Công nghệ 12 Bài 22: Hệ thống điện quốc gia
Qua nội dung Bài 22: Hệ thống điện quốc gia, giúp các em tìm hiểu khái niệm hệ thống điện quốc gia, và ý nghĩa của nó, cũng như thế nào là chiến lược đảm bảo năng lượng của từng quốc gia và trên toàn cầu.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Khái niệm hệ thống điện quốc gia
- Hệ thống điện quốc gia gồm có: nguồn điện (các nhà máy điện), các lưới điện, các hộ tiêu thụ điện trong toàn quốc được liên kết với nhau thành một hệ thống để thực hiện quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện năng.
- Trước năm 1994, nước ta có ba hệ thống điện khu vực độc lập: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Từ tháng 5 năm 1994 với sự xuất hiện đường dây truyền tải điện năng Bắc – Nam 500 kV (dài 1870km), hệ thống điện Việt Nam trở thành một hệ thống điện quốc gia cung cấp điện toàn quốc.
Chú thích: (1): Nhà máy điện số 1, (2): Trạm biến áp tăng áp 22/220kV, (3): Đường dây 220kV, (4): Trạm biến áp 3 cấp điện áp 220/10,5/110kV, (5): Đường dây 110kV, (6): Trạm biến áp tăng áp 10,5/110kV, (7): Nhà máy điện số 2, (8): Đường dây 10,5kV, (9): Trạm biến áp giảm áp 10,5/0,4kV, (10): Đường dây tới các tải
1.2. Sơ đồ lưới điện quốc gia
- Lưới điện quốc gia là một tập hợp gồm các đường dây dẫn điện và các trmaj điện có chức năng truyền tải điện năng được sản xuất ở các nhà máy điện đến các nơi tiêu thụ điện trên toàn quốc.
a. Cấp điện áp của lưới điện
- Phụ thuộc vào mỗi quốc gia, lưới điện có thể có nhiều cấp điện áp khác nhau như: 800 kV; 500kV; 110kV; 66kV; 35kV; 22kV; 10,5kV; 6kV; 0,4 kV.
- Lưới điện quốc gia được chia thành: lưới điện truyền tải (từ 66kV trở lên) và lưới điện phân phối (từ 35kV trở xuống)
b. Sơ đồ lưới điện
- Sơ đồ lưới điện trình bày các phần tử chủ yếu của lưới điện như đường dây, máy biến áp… Và cách nối giữa chúng. Trên sơ đồ ghi rõ các cấp điện áp, các số liệu kĩ thuật chủ yếu của các phần tử.
Chú thích: (1): Máy biến áp 66/22kV , (2): Máy biến áp 22/0,4kV , (3): Máy biến áp 26/6kV , (4): Tải có điện áp 380/220v, (5): Tải có điện áp 6kV
1.3. Vai trò của hệ thống điện quốc gia
- Hệ thống điện quốc gia có vai trò rất quan trọng:
- Đảm bảo việc sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng cung cấp cho các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.
- Đảm bảo cung cấp và phân phối điện với độ tin cậy cao, chất lượng điện năng tốt, an toàn và kinh tế.
2. Bài tập minh họa
Bài 1: Trong hệ thống điện có rất nhiều đường dây truyền tải, tại sao đường dây càng dài, công suất càng lớn thì điện áp càng cao?
Hướng dẫn giải:
- Ta có: Công suất thiết kế của các nhà máy điện
\(P = U.I\) là không đổi
- Nếu tăng I: thì phải tăng tiết diện dây dẫn, tốn kém vật liệu làm dây dẫn.
- Nếu tăng U: thì giảm được I nhờ đó tiết kiệm được vật liệu làm dây dẫn, đồng thời giảm được tổn hao điện năng trên đường dây dẫn truyền tải
Bài 2: Chức năng của lưới điện quốc gia:
A. Sản xuất điện năng
B. Tiêu thụ điện năng
C. Phân phối điện năng đến nơi tiêu thụ
D. Truyền tải điện năng từ nhà máy điện đến nơi tiêu thụ.
Hướng dẫn giải:
- Lưới điện quốc gia có chức năng truyền tải điện năng từ nhà máy điện đến nơi tiêu thụ.
- Đáp án D
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Thế nào là hệ thống điện quốc gia?
Câu 2: Lưới điện quốc gia có các cấp điện áp nào?
Câu 3: Vì sao cần phải có hệ thống điện quốc gia?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Hệ thống điện quốc gia thực hiện quá trình:
A. Sản xuất điện
B. Truyền tải điện
C. Tiêu thụ điện
D. Sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện năng.
Câu 2: Hệ thống điện Quốc gia gồm:
A. Nguồn điện
B. Lưới điện
C. Hộ tiêu thụ
D. Nguồn điện, lưới điện, hộ tiêu thụ
Câu 3: Các nhà máy sản xuất điện thường phân bố ở:
A. Vùng nông thôn
B. Khu tập trung đông dân cư
C. Ở các thành phố lớn
D. Khu không tập trung dân cư và đô thị
Câu 4: Trước năm 1994, nước ta có hệ thống điện:
A. Khu vực miền Bắc
B. Khu vục miền Trung
C. Khu vực miền Nam
D. Ba hệ thống điện độc lập: miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
Câu 5: Đường dây truyền tải điện năng Bắc – Nam 500kV xuất hiện vào thời gian nào:
A. Trước năm 1994
B. Tháng 5/1994
C. Ngay từ khi đất nước ta sản xuất ra điện.
D. Chưa xuất hiện
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Hệ thống điện quốc gia Công nghệ 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm sau:
- Hiểu được khái niệm về vai trò của hệ thống điện quốc gia.
- Hiểu được sơ đồ lưới điện quốc gia.
Tham khảo thêm
- doc Công nghệ 12 Bài 23: Mạch điện xoay chiều ba pha
- doc Công nghệ 12 Bài 24: Thực hành: Nối tải ba pha hình sao và hình tam giác