Tiếng Việt lớp 5 bài 19B: Người công dân số một (tiếp theo)

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết được con đường ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Đồng thời, bài học này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng kể lại một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 19B: Người công dân số một (tiếp theo)

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 10 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát bức tranh sau và cho biết tranh vẽ cảnh gì?

Hướng dẫn giải:

Bức tranh vẽ lại không gian một căn phòng đơn sơ nhưng ngăn nắp, có hai thanh niên (anh Thành và anh Lê) đang trao đổi bàn bạc điều gì đó dưới ngọn đèn dầu, người thanh niên đứng ở cửa (anh Mai) xuất hiện tới thông báo tin tức cho hai người trong phòng.

1.2. Văn bản "Người công dân số một"

Người công dân số Một

(tiếp theo)

Lê: - Phải, chúng ta là con dân nước Việt. Nhưng chúng ta sẽ làm được cái gì nào? cái gì nào? Súng kíp của ta mới bắn được một phát thì sung của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên. Những công dân yếu ớt như anh với tôi thì làm được gì?

Thành: - Tôi muốn đi sang nước họ. Để giành lại non sông, chỉ có hùng tâm tráng khí chưa đủ, phải có trí, có lực… Tôi muốn sang nước họ, xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình…

Lê: - Anh ơi, Phú Lãng Sa ở xa lắm đấy. Tàu biển chạy hàng tháng mới tới nơi. Một suất vé hàng ngàn đồng. Lấy tiền đâu mà đi?

Thành: - Tiền đây chứ đâu? (Xoè hai bàn tay ra) Tôi có anh bạn tên là Mai, quê Hải Phòng. Anh ấy làm bếp dưới tàu La-tút-sơ Tơ-rê-vin. Tôi đang nhờ anh ấy xin cho một chân gì đó….

Lê: - Vất vả lắm. Lại còn say sóng nữa…

(Có tiếng gõ cửa. Anh Mai vào.)

Mai: - (Với anh Lê) Chào ông. (Quay sang anh Thành) Anh Thành ạ, tôi đã xin được cho anh một chân phụ bếp.

Thành: - Cảm ơn anh. Bao giờ phải trình diện?

Mai: - Càng sớm càng tốt. Nhưng đêm nay anh hãy nghĩ kĩ đi đã. Vất vả, khó nhọc lắm đấy. Sóng Biển Đỏ rất dữ dội, có thể chết được. Mà chết thì người ta bỏ vào áo quan, bắn một loạt súng chào, rồi “A-lê hấp!”, cho phăng xuống biển là rồi đời.

Thành: - Tôi nghĩ kĩ lắm rồi. Làm thân nô lệ mà muốn xoá bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi là đầy tớ cho người ta... Đi ngay có được không, anh?

Mai: - Cũng được.

(Thành cho sách vào túi quần áo, khoác lên vai)

Lê: - Này… Còn ngọn đèn hoa kì…

Thành: - Sẽ có một ngòn đèn khác anh ạ. Chào anh nhé! (Cùng Mai đi ra cửa).

Lê: - Ch… ào!

(Tắt đèn)

Theo HÀ VĂN CẦU - VŨ ĐÌNH PHÒNG

1.3. Nội dung chính của văn bản

Cuộc đối thoại tiếp tục, anh Thành muốn đi học hỏi nước Pháp để hiểu và đánh bại lại họ, dù khó khăn đến mấy cũng chấp nhận. Anh Mai xuất hiện, thông báo đã xin được cho anh Thành việc phụ bếp trên tàu của Pháp. Anh Thành theo anh Mai đi. Đây chính là câu chuyện về Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Súng thần công: súng lớn thời xưa, đặt trên bệ cố định hoặc trên giá có bánh xe, có đoạn bằng đá, đồng hoặc gang, hình cầu, được nạp từ miệng nòng; tầm bắn xa khoảng hơn 200 mét.

- Hùng tâm tráng khí: lòng quả cảm và khí phách mạnh mẽ.

- Tàu la-tút-sơ Tơ-rê-vin: một tàu buôn của người Pháp. Trên chiếc tàu này, năm 1911, Bác Hồ rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.

- Biển Đỏ (còn gọi là Hồng Hải) biển thuộc Ấn Độ Dương, nước có sắc đỏ.

- A-lê-hấp (tiếng Pháp): lời thúc giục hành động.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Anh Lê, anh Thành đều là những thanh niên yêu nước, nhưng giữa họ có gì khác nhau?

Hướng dẫn giải:

Năm lời thoại giữa anh Thành và anh Lê mở đầu đoạn kịch cho thấy cả anh Lê và anh Thành đều yêu nước. Anh Lê thấy rất nhiều khó khăn khi tìm đường cứu nước (súng của ta kém địch xa, đi sang nước Pháp rất khó vì ở xa, không có phương tiện, tiền nong đi lại…). Ngược lại anh Thành đầy quyết tâm và luôn sáng tạo (muốn sang Pháp để học cái trí khôn, cách làm ăn của họ về cứu dân mình, dùng hai bàn tay lao động kiếm tiền để sang Pháp…).

Câu 2: Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện qua những lời nói, cử chỉ nào?

Hướng dẫn giải:

Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện:

- Qua lời nói: "Tôi muốn sang nước họ, xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình… Làm thân nô lệ mà muốn xóa bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi làm đầy tớ cho người ta… Đi ngay có được không, anh?".

- Qua cử chỉ: "Xòe hai bàn tay ra để trả lời câu hỏi của anh Lê: Tiền đây chứ đâu?".

- Qua hành động: "Cho sách vào túi quần áo, khoác lên vai và đi ngay cùng anh Mai để nhận việc".

Câu 3: "Người công dân số một" trong đoạn kịch là ai? Vì sao có thể gọi như vậy?

Hướng dẫn giải:

Người công dân số Một trong đoạn kịch là Bác Hồ. Bác là người mong muốn xóa kiếp nô lệ, thành người nông dân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Trong hai đoạn văn mở bài bài văn tả một người thân sau đây, đoạn nào mở bài trực tiếp? Đoạn nào mở bài gián tiếp? Hai đoạn văn có điểm nào giống và khác nhau?

a. Nếu có ai hỏi rằng: “Em yêu ai nhất?” thì không cần suy nghĩ, em có thể trả lời ngay: “Em yêu ai nhất?” thì không cần suy nghĩ, em có thể trả lời ngay: “Em yêu bà nhất”.

b. Đã gần Tết rồi. Năm nay em lại được về quê nội ăn Tết, thật là vui . Em sẽ được đi chơi, được mừng tuổi. Nhưng vui nhất là được về với bà nội, người em yêu quý nhất.

Hướng dẫn giải:

-  Đoạn a là mở bài theo cách trực tiếp: giới thiệu trực tiếp người định tả (là người bà trong gia đình).

- Đoạn b mở bài theo cách gián tiếp giới thiệu hoàn cảnh sau đó mới giới thiệu người định tả (là người bà trong gia đình).

Câu 2: Viết vào vở phần mở bài cho một trong các đề bài dưới đây theo hai cách: mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp.

a. Tả một người thân trong gia đình em.

b. Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn ở gần nhà em.

c. Tả một ca sĩ đang biểu diễn.

d. Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích.

Hướng dẫn giải:

a. Tả một người thân trong gia đình em:

- Mở bài theo kiểu trực tiếp: Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.

- Mở bài theo kiểu gián tiếp: Dạo này thời tiết thường rất chói chang, nắng vô cùng gay gắt, khiến con người ta trở nên mệt lừ. Trở về tới nhà, dường như cái nóng rực lửa của mùa hè đã lùi lại ngay phía sau cánh cửa.Cả một khoảng sân rộng rợp bóng mát bởi cây xanh và dàn hoa thiên lý. Gió thổi vi vu khoan khoái dễ chịu. Em dáo dác nhìn quanh, không thấy bóng dáng quen thuộc ấy đâu. Chạy vào trong nhà, phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ đều không có. Ghế đá ở khoảng sân rợp bóng mát cũng không  thấy đâu. Em vội vàng gọi lớn “bà ơi! Bà ở đâu ạ?”. Có tiếng người đáp từ ngoài vườn vọng lại. Bà nội - người mà em yêu thương nhất cuộc đời này, mỗi lần về quê, việc đầu tiên em làm là tới thăm bà.

b. Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn ở gần nhà em:

- Mở bài trực tiếp: Nếu có ai đó hỏi em rằng: Người bạn thân nhất với em là ai? Em sẽ không ngần ngại mà nói rằng đó chính là Long.

- Mở bài gián tiếp: Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà em đã tròn 10 tuổi. Chỉ mười năm ấy, em đã có rất nhiều người bạn. Nhưng có lẽ thân nhất chính là bạn Long, người bạn đã đi cùng với em từ những ngày còn học mẫu giáo.

c. Tả một ca sĩ đang biểu diễn:

- Mở bài trực tiếp: Đã từ nhiều năm nay rồi, người ca sĩ mà em vô cùng yêu thích là cô Mỹ Tâm. Giọng hát, con người và nhân cách của cô luôn là những điểm khiến em ngưỡng mộ và cố gắng phấn đấu.

- Mở bài gián tiếp: Những câu hát đi vào lòng người của ca sĩ Mỹ Tâm làm lòng tôi thổn thức không thôi. “Lòng tôi không bao ước muốn mặt trời lên lúc ấy cũng sẽ ra đi. Hạnh phúc dẫu thật mong manh lòng bình yên tôi ko tiếc nuối". Em đang ngồi chơi thì chợt nghe thấy một giọng hát trầm ấm, truyền cảm lại rất quen thuộc từ đâu vang lên. Đúng rồi, là ca sĩ Mỹ Tâm. Em nhanh chóng thu dọn đồ chơi và chạy lại bật ti vi lên để coi màn biểu diễn của ca sĩ mà em vô cùng yêu thích.

d. Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích:

- Đoạn mở bài trực tiếp: Bảo Quốc là một nghệ sĩ hài nổi tiếng. Sự xuất hiện của ông trên sân khấu luôn đem lại những tràng cười sảng khoái cho mọi người.

- Đoạn mở bài gián tiếp: Tiếng cười rất có ích đối với sức khỏe con người. Nó làm cho tâm hồn con người trở nên thư thái mà quên đi những mệt nhọc, lo âu. Vì thế mà các nghệ sĩ hài luôn được công chúng mến mộ. Bản thân em cũng như vậy, đối với em thì chú Bảo Quốc là danh hài mà em thích nhất.

Câu 3: Nghe thầy cô kể chuyện Chiếc đồng hồ.

Năm 1954, các cán bộ đang dự hội nghị tổng kết ở Bắc Giang thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp trở về công tác, anh em bàn tán sôi nổi. Nhiều người đề nghị cấp trên chiếu cố nỗi niềm riêng đó và cho được toại nguyện. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có chiều phân tán…

Giữa lúc đó, Bác Hồ đến thăm hội nghị. Các đại biểu ùa ra đón Bác, Bác bước lên diễn đàn, mồ hôi ướt đầm hai bên vai áo nâu… Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi:

- Các cô chú có thấy cái gì đây không?

Mọi người đồng thanh:

- Cái đồng hồ ạ.

- Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì?

- Có những con số ạ.

- Cái kim ngắn, kim dài để làm gì?

- Để chỉ giờ,chỉ phút ạ.

- Cái máy bên trong dùng để làm gì?

- Để điều khiển cái kim chạy ạ.

Bác mỉm cười, hỏi tiếp:

- Thế trong cái đồng hồ này bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ đi một bộ phận có được không?

- Thưa không được ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ chiếc đồng hồ lên cao và kết luận:

- Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các cô chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những thắc mắc riêng tư.

Hướng dẫn giải:

- Khi nghe thầy cô kể chuyện chú ý lắng nghe.

- Ghi chú lại những nội dung quan trọng.

Câu 4: Dựa vào tranh và câu hỏi gợi ý, em kể lại từng đoạn và toàn bộ câu chuyện.

- Tranh 1: Các cán bộ dự hội nghị ở Bắc Giang có nguyện vọng gì?

- Tranh 2: Chuyện gì xảy ra sau đó?

- Tranh 3: Bác Hồ đã nói gì với đại biểu?

- Tranh 4: Sau khi nghe chuyện về chiếc đồng hồ Bác kể, mọi người thế nào?

Hướng dẫn giải:

- Tranh 1: Năm 1954, trong một cuộc họp cán bộ ở Bắc Giang, mọi người nhận được tin Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô, các cán bộ danh dự hội nghị bàn tán sôi nổi. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Không khí của buổi họp cũng vì thế mà bị phân tán.

- Tranh 2: Giữa lúc đó Bác Hồ đến thăm hội nghị. Các đại biểu ùa ra đón Bác.

- Tranh 3: Câu chuyện được kể với diễn biến về những sự việc cụ thể. Khi Bác Hồ nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt. Bác mượn câu chuyện về chiếc đồng hồ để đả thông tư tưởng cán bộ một cách hóm hỉnh. Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm.

- Tranh 4: Câu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự mình đánh tan những thắc mắc riêng tư.

Câu 5: Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện: Câu chuyện khuyên em điều gì?

Hướng dẫn giải:

Mỗi công việc đều quan trọng và đáng quý, cần làm việc theo đúng phân công, không nên so bì hoặc ích kỉ chỉ nghĩ đến việc riêng của mình.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Kể lại cho người thân nghe câu chuyện Chiếc đồng hồ.

Hướng dẫn giải:

Mẹ ơi hôm nay đi học con được nghe cô giáo kể một câu chuyện rất có ý nghĩa về Bác Hồ kính yêu. Câu chuyện có tên là Chiếc đồng hồ. Để con kể lại cho mẹ nghe nhé:

Năm 1954, trong một cuộc họp cán bộ ở Bắc Giang, mọi người nhận được tin Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô, các cán bộ danh dự hội nghị bàn tán sôi nổi. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Không khí của buổi họp cũng vì thế mà bị phân tán.

Giữa lúc đó Bác Hồ đến thăm hội nghị. Các đại biểu ùa ra đón Bác.

Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt. Bác mượn câu chuyện về chiếc đồng hồ để đả thông tư tưởng cán bộ một cách hóm hỉnh. Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm.

Câu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự mình đánh tan những thắc mắc riêng tư.

Mẹ ơi chỉ bằng một chiếc đồng hồ bé nhỏ Bác Hồ đã đả thông được tư tưởng cho các đại biểu trong hội nghị. Đọc câu chuyện này xong con cũng hiểu được một điều thật đáng quý: Mỗi công việc đều quan trọng và đáng quý, cần làm việc theo đúng phân công, không nên so bì hoặc ích kỉ chỉ nghĩ đến việc riêng của mình.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Người công dân số một".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Kể lại được câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM