Lịch Sử 7 Bài 19: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Bài học dưới đây tóm tắt các giai đoạn khởi nghĩa và sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Mời các em cùng đến với bài học dưới đây để tìm hiểu rõ về diễn biến, kết quả cũng như ý nghĩa của các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Thời kì ở miền Tây Thanh Hóa (1418 – 1427)
1.1.1. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa
- Lê Lợi là người có uy tín, yêu nước
- Trước cảnh nước mất, Lê Lợi tổ chức chiêu tập nghĩa sĩ, xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ Lam Sơn.
- Năm 1416, Lê Lợi cùng một số nghĩa quân tổ chức hội thề ở Lũng Nhai.
- Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương.
1.1.2. Những năm đầu hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn
a. Khó khăn:
- Thiếu quân sỹ.
- Thiếu lương thực.
- Nhiều lần bị quân Minh tấn công, bao vây.
+ Năm 1418, Nghĩa quân phải rút lên núi Chí Linh lần 1.
+ Quân Minh huy động quân bắt Lê Lợi, Lê Lai liều chết cứu chủ tướng.
+ Năm 1421, quân Minh mở cuộc càn quét buộc nghĩa quân rút lên núi Chí Linh lần 2, nghĩa quân trải qua nhiều khó khăn.
b. Biện pháp giải quyết
- Năm 1423, Lê Lợi quyết định hoà hoãn với quân Minh .
- Năm 1424 quân Minh trở mặt tấn công → rút lên núi Chí Linh lần 3 → khởi nghĩa chuyển sang giai đoạn mới.
1.2. Giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và tiến quân ra Bắc (1424 - 1426)
1.2.1. Giải phóng Nghệ An (năm 1424)
- Nguyễn Chích đưa kế hoạch chuyển quân vào Nghệ An rồi quay ra đánh Đông Đô.
- Nghĩa quân tiến vào miền Tây Nghệ An.
- Các trận đánh lớn của ta:
+ Ngày 12 – 10 – 1414, tập kích đồn Đa Căng và giành thắng lợi .
+ Hạ thành Trà Lân.
+ Nghi binh, tập kích, tiêu diệt địch ở ải Khả Lưu, Bồ Ải.
+ Giải phóng Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hoá.
1.2.2. Giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá (năm 1425)
- Tháng 8 – 1425, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân chỉ huy quân từ Nghệ An tiến vào đánh tan quân địch ở Tân Bình, Thuận Hóa.
- Trong 10 tháng nghĩa quân giải phóng vùng đất rộng lớn từ Thanh Hoá đến đèo Hải Vân.
- Quân Minh bị bao vây, cô lập.
1.2.3. Tiến quân ra Bắc, mở rộng phạm vị hoạt động (cuối 1426)
- Tháng 9 – 1426, Lê Lợi chia làm 3 đạo quân tiến quân ra Bắc.
+ Đạo thứ nhất tiến quân giải phóng Tây Bắc, ngăn chặn viện binh giặc từ Vân Nam.
+ Đạo thứ hai giải phóng hạ lưu sông Nhị, ngăn chặn đường rút quân của giặc từ Nghệ An về Đông Quan, chặn viện binh từ Quảng Tây sang.
+ Đạo thứ ba tiến thẳng ra Đông Quan.
- Kết quả: nghĩa quân thắng nhiều trận lớn, địch cố thủ trong thành Đông Quan.
→ Cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn phản công.
1.3. Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng (cuối năm 1426 - cuối năm 1427)
1.3.1. Trận Tốt Động – Chúc Động (cuối năm 1426)
a. Hoàn cảnh:
- Tháng 10 -1426, viện binh giặc do Vương Thông chỉ huy đến Đông Quan.
- Vương Thông quyết định mở cuộc phản công đánh vào Cao Bộ.
b. Diễn biến:
- Tháng 11-1426, đạo quân của Vương Thông tiến về Cao Bộ.
- Quân ta bố trí mai phục ở Tốt Động và Chúc Động.
- Khi quân Minh lọt vào trận địa, quân ta xông ra từ mọi phía tấn công quân địch.
c. Kết quả:
5 vạn tên địch bị tiêu diệt, 1 vạn tên bị bắt sống, Vương Thông chạy về Đông Quan.
d. Ý nghĩa lịch sử:
- Làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.
- Đập tan kế hoạch tấn công của Vương Thông, làm thất bại bước đầu âm mưu của chúng.
- Tạo điều kiện vây hãm Đông Quan, giải phóng nhiều châu Huyện.
1.3.2. Trận Chi Lăng - Xương Giang (tháng 10- 1427)
a. Kế hoạch của địch:
Đưa 15 vạn viện binh từ Trung Quốc sang chia làm 2 đạo:
- Đạo thứ nhất: do Liễu Thăng chỉ huy tiến vào theo hướng Lạng Sơn.
- Đạo thứ hai: do Mộc Thạnh chỉ huy từ Vân Nam tiên vào theo hướng Hà Giang.
b. Chủ trương của ta:
Tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân của Liễu Thăng trước.
c. Diễn biến:
- 8/10/ 1427 Liễu Thăng xuất quân, bị phục kích, bị giết ở Chi Lăng.
- Lương Minh lên thay bị phục kích ở Cần Trạm.
- Thôi Tụ cùng 5 vạn quân bị tiêu diệt và bị bắt sống tại Xương Giang.
- Mộc Thạnh rút chạy về nước.
d. Kết quả:
- Liễu Thăng và Lương Minh bị tử trận, hàng vạn tên địch bị giết.
- Cánh quân Mộc Tạnh chỉ huy vội rút chạy về nước.
- Vương Thông xin hòa, mở hội thề Đông Quan rút quân về nước.
→ Khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn .
1.3.3. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử:
a. Nguyên nhân thắng lợi:
- Nhân dân ta có tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, đoàn kết chiến đấu.
- Cuộc khởi nghĩa được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
- Sự lãnh đạo tài tình của bộ tham mưu, đứng đầu là Lê Lợi và Nguyễn Trãi với đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo.
- Biết dựa vào nhân dân để phát triển từ cuộc khởi nghĩa thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
b. Ý nghĩa lịch sử:
- Kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh.
- Mở ra thời kỳ phát triển mới của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam – thời Lê sơ.
2. Luyện tập
Câu 1: Vì sao hào kiệt khắp nơi tìm về Lam Sơn?
Gợi ý trả lời
Nhiều năm nay, nhân dân ta phải sống trong cảnh tù đày, chịu sực bóc lột nặng nề của quân Minh. Nhiều người dân yêu nước mong muốn đứng dậy để lật đổ ách thống trị tàn bạo đó. Cũng đã có những cuộc khởi nghĩa bùng phát tuy nhiên đều thất bại. Lòng yêu nước vẫn hừng hực, nhiều người vẫn cam chịu để chờ cơ hội phục thù. Lúc bấy giờ, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, hào kiệt tứ phương biết tin đã kéo đến hưởng ứng, tụ họp về Lam Sơn để cùng Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh.
Câu 2: Tại sao Lê Lợi đề nghị tạm hòa với quân Minh?
Gợi ý trả lời
Trong tình thế so sánh lực lượng giữa ta và địch: Lực lượng ta còn ít và yếu, quân Minh đang mạnh và làm chủ cả nước, nghĩa quân đã phải trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ. Đã ba lần nghĩa quân phải rút lui lên núi Chí Linh, cố gắng để bảo toàn lực lượng. Trước những khó khăn về lương thực, cảnh đói rét, để có thời gian củng cố lực lượng, Lê Lợi đã đề nghị tạm hòa với quân Minh vào mùa hè năm 1423.
Câu 3: Em có nhận xét gì về kế hoạch của Nguyễn Chích?
Gợi ý trả lời
- Trước tình hình quân Minh tấn công nghĩa quân, Nguyễn Chích đề nghị tam rời rừng núi Thanh Hóa, chuyển quân vào Nghệ An.
- Với kế hoạch này, Nguyễn Chích đã có những nhận định đúng đắn khi về vị trí vùng đất từ Nghệ An trở vào Nam. Bởi đây là vùng đất rộng lớn, lực lượng quân Minh ít, nhân dân đều mong muốn tham gia khởi nghĩa.
- Với kế hoạch chuyển hướng tấn công vào Nghệ An, chỉ trong khoảng một thời gian, nghĩa quân đã giải phóng được Nghệ An, Thanh Hóa.
Câu 4: Em biết gì về bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi?
Gợi ý trả lời
- Hoàn cảnh ra đời: Đất nước hoàn toàn giải phóng, quân Minh đã bị đánh bại.
- Nội dung: Tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc từ những ngày gian lao ở núi Chí Linh đến các chiến thắng lẫy lừng Tốt Động – Chúc Động, Chi Lăn g – Xương Giang.
- Ý nghĩa: nêu bật ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, toát lên niềm tự hào dân tộc sâu sắc, chủ nghĩa yêu nước và nhân đạo sáng ngời.
3. Kết luận
Kết thúc bài học, các em cần ghi nhớ các ý chính sau:
- Thời kì khởi nghĩa ở miền Tây Thanh Hóa
- Cuộc giải phóng các tỉnh Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và tiến quân ra Bắc
- Kết quả và ý nghĩa lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn
Tham khảo thêm
- doc Lịch Sử 7 Bài 18: Cuộc kháng chiến của nhà Hồ và phong trào khởi nghĩa chống quân Minh đầu thế kỉ XV
- doc Lịch Sử 7 Bài 20: Nước Đại Việt thời Lê Sơ
- doc Lịch Sử 7 Bài 21: Ôn tập chương IV