đến bạn đọc trang phục truyền thống mang niềm tự tôn của dân tộc Việt Nam, đó là trang phục áo dài. Đồng thời, văn bản còn nói về lịch sử ra đời của chiếc áo dài. Phụ nữ Việt Nam từ xưa đã ý tứ, dịu dàng, kín đáo khi mặc áo dài bên ngoài những chiếc áo mớ ba mớ bảy. Dần dần, áo dài cách tân thành áo tứ thân, rồi thành áo dài tân thời bây giờ. Chiếc áo dài tôn lên vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam cả về ngoại hình lẫn tâm hồn.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Áo cánh: áo ngắn, cổ đứng hoặc cổ viền thường có hai túi ở hai vạt trước và xẻ ở hai bên sườn.

- Phong cách: kiểu (lối) sống tạo ra nét riêng của một người hoặc một nhóm người.

- Tế nhị: ý nói nhã nhặn, lịch sự.

- Xanh hồ thủy: xanh như màu nước hồ (xanh nhạt).

- Tân thời: Kiểu mới.

- Y phục: quần áo, đồ mặc.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Chiếc áo dài có vai trò thế nào trong trang phục của người phụ nữ Việt Nam xưa?

Hướng dẫn giải:

Chiếc áo dài Việt Nam được xem như một biểu tượng của người Việt Nam, chiếc áo dài rất quan trọng với con người Việt Nam, đây được xem là trang phục của người phụ nữ Việt Nam xưa. Phụ nữ Việt Nam thường mặc chiếc áo dài thẫm màu bên ngoài, lấp ló bên trong là những lớp áo cánh nhiều màu nổi như hồng đào, vàng chanh,… trang phục như vậy làm cho người phụ nữ Việt Nam kín đáo, tế nhị nhiều hơn.

Câu 2: Chiếc áo dài tân thời có gì khác so với chiếc áo dài cô truyền?

Hướng dẫn giải:

Câu 3: Vì sao áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của người Việt Nam?

Hướng dẫn giải:

Áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam: Bởi vì trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Câu 4: Em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài?

Hướng dẫn giải:

Cảm nhận về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài:

- Người phụ nữ trở nên duyên dáng, thướt tha hơn rất nhiều trong tà áo dài.

- Khi thấy người con gái mặc áo dài là dường như thấy được cả hồn quê hương ở trong đó.

Câu 6: Mỗi em chọn đọc một đoạn văn mà mình thích và giải thích vì sao mình thích đoạn văn đó.

Hướng dẫn giải:

Em thích nhất đoạn văn thứ 2 vì nhờ có sự miêu tả chi tiết và tỉ mỉ về tà áo dài truyền thống mà em có thêm nhiều hơn nữa hiểu biết về chiếc áo dài. Từ đó thêm yêu hơn trang phục dân tộc của người Việt Nam.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Điền vào chỗ trống trong phiếu sau để hoàn chỉnh cách làm bài văn tả con vật:

Ôn tập về tả con vật

a. Bài văn tả con vật gồm ba phần:

- Mở bài: Giới thiệu về …

- Thân bài:

+ Tả đặc điểm hình dáng.

+ Tả thói quen sinh hoạt và …

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em đối với …

b. Trình tự tả con vật: Tả hình dáng xen lẫn tả hoạt động, thói quen sinh hoạt của con vật.

c. Các giác quan được sử dụng khi quan sát: ... , …,

d. Biện pháp tu từ thường được sử dụng khi tả con vật: so sánh,...

Hướng dẫn giải:

Ôn tập về tả con vật

a. Bài văn tả con vật gồm ba phần:

- Mở bài: Giới thiệu về con vật em sẽ tả.

- Thân bài:

+ Tả đặc điểm hình dáng.

+ Tả thói quen sinh hoạt và kỉ niệm với con vật.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em đối với con vật.

b. Trình tự tả con vật: Tả hình dáng xen lẫn tả hoạt động, thói quen sinh hoạt của con vật.

c. Các giác quan được sử dụng khi quan sát: thị giác, thính giác.

d. Biện pháp tu từ thường được sử dụng khi tả con vật: so sánh, nhân hóa.

Câu 2: Đọc bài văn dưới đây và trả lời câu hỏi:

Chim hoạ mi hót

Chiều nào cũng vậy, con chim hoạ mi ấy không biết từ phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ờ vườn nhà tôi mà hót.

Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tường như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.

Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.

Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi.       

a. Bài văn trên gồm mấy đoạn ? Nội dung chính của mỗi đoạn là gì?

b. Tác giả bài văn quan sát chim hoạ mi hót bằng những giác quan nào?

c. Em thích những chi tiết và hình ảnh so sánh nào? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

a. Bài văn gồm 4 đoạn:

- Đoạn 1 (Câu đầu) - (Mở bài tự nhiên): Giới thiệu sự xuất, hiện của chim hoạ mi vào các buổi chiều.

- Đoạn 2 (tiếp theo đến mờ rủ xuống cỏ cây): Tả tiếng hót đặc biệt của hoạ mi vào buổi chiều.

- Đoạn 3 (tiếp theo đến cuộc viễn du trong bóng đêm dày): Tả cách ngủ rất đặc biệt của họa mi trong đêm.

- Đoạn 4 phần còn lại - (Kết bài không mở rộng): Tả cách hót chào nắng sớm rất đặc biệt của họa mi.

b. Tác giả quan sát chim hoạ mi bằng nhiều, giác quan:

- Bằng thị giác (mắt): Nhìn thấy chim hoạ mi bay đến đậu trong bụi tầm xuân - thấy hoạ mi nhắm mắt, thu đầu vào lông cổ ngủ khi đêm đến - thấy hoạ mi kéo dài cổ ra mà hót, xù lông giũ hết những giọt sương, nhanh nhẹn chuyền bụi nọ sang bụi kia, tìm sâu ăn lót dạ rồi vỗ cánh bay đi.

- Bằng thính giác (tai): Nghe tiếng hót của chim hoạ mi vào các buổi chiều (khi êm đềm, khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế, ăm thanh vang mãi trong tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh), nghe tiếng hót vang lừng chào nắng sớm của nó vào các buổi sáng.

c. Em rất thích hình ảnh so sánh trong bài (bài chỉ có mộl hình ảnh so sánh): Tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã như một điệu đàn trong bóng xế, âm thanh vang mãi trong tĩnh mịch... vì hình ảnh so sánh đó gợi tả rất đúng, rất đặc biệt tiếng hót hoạ mi âm vang trong buổi chiều tĩnh mịch.

Câu 3: Viết đoạn văn khoảng 5 câu tả hình dáng (hoặc hoạt động) của một con vật mà em yêu thích.

Hướng dẫn giải:

- Đoạn văn tham khảo số 1:

Tả hình dáng của con mèo

Khi em đi học về đã thấy Mi Mi đợi em trước cửa nhà. Mi Mi là chú mèo nhỏ nhà em nuôi từ bé. Mi Mi có thân hình thon gọn và bộ lông trắng muốt như bông. Cái đầu nhỏ như một quả bóng ten-nít. Đôi tai giống hình tam giác, mỏng hằn lên cả những tia máu. Nhưng em thích nhất chính là đôi mắt và cái mũi của Mi Mi. Mắt tròn long lanh rất đáng yêu. Nhưng khi đêm xuống, đôi mắt ấy lại sáng như đèn pha và trở thành nỗi khiếp sợ của lũ chuột. Mũi của Mi Mi hồng hồng lại ươn ướt dễ thương vô cùng. Em rất yêu Mi Mi, em mong chú ta khoẻ mạnh và ở bên gia đình em mãi.

Sưu tầm

- Đoạn văn tham khảo số 2:

Tả hình dáng của con chó

Chú chó Mi Nô của em rất đẹp. Bộ lông xù của chú trắng như tuyết và thật mềm mại, vuốt lên cứ êm êm là. Cái mõm chú ta thì ngắn ngủn cùng với cái chóp mũi đen mun ươn ướt trông thật ngộ nghĩnh. Hai con mắt thì đen láy, to tròn như hai hột nhãn khiến ta có cảm giác chỉ thấy hai con mắt trên mặt nó mà thôi. Bốn chân chú ngắn cũn cỡn, chạy cứ lăng xăng. Còn cái đuôi của chú thì cong vồng lên như đuôi sóc. Mi Nô đẹp như thế, không thương làm sao được.

Sưu tầm

Câu 4: Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ tài năng.

Hướng dẫn giải:

- Câu chuyện tham khảo số 1:

Hai Bà Trưng

Năm 34 sau Tây Lịch, nhà Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ.

Tô Định là một người tham lam tàn bạo. Dân chúng vô cùng oán hận, Lạc hầu, Lạc tướng cũng căm hờn. Còn Lạc tướng huyện Châu Diên là Thi Sách, mưu tính việc chống quân Tàu. Tô Định hay được bèn giết Thi Sách đi. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc nổi lên đánh Tô Định để báo thù cho chồng, rửa hận cho nước.

Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh, nay thuộc tỉnh Phúc Yên. Khi bà cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa thì các Lạc tướng và dân chúng hưởng ứng rất đông. Chẳng bao lâu, quân Hai Bà Trưng tràn đi khắp nơi, chiếm được 65 thành trì. Tô Định chống cự không lại trốn chạy về Tàu.

Hai Bà lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh (năm 40 sau Tây Lịch). Dân chúng vui mừng độc lập.

Trưng Nữ Vương trị vì được hơn một năm thì nhà Đông Hán sai danh tướng là Mã Viện đem binh sang đánh. Quân của Mã Viện là quân thiện chiến, quân ta thì mới nhóm lên, nhưng nhờ sự dũng cảm, quân ta thắng được mấy trận đầu. Quân giặc phải rút về đóng ở vùng Lãng Bạc (tức gần Hồ Tây ở Hà Nội bấy giờ). Sau đó, Mã Viện được thêm viện binh, dùng mưu lừa quân ta kéo lên mạn thượng du rồi đánh úp. Hai Bà thua trận nên rút quân về giữ Mê Linh.

Mùa thu năm 43, Mã Viện đem binh vây đánh thành Mê Linh. Quân ít, thế cùng. Hai Bà phải bỏ chạy. Mã Viện xua quân đuổi theo. Hai Bà nhảy xuống sông Hát (chỗ sông Đáy đổ ra sông Hồng Hà) trẫm mình để khỏi sa vào tay giặc.

Hai Bà Trưng làm vua không được bao lâu nhưng là hai vị anh thư cứu quốc đầu tiên của nước ta nên được hậu thế sùng bái đời đời.

Hiện nay, ở làng Hát Môn, thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây và làng Đồng Nhân, gần Hà Nội, có đền thờ Hai Bà, hàng năm, đến ngày mồng sáu tháng hai âm lịch là ngày hội để nhớ ơn hai vị nữ tướng.

Sưu tầm

- Câu chuyện tham khảo số 2:

Võ Thị Thắm

Trong những năm tháng chiến tranh, học sinh, sinh viên cũng là một lực lượng vô cùng đông đảo, nhiệt tình tham gia đấu tranh để giành lại độc lập cho tổ quốc. Trong đó, không thể không nhắc đến sinh viên Võ Thị Thắm.

Chị sinh ra và lớn lên từ tỉnh - Long An, vùng đất nổi tiếng trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc. Từ nhỏ, chị đã nhiệt tình tham gia vào các hoạt động cứu nước. Năm 9 tuổi chị đã đi đưa thư liên lạc, mang cơm cho các chiến sĩ cách mạng đang được bố mẹ mình che chở, nuôi giấu trong hầm bí mật. Năm 16 tuổi chị là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức – Long An. Đến khi 17 tuổi chị được điều về Sài Gòn hoạt động bí mật trong Phong trào Thanh niên – Sinh viên – Học sinh rồi đến Phong trào Công nhân, lực lượng vũ trang trong lòng đô thị.

Trong chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968, trong khi thực hiện nhiệm vụ thì chị không may bị giặc bắt. Chị bị giam giữ ròng rã suốt sáu năm, bị tra tấn, đày đọa dã man. Nhưng tinh thần yêu nước của chị vẫn không hề khuất phục. Mãi đến khi Hiệp định Paris được kí kết, thì chị và các đồng chí khác mới được thả về.

Sau này, khi hòa bình lập lại, chị lại tiếp tục tham gia xây dựng, đóng góp cho đất nước. Chị được phân công công tác ở Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được giao nhiệm vụ giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Một thời gian sau, chị được được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và khóa IX. Đóng vai trò là Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và XI, nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba đến khi nghỉ hưu.

Chị Nguyễn Thị Chiên là một nữ anh hùng thực sự cả ở thời chiến và thời bình. Nhũng đóng góp của chị là vô cùng to lớn đối với dân tộc.

Sưu tầm

Câu 5: Trao đổi với các bạn về ý nghĩa câu chuyện.

Hướng dẫn giải:

Phụ nữ Việt Nam vô cùng tải giỏi, họ sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, tin thần bất khuất quyết không hàng phục trước kẻ thù.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Kể cho người thân nghe câu chuyện về một phụ nữ tài năng.

Hướng dẫn giải:

- Câu chuyện tham khảo số 1:

Nguyễn Thị Chiên

Nước Việt Nam ta là một đất nước của rất nhiều những anh hùng, trong đó, những nữ anh hùng cũng rất nhiều và xuất sắc. Trong đó, người mà em ấn tượng nhất là bà Nguyễn Thị Chiên.

Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong phong trào du kích ở vùng tạm chiếm, những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp bà vừa là người phụ nữ duy nhất được giữ chức vụ bí thư, vừa là chỉ huy một trung đội du kích ở xã. Năm 1950, bà giật mìn tiêu diệt một tiểu đội địch đi tuần tra trên đường 39. Sau này, trong một lần hoạt động, bà không may bị giặc bắt được. Chúng đã tra tấn bà dã man, đến chết đi sống lại nhiều lần, nhưng bà vẫn nhất quyết không chịu khai. Thế là cuối cùng giặc buộc phải thả bà ra. Sau khi được thả, bà trở về quê. Tại đây, bà lại được chi bộ bố trí nhiệm vụ trong đội du kích. Ngoài việc luyện tập canh gác chống giặc quấy rối và tấn công địch, bà còn lãnh đạo chị em khai hoang, cấy lúa, chăn nuôi gà để có lượng thực và bàn lấy tiền mua sắm vũ khí.

Năm 1951, bằng tay không, bà đã dùng mưu bắt một tiểu đội địch ngay giữa chợ, thu được bảy khẩu súng. Sau đó bà lại dùng mưu bắt tên sĩ quan Pháp chỉ huy trong một trận càn quét của chúng ở xã. Năm 1952, trong Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, bà được Hồ Chủ Tịch tặng một khẩu súng ngắn, được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huân chương Quân công hạng Ba và chị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

Bà Nguyễn Thị Chiên là một vị nữ anh hùng kính trọng. Khiến cho em và rất nhiều người ngưỡng mộ. Em sẽ noi gương bà, học tập, rèn luyện hết sức mình để cống hiến cho tổ quốc.

Sưu tầm

- Câu chuyện tham khảo số 2:

Võ Thị Sáu

Võ Thị Sáu - một người con gái sinh ra ở vùng Đất Đỏ thuộc vùng Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của nước Việt Nam ta ngày nay. Chị sinh năm 1933, là người con gái vô cùng thông minh, mưu trí, có tinh thần yêu nước và dũng cảm. Dù tuổi đời còn rất nhỏ nhưng chị đã tham gia làm liên lạc viên cho đoàn quân cách mạng của chúng ta và lập được rất nhiều chiến công hiển hách đáng khen thưởng.

Năm 1948, chị được cấp trên giao cho nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó chính là phải đánh phá một buổi lễ mít tinh nhằm kỷ niệm ngày chào mừng Quốc khánh của thực dân Pháp để gây nhiễu loạn và phá hoại âm mưu của kẻ thù. Tại buổi lễ mít tinh đó chị Võ Thị Sáu đã tung lựu đạn vào khán đài có tỉnh trưởng Lê Thành Trường - một lãnh đạo cấp cao của bè lũ tay sai cho thực dân Pháp để giải tán đám đông. Chính chiến công này đã giúp cho chị Võ Thị Sáu của chúng ta lập thêm nhiều chiến công khác oanh liệt hơn.

Sau đó, chị Võ Thị Sáu được cơ quan trung ương Đảng giao cho nhiệm vụ tiêu diệt kẻ gian tế, nên tháng 2 năm 1950 trong khi đi làm nhiệm vụ chị đã bị kẻ thù bắt giữ. Bọn giặc ngoại xâm đã tra tấn chị Võ Thị Sáu của chúng ta vô cùng dã man, bắt chị khai ra những đồng đội của mình. Nhưng chị anh dũng kiên quyết không khai chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn bạo như dùng dùi điện cho điện giật vào người chị, hay dùng dùi nung lửa nóng khoan lên người chị… Nhưng mọi hình thức tra tấn dã man thời trung cổ đó càng làm chị thêm căm hận kẻ thù chị kiên quyết không hé răng nửa lời.

Cuối cùng không làm được gì chị Võ Thị Sáu chúng buộc lòng đày chị ra Côn Đảo là nơi chuyên giam giữ và đày đọa những người tù chính trị của nước ta, là nấm mồ chôn thân của rất nhiều người anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam ta.

Tới ngày 23/1/1952, chị Võ Thị Sáu anh hùng của chúng ta bị mang ra pháp trường xử tử khi tuổi đời chỉ tròn mười chín tuổi. Cho tới sau này khi đất nước chúng ta hoàn toàn sạch bóng kẻ thù năm 1993 chị Võ Thị Sáu được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, là một trong những chiến sĩ vô cùng trẻ tuổi của ta được vinh danh thiên cổ.

Tấm gương của chị Võ Thị Sáu làm cho chúng em vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng vì những gì chị đã hy sinh cho quê hương, tổ quốc để chúng em hôm nay được hưởng cuộc sống thái bình.

Sưu tầm

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Tà áo dài Việt Nam".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Biết cách kể câu chuyện về những nữ anh hùng của dân tộc.

Ngày:25/11/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM