Tiếng Việt lớp 5 bài 27B: Đất nước mùa thu
Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được niềm vui sướng, tự hào của tác giả khi đất nước giành được hòa bình sau nhiều năm chiến tranh. Từ đó, các em có thái độ tự hào và yêu hơn đất nước của mình. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
Mục lục nội dung
1. Hoạt động cơ bản
1.1. Giải câu 1 trang 98 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi: Quan sát tranh và trả lời câu hỏi:
a. Tranh vẽ những gì?
b. Những cảnh trong tranh thuộc vùng miền nào của đất nước?
Hướng dẫn giải:
a. Tranh vẽ làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, sông, biển, đồi núi, những toà nhà cao tầng, cây cối,…
b. Những cảnh trong tranh thuộc miền đồng bằng, miền núi, thuộc vùng nông thôn, vùng thành phố, thuộc vùng trời, vùng biển,… của đất nước ta.
1.2. Văn bản "Đất nước"
ĐẤT NƯỚC
(Trích)
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
NGUYỄN ĐÌNH THI
1.3. Nội dung chính của văn bản
Văn bản "Đất nước" mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc của tác giả về ngày đất nước được hòa bình, không còn chiến tranh, tác giả đã thể hiện niềm vui sướng, tự hào khi đất nước giành được hòa bình sau nhiều năm chiến tranh. Khi xưa, trời thu buồn man mạc. Nay sạch bóng quân thù, trời mùa thu cũng như trong xanh hơn.
1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài
- Đất nước: là bài thơ được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện cảm xúc của tác giả giữa mùa thu thắng lợi trên chiến khu Việt Bắc.
- Hơi may: gió heo may.
- Chưa bao giờ khuất: chưa bao giờ chịu khuất phục; cũng có thể hiểu là bất tử.
1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi
Câu 1: Những ngày thu đẹp và buồn được tả trong khổ thơ nào?
Hướng dẫn giải:
Những ngày thu đẹp và buồn được tả trong khổ thơ 1 và 2:
- Những ngày thu đẹp: "Sáng mát trong, gió thổi mùa thu hương cốm mới" (khổ 1).
- Những ngày thu buồn: "Sớm chớm lạnh, những phố dài xao xác hơi may, thềm nắng, lá rơi đầy, người ra đi đầu không ngoảnh lại" (khổ 2).
Câu 2: Nêu một hình ảnh đẹp và vui về mùa thu mới trong khổ thơ thứ ba?
Hướng dẫn giải:
- Tác giả đã miêu tả cảnh đất nước thành một bức tranh vô cùng sinh động hay nói cách khác, đó chính là bức tranh hòa bình. Cảnh đất nước trong mùa thu mới được miêu tả vừa đẹp, vừa vui. Niềm vui từ trong mỗi con người trong mùa thu thắng lợi đã lan tỏa và bao trùm lên cả cảnh vật xung quanh: Gió thổi rừng tre phấp phới. Trời thu thay áo mới. Trong biếc nói cười thiết tha.
- Để khắc họa thành công niềm vui khi đất nước độc lập, hòa bình thì tác giả đã sử dụng đa dạng và linh hoạt nhiều biện pháp nghệ thuật, cụ thể biện pháp nghệ thuật đã được tác giả sử dụng trong khổ thơ thứ 3 là nhân hóa, tác giả sử dụng những từ ngữ vốn chỉ được dùng để chỉ hành động của con người để gán cho những sự vật xung quanh. Từ đó bộc lộ được niềm vui của mình trong mùa thu độc lập của đất nước,niềm vui ấy dường như đã vượt qua giới hạn của bản thân mình mà lan tỏa, bao trùm lên cả những sự vật xung quanh.
Câu 3: Nêu một, hai từ ngữ, hình ảnh / câu thơ nói lên lòng tự hào về đất nước tự do, về truyền thống bất khuất của dân tộc trong khổ thơ thứ tư và thứ năm.
Hướng dẫn giải:
- Lòng tự hào về đất nước tự do:
+ Thể hiện qua những từ ngữ được lặp đi lặp lại với nhau: "Trời xanh đây, núi rừng đây, của chúng ta". Các từ ngữ đây, của chúng ta được lặp đi lặp lại có tác dụng nhấn mạnh niềm tự hào, niềm hạnh phúc về đất nước giờ đây đã được hưởng niềm tự do, hạnh phúc trọn vẹn.
+ Những hình ảnh được liệt kê: "những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa" như một cách thêm phần khẳng định chúng ta đã hoàn toàn được hưởng tự do và độc lập, mỗi một tấc đất, mỗi một cảnh vật đều là của chúng ta, những gì tươi đẹp nhất trên đất nước này đều là của dân tộc ta, đất nước ta.
- Lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc:
+ Nước những người chưa bao giờ khuất: Nước của những người chưa bao giờ chịu khuất phục hoặc cũng có thể hiểu là những con người bất tử. hình ảnh này là để nhắc đến những con người dũng cảm, dám đứng lên kiên cường đấu tranh để đem lại cho chúng ta tự do, bình yên như ngày hôm nay. Những người ấy dù còn sống hay là đã hi sinh thì hình ảnh của họ mãi là bất tử, họ còn sống mãi cùng với non sông đất nước, sống trong lòng mỗi con người Việt Nam.
+ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về: Là lời của ông cha dường như vẫn còn luôn vang vọng vào trong đất trời sông núi ngày hôm nay. Nhắc nhở chúng ta hưởng cuộc sống tươi đẹp này thì phải luôn nhớ ơn, biết ơn những người đi trước, những người đã ngã xuống, những người đã hi sinh, những người đã vất vả khó nhọc để cho chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay.
Câu 4: Chọn đọc một khổ thơ em thích và nói cho bạn biết vì sao em thích khổ thơ đó?
Hướng dẫn giải:
Trong các khổ thơ trong bài em thích nhất là khổ thơ thứ 4:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Vì sau khi đọc khổ thơ này em có cảm giác thêm tự hào, thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn. Mỗi một khoảng trời, một một ngọn núi khu rừng, mỗi một cánh đồng, mỗi một ngảy đường, con sông,.. đều thuộc về đất nước chúng ta. Những điều tươi đẹp ấy có được là do biết bao vị anh hùng đã hi sinh tất cả để giữ lấy. Chúng em là những người trẻ tuổi có trách nhiệm phải gìn giữ những điều thiêng liêng cao quý mà ông cha để lại, đồng thời làm cho đất nước ngày một tươi đẹp hơn nữa.
2. Hoạt động thực hành
Câu 1: Đọc bài văn sau đây và trả lời câu hỏi:
Cây chuối mẹ
Mới ngày nào nó chỉ là cây chuối con mang tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác, đâm thẳng lên trời. Hôm nay, nó đã là cây chuối to, đĩnh đạc, thân bằng cột hiên. Các tàu lá ngả ra mọi phía như những cái quạt lớn, quạt mát cả góc vườn xanh thẫm. Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ. Sát chung quanh nó, dăm cây chuối bé xíu mọc lên từ bao giờ. Cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại. Vài chiếc lá ngắn cũn cỡn, lấp ló hiện ra đánh động cho mọi người biết rằng hoa chuối ngoi lên đến ngọn rồi đấy.
Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non. Nó càng ngày càng to thêm, nặng thêm, khiến cây chuối nghiêng hẳn về một phía.
Khi cây mẹ bận đơm hoa, kết quả thì các cây con cứ lớn nhanh hơn hớn.
Để làm ra buồng, ra nải, cây mẹ phải đưa hoa chúc xuôi sang một phía. Lẽ nào nó đành để mặc cái hoa to bằng cái chày giã cua hoặc buồng quả to bằng cái rọ lợn đè giập một hay hai đứa con đứng sát nách nó.
Không, cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa sang cái khoảng trống không có đứa con nào.
PHẠM ĐÌNH ÂN
a. Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự nào ? Em còn có thể tả cây cối theo trình tự nào nữa?
b. Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào? Em còn có thể quan sát cây cối bằng những giác quan nào nữa?
c. Tìm các hình ảnh so sánh, nhân hoá được tác giả sử dụng để tả cây chuối.
Hướng dẫn giải:
a. Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự của từng thời kì phát triển của cây: cây chuối con ⟶ cây chuối to ⟶ cây chuối mẹ. Ta còn có thể tả cây cối theo trình tự khác là tả từ bao quát đến chi tiết từng bộ phận.
b. Cây chuối được tả theo ấn tượng của thị giác thấy hình dáng của cây, lá, hoa. Cũng còn có thể tả bằng xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác.
c. Các hình ảnh so sánh, nhân hoá:
- Hình ảnh so sánh: Tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác/ Các tàu lá ngả ra... như những cái quạt lớn/ Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non.
- Hình ảnh nhân hoá: Nó đã là cây chuối to đĩnh đạc/ Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ/ cổ cày chuối mẹ mập tròn, rụt lại/ Vài chiếc lá.../ Các cây con cứ lớn nhanh hơn hớn/ Khi cây mẹ bận đơm hoa.../ Lẽ nào nó đành để mặc... để giập một hai đứa con sát nách nó/ Cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa...
Câu 2: Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá hoặc hoa, quả, rễ, thân).
Hướng dẫn giải:
- Đoạn văn tham khảo số 1:
Tả thân cây bàng
Không biết cây bàng đã trồng từ bao giờ, bao nhiêu tuổi, em chỉ biết rằng từ khi em vào lớp một thì đã thấy cây bàng sừng sững trước sân trường. Nhìn từ xa, cây bàng như một cái ô khổng lồ. Tán lá dày, gồm nhiều tầng xanh um. Thân cây thẳng, to bằng hai vòng tay người lớn. Trên thân có những cái ụ to gồ ghề, đó là nơi những chỗ xanh ẩn nấp, chờ ngày vươn lên để nhận nhiệm vụ của mình. Bao bọc lấy thân cành là lớp vỏ sần sùi, bạc phếch, sờ vào nghe nham nhám. Thế nhưng, có ai biết rằng bên trong lớp vỏ xấu xí ấy là dòng nhựa ngọt ngào đang chảy. Nhờ có dòng nhựa mát lành này mà cây xanh tốt, cành lá vươn dài. Nhờ những cành lá này mà chúng em có bóng mát để vui chơi và hít thở không khí trong lành.
Sưu tầm
- Đoạn văn tham khảo số 2:
Tả thân, lá, hoa cây phượng
Thân cây phượng vĩ cao lớn, bề mặt sần sùi, nổi lên nhiều khối u, chúng em thường lại gần ôm lấy thân cây, một vòng tay của chúng em cũng không thể ôm trọn được một vòng cây. Cành lá của cây xanh mướt, xum xuê và tản ra nhiều tán xung quanh. Lá cây nhỏ li ti, xanh mướt, hình ảnh từng chiếc lá phượng nhỏ li ti bay là là trong gió tạo nên khung cảnh mĩ lệ, thật khó quên. Rễ cây to lớn, sần sũi, cắm sâu vào dưới lòng đất để hút chất dinh dưỡng, một phần rễ trồi lên trên mặt đất thành những khối u. Đang độ vào hè nên từng tán cây đã bắt đầu lấp ló sắc đỏ rực rỡ của hoa phương. Hoa phượng cánh mỏng manh, màu sắc đỏ thắm thật sự thu hút chúng em. Cứ vào độ này, lồng xe đạp của chúng em lại đặt vài nhành phượng vào làm kỉ niệm.
Sưu tầm
Câu 3: Kể cho các bạn nghe một kỉ niệm về thầy (cô giáo) của em, qua đó thể hiện lòng biết ơn của em với thầy (cô).
Hướng dẫn giải:
- Bài văn tham khảo số 1:
Trong thời gian đi học, em đã được học rất nhiều thầy cô. Mỗi người ai cũng có những điểm giống và khác nhau trong tính cách và cách dậy học. Thế nhưng với em, em thích nhất là được học với cô giáo Thúy - cô chính là cô giáo chủ nhiệm lớp năm của em. Với cô, em đã có rất nhiều nhưng kỉ niệm đẹp mà cho tới tận bây giờ em vẫn không thể nào mà quên được.
Năm lớp năm, lớp em được nhận cô giáo chủ nhiệm mới. Cô là cô giáo mới về trường, năm đó cô giáo mới có 23 tuổi. Có lẽ cũng bởi vì thế mà ở cô giống như một người chị của chúng em. Cô hiểu chúng em như những người em của mình và luôn ở bên cạnh chúng em để giúp chúng em cố gắng trong học tập. em còn nhớ rất nhiều những kỉ niệm về cô, những kỉ niệm ấy như đi cùng với em suốt cả những chặng đường dài bởi chính cô là người đã dạy cho em những điều hay, những điều mà trước đó em không hề biết. Còn nhớ nhất là kỉ niệm về cô. Khi ấy, em vẫn còn là một học sinh rất nghịch ngợm, lại hay cãi nhau với bạn, không chịu học bài và làm bài mỗi khi tới lớp. Thấy em như vậy, cô giáo đã gọi em và nói chuyện cùng với em.
Lúc đầu em cứ nghĩ rằng có lẽ cô lại mắng mình rồi. Thế nhưng cô lại không hề làm như vậy. Cô hỏi em tại sao em lại không làm bài tập ở nhà một cách rất dịu dàng. Lúc ấy, em không biết phải trả lời như thế nào, chỉ có thể cúi đầu xuống và không dám trả lời cô. Cô bảo rằng cô biết em là một người con ngoan, có thể em không thích học vì em đã bị mất gốc nên cô đã chủ động tới nhà để kèm cặp riêng cho em. Thời gian đầu em không hề muốn học cô, thế nhưng cô đã thay đổi cả những suy nghĩ của em bởi mỗi lần tới nhà, cô chỉ như một người chị đang giúp đỡ em mình học tập thậm chí khi tới cô mang những thứ mà chúng em thích như xoài, ổi hay những hộp ô mai nho nhỏ. Cô bảo rằng đó chính là bí mật của hai cô trò. Sau này nhờ có công lao dạy bảo của cô mà em đã có những tiến bộ vượt bậc trong học tập và thay đổi hẳn thái độ với việc học và làm bài.
Cô Thúy là cô giáo mà em ngưỡng mộ nhất. Tuy giờ đây cô đã chuyên công tác nhưng trong lòng của em thì cô luôn la người thầy mà em biết ơn và kính trọng cho tới suốt cuộc đời.
Sưu tầm
- Bài văn tham khảo số 2:
Trong mỗi đời người, luôn tồn tại những kí ức, có những kí ức vui ta muốn nhớ mãi nhưng cũng có những kí ức buồn ta muốn quên đi. Đối với tôi, kí ức khiến tôi muốn nhớ mãi là thời học trò trong những năm cấp hai của tôi. Mỗi năm học trôi qua, tôi đều có thêm người thầy, người cô để ghi nhớ trong trái tim mình và năm nay cũng vậy. Chỉ trong khoảnh khắc vài tháng, cô giáo dạy văn của tôi đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.
Ắt hẳn các bạn ngồi đây cảm thấy lời của tôi là nghịch lí. Tôi đang học lớp chín thì đáng lí ra tôi phải viết về những thầy cô trong các năm học trước của mình, nhưng tôi lại viết về người cô đang dạy tôi trong năm học này? Có thể đối với những bạn khác, cô chỉ mới đứng lớp trong hai tháng. Nhưng với tôi, cô đã gắn bó hơn sáu tháng rồi.
Cô đã dạy văn tôi trong suốt ba tháng hè. Và đó cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Cô là một người rất tận tụy, giảng giải chu đáo cho học sinh. Khi cô giảng bài, giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô đã thu hút chúng tôi vào bài học. Cô giảng giải, phân tích từng chi tiết nhỏ nhất của bài học, cho học sinh cảm nhận ý nghĩa của từng chi tiết đó rồi phát triển thành những lời văn sâu sắc, đầy ý nghĩa. Nhờ những bài giảng của cô mà chúng tôi thêm yêu nàng Kiều mười lăm năm lưu lạc, thêm yêu Vũ Nương – người con gái tư dung tốt đẹp. Những bài mà trước đây đọc không hiểu, giờ đây chúng tôi thấy nó mới hay, mới sâu sắc làm sao! Người ta thường nói tiết Văn là tiết ru ngủ nhưng điều kì lạ là khi cô giảng chúng tôi càng cảm thấy thú vị hơn, ý nghĩa hơn. Chắc có lẽ chính nhờ vậy mà cô luôn được học sinh chúng tôi yêu mến.
Khi vào năm học, tôi vui sướng biết bao khi được cô làm chủ nhiệm. Trong vai trò chủ nhiệm, cô trông nghiêm túc hơn hồi hè. Khi lớp hạng cao, cô khuyến khích, khen thưởng, mỗi lần lớp hạng thấp, cô nhắc nhở, động viên lớp cố gắng hơn. Mẹ tôi cũng là một giáo viên chủ nhiệm nên tôi có thể hiểu được sự vất vả, nặng nề thế nào khi đảm nhận chủ nhiệm một lớp cuối cấp. Càng hiểu nỗi vất vả của cô bao nhiêu, tôi càng quyết tâm phải giúp lớp lấy được hạng cao bấy nhiêu. Có thể đối với các lớp khác, tiết chủ nhiệm luôn là tiết nặng nề nhất, bởi tiết đó luôn khiến các bạn khác lo sợ vì bị mắng. Nhưng với lớp tôi, giờ chủ nhiệm lại được nghe những câu chuyện hay, ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi yêu những câu chuyện đó vì nó luôn giúp chúng tôi rút ra được những bài học quý giá cho riêng mình. Tôi đã từng đạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi lớp tám. Có lẽ vì vậy mà cô kì vọng vào tôi trong kì thi năm nay. Tôi tự hứa mình phải cố gắng hơn, mình phải đậu để không khiến cô thất vọng. Nhưng tôi đã thất bại. Những tưởng cô sẽ la mắng tôi, trách móc tôi, nhưng không. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cô khuyến khích các bạn trong lớp: “Cho dù các con thi không đậu cũng đừng buồn, vì các con còn nhiều cơ hội khác để bắt lấy.” Nhưng thật sự cô càng khuyến khích thì tôi lại càng thấy lòng ray rứt hơn. Tôi đã tự hỏi với lòng mình tôi đã cố gắng hết sức chưa, tôi đã tập trung vào môn văn chưa? Mặc dù vậy, cô vẫn không hề la rầy, trách cứ tôi một lời nào mà vẫn dịu dàng động viên, an ủi tôi. Chính điều đó sẽ là động lực cho tôi bước tiếp và cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường học vấn của mình.
Lớp chúng tôi có một bạn tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng học rất giỏi. Cả nhóm chúng tôi tổ chức sinh nhật cho bạn đó nhưng trong lớp lại có bạn nói: “Tại sao chỉ có sinh nhật bạn đó là tổ chức còn sinh nhật tụi mình thì không tổ chức?” Nghe thấy câu nói đó, cô đã nói: “Gia cảnh bạn khó khăn, có lẽ mấy năm nay cũng chưa có được một ngày sinh nhật cho mình, tuy ở đây chỉ là một chút gì đó nhỏ thôi nhưng ít nhất cũng khiến bạn cảm thấy vui. ”. Nói đến đây, cô đã khóc. Nhìn giọt nước mắt của cô rơi xuống mà lòng chúng tôi chạnh lại. Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ từ lời nói của cô thôi mà đã khiến chúng tôi hiểu được thế nào là sự sẻ chia, thế nào là ấm áp tình bạn. Giọt nước mắt ấy đã khiến chúng tôi phải nhìn lại mình. Chúng tôi được sống trong hoàn cảnh đầy đủ, may mắn hơn thì tại sao lại không chia sẻ sự may mắn đó cho người bạn của mình để họ cảm thấy lòng ấm áp hơn? Khi nhìn những giọt nước mắt ấy, tôi chợt nhận ra cô không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn là một người đồng cảm với học sinh, luôn cố gắng thấu hiểu học sinh của mình.
Văn của tôi không bóng bẩy, trau chuốt, cũng không đặc sắc như những bài văn mà các bạn đã đọc. Khi tôi viết những dòng cảm nhận này, tôi chẳng nghĩ rằng mình sẽ được giải. Tôi chỉ viết bằng tấm lòng yêu thương, kính trọng cô từ sâu thẳm trong con tim mình. Tôi không nêu tên cô ra vì tôi nghĩ các bạn cũng có thầy giáo, cô giáo dạy văn như tôi và tôi cho rằng cô cũng không thích như vậy.
Sáu tháng, chưa đầy một năm nhưng cô đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Cô như là nguồn cảm hứng cho những bài văn của tôi và nếu mái trường là ngôi nhà thứ hai thì cô chính là người mẹ thứ hai của tôi. Cô ơi, con cảm ơn cô vì những gì cô đã dành cho con, con sẽ cố gắng để thành công và “gặt được nhiều lúa vàng” trong cuộc sống.
Sưu tầm
3. Hoạt động ứng dụng
Câu hỏi: Đọc cho người thân nghe đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã viết ở lớp.
Hướng dẫn giải:
Khi đọc các em cần chú ý:
- Phát âm đúng chuẩn.
- Đọc rõ ràng, rành mạch.
- Ngắt, nghỉ phù hợp.
4. Tổng kết
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Đất nước".
- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.
- Nâng cao kĩ năng Nghe - viết một văn bản.
Tham khảo thêm
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 25A: Cảnh đẹp đất nước
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 25B: Không quên cội nguồn
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 25C: Chúng mình cùng sáng tạo
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 26A: Nhớ ơn thầy cô
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 26B: Hội làng
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 26C: Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 27A: Nét đẹp xưa và nay
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 27C: Liên kết câu bằng từ ngữ nối