Sinh học 6 Bài 26: Sinh sản sinh dưỡng tự nhiên

Ở một số cây có hoa, rễ, thân, lá của nó ngoài chức năng nuôi dưỡng cây còn có thể sinh sản. Vậy những cây mới đó được hình thành như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài học dưới đây!

Sinh học 6 Bài 26: Sinh sản sinh dưỡng tự nhiên

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Sự tạo thành cây mới từ rễ, thân, lá ở một số cây có hoa

  • Cây rau má bò trên mặt đất ẩm: Mỗi mấu thân đều có chồi và rễ. Mỗi mấu thân như vậy sẽ tạo thành một cây mới.
  • Củ gừng để ở nơi ẩm: khi đó củ gừng sẽ nảy chồi và rễ hình thành cây mới.
  • Củ khoai lang để ở nơi ẩm: củ khoai lang hút ẩm, nảy chồi và rễ hình thành cây mới.
  • Lá thuốc bỏng có hình thành các cây con có chồi và rễ quanh rìa lá, một thời gian, các cây con rơi xuống đất ẩm ta được cây mới.

1.2. Sinh sản sinh dưỡng tự nhiên của cây

Một số cây sinh sản sinh dưỡng tự nhiên

  • Từ các thành phần khác nhau của cơ quan sinh dưỡng ở một số cây như: rễ củ, độ ẩm, thân bò, lá, thân rễ có thể phát ttriển thành cây mới, trong điều kiện có độ ẩm.
  • Khả năng tạo thành cây mới từ các cơ quan sinh dưỡng được gọi là sinh sản sinh dưỡng tự nhiên.

2. Bài tập minh họa

Quan sát các H.26.1, H.26.2, H.26.3, H.26.4 trao đổi trong nhóm về các câu hỏi sau:

  • Cây rau má khi bò trên đất ẩm, ở mỗi mấu thân có hiện tượng gì?
  • Mỗi mấu thân như vậy khi tách ra có thể thành những cây mới không? Vì sao?
  • Củ gừng để ở nơi ẩm có thể tạo thành những cây mới không? Vì sao?
  • Củ khoai lang để ở nơi ẩm có thể tạo thành những cây mới không? Vì sao?
  • Lá thuốc bỏng rơi xuống nơi ẩm có thể tạo thành những cây mới không? Vì sao?

Hướng dẫn giải

  • Khi bò trên đất ẩm, mỗi mấu thân có hiện tượng thân cây rau má có chùm lá và ra rễ phụ.
  • Mỗi mấu thân như vậy khi tách ra có thể thành cây mới vì cây rau má sinh sản sinh dưỡng bằng thân, thân có rễ và chồi.
  • Củ gừng để nơi ẩm có thể tạo thành những cây mới vì trên thân gừng có những chồi non, các chồi này mọc nhô lên khỏi mặt đất, và phát triển thành cây mới.
  • Củ khoai lang để nơi đất ẩm có thể phát triển thành cây mới vì khi để nơi ẩm ướt sẽ mọc ra chồi mầm và bén rễ tạo cây mới.
  • Lá thuốc bỏng rơi xuống nơi đất ẩm có hình thành cây mới vì lá thuốc bỏng có thể mọc chồi có rễ ở mép lá, mỗi chồi đó ở nơi đất ẩm có thể hình thành cây mới.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Em hãy kể tên và cho ví dụ về một số hình thức sinh sản sinh dưỡng trong tự nhiên? Hình thức sinh sản sinh dưỡng trong tự nhiên có ý nghĩa gì? 

Câu 2: Em hãy quan sát củ khoai tây và cho biết cây khoai tây sinh sản bằng bộ phận sinh dưỡng nào? 

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Khi đặt một mảnh lá vào đất ẩm trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng phù hợp thì lá của cây nào dưới đây có thể mọc ra những cây non ?

A. Thuốc bỏng

B. Trầu không

C. Bưởi

D. Hồng

Câu 2: Cây nào dưới đây không có khả năng sinh sản sinh dưỡng tự nhiên ?

A. Tre

B. Gừng

C. Cà pháo

D. Sen

Câu 3: Cây nào dưới đây sinh sản sinh dưỡng tự nhiên bằng thân rễ ?

A. Chuối

B. Mồng tơi

C. Xoài

D. Cỏ tranh

Câu 4: Cây khoai lang sinh sản sinh dưỡng tự nhiên bằng gì ?

A. Lá

B. Rễ củ

C. Thân củ

D. Thân rễ

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được khái niệm đơn giản về sinh sản sinh dưỡng tự nhiên
  • Tìm được một số ví dụ về sinh sản sinh dưỡng tự nhiên.
  • Nêu được các biện pháp tiêu diệt cỏ dại có hại cây trồng và giải thích cơ sở khoa học của những biện pháp đó.
Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM