Toán 11 Chương 4 Bài 3: Hàm số liên tục

Nội dung bài học sẽ tiếp tục giới thiệu đến các em khái niệm mới trong chương giới hạn đó là Hàm số liên tục và các dạng toán liên quan. Cùng với những ví dụ minh họa có hướng dẫn giải chi tiết, các em sẽ dễ dàng nắm vững được nội dung bài học.

Toán 11 Chương 4 Bài 3: Hàm số liên tục

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hàm số liên tục

Định nghĩa. Cho hàm số \(y = f(x)\)  xác định trên khoảng \(K\) và \(x_0∈ K\) . Hàm số \(y = f(x)\) đươc gọi là liên tục tại \(x_0\) nếu \(\underset{x\rightarrow x_{0}}{lim} f(x) = f(x_0)\).

  • Hàm số \(y = f(x)\) không liên tục tại \(x_0\) được gọi là gián đoạn tại điểm đó.
  • Hàm số \(y = f(x)\) liên tục trên khoảng nếu nó liên tục tại mọi điểm thuộc khoảng đó.
  • Hàm số \(y = f(x)\) liên tục trên đoạn \([a; b]\) nếu nó liên tục trên khoảng \((a; b)\) và \(\underset{x\rightarrow a^{+}}{lim} f(x) = f(a)\); \(\underset{x\rightarrow b^{-}}{lim} f(x)= f(b)\).

Đồ thị của hàm số liên tục trên một khoảng là một "đường liền" trên khoảng đó.

1.2. Các định lí

Định lí 1

  • Hàm số đa thức liên tục trên toàn bộ tập số thực \(\mathbb R\).
  • Hàm số phân thức hữu tỉ (thương của hai đa thức) và các hàm số lượng giác liên tục trên từng khoảng của tập xác định của chúng.

Định lí 2

Giả sử \(y = f(x)\) và \(y = g(x)\) là hai hàm số liên tục tại điểm \(x_0\). Khi đó:

Các hàm số \(y = f(x) + g(x), y = f(x) - g(x)\) và \(y = f(x). g(x)\) liên tục tại \(x_)\);

Hàm số \(y = \frac{f(x)}{g(x)}\) liên tục tại \(x_0\) nếu \(g(x_0) ≠ 0\).

Định lí 3

Nếu hàm số \(y = f(x)\) liên tục trên đoạn \([a; b]\) và \(f(a).f(b) <0\), thì tồn tại ít nhất một điểm \(c ∈ (a; b)\) sao cho \(f(c) = 0\).

Định lí 3 thường được áp dụng để chứng minh sự tồ tại nghiệm của phương trình trên một khoảng và nó còn được phát triển dưới dạng khác như sau:

Cho hàm số \(y = f(x)\) liên tục trên đoạn \([a; b]\) và \(f(a).f(b) < 0\). Khi đó phương trình \(f(x) = 0\) có ít nhất một nghiệm trong khoảng \((a; b)\).

2. Bài tập minh họa

2.1. Bài tập 1

Dùng định nghĩa xét tính liên tục của hàm số \(f(x) = x^3+ 2x - 1\) tại \(x_0= 3\).

Hướng dẫn giải

Hàm số \(f(x) = x^3+ 2x - 1\) xác định trên \(\mathbb R\) và \(x_0= 3 ∈ \mathbb R\).

Ta có: \(\left\{ \begin{array}{l}\mathop {\lim }\limits_{x \to 3} f\left( x \right) = {3^3} + 2.3 - 1 = 32\\f\left( 3 \right) = {3^3} + 2.3 - 1 = 32\end{array} \right. \) \(\Rightarrow \mathop {\lim }\limits_{x \to 3} f\left( x \right) = f\left( 3 \right)\).

Vậy hàm số đã cho liên tục tại điểm \(x_0= 3\).

2.2. Bài tập 2

Xét tính liên tục của hàm số \(y = g(x)\) tại \(x_0= 2\), biết 

\(g(x) = \left\{\begin{matrix} \dfrac{x^{3}-8}{x- 2}; &x\neq 2 \\ 5;& x=2 \end{matrix}\right.\)

Hướng dẫn giải

Ta có:

\(\begin{array}{l}
\mathop {\lim }\limits_{x \to 2} g\left( x \right) = \mathop {\lim }\limits_{x \to 2} \dfrac{{{x^3} - 8}}{{x - 2}}\\= \mathop {\lim }\limits_{x \to 2} \dfrac{{(x-2)(x^2+2x+4)}}{{x - 2}}\\ = \mathop {\lim }\limits_{x \to 2} \left( {{x^2} + 2x + 4} \right)\\
= {2^2} + 2.2. + 4 = 12\\
g\left( 2 \right) = 5\\
\Rightarrow \mathop {\lim }\limits_{x \to 2} g\left( x \right) \ne g\left( 2 \right)
\end{array}\)

Vì \(\underset{x\rightarrow 2}{\lim} g(x) ≠ g(2)\) nên hàm số \(y = g(x)\) gián đoạn tại \(x_0= 2\).

2.3. Bài tập 3

Xét tính liên tục của hàm số sau tại điểm chỉ ra.

a) \(f(x) = \left\{ \begin{array}{l}{x^2} + 1{\rm{   khi  }}x \ne 1\\{\rm{2         khi  }}x = 1\end{array} \right.\) tại điểm \({x_0} = 1\)                   

b) \(f(x) = \left\{ \begin{array}{l}\frac{{\left| {{x^2} - x - 2} \right|}}{{x + 1}}{\rm{  khi }}x \ne  - 1\\1{\rm{               khi  }}x =  - 1{\rm{ }}\end{array} \right.\)

Hướng dẫn giải

a) Ta có \(f(1) = 2\)và \(\mathop {\lim }\limits_{x \to 1} f(x) = \mathop {\lim }\limits_{x \to 1} ({x^2} + 1) = 2 = f(1)\)

Vậy hàm số liên tục tại điểm \(x = 1\).

b) Ta có \(f( - 1) = 1\)

\(\mathop {\lim }\limits_{x \to  - {1^ + }} f(x) = \mathop {\lim }\limits_{x \to  - {1^ + }} \frac{{\left| {(x + 1)(x - 2)} \right|}}{{x + 1}} = \mathop {\lim }\limits_{x \to  - {1^ + }} (2 - x) = 3\)

\(\mathop {\lim }\limits_{x \to  - {1^ - }} f(x) = \mathop {\lim }\limits_{x \to  - {1^ - }} \frac{{\left| {(x + 1)(x - 2)} \right|}}{{x + 1}} = \mathop {\lim }\limits_{x \to  - {1^ - }} (x - 2) =  - 3 \ne \mathop {\lim }\limits_{x \to  - {1^ + }} f(x)\)

Suy ra không tồn tại giới hạn của hàm số \(y = f(x)\) khi \(x \to  - 1\).

Vậy hàm số gián đoạn tại \(x =  - 1\).

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Chứng minh rằng nếu một hàm số liên tục trên (a; b] và trên [b; c) thì nó liên tục trên (a; c)

Câu 2: Cho hàm số \(y = f\left( x \right)\) xác định trên khoảng (a; b) chứa điểm x0

Chứng minh rằng nếu \(\mathop {\lim }\limits_{x \to {x_0}} {{f\left( x \right) - f\left( {{x_0}} \right)} \over {x - {x_0}}} = L\) thì hàm số \(f\left( x \right)\) liên tục tại điểm x0

Hướng dẫn: Đặt \(g\left( x \right) = {{f\left( x \right) - f\left( {{x_0}} \right)} \over {x - {x_0}}} - L\) và biểu diễn \(f\left( x \right)\) qua \(g\left( x \right)\)

Câu 3: Xét tính liên tục của các hàm số sau:

a) \(f\left( x \right) = \sqrt {x + 5}\) tại \(x = 4 \)

b) \(g\left( x \right) = \left\{ \matrix{
{{x - 1} \over {\sqrt {2 - x} - 1}},\,\,{\rm{ nếu }}\,\,x < 1 \hfill \cr 
- 2x{\rm{ ,\,\, nếu }}\,\,x \ge 1 \hfill \cr} \right.\) tại \(x = 1\)

Câu 4: Xét tính liên tục của các hàm số sau trên tập xác định của chúng:

a) \(f\left( x \right) = \left\{ \matrix{
{{{x^2} - 2} \over {x - \sqrt 2 }},\,{\rm{ nếu }}\,\,x \ne \sqrt 2 \hfill \cr 
2\sqrt 2 {\rm{ , \,\,nếu }}\,\,x = \sqrt 2 \hfill \cr} \right.\)

b) \(g\left( x \right) = \left\{ \matrix{
{{1 - x} \over {{{\left( {x - 2} \right)}^2}}},\,\,{\rm{ nếu }}\,\,x \ne 2 \hfill \cr 
3{\rm{ ,\,\, nếu }}\,\,x = 2 \hfill \cr} \right.\)

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Cho hàm số \(\begin{cases}\frac{x^{2}}{x} & \text{ với } x<1,x\neq 0 \\ 0 & \text{ với } x=0 \\ \sqrt{x} & \text{ với } x\geq 1 \end{cases}\). hàm số \(f(x)\) liên tục tại:

A. Mọi điểm thuộc \(\mathbb{R}\)

B. Mọi điểm trừ \(x=0\)

C. Mọi điểm trừ \(x=1\)

D. Mọi điểm trừ \(x=0\) và \(x=1\)

Câu 2: Cho hàm số \(f(x)=x^{3}-3x-1\). Số nghiệm của phương trình \(f(x)=0\) trên \(\mathbb{R}\) là:

A. 0

B. 1

C. 2

D. 3

Câu 3: Cho hàm số \(f(x)\) liên tục trên đoạn \([-1;4]\) sao cho \(f(-1)=2,f(4)=7\). Có thể nói gì về số nghiệm của phương trình \(f(x)=5\) trên đoạn \([-1;4]\):

A. Vô nghiệm 

B. Có ít nhất một nghiệm 

C. Có đúng một nghiệm 

D. Có đúng hai nghiệm 

Câu 4: Cho \(f(x)=\frac{x}{\sqrt{x+1}-1}\) với \(x\neq 0\)

Phải bổ sung thêm giá trị $f(0)$ bằng bao nhiêu thì hàm số \(f(x)\) liên tục trên \(\mathbb{R}\)?

A. 0

B. 1

C. \(\sqrt{2}\)

D. 2

Câu 5: Cho hàm số \(f(x)=\begin{cases}\sqrt{6-2x}+1 & \text{ với } x\leq 3 \\ ax & \text{ với } x> 3 \end{cases}\)

Với giá trị nào của \(a\) thì hàm số \(f(x)\) liên tục tại \(x=3\)?

A. \(a=3\)

B. \(a=\frac{1}{3}\)

C. \(a=\frac{-1}{3}\)

D. \(a=-2\)

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Hàm số liên tục Toán 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Qua bài học này, các em nắm được một số nội dung chính như sau:

  • Biết được định nghĩa hàm số liên tục tại một điểm, trên một khoảng
  • Biết ứng dụng các định lí nói trên xét tính liên tục của một hàm số đơn giản.
  • Biết chứng minh một phương trình có nghiệm dựa vào định lí giá trị trung gian
Ngày:15/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM