Sinh học 11 Bài 23: Hướng động
Trong bài học này các em được tìm hiểu về dạng cảm ứng có định hướng ở thực vật là hướng động; bản chất của hướng động và các kiểu hướng động của thực vật để thấy được cơ chế của hiện tưởng thường xuyên xảy ra ở thực vật và chứng minh được vai trò thiết yếu của hướng động đối với thực vật.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Cảm ứng ở thực vật
- Cảm ứng ở thực vật: Là phản ứng của thực vật trước kích thích của môi trường .
+ Đặc điểm: phản ứng chậm, khó nhận thấy, hình thức phản ứng kém đa dạng.
+ Cảm ứng ở thực vật gồm 2 dạng: hướng động (có định hướng), ứng động (không định hướng).
1.2. Hướng động
a. Khái niệm hướng động
- Hướng động là vận động sinh trưởng định hướng đối với kích thích từ một phía của tác nhân trong ngoại cảnh do sự sai khác về tốc độ sinh trưởng tại hai phía của cơ quan (thân, rễ).
+ Có 2 hình thức hướng động:
- Hướng động dương: Khi vận động sinh trưởng hướng về phía tác nhân kích thích.
- Hướng động âm: Khi vận động sinh trưởng tránh xa tác nhân kích thích.
+ Cơ chế: Hướng động xảy ra khi tốc độ sinh trưởng tại hai phía của cơ quan tiếp nhận kích thích không đều nhau.
- Hướng động dương do các tế bào ở phía không được kích thích phân chia và sinh trưởng nhanh hơn phía có kích thích.
- Hướng động âm do các tế bào phía được kích thích phân chia và sinh trưởng nhanh hơn phía không có kích thích.
+ Vai trò: Hướng động giúp cây sinh trưởng hướng tới tác nhân môi trường thuận lợi → giúp cây thích ứng với những biến động của điều kiện môi trường để tồn tại và phát triển.
b. Các kiểu hướng động
- Hướng sáng:
+ Tính hướng sáng của thân là sự sinh trưởng của thân, cành hướng về phía nguồn sáng → Hướng sáng dương. Rễ cây uốn cong theo hướng ngược lại → Hướng sáng âm.
+ Do phía tối nồng độ auxin cao hơn nên đã kích thích các tế bào sinh trưởng dài ra nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía kích thích
+ Rễ cây mẫn cảm với auxin hơn thân cây vì vậy khi nồng độ auxin phía tối cao hơn gây ức chế sự sinh trưởng kéo dài tế bào làm cho rễ uốn cong xuống đất.
- Hướng trọng lực: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của trọng lực (hướng về tâm quả đất). Rễ hướng trọng lực dương, thân cành hướng hướng trọng lực âm.
- Hướng nước: là phản ứng sinh trưởng của thực vật hướng tới nguồn nước.
- Hướng tiếp xúc:
+ Hướng tiếp xúc là phản ứng sinh trưởng đối với sự tiếp xúc.
+ Do phía kích thích (tiếp xúc) nồng độ auxin thấp, tế bào sinh trưởng kéo dài chậm vì vậy cây uốn cong theo cọc rào.
2. Bài tập minh họa
Để cây đậu mọc bình thường ở giữa một hộp nhựa trong suốt, chỉ bón phân đạm ở một phía thành hộp (có thể dùng các loại phân bón khác). Theo dõi hệ rễ mọc vươn về phía phân bón. Giải thích? Có thể chỉ tưới nước ở một phía và theo dõi hướng nước của rễ.
Hướng dẫn giải:
Do rễ có tính hướng hóa dương đối với các chất hóa học cần cho sự phát triển của cây nên rễ sẽ mọc hướng về phía phân bón. Đồng thời do nước chỉ được tưới một phía nên một bộ phận của rễ sẽ hướng tới chỗ có nước.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Thế nào là hướng động?
Câu 2: Nêu ví dụ và giải thích về các kiểu hướng động (hướng đất, hướng sáng, hướng nước, hướng hóa)?
- Đặt cốc (hay chậu nhỏ) có cây đậu đã mọc thân, lá vào đáy hộp. Tuỳ theo lỗ ở vách ngăn, hãy nhận xét chiều hướng của ngọn cây theo vị trí lỗ thủng.
- Đặt cốc (hay chậu nhỏ) có cây đậu vào sát một nền đen (hay sát tường) sau một tuần, nhận xét chồi ngọn cây vươn ra theo hướng có ánh sáng. Giải thích?
Câu 3: Auxin có vai trò gì trong hướng động của cây?
Câu 4: Tìm các ứng dụng trong nông nghiệp về vận động hướng động?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Tính hướng đất là do tác động chủ yếu của hoocmon nào?
A. Auxin
B. Xitokinin
C. Êtilen
D. Giberelin
Câu 2: Vận động nào sau đây là hướng động dương?
A. Rễ hướng tránh xa hoá chất độc hại.
B. Ngọn cây luôn tìm về nơi có sáng để quang hợp.
C. Ngọn cây hướng lên trên khi đặt chậu cây nằm ngang.
D. Rễ cây luôn hướng tránh xa nguồn ánh sáng
Câu 3: Một chậu cây được di chuyển từ ngoài vườn vào trong nhà và đặt bên cửa sổ. Điều gì xảy ra sau khoảng mười ngày? Biết rằng cây được tưới nước đầy đủ và khi ở trong vườn cây mọc bình thường.
A. Cây sẽ úa vàng và chết
B. Cây vẫn mọc bình thường như trong vườn
C. Cây sẽ mọc hướng về phía cửa sổ
D. Cây mọc hướng vào trong nhà
Câu 4: Mầm cỏ quay cong về phía ánh sáng chỉ trong trường hợp
A. ánh sáng yếu.
B. ánh sáng khuếch tán.
C. ánh sáng mạnh.
D. ánh sáng chiếu một phía.
Câu 5: Vào rừng nhiệt đới, ta gặp rất nhiều dây leo quấn quanh những cây gỗ lớn để vươn lên cao, đó là kết quả của
A. hướng sáng.
B. hướng tiếp xúc.
C. hướng trọng lực.
D. cả 3 loại hướng trên.
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Hướng động Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này các em cần:
- Trình bày được vai trò của cảm ứng đối với sự tồn tại của sinh vật.
- Nêu được khái niệm hướng động, vai trò của hướng động.
- Nhận biết được các loại hướng động: Hướng sáng, hướng nước, hướng hoá, hướng trọng lực, hướng nước, hướng tiếp xúc
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 11 Bài 24: Ứng động
- doc Sinh học 11 Bài 25: Thực hành: Hướng động
- doc Sinh học 11 Bài 26: Cảm ứng ở động vật
- doc Sinh học 11 Bài 27: Cảm ứng ở động vật (tiếp theo)
- doc Sinh học 11 Bài 28: Điện thế nghỉ
- doc Sinh học 11 Bài 29: Điện thế hoạt động và sự lan truyền xung thần kinh
- doc Sinh học 11 Bài 30: Truyền tin qua Xináp
- doc Sinh học 11 Bài 31: Tập tính của động vật
- doc Sinh học 11 Bài 32: Tập tính của động vật (Tiếp theo)
- doc Sinh học 11 Bài 33: Thực hành: Xem phim về tập tính của động vật