Sinh học 8 Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp

Trong bài  này các em sẽ được tìm hiểu các kiến thức về hô hấp như khái niệm hô hấp, các giai đoạn của quá trình hô hấp, các cơ quan trong hệ hô hấp của người, vai trò của hô hấp đối với cơ thể sống

Sinh học 8 Bài 20: Hô hấp và các cơ quan hô hấp

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái niệm hô hấp

- Hô hấp là quá trình không ngừng cung cấp O2 cho các tế bào của cơ thể và loại khí CO2 do các tế bào thải ra, ra khỏi cơ thể.

Hình 20.1 Quá trình hô hấp

- Hô hấp có 3 giai đoạn:

  • Sự thở (thông khí ở phổi).
  • Trao đổi khí ở phổi: CO2 từ máu vào tế bào phổi, O2 từ tế bào phổi vào máu.
  • Trao đổi khí ở tế bào: O2 từ máu vào tế bào, CO2 từ tế bào vào máu.

- Ý nghĩa của hô hấp: Nhờ hô hấp mà khí O2 được lấy vào để oxi hóa các hợp chất hữu cơ tạo ra năng lượng cần cho các hoạt động sống của cơ thể.

Hình 20.2 Ý nghĩa của quá trình hô hấp

1.2. Các cơ quan trong hệ hô hấp và chức năng của chúng

- Hệ hô hấp gồm 2 phần: Đường dẫn khí và 2 lá phổi

Hình 20.3 Các cơ quan của hệ hô hấp

- Đường dẫn khí:

+ Cấu tạo: gồm các cơ quan: mũi, hầu, thanh quản, khí quản, phế quản.

  • Mũi: có nhiều lông mũi, có lớp niêm mạc tiết chất nhầy, có lớp mao mạch dày đặc.
  • Thanh quản: Có nắp thanh quản có thể cử động đậy kín đường hô hấp.
  • Khí quản: Cấu tạo bởi 15-20 vòng sụn khuyết xếp chồng lên nhau, có lớp niêm mạc tiết chất nhầy với nhiều lông rung chuyển động liên tục.
  • Phế Quản: Cấu tạo bởi các vòng sụn, ở phế quản nơi tiếp xúc với các phế nang thì không có vòng sụn mà là các thớ cơ.
  • Chức năng: Dẫn không khí vào và ra khỏi phổi; làm sạch, làm ấm và làm ẩm không khí vào phổi; bảo vệ phổi khỏi các tác nhân có hại.

+ Chức năng này được thực hiện tốt nhờ dường dẫn khí có cấu tạo với những đặc điểm phù hợp sau:

  • Toàn bộ đường dẫn khí đều được lót nhẹ bởi niêm mạc và phần lớn có khả năng tiết chất nhày (làm ẩm và làm sạch không khí nhờ kết dính các hạt bụi nhỏ), có nhiều mao mạch (làm ấm không khí).
  • Phần ngoài khoang mũi có nhiều lông, có tác dụng cản các hạt bụi lớn (làm sạch không khí và bảo vệ phổi).
  • Lớp niêm mạc khí quản có các lông rung chuyển động liên tục để quét các bụi bặm dính vào ra phía ngoài.

Hình 20.4 Cấu tạo khí quản

- Hai lá phổi:

+ Cấu tạo:

  • Bao ngoài hai lá phổi là hai lớp màng, lớp ngoài dính với lồng ngực, lớp trong dính với phổi, giữa 2 lớp có chất dịch giúp phổi nở rộng và xốp
  • Đơn vị cấu tạo phổi là các phế nang tập hợp thành từng cụm và được bao bọc bởi mạng mao mạch dày đặc. Có tới 700 - 800 triệu phế nang (túi phổi) cấu tạo nên phổi làm cho diện tích bé mặt trao đổi khí lên tới 70 - 80m2.

Hình 20.5 Cấu tạo phổi

  • Chức năng: trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường ngoài.

2. Bài tập minh họa

Hô hấp có vai trò quan trọng như thế nào với cơ thể sống?

Hướng dẫn giải:

Hô hấp là quá trình không ngừng cung cấp O2 cho tế bào để duy trì mọi hoạt động sống của tế bào và cơ thể và loại CO2 ra khỏi cơ thể.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: So sánh hệ hô hấp của người với hệ hô hấp của thỏ?

Câu 2: Hãy giải thích câu nói "chỉ cần ngưng thở 3 – 5 phút thì máu qua phổi sẽ chẳng có O2 để mà nhận".

Câu 3: Nhờ đâu nhà du hành vũ trụ, người lính cứu hỏa, người thợ lặn có thể hoạt động bình thường trong môi trường thiếu O2 (trong không gian vũ trụ, trong đám cháy, dưới đáy đại dương).

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trong đường dẫn khí của người, khí quản là bộ phận nối liền với

A. Họng và phế quản.

B. Phế quản và mũi.

C. Họng và thanh quản

D. Thanh quản và phế quản.

Câu 2: Trong quá trình hô hấp, con người sử dụng khí gì và loại thải ra khí gì ?

A. Sử dụng khí nitơ và loại thải khí cacbônic

B. Sử dụng khí cacbônic và loại thải khí ôxi

C. Sử dụng khí ôxi và loại thải khí cacbônic

D. Sử dụng khí ôxi và loại thải khí nitơ

Câu 3: Cơ thể người có khoảng bao nhiêu phế nang?

A. 500-600 triệu phế nang

B. 600-700 triệu phế nang

C. 700-800 triệu phế nang

D. 800-900 triệu phế nang

Câu 4: Đơn vị cấu tạo của phổi là:

A. Phế nang

B. Phế quản

C. 2 lá phổi

D. Đường dẫn khí

Câu 5: Loại sụn nào có chức năng đậy kín đường hô hấp khi nuốt thức ăn làm ngăn chặn thức ăn chui vào đường hô hấp?

A. Sụn nhẫn

B. Sụn thanh thiệt

C. Sụn giáp trạng

D. Tất cả các đáp án trên

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bày được khái niệm hô hấp và vai trò hô hấp với cơ thể sống.
  • Xác định được trên hình các cơ quan hô hấp ở người và nêu được chức năng của chúng.
Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM