Lý 7 Bài 22: Tác dụng nhiệt và tác dụng phát sáng của dòng điện

Ta không thể quan sát bằng mắt thường các điện tích dịch chuyển khi có dòng điện trong mạch. Vậy làm thế nào để nhận biết được sự tồn tại của nó?  Nội dung bài học hôm nay sẽ giúp các em trả lời câu hỏi trên, thông qua việc tìm hiểu hai tác dụng của dòng điện là tác dụng nhiệt và tác dụng phát sáng. Mời các em cùng theo dõi nội dung bài học.

Lý 7 Bài 22: Tác dụng nhiệt và tác dụng phát sáng của dòng điện

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tác dụng nhiệt 

- Dòng điện đi qua mọi vật dẫn thông thường đều làm cho vật dẫn nóng lên, ta nói dòng điện có tác dụng nhiệt.

- Ứng dụng tác dụng nhiệt của dòng điện:

  • Chế tạo bàn là, bếp điện, đèn sợi đốt, nồi cơm điện,...

Các ứng dụng tác dụng nhiệt của dòng điện

  • Chế tạo cầu chì sử dụng khi dùng điện, nó tự động ngắt mạch điện khi có sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn về điện.

Cầu chì

1.2. Tác dụng phát sáng 

a) Bóng đèn bút thử điện

Bóng đèn bút thử điện

Dòng điện chạy qua chất khí trong bóng đèn bút thử điện làm chất khí này phát sáng

b) Đèn điốt phát quang (đèn LED)

  • Để bóng đèn sợi đốt phát sáng được thì phải mất một phần năng lượng điện để đốt nóng bộ phận dây tóc đến nhiệt độ cao .

  • Vậy để  tiết kiệm năng lượng điện người ta đã dùng đèn ống . Nhờ có cơ chế đặc biết chất bột phủ bên trong đèn ống phát sáng . Đèn này nóng lên ít nên tiêu thụ năng lượng điện ít hơn so với bóng đèn sợi đốt .

  • Ngày nay người ta vẫn không ngừng nghiên cứu và chế tạo ra các loại đèn tiêu thụ ít năng lượng điện hơn nữa như đèn compac, đèn L.E.D....

  • Đó là các giải pháp hợp lí nhằm tiết kiệm điện năng . Ngày nay đèn điốt phát quang (LED) đang được sản xuất nhiều với giá thành ngày càng rẻ.

  • LED có nhiều ưu điểm nên trong thời gian không xa sẽ thay thế các loại đèn khác 

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Xác định hiện tượng điện

Nếu trong mạch điện với dây dẫn bằng đồng có nối xen một đoạn dây chì (gọi là cầu chì) thì trong một số trường hợp do tác dụng nhiệt của dòng điện, dây dẫn có thể nóng lên trên 327°C. Hỏi khi đó có hiện tượng gì xảy ra với đọạn dây chì và với mạch điện?

Hướng dẫn giải

Đồng và chì đều dẫn điện, nên dòng điện đi qua đoạn dây chì nối với dây đồng.

Do tác dụng nhiệt của dòng điện ⇒ dây đồng lẫn dây chì đều bị nóng. Khi đoạn dây nóng đến 327°C (bằng nhiệt độ nóng chảy của chì) dây chì bị đứt làm ngắt mạch điện.

2.2. Dạng 2: Trình bày cách sử dụng đèn điôt phát quang

Cho mạch điện có sơ đồ như hình 22.5, nguồn điện là một chiếc pin với các cực (+) và (-) chưa biết. Hãy nêu cách làm khi sử dụng đèn điôt phát quang để xác định xem A hay B là cực (+) của pin này và chiều dòng điện chạy trong mạch.

Hướng dẫn giải

Nối bản kim loại nhỏ của đèn LED với cực A của nguồn điện và đóng công tắc K. Nếu đèn LED sáng thì cực A là cực dương của nguồn điện và dòng điện có chiều như hình vẽ:

Nếu A là cực dương thì chiều dòng điện chạy qua mạch như hình vẽ:

Nếu đèn không sáng thì cực A là cực âm của nguồn điện và cực B là cực dương của nguồn điện.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cầu chì hoạt động dựa trên tác dụng nào của dòng điện?

Câu 2: Đèn sáng do hai đầu dây đèn nóng sáng hay do vùng chất khí ở giữa hai đầu dây này phát sáng?

Câu 3: Hãy kể tên một số dụng cụ, thiết bị thường dùng được đốt nóng khi có dòng điện chạy qua.

Câu 4: Vì sao dòng điện có tác dụng nhiệt?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Tác dụng nhiệt của dòng điện trong các dụng cụ nào dưới đây là có lợi?

A. Nồi cơm điện         B. Quạt điện

C. Máy thu hình (tivi)         D. Máy bơm nước

Câu 2: Bóng đèn nào sau đây khi phát sáng là do dòng điện chạy qua chất khí?

A. Bóng đèn đui ngạnh

B. Đèn điot phát quang

C. Bóng đèn xe gắn máy

D. Bóng đèn pin

Câu 3: Dòng điện có tác dụng phát sáng khi chạy qua dụng cụ nào dưới đây, khi chúng hoạt động bình thường?

A. Máy bơm nước chạy điện

B. Công tắc

C. Dây dẫn điện ở gia đình

D. Đèn báo của tivi

Câu 4: Khi có dòng điện chạy qua một bóng đèn dây tóc, phát biểu nào sau đây là đúng?

A. Bóng đèn chỉ nóng lên .

B. Bóng đèn chỉ phát sáng.

D. Bóng đèn vừa phát sáng, vừa nóng lên.

C. Bóng đèn phát sáng nhưng không nóng lên.

4. Kết luận

Qua bài giảng Tác dụng nhiệt và tác dụng phát sáng của dòng điện  này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Kể tên được tác dụng nhiệt và tác dụng phát sáng của dòng điện

  • Nêu được ví dụ về tác dụng nhiệt và tác dụng phát sáng 

  • Kể tên và mô tả được tác dụng phát sáng của dòng điện đối với 3 loại bóng đèn: Bóng đèn pin (đèn dây tóc), bóng đèn của bút thử điện, bóng đèn điốt phát quang (đèn LED)

Ngày:20/08/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM