GDCD 9 Bài 18: Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật

Bài học giúp học sinh hiểu thế nào là sống có đạo đức và tuân theo pháp luật; mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật; trách nhiệm của học sinh và ý nghĩa của việc sống có đạo đức và tuân theo pháp luật. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 9. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 9 Bài 18: Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

Nguyễn Hải Thoại - Một tấm gương về sống có đạo đức và làm việc theo pháp luật

- Sống có đạo đức: Anh luôn tâm niệm phải có cái tâm, anh luôn chăm lo về v/c và tinh thần cho mọi người, sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở; luôn quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hoá, mở rộng sản xuất, nâng cao uy tín của đơn vị, công ty.

- Tuân theo pháp luật: Mở rộng sản xuất theo qui định của pháp luật ; giáo dục mọi người ý thức pháp luật và kỉ luật lao động ; Thực hiện qui định nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội; Luôn phản đối, đấu tranh những hiện tượng làm ăn phi pháp, tiêu cực (tham nhũng, trốn lậu thuế, đánh cắp, đánh cháo nguyên vật liệu trong xây dựng).

- Động cơ thôi thúc anh có suy nghĩ và hành động sáng tạo để phát triển Tổng công ty Xây dựng Thăng Long : Anh muốn tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của công nhân; xây dựng công ty ngang tầm với sự nghiệp đổi mới của đất nước.

- Động cơ đó biểu hiện phẩm chất : Sống có đạo đức và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật

- Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật như anh Nguyễn Hải Thoại đã đem lại: Có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, làm cho xã hội ngày càng văn minh, giàu mạnh.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Sống có đạo đức là suy nghĩ, hành động theo những chuẩn mực đạo đức xã hội; biết chăm lo đến mọi người, đến công việc chung; biết giải quyết hợp lí giữa quyền lợi và nghĩa vụ; lấy lợi ích của xã hội, của dân tộc làm mục tiêu sống và kiên trì hoạt động để thực hiện mục tiêu đó.

- Tuân theo pháp luật là luôn sống và hành động theo những qui định của pháp luật .

- Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật: Đạo đức là những phẩm chất bền vững của mỗi cá nhân, là động lực điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi người, trong đó có hành vi pháp luật...

- Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật là một điều kiện, một yếu tố giúp mỗi người tiến bộ không ngừng và được mọi người kính trọng.

b. Trách nhiệm của học sinh

Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá hành vi của bản thân trong việc sống có đạo đức và tự giác tuân theo pháp luật

c. Ý nghĩa

Sống và làm việc có đạo đức và tuân theo pháp luật sẽ có lợi: Là trung tâm đoàn kết, phát huy được sức mạnh, trí tuệ của mọi người, đem lại lợi ích cho tập thể trong đó có lợi ích cá nhân để góp phần xây dựng đất nước.

2. Luyện tập

Câu 1: Hãy nêu ví dụ và phân tích nhận định: Sống có đạo đức và tuân theo pháp luật là điều kiện để phát triển của mỗi cá nhân và xã hội.

Gợi ý trả lời

Học sinh có thể lấy ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu 2: Trong những hành vi sau đây, hành vi nào biểu hiện là người có đạo đức, hành vi nào thể hiện biết tuân theo pháp luật?

a) Chăm sóc ông bà lúc ốm đau;

b) Làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ;

c) Giúp em học tập ở nhà;

d) Tham gia tích cực các công việc của lớp;

đ) Rủ nhau đến thăm hỏi thầy cô giáo cũ nhân ngày 20 tháng 11;

e) Tham gia hiến máu nhân đạo;

g) Không đua xe máy;

h) Không tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma tuý;

i) Tham gia giữ gìn các di sản văn hoá;

k) Không vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều;

l) Giúp các nhà chức trách ngăn chặn các hành vi phạm pháp.

Gợi ý trả lời

- Hành vi biểu hiện là người có đạo đức: (a), (b), (c), (d), (đ), (e).

- Hành vi biểu hiện là người tuân theo pháp luật: (g), (h), (i), (k), (l)

Câu 3: Vì sao có một số người cố tình làm những việc dù biết rằng việc đó là vi phạm pháp luật? (Ví dụ: làm hàng giả, buôn bán vận chuyến ma tuý,...).

Gợi ý trả lời

- Vì họ là những người tham lam, hám lợi, nóng vội muốn làm giàu nhanh chóng.

- Những người đó chỉ biết nghĩ cho lợi ích của bản thân mà bất chấp thủ đoạn và tính mạng của con người để đạt được mục đích của mình.

- Dù biết hành động của mình là sai trái và vi phạm pháp luật song trước món lợi khổng lồ họ bất chấp và gạt đi mọi đạo đức và lương tâm của mình.

Câu 4: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt một số thanh niên đua xe trái phép vào ngày mồng một Tết năm Quý Mùi (2003).

Theo em, hành vi của số thanh niên trên đã vi phạm chuẩn mực đạo đức hay vi phạm quy định của pháp luật? Vì sao?

Gợi ý trả lời

- Hành vi trên vi phạm quy định của pháp luật: Đua xe trái phép.

- Nó ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức: Coi thường tính mạng của người khác, gây mất trật tự công cộng, dẫn tới ẩu đả.

Câu 5: Trên đường đi học về, Thanh và Hà gặp một phụ nữ đang bị công an rượt đuổi. Chị ta dúi vào tay Thanh một gói hàng và nói nhỏ: “Giấu giúp chị, tí nữa chị xin lại và hậu tạ các em. Số điện thoại của chị đây.

- Nếu là Thanh và Hà, em sẽ xử lí tình huống trên như thế nào? Vì sao?

- Em có nhận xét gì về việc làm của người phụ nữ trong tình huống trên?

Gợi ý trả lời

- Nếu là Thanh và Hà, em sẽ kiên quyết từ chối không nhận gói hàng của người phụ nữ.

- Bởi em biết, chỉ có hàng cấm và phạm pháp mới bị công an truy đuổi.

- Em sẽ báo lại tình huống trên với các chú công an để có biện pháp xử lí người phụ nữ đó.

- Người phụ nữ đã buôn bán hàng quốc cấm vi phạm pháp luật, cần bị pháp luật xử lí nghiêm minh.

Câu 6: Bản thân em và tập thể lớp còn có những biểu hiện nào chưa tốt so với yêu cầu giáo dục đạo đức và pháp luật? Hãy đề ra biện pháp khắc phục những thiếu sót đó.

Gợi ý trả lời

- Những biểu hiện chưa tốt về đạo đức:

+ Chưa chăm chỉ học tập, rèn luyện.

+ Còn lười nhác và ỷ lại.

+ Không phấn đấu và phát triển bản thân.

+ Còn trao đổi khi làm bài kiểm tra, nhắc bài cho bạn khi cô giáo kiểm tra miệng, đôi khi không làm bài tập về nhà.

+ Còn chưa ngoan, chưa nghe lời ông bà, cha mẹ.

- Những biểu hiện chưa tốt về pháp luật:

+ Đi xe đạp hàng ba, đi xe còn lạng lách đánh võng, chở ba người...

+ Chưa đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi ngồi sau xe máy; xe đạp điện.

- Biện pháp khắc phục:

+ Tự kiểm điểm một cách nghiêm túc những sai phạm của bản thân.

+ Chăm chỉ học tập, rèn luyện, khiêm tốn và cầu thị trong mọi tình huống.

+ Phải thẳng thắn, chân thành góp ý kiến khi bạn mắc khuyết điểm.

+ Nắm vững và thực hành đúng luật.

3. Kết luận

Bài học giúp học sinh hiểu được thế nào là sống có đạo đức và tuân theo pháp luật; mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật; trách nhiệm của học sinh và ý nghĩa của việc sống có đạo đức và tuân theo pháp luật. Qua đó các em rèn luyện để trở thành người sống có đạo đức và tuân thủ pháp luật.

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM