GDCD 6 Bài 18: Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín
Bài học dưới đây giúp các em hiểu được quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Đó là cuộc sống riêng tư mà mỗi người xung quanh nên tôn trọng lẫn nhau.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Tình huống
- Phượng không được đọc thư của Hiền vì đó không phải là thư gửi cho Phượng, dù Hiền là bạn thân nhưng nếu không được sự đồng ý của Hiền thì Phượng không được đọc.
- Giải pháp đó là không chấp nhận được bởi vì như vậy là lừa dối bạn, là vi phạm quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại điện tín.
- Nếu là Loan em nên giải thích để Phượng hiểu, ko được đọc thư của bạn khi chưa được bạn đồng ý. Nếu cố tình đọc là vi phạm quyền được đảm bảo thư tín.
⇒ Ý nghĩa: Mỗi người đều có phần riêng tư, cá nhân, chúng ta cần tôn trọng quyền riêng tư của họ.
1.2. Nội dung bài học
a. Nội dung quyền đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín
- Là một trong những quyền cơ bản của công dân và được qui định trong Hiến pháp của Nhà nước ta. (Điều 73, Hiến pháp 1992).
- Quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín, của công dân nghĩa là: Không ai được chiếm đoạt hoặc tự ý mở thư tín, điện tín của người khác, không được nghe trộm điện thoại.
b. Trách nhiệm của công dân:
- Có ý thức tôn trọng bí mật, an toàn, thư tín, điện thoại, điện tín.
- Không được xâm phạm, chiếm đoạt thư tín, điện thoại, điện tín.
- Phê phán, ngăn chặn, tố cáo những hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín.
2. Luyện tập
Câu a. Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân là thế nào ?
Gợi ý trả lời:
- Quyền được bảo đảm đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp nước ta (Điều 73, Hiến pháp 1992).
- Quyền được bảo đảm đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân có nghĩa là không ai được chiếm đoạt hoặc tự ý mở thư tín, điện tín của người khác, không được nghe trộm điện thoại.
Câu b. Theo em, những hành vi như thế nào là vi phạm pháp luật về bí mật thư tín và an toàn thư tín, điện thoại, điện tín ?
Gợi ý trả lời:
- Bóc và đọc trộm thư của người khác;
- Nghe trộm điện thoại của người khác;
- Bố mẹ bóc thư, nghe trộm điện thoại của con;
- Cô giáo kiểm tra thư của học sinh.
- Giấu thư của bạn.
Câu c. Người vi phạm pháp luật về an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín sẽ bị pháp luật xử lí như thế nào ?
Gợi ý trả lời:
Bị phạt cảnh cáo, bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ 1 năm.
Câu d. Để thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín, em phải làm gì khi gặp những trường hợp sau :
- Nhặt được thư cửa người khác ?
- Nhìn thấy bạn lấy trộm thư hoặc nghe trộm điện thoại của người khác ?
- Bố, mẹ hoặc anh, chị xem thư của em mà không hỏi ý kiến của em ?
Gợi ý trả lời:
- Nếu gặp phải tình huống này, em sẽ tìm gặp người mất thư để trả lại. Nếu không tìm được em sẽ giao lại cho bưu điện hoặc cơ quan công an gần đó.
- Em sẽ giải thích cho bạn hiểu về việc làm đó là vi phạm pháp luật và khuyên bạn nên trả lại thư cho người đó.
- Em sẽ nói với bố mẹ, anh chị và nhắc nhở mọi người đó là hành vi vi phạm bí mật thư tín của người khác. Kể cả người thân cũng không được đọc thư của em nếu em chưa đồng ý.
3. Kết luận
Kết thúc bài học này, các em cần nắm nội dung cơ bản sau:
- Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.
- Có ý thức tôn trọng bí mật an toàn thư tín của bản thân và mọi người xung quanh.
Tham khảo thêm
- doc GDCD 6 Bài 12: Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em
- doc GDCD 6 Bài 13: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- doc GDCD 6 Bài 14: Thực hiện trật tự an toàn giao thông
- doc GDCD 6 Bài 15: Quyền và nghĩa vụ học tập
- doc GDCD 6 Bài 16: Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm
- doc GDCD 6 Bài 17: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở