Tiếng Việt lớp 5 bài 22B: Một dải biên cương

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về vùng đất Cao Bằng - nơi đây là vùng biên cương của đất nước. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho mình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 22B: Một dải biên cương

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 44 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát các tấm ảnh dưới đây và cho biết em có cảm nhận gì về cảnh vật và con người trong ảnh

Hướng dẫn giải:

- Ảnh 1: Cảnh thác nước và đồi núi trập trùng đem lại cho chúng ta cảm giác thiên nhiên vừa hoang sơ lại vừa hùng vĩ.

- Ảnh 2: Những trẻ em người dân tộc đang cười nói vui vẻ, hồn nhiên, trong trẻo.

- Ảnh 3: Các bà và các chị cần cù, chăm chỉ lao động.

-> Nhận xét: Cảnh vật thiên nhiên thì đẹp một cách hoang sơ, hùng vĩ. Con người thì hồn nhiên, trong sáng, chân chất; họ cũng rất cần cù, chăm chỉ và yêu lao động.

1.2. Văn bản "Cao Bằng"

Cao Bằng

Sau khi  qua Đèo Gió

Ta lại vượt Đèo Giàng

Lại vượt qua Cao Bắc

Thì ta tới Cao Bằng.

 

Cao Bằng, rõ thật cao!

Rồi dần bằng bằng xuống

Đầu tiên là mận ngọt

Đón môi ta dịu dàng.

 

Rồi đến chị rất thương

Rồi đến em rất thảo

Ông lành như hạt gạo

Bà hiền như suối trong.

 

Còn núi non Cao Bằng

Đo làm sao cho hết

Như lòng yêu đất nước

Sâu sắc người Cao Bằng.

 

Đã dâng đến tận cùng

Hết tầm cao Tổ quốc

Lại lặng thầm trong suốt

Như suối khuất rì rào.

 

Bạn ơi có thấy đâu

Cao Bằng xa xa ấy

Vì ta mà giữ lấy

Một dải dài biên cương.

TRÚC THÔNG

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài thơ "Cao Bằng" đã được tác giả tái hiện rất thành công về khung cảnh thiên nhiên và con người Cao Bằng, nơi đây có cảnh sắc tươi đẹp, con người thì vui vẻ. Phải vượt nhiều đèo cao mới tới được Cao Bằng, nơi rất cao và xa. Con người nơi đây hiền lành, thân thiện. Nơi đây là vùng biên cương của đất nước, nên trách nhiệm của con người nơi đây càng cao hơn.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Cao Bằng: Tỉnh miền núi phía Đông Bắc nước ta, giáp với Trung Quốc.

- Đèo: Đường dốc vắt qua ngang núi.

- Đèo Gió, Đèo Giàng: hai đèo thuộc tỉnh Bắc Kạn, nằm trên đường từ Bắc Kạn đi Cao Bằng.

- Đèo Cao Bắc: Thuộc tỉnh Cao Bằng.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Những từ ngữ và chi tiết nào ở khổ thơ 1 nói lên địa thế đặc biệt của Cao Bằng?

Hướng dẫn giải:

Đường đi đến vùng đất Cao Bằng vô cùng khó khăn và vất vả, không hề dễ dàng đi như vùng đồng bằng. Đi lên được đến Cao Bằng phải leo qua đèo Gió, đèo Giàng, đèo Cao Bắc… những từ "sau khi… lại vượt… lại vượt…" nói lên địa thế hiểm trở, đồi núi trập trùng và xa xôi của Cao Bằng.

Câu 2: Tác giả đã sử dụng những từ ngữ và hình ảnh nào để nói lên lòng mến khách, sự đôn hậu của người Cao Bằng?

Hướng dẫn giải:

Khi chúng ta đến Cao Bằng sẽ được tiếp đón bằng một món ăn đặc sản của Cao Bằng, đó chính là món mận - đây được xem là một thứ hoa quả đặc trưng của Cao Bằng, người dân thì rất thương, rất thảo, lành như hạt gạo, hiền như suối trong.

Câu 3: Tìm những hình ảnh thiên nhiên được so sánh với lòng yêu nước của người dân Cao Bằng.

Hướng dẫn giải:

"Còn núi non Cao Bằng

Đo làm sao cho hết

Như lòng yêu đất nước

Sâu sắc người Cao Bằng

Đã dâng đến tận cùng

Hết tầm cao Tổ quốc

Lại lặng thầm trong suốt

Như suối khuất rì rào"

- Không những Cao Bằng có một khung cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng, mà còn có cả tình yêu đất nước của người Cao Bằng cao như núi, không đo hết được. Tình yêu nước đó còn trong trẻo và sâu sắc như suối sâu.

Câu 4: Qua khổ thơ cuối bài, tác giả muốn nói điều gì? Chọn ý đúng để trả lời:

a. Cao Bằng có vị trí rất quan trọng, người Cao Bằng đã vì cả nước mà giữ vững biên cương.

b. Khó đo được chiều cao của núi non Cao Bằng, không đo hết được tình yêu đất nước của người Cao Bằng.

c. Tình yêu nước của người Cao Bàng thầm lặng mà trong trẻo như suối sâu.

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án a: Cao Bằng có vị trí rất quan trọng, người Cao Bằng đã vì cả nước mà giữ vững biên cương.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Dựa vào kiến thức đã học ở lớp 4, trả lời các câu hỏi sau:

- Thế nào là kể chuyện?

- Tính cách của nhân vật được thể hiện qua những mặt nào?

- Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?

Hướng dẫn giải:

- Kể chuyện là kể một chuỗi sự việc có đầu, cuối; liên quan đến một hay một số nhân vật  Mỗi câu chuyện nói một điều có ý nghĩa.

- Tính cách của nhân vật được thể hiện qua những mặt:

+ Hành động của nhân vật.

+ Lời nói, ý nghĩ của nhân vật.

+ Những đặc điểm ngoại hình tiêu biểu.

- Bài văn kể chuyện có cấu tạo 3 phần:

+ Mở đầu:  mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.

+ Thân bài: Diễn biến của câu chuyện.

+ Kết thúc: kết bài không mở rộng hoặc mở rộng.

Câu 2: Đọc câu chuyện sau và chọn ý đúng để trả lời câu hỏi:

Ai giỏi nhất?

Trong rừng, Thỏ, Nhím và Sóc đều nổi tiếng là thông minh, nhanh trí. Nhưng ai giỏi nhất thì chưa có dịp thi tài. Vì thế, không ai chịu ai. Mấy cậu liền tổ chức một cuộc thi và mời cô Gõ Kiến làm trọng tài, ra đề thi rồi chấm luôn.

Gõ Kiến phát cho mỗi bên hai chục hạt đậu ván và ra điều kiện: Ai ăn lâu hết nhất thì thắng cuộc.

Thỏ ăn dè mỗi ngày nửa hạt, ăn được 40 ngày. Nhím cứ ba ngày mới ăn một hạt, được 60 ngày. Sóc ăn mỗi ngày 6 hạt. Ba ngày sau, túi của Sóc rỗng không.

Sang ngày thứ 61, Gõ Kiến cho biết:

- Nhím ăn được lâu nhất là giỏi nhất!

Sóc không chịu. Cậu ta kêu:

- Tôi vẫn còn!

Gõ Kiến hỏi:

- Còn mà túi lại rỗng không thế này?

Sóc thủng thẳng mời Gõ Kiến cùng Thỏ, Nhím đến một góc rừng và trỏ vào hai cây đậu ván lúc này đã leo vấn vít trên giàn:

- Đây! Tôi ăn ba ngày hết 18 hạt. Còn hai hạt nữa của tôi đấy!

Tất cả đều chịu Sóc là giỏi. Giỏi nhất.

Cái gì cũng thế, chỉ ăn thì mấy cũng hết.

Nhưng biết gieo trổng thì mãi mãi vẫn còn cái ăn.

Theo PHONG THU

1. Câu chuyện trên có mấy nhân vật?

a. Hai

b. Ba

c. Bốn

-> Chọn đáp án c: Bốn.

2. Tính cách của các nhân vật được thể hiện qua những mặt nào?

a. Lời nói

b. Hành động

c. Cả lời nói và hành động

-> Chọn đáp án b: Hành động.

3. Ý nghĩa của câu chuyện trên là gì?

a. Khen ngợi Sóc thông minh và có tài trồng cây, gieo hạt.

b. Khuyên người ta biết lo xa và chăm chỉ làm việc.

c. Khuyên người ta tiết kiệm.

-> Chọn đáp án b: Khuyên người ta biết lo xa và chăm chỉ làm việc.

Câu 3: Đọc lời giới thiệu sau và nghe thầy cô kể câu chuyện Ông Nguyễn Khoa Đăng.

Ông Nguyễn Khoa Đăng (1691 – 1725) là một vị quan thời xưa của nước ta, văn võ toàn tài, rất có tài xét xử các vụ án, đem lại sự công bằng cho người lương thiện. Ông có công trừng trị bọn cướp, tiêu diệt chúng đến tận sào huyệt.

Nguyễn Khoa Đăng là một vị quan có tài xét xử, được dân mến phục.

Một lần, có anh hàng dầu gánh hàng ra chợ bán. Lợi dụng lúc anh bận đong dầu, có kẻ thò tay vào bị lấy trộm tiền. Khi biết bị mất tiền, anh hàng dầu nhớ hồi nãy có một người mù quẩn quanh bên gánh hàng, đuổi mấy cũng không chịu đi. Anh đoán hắn là kẻ cắp, bèn gửi gánh hàng cho người quen rồi đi tìm người mù. Người này ra sức chối, nói rằng mình mù biết tiền để đâu mà lấy. Hai bên xô xát, lính bắt họ giải lên quan án Nguyễn Khoa Đăng.

Thấy người mù khăng khăng chối không ăn cắp tiền, quan hỏi:

- Anh có mang tiền theo không?

Người mù đáp:

- Có, nhưng đấy là tiền của tôi.

- Cứ đưa đây, của ai rồi sẽ rõ.

Khi người mù móc tiền ra, quan sai người múc một chậu nước, bỏ số tiền vào chậu. Một lát thấy trên mặt nước có váng dầu nổi lên. Người mù hết đường chối cãi, đành nhận tội.

Vụ án tưởng đã xong, không ngờ quan lại phán:

- Tên ăn cắp này là kẻ giả mù vì nếu mù thật thì làm sao hắn biết được người bán dầu để tiền ở đâu mà lấy.

Ông sai lính nọc tên mù ra đánh, kì đến khi hắn mở mắt ra mới thôi. Lúc đầu người mù còn chối, chỉ sau 3 roi hắn đành mở cả hai mắt.

Trong thời kì ông Nguyễn Khoa Đăng làm quan án, ở Quảng Trị có truông nhà Hồ là nơi bọn gian phi dùng làm sào huyệt đón đường cướp của.

Để bắt bọn cướp, quan sai chế một loại hòm gỗ kín có lỗ thông hơi, vừa một người ngồi, có khóa bên trong để người ở trong có thể mở tung ra dễ dàng. Ông kén một số võ sĩ, đem theo vũ khí, ngồi vào hòm. Rồi sai quân sĩ ăn mặc như dân thường, khiêng những hòm ấy qua truông, ra vẻ như khiêng những hòm của cải nặng. Lại cho người đánh tiếng có một vị quan to ngoài Bắc sắp sửa về quê sẽ đi qua truông cùng những hòm của cải quý. Bọn cướp đánh hơi, nghĩ đây là cơ hội làm ăn hiếm có, rình lúc đoàn người đi qua cửa truông thì cướp, rồi hí hửng khiêng những hòm ấy về tận sào huyệt.

Về đến nơi, vừa đặt hòm xuống thì những cái hòm bật mở toang, các võ sĩ ngồi trong tay lăm lăm vũ khí bất ngờ xông ra đánh giết bọn cướp. Đang lúc hoảng hốt chưa kịp đối phó thì phục binh của triều đình từ ngoài ùn ùn kéo vào đông như kiến cỏ, bọn cướp đành chắp tay  xin tha mạng.

Bọn cướp ấy, Nguyễn Khoa Đăng đưa đi khai khẩn đất hoang ở biên giới, lập thành những đồn điền rộng lớn. Sau đó, ông cho đưa dân đến lập làng xóm ở dọc hai bên truông  khiến một vùng rừng xưa vắng vẻ trở thành những xóm làng dân cư đông đúc, bình yên.

Hướng dẫn giải:

- Khi đọc lời giới thiệu cần phát âm đúng chuẩn.

- Khi nghe thầy cô giáo kể chuyện thì chú ý ghi lại những nội dung quan trọng.

Câu 4: Đọc lời giải nghĩa những từ ngữ khó trong truyện.

Hướng dẫn giải:

- Truông: vùng đất hoang, rộng, có nhiều cây cỏ.

- Sào huyệt: ổ của bọn trộm cướp, tội phạm.

- Phục binh: Quân lính nấp ở những chỗ kín đáo, chờ lệnh là xông ra tấn công.

Câu 5: Dựa theo lời kể của thầy cô và các tranh vẽ dưới đây, tiếp nối nhau kể lại từng đoạn câu chuyện Ông Nguyễn Khoa Đăng.

Hướng dẫn giải:

- Tranh số 1: Câu chuyện bắt đầu bằng một tình huống rất bất ngờ đó là sự việc bị mất tiền của một anh bán hàng dầu. Bởi vì trước đó có người mù cứ lảng vảng hàng của anh đuổi thế nào cũng không đi nên anh đâm ra nghi ngờ. Tìm người mù đòi tiền.Nhưng người mù lại nhất mực từ chối.

- Tranh số 2: Quan xử kiện hết sức tài tình và tinh tế để tìm ra thủ phạm, đầu tiên viên quan đã xử kiện bằng cách quan sai người đem một chậu nước, rồi đem túi tiền mà người mù tự nhận là của mình vào chậu nước.Trên mặt nước nổi lên váng dầu từ đó biết được đó là tiền của anh bán dầu. Quan vừa vạch trần người mù là kẻ ăn cắp, vừa vạch trần hắn là kẻ giả mù đi ăn xin.

- Tranh số 3: Cuối cùng quan lại cho người đời thấy sự thông minh của mình khi bắt được bọn cướp một cách dễ dàng. Để bắt được bọn cướp ở truông nhà Hồ quan sai chế một chiếc hòm đặc biệt để người bên trong có thể ngồi ở đó và bật nắp ra dễ dàng. Đồng thời phao tin có vị quan lớn sắp đi qua truông mang theo nhiều vàng bạc của cải để thu hút bọn cướp. Đồng thời sai quân mặc quần áo dân thường khênh những hòm có các võ sĩ ở trong đi qua truông. Bọn giặc quả nhiên sập bẫy.

- Tranh số 4: Về tới hang ổ của bọn cướp các võ sĩ bật nắp xông ra tiêu diệt hết bọn địch.

Câu 6: Nói về sự thông minh, tài trí của ông Nguyễn Khoa Đăng.

- Trong cách tìm ra kẻ ăn cắp tiền của anh bán dầu.

- Trong phán đoán đúng đắn, lột được mặt nạ của kẻ giả mù.

- Trong mưu kế tổ chức bắt bọn cướp, trong ngoài phối hợp, rất bất ngờ.

- Trong việc sử dụng sức người để khai khẩn đất hoang vùng biên giới.

Hướng dẫn giải:

- Ông Nguyễn Khoa Đăng vô cùng thông minh, mưu trí khi dùng cách này để biết được bọc tiền của ai, bởi vì anh hàng dầu làm nghề bán dầu, múc dầu cho khách nên chắc chắn tay và cả người sẽ dính dầu, khi nhận những đồng tiền của khách và đem cất đi chắc chắn trong tiền cũng sẽ dính dầu. Bởi vậy khi thả tiền vào nước, thấy váng dầu nổi lên là sẽ xác định được đó là tiền của anh hàng dầu.

- Để lột được mặt nạ của kẻ giả mùa ông Nguyễn Khoa Đăng vừa cương quyết lại vừa thấu hiểu tâm lý của bọn phạm tội:

+ Ông phán rằng: Tên ăn cắp này là kẻ giả mù vì nếu mù thật thì làm sao hắn biết được người bán dầu để tiền ở đâu mà lấy.

+ Để buộc hắn nhận tội ông sai lính đánh hắn, mới đánh đến roi thứ 3, tên mù đã phải mở cả hai mắt nhận tội giả mù, giả ăn mày.

- Để tiêu diệt bọn cướp, ông Nguyễn Khoa Đăng đã dùng biện pháp:

+ Công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo: Một bên sai người chế ra chiếc hòm gỗ để các võ sĩ có thể chui vào và tự bật mở ra khi cần.Một bên sai người tung tin có vị quan lớn mang rất nhiều của cải sắp đi quan nơi này để đánh vào lòng tham của bọn cướp.

+  Mưu kế của ông được tổ chức chu đáo, phối hợp trong ngoài: Bọn cướp mắc mưu khênh chỗ hòm có những võ sĩ về sào huyệt. Lúc này các võ sĩ mới bật nắp hòm và tiêu diệt bọn cướp, quân triều đình lúc này cũng cùng tới tác chiến.Bọn cướp đành chắp tay xin tha mạng.

- Ông đã sử dụng nguồn lực của bọn cướp để khai khẩn đất hoang vùng biên giới, vừa tạo việc làm để bọn cướp hoàn lương vừa phát triển vùng rừng núi thành những xóm làng sầm uất.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Sưu tầm một câu chuyện cảm động về tình bạn hoặc một câu chuyện em yêu thích.

Hướng dẫn giải:

- Câu chuyện tham khảo số 1:

Bốn Ngón Tay

Lúc mới sinh ra, cậu bé đã bị mù. Khi cậu lên 6, một việc xảy ra làm em không tự giải thích được. Buổi chiều nọ, em đang chơi đùa cùng các bạn, một cậu bé khác đã ném trái banh về phía em. Chợt nhớ ra cậu bé la lên:

- Coi chừng ! Quả banh sắp văng trúng đấy.

Quả banh đã đập trúng người cậu, và cuộc sống của cậu không như trước đây nữa. Cậu bé không bị đau, nhưng cậu thật sự băn khoăn.

Cậu quyết định hỏi mẹ:

- Làm sao cậu ta biết điều gì sắp xảy ra cho con trước khi chính con nhận biết được điều đó ?

Mẹ cậu thở dài, bởi cái giây phút bà e ngại đã đến! Đã đến cái thời khắc đầu tiên mà bà cần nói rõ cho con trai mình biết: “Con bị mù!”.

Rất dịu dàng bà cầm bàn tay của con, vừa nắm từng ngón tay và đếm: Một – hai – ba – bốn – năm. Các ngón tay này tựa như năm giác quan của con vậy. Ngón tay bé nhỏ này là nghe, ngón tay xinh xắn này là sờ chạm, ngón tay tí hon này là ngửi, còn ngón bé tí này là nếm. ..”.

Ngần ngừ một lúc, bà tiếp:

- ...Còn ngón tay tí xíu này là nhìn. Mỗi giác quan của con như mỗi ngón tay, chúng chuyên chở bức thông điệp lên bộ não con”.

Rồi bà gập ngón tay bà đặt tên “nhìn”, khép chặt nó vào lòng bàn tay của con, bà nói:

- Con ạ! Con là một đứa trẻ khác với những đứa khác, vì con chỉ có bốn giác quan, như là chỉ có bốn ngón tay vậy: một – nghe, hai – sờ, ba – ngửi, bốn – nếm. Con không thể sử dụng giác quan nhìn. Bây giờ mẹ muốn chỉ cho con điều này. Hãy đứng lên con nhé.

Cậu đứng lên. Bà mẹ nhặt trái banh lên bảo:

- Bây giờ con hãy đặt bàn tay của con trong tư thế bắt trái banh.

Cậu mở lòng bàn tay và trong khoảnh khắc cậu cảm nhận được quả banh cứng chạm vào các ngón tay của mình. Cậu bấu chặt quả banh và giơ lên cao.

- Giỏi ! Giỏi ! – Bà mẹ nói – Mẹ muốn con không bao giờ quên điều con vừa làm. Con cũng có thể giơ cao quả banh bằng bốn ngón tay thay vì năm ngón. Con cũng có thể có và giữ được một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc với chỉ bốn giác quan thay vì năm nếu con bước vào cuộc sống bằng sự nỗ lực thường xuyên!

Cậu bé không bao giờ quên hình ảnh “bốn ngón tay thay vì năm”. Đối với cậu đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Và hễ cứ mỗi khi nhụt chí vì sự khiếm khuyết của mình, cậu lại nhớ đến biểu tượng này để động viên mình. Cậu hiểu ra rằng mẹ cậu đã nói rất đúng. Cậu vẫn có thể tạo được một cuộc sống trọn vẹn và giữ lấy nó chỉ với bốn giác quan mà cậu có được.

Sưu tầm

- Câu chuyện tham khảo số 2:

Vào một ngày nóng nực, sư tử mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn, nó nằm ngủ dưới một tán cây. Một chú chuột nhắt đi ngang qua, thấy sư tử ngủ say liền nhảy múa đùa nghịch trên lưng sư tử.

Sư tử thức giấc, giận dữ vì bị đánh thức, nó túm lấy chuột nhắt mắng.

"Con vật bé nhỏ kia, sao ngươi dám đánh thức chúa tế rừng xanh? Ta sẽ nghiền nát ngươi bằng móng vuốt của ta".

Chuột nhắt sợ hãi van xin "xin ngài tha cho tôi, tôi sẽ không bao giờ quên ơn và tôi sẽ trả ơn ngài vào một ngày nào đó".

Sư tử thấy rất buồn cười với lời nói của chuột nhắt, nhưng nó cũng thấy tội nghiệp và thả cho chuột nhắt đi.

Chuột nhắt mừng quá vội vã chạy đi.

Vài tháng sau, khi đang săn mồi trong rừng, sư tử vướng vào lưới của thợ săn và nó không thể nào thoát được. Sư tử gầm lên kêu cứu "Cứu với, cứu với", vang động khắp khu rừng.

Chuột nhắt được sư tử tha mạng lần trước, nghe thấy tiếng sư tử gầm, nó vội chạy đến xem sao. Thấy sư tử mắc trong lưới, nó bảo "ông đừng lo, tôi sẽ giúp". Chuột lấy hết sức gặm đứt các dây lưới để sư tử chạy thoát. Sư tử mới thấy rằng làm điều tốt cho người khác sẽ luôn được nhớ công ơn.

Sưu tầm

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Cao Bằng".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Biết cách kể lại một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM