Tiếng Việt lớp 5 bài 24B: Người chiến sĩ tình báo

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về cách liên lạc bí mật của những chú bộ đội thời xưa. Đồng thời, bài học này còn giúp các em có kĩ năng nhận diện và phân tích một số biện pháp nghệ thuật như nhân hóa và so sánh. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 24B: Người chiến sĩ tình báo

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 66 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu 1: Quan sát bức ảnh và lời giới thiệu sau:

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (1928 – 2002) là một chiến sĩ tình báo nổi tiếng hoạt động trong lòng địch trước ngày miền Nam giải phóng.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (1928 - 2002)

Hướng dẫn giải:

Khi quan sát các em cần chú ý:

- Nhận diện xem đó là ai.

- Ghi nhớ những nội dung quan trọng về lời giới thiệu.

1.2. Văn bản "Hộp thư mật"

Hộp thư mật

Hai Long phóng xe về phía Phú Lâm tìm hộp thư mật.

Người đặt hộp thư lần nào cũng tạo cho anh sự bất ngờ. Bao giờ hộp thư cũng được đặt tại một nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất. Nhiều lúc, người liên lạc còn gửi gắm vào đây một chút tình cảm của mình, thường bằng những vật gợi ra hình chữ V mà chỉ anh mới nhận thấy. Đó là tên Tổ quốc Việt Nam, là lời chào chiến thắng. Đôi lúc Hai Long đã đáp lại.

Anh dừng xe trước một cột cây số ven đường, giữa cánh đồng vắng. Tháo chiếc bu-gi ra xem, nhưng đôi mắt anh không nhìn chiếc bu-gi mà chăm chú quan sát mặt đất phía sau một cây số. Nó kia rồi! Một hòn đá hình mũi tên (lại hình chữ V quen thuộc) trỏ vào một hòn đá dẹt chỉ cách anh ba bước chân.

Hai Long tới ngồi cạnh hòn đá, nhìn trước nhìn sau, một tay vẫn cầm chiếc bu-gi, một tay bẩy nhẹ hòn đá. Hộp thư lần này cũng là một chiếc vỏ đựng thuốc đánh răng. Anh nhẹ nhàng cạy đáy hộp thuốc, rút ra một mảnh giấy nhỏ, thay vào đó thư báo cáo của mình, rồi thả hộp thuốc về chỗ cũ.

Công việc thế là xong. Một giờ nữa sẽ có người đến lấy thư. Anh trở lại bên xe, lắp bu-gi vào rồi đạp cần khởi động máy. Tiếng động cơ nổ giòn. Chưa đầy nửa giờ sau, anh đã hòa lẫn vào dòng người giữa phố phường náo nhiệt.

HỮU MAI

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Hộp thư mật" nói với cách liên lạc khéo léo của nhân vật chú Hai Long với những chú bộ đội khác, cụ thể đó là một hộp thư mật, đây là một cách liên lạc giữa các cán bộ, bộ đội của ta thời xưa. Hộp thư được giấu cẩn thận, luôn đánh dấu bằng chữ V, cho thấy lòng yêu nước, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Hai Long: tên thường gọi của Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ.

- Chữ V: chữ cái đầu của tên nước ta, đồng thời là chữ cái mở đầu một từ tiếng Anh có nghĩa là "chiến thắng”.

- Bu-gi: bộ phận phát lửa của động cơ xe.

- Cần khởi động: cần đạp ở xe để nổ máy.

- Động cơ: bộ phận dùng để biến xăng, dầu… thành năng lượng chạy máy.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Những chi tiết nào cho thấy cách nguỵ trang hộp thư mật khéo léo của người liên lạc?

Hướng dẫn giải:

Những chi tiết cho thấy người liên lạc ngụy trang hộp thư mật vô cùng khéo léo:

- "Hộp thư luôn được đặt ở một nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất".

- "Dấu hiện nhận biết hộp thư mật chính là những vật có hình chữ V".

- "Hộp thư mật được đặt ở cột cây số ven đường, giữa cánh đồng vắng, hòn đá hình mũi tên trỏ vào nơi giấu hộp thư mật, báo cáo được đặt trong một chiếc vỏ đựng thuốc đánh răng".

Câu 2: Qua những vật gợi ra hình chữ V, người liên lạc muốn nhắn gửi chú Hai Long điều gì?

Chọn ý đúng để trả lời:

a. Tình cảm yêu mến của mình đối với chú Hai Long.

b. Tình yêu Tổ quốc của mình và lời chào chiến thắng.

c. Địa điểm của hộp thư mật lần sau.

Hướng dẫn giải:

Qua những vật có hình chữ V, người liên lạc muốn nhắn gửi chú Hai Long:

- Gửi gắm tình yêu Tổ quốc của mình.

- Lời chào chiến thắng.

-> Chọn đáp án: b.

Câu 3: Nêu cách lấy thư và gửi báo cáo của chú Hai Long?

Hướng dẫn giải:

Trong văn bản tác giả đã miêu tả rất rõ hành động của chú Hai Long khi thực hiện nhiệm vụ vô cùng khéo léo. Cách lấy thư và nhận báo cáo của Hai Long vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ, bình tĩnh, mưu trí, cảnh giác, nhanh và chính xác. Chú dừng xe trước cột cây số ven đường, giữa cánh đồng vắng, tháo chiếc bu-gi ra xem, vờ như là xe bị hỏng cần phải ngồi xuống sửa chữa. Nhưng thực chất là để có thời gian quan sát xung quanh xem hộp thư mật có thể được để ở đâu. Nhờ khả năng quan sát, chú phát hiện ra hòn đá hình mũi tên (hình chữ V) trỏ vào một hòn đá dẹt cách đó không xa. Bẩy nhẹ hòn đá lên, chú phát hiện một vỏ đựng thuốc đánh răng, nhẹ nhàng và nhanh chóng cạy đáy hộp, lấy ra mảnh giấy rồi thay vào báo cáo của mình rồi trả về chỗ cũ. Chú quay lại xe, lắp lại bu-gi rồi nổ máy rời khỏi địa điểm.

Câu 4: Vì sao chú Hai Long phải lấy thư và gửi báo cáo theo cách trên?

Hướng dẫn giải:    

Chú Hai Long phải lấy thư và gửi báo cáo như vậy để đánh lạc hướng chú ý của người khác và không ai có thể nghi ngờ mình.

Câu 5: Vì sao nói hoạt động trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc?

Hướng dẫn giải:

Đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, hoạt động  trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi vì nhờ có những thông tin mật mà các chiến sĩ tình báo cung cấp ta mới có thể chủ động chống trả và giành được thắng lợi mà không thiệt hại quá nhiều về sức người và sức của.

Câu 6: Bài văn muốn ca ngợi điều gì? Viết câu trả lời của em vào vở.

Hướng dẫn giải:

Ca ngợi Hai Long và những chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch vô cùng kiên định, dũng cảm, mưu trí giữ vững đường dây liên lạc, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Đọc thầm bài văn sau và nêu nghĩa một số từ khó:

Cái áo của ba

Tôi có một người bạn đồng hành quý báu từ ngày tôi còn là đứa bé 11 tuổi. Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa.

Chiếc áo sờn vai của ba dưới bàn tay vén khéo của mẹ đã trở thành cái áo xinh xinh, trông rất oách của tôi. Những đường khâu đều đặn như khâu máy, thoáng nhìn qua khó mà biết được đấy chỉ là một cái áo may tay. Hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh. Cái cổ áo như hai cái lá non trông thật dễ thương. Mẹ còn may cả cái cầu vai y hệt như chiếc áo quân phục thực sự. Cái măng sét ôm khít lấy cổ tay tôi.

Khi cần, tôi có thể mở khuy và xắn tay áo lên gọn gàng. Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba... Lúc tôi mặc đến trường, các bạn và cô giáo đều gọi tôi là "chú bộ đội". Có bạn hỏi: "Cậu có cái áo thích thật! Mua ở đâu thế?", "Mẹ tớ may đấy!" - Tôi hãnh diện trả lời.

Ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới, chưa kịp thấy tôi chững chạc như một anh lính tí hon trong cái áo mẹ chữa lại từ chiếc áo quân phục cũ của ba.

Mấy chục năm đã qua, chiếc áo còn nguyên như ngày nào mặc dù cuộc sống của chúng tôi đã có nhiều thay đổi. Chiếc áo đã trở thành kỉ vật thiêng liêng của tôi và cả gia đình tôi.

PHẠM HẢI LÊ CHÂU

Hướng dẫn giải:

- Bạn đồng hành: bạn cùng đi đường.

- Vén khéo: khéo léo, đảm đang.

- Măng sét: của tay áo sơ mi có lớp lót bằng chất liệu đặc biệt cho cứng, phẳng.

Câu 2: Tìm các phần mở bài, thân bài, kết bài trong bài Chiếc áo của ba.

Hướng dẫn giải:

- Mở bài: "Tôi có một người bạn đồng hành quý báu từ ngày tôi còn là đứa bé 11 tuổi. Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa".

- Thân bài:

Chiếc áo sờn vai của ba dưới bàn tay vén khéo của mẹ đã trở thành cái áo xinh xinh, trông rất oách của tôi. Những đường khâu đều đặn như khâu máy, thoáng nhìn qua khó mà biết được đấy chỉ là một cái áo may tay. Hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh. Cái cổ áo như hai cái lá non trông thật dễ thương. Mẹ còn may cả cái cầu vai y hệt như chiếc áo quân phục thực sự. Cái măng sét ôm khít lấy cổ tay tôi.

Khi cần, tôi có thể mở khuy và xắn tay áo lên gọn gàng. Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba... Lúc tôi mặc đến trường, các bạn và cô giáo đều gọi tôi là "chú bộ đội". Có bạn hỏi : "Cậu có cái áo thích thật ! Mua ở đâu thế ?" "Mẹ tớ may đấy !" - Tôi hãnh diện trả lời.

Ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới, chưa kịp thấy tôi chững chạc như một anh lính tí hon trong cái áo mẹ chữa lại từ chiếc áo quân phục cũ của ba.

- Kết bài:

Mấy chục năm đã qua, chiếc áo còn nguyên như ngày nào mặc dù cuộc sống của chúng tôi đã có nhiều thay đổi. Chiếc áo đã trở thành kỉ vật thiêng liêng của tôi và cả gia đình tôi.

Câu 3: Tìm các hình ảnh so sánh và nhân hoá trong bài Chiếc áo len của ba.

Hướng dẫn giải:

Các hình ảnh so sánh và nhân hoá trong bài đó là:

- Hình ảnh so sánh: "những đường khâu đều đặn như khâu máy, hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh, cái cổ áo như hai cái lá non, cái cầu vai y hệt như chiếc áo quân phục thực sự... xắn tay áo lên gọn gàng như một chú bộ đội, mặc áo và có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba, tôi chững chạc như một anh lính tí hon".

- Hình ảnh nhân hoá: người bạn đồng hành quý báu, cái măng-sét ôm lấy cổ tay tôi.

Câu 4: Viết một câu có hình ảnh so sánh và một câu có hình ảnh nhân hoá mà em thích vào vở.

Hướng dẫn giải:

- Tôi có một người bạn đồng hành quý báu từ ngày tôi còn là đứa bé 11 tuổi.

- Hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh.

Câu 5: Nói về hình dáng hoặc công dụng của một đồ vật gần gũi với em.

Hướng dẫn giải:

- Ai cũng có một đồ vật mà bản thân mình rất yêu thích. Riêng em, em rất yêu thích chiếc xe đạp mà người mẹ kính yêu của em đã mua tặng em. Hằng ngày, em đến trường bằng chiếc xe đạp cũ của mẹ cho. Tuy là xe cũ nhưng nước sơn màu xanh biển của xe vẫn còn bóng như mới. Hai vành xe và nan hoa trắng sáng, cứ loang loáng khi em đạp xe nhanh. Tay lái của xe được bọc nhựa ở chỗ cầm. Hai sợi dây thắng vòng,chéo nhau ở phía trước đính một nút thắt hình con bướm. Yên xe được thay mới nên rất êm. Xe còn có giỏ phía trước để em đựng cặp khi đi học. Xích xe quay đều kêu rè rè nhưng xe đạp rất nhẹ. Các bạn của em đều thích chiếc xe đạp này. Em rất tự hào đã tự mình đến trường bằng xe đạp, không phiền bố mẹ phải đưa đón.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Tìm hiểu, quan sát một đồ vật hoặc món quà ý nghĩa sâu sắc với em, một đồ vật và ghi lại kết quả quan sát được.

Hướng dẫn giải:

- Đó là chiếc cặp sách mà em vô cùng yêu thích

- Bố tặng khi em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

- Tả bao quát:

+ Cặp hình chữ nhật, được làm bằng da thuộc.

+ Cặp mới nguyên, khổ to và dày, màu da đen bóng.

+ Loại cặp có quai xách và dây mang.

- Tả từng bộ phận:

+ Bên ngoài: Mặt cặp mịn, mềm, sờ êm và mát tay. Nắp cặp hình chữ nhật hơi vát ở hai bên. Trên mặt cặp có in hình hai chú chó trắng đang nô đùa trên thảm cỏ xanh.

+ Hai bên cặp có hai khoá mạ kền sáng bóng. Mỗi lần mở ra đóng vào nghe “tanh tách” thật vui tai.

+ Nắp cặp có gắn một quai xách bằng nhựa cong cong như một cái cầu.

- Bên trong: Cặp gồm ba ngăn:

+ Ngăn thứ nhất nhỏ, em dùng để cất các dụng cụ học tập.

+ Ngăn thứ hai và ba to hơn, em làm phòng ở cho các cô cậu sách vở. Các ngăn đều làm bằng da đen mềm và mịn.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Hộp thư mật".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Nhận diện và phân tích được những hình ảnh nhân hóa và so sánh.

Ngày:24/11/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM